01/07/2022 17:57 GMT+7

Xóa trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91: Cần 1.879 tỉ đồng từ ngân sách

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.879 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư, xóa trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91.

Xóa trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91: Cần 1.879 tỉ đồng từ ngân sách - Ảnh 1.

Trạm thu phí T2 dự án BOT quốc lộ 91 bị tài xế, người dân phản ứng nên phải dừng thu phí từ ngày 25-5-2019 đến nay - Ảnh: CHÍ HẠNH

Kiến nghị được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 qua Cần Thơ và An Giang.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14 đến km50+889 trên địa phận TP Cần Thơ và An Giang được nhà đầu tư (liên danh Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO) thực hiện.

Sau khi cải tạo, nâng cấp khoảng 30km từ nền đường rộng 6 - 7m lên 12m với tổng mức đầu tư khoảng 1.588 tỉ đồng, từ tháng 4-2016 dự án hoàn thành và nhà đầu tư được thu phí tại trạm T1 (km16+905 quốc lộ 91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí khoảng 15 năm, 9 tháng, 25 ngày.

Đến năm 2015, dự án BOT quốc lộ 91 được bổ sung đầu tư hạng mục mở rộng và tăng cường nền, mặt đường 15,79km quốc 91B đoạn km0 đến km15+793 với tổng mức đầu tư khoảng 2.033 tỉ đồng. Hạng mục này hoàn thành, khai thác từ tháng 12-2016 và bổ sung trạm thu phí T2 tại km 50+050 quốc lộ 91 để thu phí hoàn vốn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, vị trí trạm thu phí T1 và trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và Bộ Tài chính.

Nhưng đến tháng 7-2017, người dân dừng xe phản đối tại trạm thu phí T1 và T2, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông. Sau khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5-2019, xe đi từ tỉnh Đồng Tháp sang An Giang theo quốc lộ 80 phải đi qua trạm thu phí T2 (đi khoảng 700m của dự án BOT) nên người dân đã phản ứng, cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2.

Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019. 

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, từ khi dừng thu phí tại trạm T2, chỉ thu phí tại trạm T1, doanh thu dự án BOT quốc lộ 91 sụt giảm rất lớn, năm 2020 đạt 50% và năm 2021 còn 36% doanh thu so với phương án tài chính và tiếp tục giảm do các tuyến đường khác được đầu tư, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ phá sản. 

Hiện ngân hàng đã đưa khoản vay của dự án vào nhóm nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc không được thu phí tại trạm thu phí T2 và ảnh hưởng đến việc thu phí tại trạm T1 hoàn vốn cho dự án được xem là trách nhiệm giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và là tình huống bất khả kháng do các bên không thể lường trước và không thuộc về lỗi của nhà đầu tư.

Qua nghiên cứu các phương án, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.879 tỉ đồng để chi trả cho nhà đầu tư, xóa trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91.

Kiến nghị giải pháp để báo cáo Thủ tướng xử lý 7 dự án BOT gặp vướng mắc Kiến nghị giải pháp để báo cáo Thủ tướng xử lý 7 dự án BOT gặp vướng mắc

TTO - Với 7 dự án BOT giao thông gặp vướng mắc, khó khăn, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để kiến nghị các giải pháp, báo cáo Thủ tướng xử lý theo thẩm quyền.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên