Cần một “thỏa thuận hậu COVID"

CHIÊU VĂN 20/07/2020 20:07 GMT+7

TTCT - Khi các chính quyền khắp thế giới tiếp tục vật lộn với tác động kinh tế và y tế của đại dịch COVID-19, một vấn đề then chốt với những nền kinh tế đang phát triển là tìm ra cách thức hiệu quả hỗ trợ lĩnh vực kinh tế phi chính thức và người lao động thuộc lĩnh vực này. Ở Việt Nam, con số là 38,1 triệu người.

Căn nhà nhỏ chưa đầy 4m2, ở một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) của ông Phạm Duy Đức - 68 tuổi, trụ cột gia đình với nghề xe ôm. Tháng giãn cách xã hội do dịch bệnh, đã không có việc, bệnh tim của ông lại tái phát. Ghé vai đỡ lấy gánh nặng của chồng, bà Kha Tú Ngọc để đứa cháu ngoại ở nhà chăm ông, còn mình đi phụ việc trong tiệm bánh mì. Bà kể: “80.000 đồng/ngày công, thôi thì giật gấu vá vai cũng đủ lo cơm nước và mua thuốc cầm chừng…”. Ảnh: Tự Trung
Căn nhà nhỏ chưa đầy 4m2, ở một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) của ông Phạm Duy Đức - 68 tuổi, trụ cột gia đình với nghề xe ôm. Tháng giãn cách xã hội do dịch bệnh, đã không có việc, bệnh tim của ông lại tái phát. Ghé vai đỡ lấy gánh nặng của chồng, bà Kha Tú Ngọc để đứa cháu ngoại ở nhà chăm ông, còn mình đi phụ việc trong tiệm bánh mì. Bà kể: “80.000 đồng/ngày công, thôi thì giật gấu vá vai cũng đủ lo cơm nước và mua thuốc cầm chừng…”. Ảnh: Tự Trung

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây kêu gọi “một thỏa thuận mới” nhằm bảo vệ lĩnh vực lâu nay vẫn bị phân biệt đối xử, nhưng là thiết yếu với nền kinh tế này. Người lao động không chính thức làm những công việc không có đăng ký với nhà nước, không có thỏa thuận chính thức, và không phúc lợi xã hội. 

Dù thường vẫn đóng góp vào cơ sở thuế qua nhiều hình thức khác nhau, họ ít khi được hưởng các lợi ích an sinh tối thiểu và quyền cơ bản với người lao động.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 2 tỉ lao động không chính thức trên toàn cầu, với tỉ lệ rất lớn ở các nước thu nhập thấp (tỉ lệ ở các nước thu nhập cao, trung bình, và thấp lần lượt là 18%, 67%, và 90%). 8/10 các cơ sở kinh doanh trên toàn cầu cũng là phi chính thức, tuyệt đại đa số là hộ kinh doanh nhỏ ở quy mô gia đình.

Ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, người lao động phi chính thức vốn đã thường xuyên phải đối mặt rủi ro. Đại dịch làm trầm trọng thêm sự dễ tổn thương đó. Nơi làm việc cơ bản của họ - các khu chợ tự phát, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, quán ăn vỉa hè… - bị đóng cửa thời gian dài ở nhiều nơi trên thế giới. Báo cáo công bố đầu tháng 5 của ILO cho biết có tới 1,6 tỉ người lao động không chính thức bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi các biện pháp giãn cách xã hội vì đại dịch.

Các gói cứu trợ và kích thích kinh tế từ chính phủ cũng khó tới được đối tượng này hơn. Hậu quả, theo ILO, là tỉ lệ người nghèo tương đối trong lĩnh vực này sẽ tăng 56% ở các nước thu nhập thấp sau đại dịch. ILO cảnh báo tình hình đang buộc nhiều người phải đưa ra những quyết định tuyệt vọng, “giữa chết vì đói và chết vì virus”.

Riêng với Việt Nam, báo cáo “COVID-19 và thị trường lao động Việt Nam” của ILO công bố ngày 21-4-2020 ước tính có khoảng 25,8 triệu lao động làm việc trong những lĩnh vực rủi ro ở mức trung bình hoặc cao sẽ suy giảm sản lượng, bao gồm du lịch, lưu trú, ăn uống, và sản xuất chế tạo.

Các ngành gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may, lắp ráp xe hơi, sản xuất đồ nội thất… dự kiến cũng sẽ giảm mạnh hoạt động và công suất do hoãn, hủy các đơn hàng trên thị trường quốc tế. Ước tính sẽ có 4,6-10,3 triệu lao động ở Việt Nam chịu các mức độ ảnh hưởng khác nhau, từ giảm giờ làm, giảm lương, tới mất việc.

Báo cáo nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng sẽ tác động đặc biệt nghiêm trọng lên người lao động ở lĩnh vực phi chính thức. Nền kinh tế phi chính thức đóng góp rất lớn cho sinh kế của người Việt Nam. Trong thập niên vừa qua, dù lao động trong lĩnh vực phi chính thức có xu hướng giảm, nó vẫn chiếm phần rất lớn lực lượng lao động trong nước.

Những người lao động này thiếu các phúc lợi cơ bản thường đi kèm công việc chính thức, bao gồm bảo hiểm xã hội. Nếu họ không thể làm việc do suy giảm kinh tế, đau yếu, hay phải cách ly, họ không có nguồn thu nhập đảm bảo nào khác. Hàng triệu lao động không chính thức ở Việt Nam không được tiếp cận với các phúc lợi y tế”.

Theo ILO, năm 2019, khoảng 38,1 triệu lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực phi chính thức và 13 triệu trong số đó là ở những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. ■

"Tình hình đang buộc nhiều người phải đưa ra những quyết định tuyệt vọng: giữa chết vì đói và chết vì virus”. (Cảnh báo của ILO)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận