Cần làm rõ những góc khuất của ngành điện

NGỌC ẨN 23/05/2019 21:05 GMT+7

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Nguyễn Minh Duệ - chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) - cho rằng tính minh bạch, công khai của ngành điện vẫn chưa được tuân thủ và sòng phẳng với người tiêu dùng.

Ông Duệ nhìn nhận việc ngành điện đã đưa ra những lý do hợp lý để lý giải nguyên nhân khiến tiền điện tăng mạnh sau khi điều chỉnh giá điện từ thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn tới sản lượng tiêu thụ tăng và cách tính tiền điện cho hộ sinh hoạt theo phương pháp lũy tiến...

Ảnh: Picfair
Ảnh: Picfair

Ông cho rằng những giải thích trên là hợp lý, nhưng tại sao vẫn không thể thuyết phục được người dân?

- Theo dõi ngành điện trong nhiều năm, tôi thấy ngành điện chưa bao giờ công bố giá bán bình quân đối với từng đối tượng khách hàng. Hiện nay, ngành điện tính toán giá điện cho từng đối tượng khác nhau gồm hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hành chính sự nghiệp, khách hàng sinh hoạt... Nhưng việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mới được công bố một con số chung, vừa rồi là 8,36% (từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT). Trong khi đó, giá bán lẻ bình quân của từng đối tượng khách hàng không được ngành điện công bố. Biết đâu nhóm điện sinh hoạt tăng cao nhất trong các đối tượng khách hàng, đó là chỗ chưa rõ ràng. Người dân cần biết rõ mức tăng cụ thể tác động đến mình thế nào để tính toán sử dụng điện cho phù hợp.

Với những hộ sản xuất hay kinh doanh, khi giá điện tăng, họ có thể điều chỉnh giá bán sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Nhưng với người dân là hộ sinh hoạt thì khó làm được chuyện này, họ cam tâm tăng bao nhiêu trả bấy nhiêu, chỉ có thể cố gắng tiết kiệm bằng cách giảm tiêu dùng điện. Cuối cùng, người dân vẫn thiệt thòi nhất khi tăng giá điện, do hàng hóa và dịch vụ tăng lên cũng chính họ phải trả.

Điện là ngành có tác động rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, bởi vậy nếu không có đánh giá tác động kỹ lưỡng, thông tin đầy đủ, minh bạch về những thông số đầu vào, tác động đến từng đối tượng khách hàng thì những bức xúc sẽ còn.

Bộ Công thương cũng thừa nhận biểu giá điện lũy tiến có những bất cập và tính tới việc sửa cho phù hợp nhu cầu sử dụng điện. Quan điểm của ông thế nào?

- Phương pháp tính giá điện sinh hoạt từng được đưa ra lấy ý kiến. Có ý kiến là chỉ sử dụng một mức giá (đồng giá), tức là dùng ít hay nhiều đều cùng một giá. Nhưng đây là cách tính không phù hợp, đặc biệt không có lợi cho người nghèo sử dụng ít.

Cách thứ hai là tính theo bậc thang, tức dùng càng nhiều càng phải chi trả nhiều, đã được nhiều nước áp dụng. Nhưng nhiều nước chỉ dùng 3-4 bậc, trong khi Việt Nam dùng tới 6 bậc. Điều này tạo ra sự phức tạp trong tính toán và gây hồ nghi nếu không làm rõ cơ sở khoa học về tính hợp lý của từng bậc thang. Khi có nhiều bậc thì cách tính toán chi tiết, rõ ràng lên giá liệu có chính xác và minh bạch hay không, có phù hợp từng đối tượng sử dụng đều cần các nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng... để đưa ra biểu giá phù hợp.

Đặc biệt, trong biểu giá điện hiện nay khoảng cách giữa các bậc 2, 3 và 4 rất lớn, trong khi số người dùng ngày càng tăng. Do đó, nếu tiếp tục theo biểu giá điện cũ sẽ không còn phù hợp. Tuy nhiên, khi tính toán biểu giá bậc thang mới cần chú ý nguyên tắc là giá điện bình quân của hộ sinh hoạt phải có tính dự đoán được. Tức là dù thiết kế bao nhiêu bậc vẫn phải đảm bảo tổng thể các bậc ấy, đưa ra mức giá bình quân chung và nằm trong khung giá bình quân, chứ không được vượt mức giá đã công bố.

Đây là vấn đề đòi hỏi Bộ Công thương và ngành điện phải tính toán cặn kẽ, công khai thực tế giá bán điện bình quân cho từng đối tượng khách hàng hiện nay.

Trong công thức tính giá điện hiện nay đưa lợi nhuận định mức cố định của EVN là 3%, theo ông có hợp lý?

- Việc tính toán lợi nhuận định mức phù hợp là để đảm bảo ngành điện có lãi, từ đó có nguồn cho đầu tư. Song vấn đề này cũng phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và yêu cầu ngành điện phải thông tin đầy đủ hơn về hiệu quả đầu tư. Từ xưa đến nay, ngành điện chưa có công bố cụ thể nào về toàn bộ chi phí sản xuất trong hệ thống cho 1kWh điện, chưa minh bạch các thông số đầu vào, không trả lời được về giá thành bình quân của toàn bộ hệ thống điện.

Giá thành sản xuất sẽ là căn cứ để xác định giá bán. Mặc dù hằng năm Bộ Công thương và EVN có công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, nhưng có đảm bảo độ chính xác hay không thì phải có kiểm tra, kiểm toán độc lập từng báo cáo tài chính, số liệu cụ thể trong từng năm đầu tư tài chính của ngành điện.

Ông nhìn nhận thế nào về hiệu quả đầu tư ngành điện?

- Tôi chưa có đủ thông tin để đánh giá đầy đủ về hiệu quả đầu tư của ngành điện. Ngành điện luôn hô hào giảm chi phí, tối ưu đầu tư, sản xuất của hệ thống điện nhưng hiệu quả đến đâu, giảm được bao nhiêu chi phí thì chưa rõ.

Hiện nay, thị trường điện cạnh tranh đã hình thành, nhưng hiệu quả vận hành thị trường phát điện cạnh tranh tác động thế nào đến hiệu quả đầu tư chung của ngành, giúp làm giảm giá thành sản xuất kinh doanh điện ra sao vẫn chưa rõ ràng. Cơ quan quản lý là Bộ Công thương hằng năm vẫn có tổng kết thị trường điện, nhưng việc đưa các nhà máy phát điện vào thị trường như vậy có làm giảm được bao nhiêu giá thành thì đến nay vẫn không công bố.

Cũng có những thời điểm cơ cấu sản lượng phát điện của Việt Nam được huy động rất nhiều từ nguồn thủy điện - nguồn có giá rẻ hơn so với nguồn nhiệt điện than, khí và năng lượng tái tạo. Với giá thành sản xuất điện rẻ như vậy, tại sao những năm đó ngành điện và Nhà nước lại không giảm giá điện? Ngành điện nói đến câu chuyện lỗ tỉ giá, nhưng thực sự khoản lỗ này dù được giải trình vẫn thiếu sự thuyết phục. Tại sao lỗ, lỗ từ những dự án nào, nguyên nhân chủ quan, khách quan ra sao... ngành điện đã phân tích được thấu đáo chưa?

Không phủ nhận ngành điện có ưu điểm đi trước một bước, phát triển nguồn và lưới đáp ứng yêu cầu phụ tải tăng lên. Nhưng minh bạch về tài chính phải làm rõ bởi ngành điện đạt được các thành tựu đó là do sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước, vì đây là vốn Nhà nước. Thậm chí ngành điện hiện nay vay vốn còn nợ rất nhiều để đáp ứng và xây dựng nhà máy, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh ra sao vẫn chưa được giải thích.

Ông Nguyễn Minh Duệ
Ông Nguyễn Minh Duệ

Như ông nói, ngành điện đã đưa vào vận hành thị trường điện cạnh tranh, liệu rằng có phá được thế độc quyền của EVN?

- Ngành điện chỉ nói năm nay có bao nhiêu nhà máy đưa vào cạnh tranh, còn kết quả cạnh tranh thế nào, giảm giá thành ra sao không nói được. Với bán buôn và bán lẻ cạnh tranh, tôi cho rằng sẽ còn lâu dài và còn nhiều mắc mứu, chưa rõ ràng để thực hiện được như kỳ vọng. Theo Luật điện lực, các công ty tham gia thị trường không được điều khiển thị trường, mà phải là cơ quan độc lập điều hành. Thế nhưng hiện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn trực thuộc EVN. Như vậy việc huy động nguồn điện khó đảm bảo tính cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch.

Trước hết, cần nhanh chóng tách cơ quan điều độ ra khỏi EVN. Thị trường điện cạnh tranh muốn phát triển tốt thì phải minh bạch và xây dựng được cơ quan điều hành thị trường theo Luật điện lực. Cơ quan điều hành là cơ quan không thuộc ai tham gia thị trường. Đó là vấn đề do Bộ Công thương và Chính phủ quyết định, để như hiện nay thì rất khó xóa được độc quyền. ■

Dấu hỏi hiệu quả đầu tư ngành điện!

Bức tranh tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được cập nhật hằng năm, mà chỉ vài số liệu được thông tin từ các cuộc họp tổng kết, đánh giá hoạt động của tập đoàn.

Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của EVN cho biết doanh thu toàn tập đoàn là 340.500 tỉ đồng (riêng doanh thu từ bán điện là 333.000 tỉ đồng, chiếm gần 98%).

Nhưng những con số được mong chờ nhất là khoản lỗ/lãi trong đầu tư, mức giá bán điện bình quân cho khách hàng lại không được công bố cụ thể. EVN chỉ cho biết: “Lợi nhuận công ty mẹ EVN vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch”.

Điện, xăng dầu là những mặt hàng thuộc diện phải “công khai minh bạch” trong hoạt động quản lý của ngành công thương, với các thông tin có thể tìm thấy trên trang web chính thức của Bộ Công thương và Cổng thông tin doanh nghiệp (thuộc Bộ KH-ĐT). Tuy nhiên, các dữ liệu đều khá cũ. Bức tranh đầy đủ về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của ngành điện vẫn đầy những dấu hỏi lớn.

Năm 2013, trong một báo cáo được Thanh tra Chính phủ công bố, đến hết năm 2011 EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 77.000 tỉ đồng. Khoản lỗ mà tập đoàn này phải gánh từ hoạt động đầu tư lên tới 2.195 tỉ đồng, trong đó có nhiều lĩnh vực rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, chứng khoán.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030 Việt Nam dự kiến cần tới 150 tỉ USD đầu tư cho ngành điện. Trong đó EVN được xác định giữ vai trò quan trọng, đảm nhiệm khoảng 30% tổng yêu cầu đầu tư của ngành điện đến năm 2030. Đây là áp lực lớn với ngành điện. WB cho rằng giá điện của Việt Nam ở mức thấp là nguyên nhân khiến mức độ an toàn tài chính của EVN bị đe dọa và không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện.

Trên thực tế, người dân không phản đối việc tăng giá điện nếu giá bán lẻ hiện nay thấp hơn giá thành sản xuất. Vấn đề của ngành điện là sự minh bạch trong hiệu quả đầu tư và chừng nào chưa có câu trả lời thuyết phục, thỏa đáng về sự minh bạch trong hoạt động thì chừng đó việc tăng giá điện vẫn sẽ còn những hoài nghi và bức xúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận