Cai trị là tiên liệu

DANH ĐỨC 25/09/2011 00:09 GMT+7

TTCT - An toàn hạt nhân, tùy hỉ các chính phủ! Tựa đề bài xã luận trên đây của website Enviro2B (1), một diễn đàn về môi trường và phát triển bền vững của Pháp, không phải câu bông đùa mà là một thực tế: chỉ có các chính phủ mới biết an toàn hạt nhân của đất nước ra sao và toàn quyền hành xử.

Phóng to
Một em bé xếp các lon sắt có ghi ký hiệu hạt nhân tại cuộc biểu tình ngày 3-10-2009 đòi đóng cửa nhà máy hạt nhân “lớn tuổi” nhất Fessenheim nằm ở biên giới Pháp - Đức - Ảnh: Reuters

Trong thực tế, mỗi nước vẫn đang toàn quyền rút tỉa kinh nghiệm thảm họa hạt nhân Fukushima-Daiichi. Hội nghị của Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cuối tháng 6 năm nay đã kết thúc với một nội dung tương tự, cho dù một kế hoạch hành động gồm năm điểm đã được đưa ra gồm: 1/ tăng cường các chuẩn an toàn, 2/ khảo sát độ an toàn của tất cả lò phản ứng, 3/ tăng cường hợp tác quốc tế, 4/ tăng cường năng lực và tính độc lập của các cơ quan an toàn hạt nhân mỗi nước, 5/ chuẩn bị tốt hơn các khả năng ứng cứu trên toàn cầu.

Tùy hỉ kiểu Đức

Do đang sắp phải thay mới các lò phản ứng hạt nhân ở Pháp, nếu như chính phủ quyết định xây mới thêm nữa, thì các chọn lựa năng lượng của Pháp sẽ bị tê liệt trong suốt 50 năm tới

Trong bối cảnh tùy hỉ đó, mỗi nước có những biện pháp riêng. Như ở Đức, từ cuối tháng 5, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định đóng cửa tám lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ nhất của nước này, sau đó sẽ đóng cửa chín lò phản ứng còn lại vào năm 2022, thay vào đó hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo. Sang đến đầu tuần này, Siemens loan báo từ giã hạt nhân cho dù hãng này vẫn còn thừa năng lực để làm hạt nhân ở nước ngoài, cụ thể là với Tập đoàn Rosatom của Nga (2).

Thật ra, đây không phải là quyết định đóng cửa hạt nhân đầu tiên ở Đức. Năm 1998, một chính phủ liên hiệp giữa Đảng Xã hội dân chủ (SPD) với Đảng Xanh đã từng chịu áp lực của Đảng Xanh này mà đề ra một kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân một khi đã đến sản lượng gộp là 2.623 tỉ kWh, tức hạn mức để coi như các lò này đã “hết đát”, tính ra khoảng 32 năm, ít hơn ba năm so với “tuổi thọ” mà ngành năng lượng hạt nhân quen tính (35 năm).

Càng đáng lưu ý là chính một đảng đã từng hết sức cổ vũ năng lượng hạt nhân như Đảng SPD, vốn đã từng thể hiện vào năm 1979 trong giai đoạn hậu cú sốc khủng hoảng giá dầu hỏa năm 1974, đã lại có thể quay ngoặt ra một nghị quyết từ bỏ hạt nhân ngay từ tháng 8-1986, chỉ bốn tháng sau thảm họa Chernobyl. Thảm họa này đã cho thấy người Đức thận trọng như thế nào trong lĩnh vực an toàn hạt nhân.

Năm 1990, ngay sau khi nước Đức thống nhất, chính phủ Bonn đã quyết định đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân do Liên Xô (cũ) thiết kế: bốn lò VVER-440 đang hoạt động cùng một lò tương tự đang được xây lắp và một lò nữa kiểu VVER cũ hơn (3)!

Nay với quyết định đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân hạn chót vào năm 2022, chính phủ Merkel đã cho thấy thế nào là an toàn hạt nhân tùy hỉ kiểu Đức. Ngay cả những tập đoàn đang có lợi ích trong lĩnh vực hạt nhân như Siemens cũng phải xếp lại các lợi ích của mình, như có thể thấy qua phát biểu của Peter Löscher, chủ tịch Siemens: “Quyết định của Siemens là một đáp ứng đối với lập trường rõ rệt của xã hội và chính giới Đức”.

Tất nhiên, Siemens không bị rơi vào tình thế trở tay không kịp. Chính các chính sách sớm nghiêng về đóng cửa hạt nhân, ngay từ cuối những năm 1980, đã chuyển hướng sang nghiên cứu và triển khai các nguồn năng lượng mới là điện gió và điện mặt trời, để nay Tập đoàn Siemens có thể bình thản giã từ điện hạt nhân.

“Đây là một dự án của thế kỷ! Chẳng qua Siemens đã và đang cung cấp thiết bị năng lượng gió và mặt trời từ lâu!” - ông Peter Löscher nói. Cai trị là tiên liệu quả đúng đối với trường hợp Đức.

Tùy hỉ kiểu Pháp

Các chính phủ Pháp không e dè hạt nhân như kiểu các chính phủ Đức, có lẽ do ở Pháp điện hạt nhân chiếm tỉ lệ quá lớn: 78% lượng điện tiêu thụ đến từ điện hạt nhân so với 25% ở Đức. Một website chống hạt nhân ở Pháp than: “Với 58 lò phản ứng cùng 1.100 địa điểm chứa chất thải hạt nhân, nước Pháp hiện giữ kỷ lục thế giới là nước bị hạt nhân hóa nhiều nhất thế giới tính theo dân số”!

Bằng cớ của sự ít e dè hạt nhân ở Pháp là việc nay các chính đảng mới xem đây là một trong những đề tài tranh cử tổng thống năm tới. Thứ sáu tuần trước, Bộ trưởng công nghiệp Eric Besson tuyên bố đang có một kịch bản giảm còn 50% tỉ lệ đóng góp của năng lượng hạt nhân vào năm 2025.

Sự kém e dè này khiến website “nói cảm ơn với năng lượng hạt nhân” nêu trên đặt vấn đề: “Liệu nước Pháp sẽ cứ kiên trì là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới còn làm chủ bấy nhiêu nhà máy điện hạt nhân?”. Theo tổ chức này, vấn đề còn ở chỗ “do đang sắp phải thay mới các lò phản ứng hạt nhân ở Pháp, nếu như chính phủ quyết định xây mới thêm nữa, thì các chọn lựa năng lượng của Pháp sẽ bị tê liệt trong suốt 50 năm tới. Nước Pháp cần phải khẩn cấp tìm lối ra khỏi hạt nhân”.

Nôm na mà nói nước Pháp nếu cứ ôm chặt điện hạt nhân sẽ không còn lực để chuyển qua các nguồn năng lượng khác. Và hậu quả của chọn lựa đó sẽ hiển hiện trong vòng 50 năm tới khi ở các nước khác các dạng năng lượng khác đã “trưởng thành” từ lâu!

Tất nhiên, ít e dè chính trị hơn không có nghĩa là không thận trọng kỹ thuật. “Nhà đèn” Pháp (EDF) đang ra sức trấn an dư luận bằng các báo cáo an toàn hạt nhân mới đệ trình cơ quan an toàn hạt nhân ASN đầu tuần này:

“EDF đã trình ASN 19 bản báo cáo bổ sung lượng giá mức độ an toàn của các địa điểm hạt nhân của mình đang khai thác và đang xây dựng. Việc tái lượng giá sâu sắc này được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Pháp đúng theo tinh thần các yêu cầu lượng giá mà ASN đã công bố hôm 5-5-2011 là rút ra các bài học từ thảm họa Fukushima, đặc biệt quan tâm đến các nguy cơ động đất hay lụt lội, nguy cơ mất nguồn giải nhiệt và mất điện, nguy cơ gặp sự cố nghiêm trọng, những bất trắc có thể có khi thuê thầu gia công...”.

Hơn 300 kỹ sư điện hạt nhân của EDF đã tham gia thực hiện công tác lượng giá từng địa điểm một này. Kết luận của EDF là “hiện mức độ an toàn là tốt... Song cũng đã đề xuất một số biện pháp bổ sung hậu Fukushima trên cơ sở đề ra thật nhiều giả thiết càng táo tợn càng tốt, nhằm nâng cao hơn nữa độ an toàn...

EDF sẽ đề ra một kế hoạch hành động trải dài trong nhiều năm, bao gồm cả các khảo cứu bổ sung từ các bài học sự cố xảy ra trên khắp thế giới lẫn các điều chỉnh vừa quyết định” (4). Có thể thấy cho dù vẫn ôm chặt hạt nhân, song Chính phủ Pháp vẫn nỗ lực tối đa theo kiểu “cai trị là tiên liệu”.

Cũng có thể thấy an toàn hạt nhân ở Pháp hay ở Đức hay bất cứ một nước tự chế tạo hạt nhân bắt đầu từ nguồn nhân lực không chỉ đủ để khai thác, sử dụng vận hành các nhà máy điện, mà từ chính việc thai nghén thiết kế các lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân.

An toàn không kết thúc ở đó, mà còn ở cả một đội ngũ giám sát an toàn hạt nhân độc lập với “nhà đèn” và có quyền hạn nơi “nhà đèn” vốn là một thế lực kim tiền. An toàn còn từ chính các biểu thị của dư luận. Và chắc hẳn sự hiểu biết, ý thức về an toàn nơi những nhà sản xuất “đầu nguồn” khác với sự hiểu biết, ý thức về sự an toàn của những người tiêu dùng đầu cuối.

__________

(1) Nucléaire: La sûreté à la merci de la bonne volonté des Etats, http://www.enviro2b.com/2011/06/27/nucleaire-la-surete-a-la-merci-de-la-bonne-volonte-des-etats/
(2) Siemens se retire du nucléaire et rompt avec Rosatom, Reuters 18-9-11
(3) Nuclear Power in Germany, (updated August 2011),
http://world-nuclear.org/info/inf43.html
(4) Risque nucléaire: EDF remet son rapport à l’ASN, Enviro2B 19-9-11

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận