Cái gai của quan hệ Trung - Mỹ

DANH ĐỨC 18/03/2017 16:03 GMT+7

TTCT- Mục đích của chuyến đi Tokyo, Seoul, Bắc Kinh của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sắp tới là gì? Có vẻ thành bại của chuyến công cán chủ yếu nằm ở chặng cuối, Bắc Kinh, với “cái gai” Triều Tiên.

Hai ông Rex Tillerson (phải) và Dương Khiết Trì trong cuộc gặp ở Bộ Ngoại giao Mỹ-scmp.com
Hai ông Rex Tillerson (phải) và Dương Khiết Trì trong cuộc gặp ở Bộ Ngoại giao Mỹ-scmp.com


Trong cuộc họp báo hôm 13-3-2017, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ đã giới thiệu chuyến đi châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Tillerson:

Chuyến đi sẽ cho phép ngoại trưởng tiếp tục thu hút sự chú ý của các đồng minh và đối tác không chỉ với một loạt vấn đề song phương, mà còn để bàn bạc và phối hợp sách lược nhằm giải quyết mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang tiến triển từ Bắc Triều Tiên”.

Qua đó, có thể thấy mối quan tâm chung mà phía Mỹ muốn có là vấn đề Triều Tiên, song song với các mối quan tâm riêng với từng nước.

Đây là một thách thức hàng đầu đối với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các vấn đề song phương với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không gây nhiều xung đột như mối quan hệ với “đối tác” Trung Quốc, nhất là bởi lúc này chính sách đối ngoại mới, hơn 50 ngày sau khi Trump nhậm chức, đã phải chứng tỏ khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không chỉ là để tranh cử.

Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc họp báo thông tin về chuyến đi của ông Tillerson cho biết: “Chúng tôi mong rằng mỗi chặng dừng trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Tillerson tới châu Á sẽ là hướng tới tương lai và bao gồm các cuộc thảo luận về các cách thức tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh và phúc lợi kinh tế của người dân Mỹ”.

Khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump giờ rõ ràng được Bộ ngoại giao hiện thực hóa trong cụm từ “thúc đẩy an ninh và phúc lợi kinh tế của người dân Mỹ”.

Vấn đề là “an ninh và phúc lợi kinh tế của người dân Mỹ” không hẳn cũng là của người Nhật Bản, người Hàn Quốc, và lại càng không phải là của người Trung Quốc.

Thuyết phục các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản về điều đó có thể vẫn bao gồm sự đồng thuận, ít ra là trong lĩnh vực an ninh chung.

Song thuyết phục được Bắc Kinh, chặng cuối của vòng công du, cùng chia sẻ mục tiêu vì lợi ích của nước Mỹ là rất khó, khi mà lợi ích kinh tế của Trung Quốc cũng như định nghĩa an ninh của nước này có nhiều điểm xung đột với Mỹ!

Những diễn biến trong hai tháng vừa qua cho thấy mặc cho có tiếp xúc cấp cao, song xung đột lợi ích - hay tối thiểu là mâu thuẫn - có vẻ chỉ ngày càng lớn hơn.

Tháng 2 còn hi vọng

Thật ra, Bắc Kinh và Washinton đã nói chuyện với nhau từ lâu trước chuyến đi “chào sân” của ông Tillerson. Hôm 21-2, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và ông Tillerson đã điện đàm với nhau. Một tuần sau, ông Dương trực tiếp bay sang Washington gặp ông Tillerson tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc gặp đó được quyền phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner thuật lại: “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã họp hôm nay với ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương mang tính cách xây dựng và tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

Ông Tillerson của hôm 28-2 đó khác với ông Tillerson trong buổi trả lời chất vấn bổ nhiệm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hơn một tháng rưỡi trước.

Hôm 11-1 ấy, ông Tillerson đã dõng dạc tuyên bố: “Trung Quốc cần bị cản bước tiến vào các hòn đảo đã được xây dựng ở Biển Đông đang tranh chấp.

Việc Trung Quốc xây dựng các đảo và đưa tài nguyên quân sự đến các đảo này giống như hành động của Nga giành giật Crimea từ Ukraine... Chúng ta sẽ phải gửi đi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc: hãy ngừng xây dựng các đảo và không được tiến vào những đảo này”.

Hôm ấy ông cũng cho rằng Washington cần tái khẳng định cam kết của mình với Đài Loan. Có vẻ như ông Tillerson hôm đó vẫn chưa tiếp xúc nhiều với thực tế để có một thái độ ngoại giao hơn.

Đến cuộc tiếp xúc cuối tháng 2 với ông Dương Khiết Trì nói trên, ông Tillerson đã tỏ ra mềm mỏng hơn hẳn khi nói về “tầm quan trọng của mối quan hệ song phương mang tính cách xây dựng”. Cách đặt vấn đề theo kiểu mới không còn là “kẻ được phải có người mất” (zero sum), mà thay vào đó là hai bên cùng được lợi (win-win).

Chính vì thế ông đã cùng ông Dương Khiết Trì “thảo luận về tầm quan trọng của việc cải thiện và duy trì mối quan hệ kinh tế cùng có lợi giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới”. Tuyệt nhiên trong thông cáo của phát ngôn viên Toner không có một chữ nào về vấn đề Biển Đông hay tự do hàng hải!

Tháng 3 đã lại bực tức

Từ cuộc gặp đầu tiên đó ở Washington hôm 28-2 đến nay, thời gian tạm đủ để củng cố quan hệ, song cũng đủ để phát sinh những rắc rối mới.

Trong cuộc họp báo ngày 13-3, năm ngày trước khi ông Tillerson đến Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi đang theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả với Trung Quốc”.

Cụm từ “hướng đến kết quả” này là hoàn toàn mới mẻ, biểu thị một sự không nhường bước, không chấp nhận “câu giờ”, họp cho có. Tại sao lại yêu cầu “quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả?”.

“Chú thích” ngay sau đó của quan chức chủ trì họp báo giải thích: ...Tạo dựng một mối quan hệ có tính xây dựng với Trung Quốc..., đồng thời đem lại lợi ích cho người dân Mỹ, vẫn trung tín với các đồng minh của chúng ta và thúc ép Trung Quốc tuân thủ luật lệ quốc tế...

Ở mỗi cuộc gặp với các đồng sự Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson đều đã yêu cầu Trung Quốc sử dụng mọi phương tiện hiện có nhằm thay đổi cách cư xử gây bất ổn định của Bắc Triều Tiên”.

Có thể thấy sự bức xúc đòi quan hệ sao cho “xây dựng và có kết quả” là do những bực dọc sau vụ phóng bốn tên lửa của Triều Tiên hôm 6-3-2017. Vụ phóng tên lửa trước đó ngày 12-2 ngay lúc Tổng thống Trump đang tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã là rất khiêu khích rồi!

Bốn ngày sau vụ phóng tên lửa trước mũi ông Trump và ông Abe, ba bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Hàn, Nhật ra thông cáo chung ở Bonn.

Theo đó, Mỹ nhắc lại rằng “Hoa Kỳ kiên quyết giữ vững cam kết bảo vệ các đồng minh Hàn, Nhật, kể cả bằng cách răn đe mở rộng, được yểm trợ bởi toàn bộ các khả năng phòng thủ hạt nhân và quy ước” - tức bằng mọi hệ thống vũ khí đang có.

Liệu đây là một cam kết có “bảo chứng” hay chỉ là một lời “hứa cuội”? Câu hỏi này được tất cả các bên đặt ra từ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đến Seoul và Tokyo.

Sau đó 10 ngày, ông Tillerson đã “làm việc” với ông Dương Khiết Trì về vấn đề Triều Tiên, với hi vọng Trung Quốc sẽ gây tác động được với Bình Nhưỡng.

Nào ngờ chỉ sau cuộc gặp có sáu ngày, hôm 6-3, Triều Tiên lại phóng một hơi bốn quả tên lửa nữa, bao gồm một quả rơi luôn vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và một quả khác gần sát trong khoảng cách trên dưới 200 hải lý bờ biển Nhật.

Chỉ nhích lên một chút nữa là quả tên lửa đã rơi xuống đất liền Nhật Bản! Tình hình căng thẳng đến mức trong vòng không đầy 24 giờ, từ 9h55 sáng 6-3 đến 8h53 sáng 7-3, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida đã phải ba lần triệu tập họp báo đặc biệt.

Rõ ràng Triều Tiên coi cam kết và răn đe của Mỹ hôm 16-2 ở Bonn, cũng như cuộc gặp Tillerson - Dương Khiết Trì hôm 28-2 ở Washington “chẳng ra gì”!

Hai vụ “giỡn mặt” liên tiếp, tất nhiên phần nào khiến Mỹ mất mặt với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, buộc ông Tillerson phải “coi lại” ý nghĩa cuộc gặp với ông Dương.

Sự xem xét lại đó phần nào phản ánh trong ngôn từ của cuộc họp báo về chuyến đi sắp tới: “(Mỹ) sẽ thúc ép Trung Quốc tuân thủ luật lệ quốc tế... yêu cầu Trung Quốc sử dụng mọi phương tiện hiện có nhằm thay đổi cách cư xử gây bất ổn của Bắc Triều Tiên”.

Diễn giải ra, Washington ngụ ý rằng Bắc Kinh chưa thật sự bám sát luật lệ quốc tế trong quan hệ với Triều Tiên, mà trước hết là các nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng (chủ yếu là kinh tài) của Hội đồng bảo an mà chính Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa thúc ép đủ Triều Tiên để nước này bớt “gây rối”!

Tarzan nổi giận

Lành như Tarzan song giận quá cũng sẽ nộ khí xung thiên. Huống hồ là ông Trump vốn trực tính! Thế là ngay trong đêm 6-3, máy bay vận tải C-17 đã chở ngay đến căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc hai dàn phóng tên lửa tự hành thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), gấp gáp tới mức còn không kịp đưa theo rađa chuyên dụng!

Triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc là điều mà mấy năm nay cựu tổng thống Obama mới chỉ “dứ” thôi chứ chưa làm! Giờ thì bức bách quá ông Trump đã ra lệnh đó với lý luận: nếu không tăng cường phòng thủ bằng THAAD, e rằng lần phóng tới tên lửa của Triều Tiên sẽ không chỉ rơi xuống biển nữa!

Đến trưa 13-3, quyền phát ngôn viên Toner cho biết thêm:

“Ở Tokyo, ngoại trưởng sẽ thảo luận về các mục tiêu được chia sẻ của chúng ta ở quy mô khu vực và toàn cầu, bao gồm... cả việc cùng tăng cường một cách tiếp cận dựa trên luật pháp trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là các nỗ lực thăm dò làm sâu sắc hơn sự hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn đối diện việc Bắc Triều Tiên đeo đuổi một cách nguy hiểm các chương trình vũ khí”.

Điều mà phát ngôn viên Toner nói đến, “cùng tăng cường một cách tiếp cận dựa trên luật pháp trong lĩnh vực hàng hải”, dường như thể hiện qua việc Nhật Bản hôm 14-3 cho biết sẽ phái tàu sân bay trực thăng Izumo đi qua Biển Đông trong thời gian dài, rồi tham gia tập trận hải quân với Mỹ và Ấn Độ.

Tất nhiên, một tàu sân bay trực thăng như chiếc Izumo chẳng tấn công được ai do chỉ được thiết kế để chống tàu ngầm, tức chủ yếu là phòng thủ. Đây là một diễn biến hoàn toàn mới, không khác gì thế “mã ngọa tào”, mà Trung Quốc có thể diễn giải là nhằm khống chế họ!

Còn sự hợp tác tay ba Mỹ - Hàn - Nhật đã được siết chặt từ hôm 14-3 với cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa ba bên nhằm ngăn chặn nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên, với sự tham gia của ba tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.

Phát ngôn viên Toner cho biết lục quân Mỹ đang chuẩn bị triển khai một đại đội máy bay không người lái ở căn cứ không quân Kunsan, Hàn Quốc, nhằm phòng thủ chống lại điều mà Hàn - Mỹ - Nhật xem là mối đe dọa thực sự và rõ ràng với an ninh chung của ba nước.

Ông Trump coi như đã ngửa bài. Chỉ có điều cho đến lúc này Trung Quốc vẫn không mảy may rung chuyển. China Daily 13-3 chạy tít: “Không có chuyện nhượng bộ vụ tên lửa THAAD”. “Cái gai” Triều Tiên đang cản bước ý muốn hữu hảo của Mỹ với Trung Quốc. Liệu cuộc gặp ngày 18-3 ở Bắc Kinh có đem tới nổi một thỏa hiệp nào không? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận