Cải cách tiền lương: Khi nào tính đúng, tính đủ?

HỒ VĂN 11/10/2011 20:10 GMT+7

TTCT - Kể từ ngày 1-10, khu vực doanh nghiệp sẽ áp mức lương tối thiểu mới (vùng cao nhất là 2 triệu đồng/người/tháng). Đây là lần đầu tiên trong một năm, lương tối thiểu được điều chỉnh hai lần và là lần thứ 7 trong vòng tám năm qua.

Mức lương mới “vẫn không đủ sống” này đặt ra những câu hỏi hóc búa cho việc cải cách tiền lương giai đoạn 10 năm tới.

Phóng to
Khi lương không đủ sống cho chính người lao động, rất khó đặt ra những câu chuyện về tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: công nhân Công ty Nissei, TP.HCM - Ảnh: Hồ Văn

Trong cơ chế tính lương tối thiểu đang được áp dụng, các nhà làm luật và cơ quan quản lý lao động (chủ yếu Bộ LĐ-TB&XH) giải thích mức lương tối thiểu (do Nhà nước quy định) là “mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp (DN) và người lao động thỏa thuận tiền lương” và “Nhà nước khuyến khích trả cao hơn mức quy định”.

Khúc mắc trong khu vực doanh nghiệp

Đây chính là khúc mắc lớn nhất của câu chuyện tiền lương trong khu vực DN nhiều năm qua bởi các DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn xem khái niệm lương tối thiểu chính là luật và họ “tuân thủ luật” bằng cách trả theo đúng mức lương này. Nếu DN không trả thêm bất cứ khoản phụ cấp nào ngoài mức lương theo quy định thì họ cũng không phạm luật.

Trên thực tế, khả năng thương lượng trực tiếp của lao động phổ thông với DN về lương là khá hạn chế. Đại diện của người lao động là công đoàn khó thương lượng khi chính họ cũng là người làm công ăn lương. “Quy định lương tối thiểu là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người lao động - ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), nhận định - Nhưng cách tính lương tối thiểu hiện nay cần phải xem xét lại”.

Đó là cách xây dựng lương tối thiểu dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo ông Lâm, trong hơn 500 mặt hàng (của “rổ hàng hóa”) được dùng để tính chỉ số CPI có thể thấy nhiều mặt hàng cao cấp, xa xỉ không mấy liên hệ tới đời sống người lao động.

“Trong khi đó, những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động như thực phẩm, chi phí nhà trọ, điện nước, đi lại, nuôi con học hành, khám chữa bệnh... đang tăng rất nhanh và rất cao, cao hơn mức trung bình của cả rổ hàng hóa chung. Vì vậy, tính mức tăng lương tối thiểu dựa trên chỉ số CPI chung cho cả nước là thiệt thòi cho người lao động” - ông Lâm nói.

Trước cuộc hội thảo lấy ý kiến tăng lương tối thiểu vào tháng 7-2011, một kiến nghị thư từ ban chấp hành công đoàn một công ty gửi cho Hepza đã đề nghị lấy những chỉ số sau làm cơ sở tính lương công nhân: giá gạo đã tăng 25%, giá cá tăng 40%, rau tăng 34%, thịt tăng 50%, chi phí nuôi con, học hành tăng 40%...

Theo kết quả cuộc khảo sát tháng 9-2011 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tại khu vực TP.HCM, chi phí của nhiều nhóm công nhân cho thấy mỗi lao động phải trả tiền phòng trọ 350.000-400.000 đồng/người/tháng, chi phí sinh hoạt 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. “Để đủ sống thì một người lao động phải có từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Nhưng ngay cả mức này cũng không đủ nếu họ phải nuôi thêm một người” - thạc sĩ Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM) nhận xét.

Một nền lương quá thấp

Theo quy định của điều 56 Bộ luật lao động, lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhưng sau lần điều chỉnh mới nhất, mức lương mới chỉ đáp ứng được 65% mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình DN. Còn cơ chế áp dụng, quy định lương công chức, viên chức cũng như các chế độ phí, trợ cấp xã hội... vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (quỹ lương hiện chiếm hơn 30% tổng chi ngân sách và bằng 60% chi thường xuyên) khiến lương của cán bộ công chức có xu hướng ngày càng thấp so với thị trường.

Ở khu vực hành chính sự nghiệp, ông Thành phân tích một lao động tốt nghiệp đại học, mới đi làm thì mức lương 1.0 là 830.000 đồng/tháng x với 2,34 cho kết quả hơn 1,94 triệu đồng, chưa bằng mức lương tối thiểu vùng của một lao động giản đơn ở khu vực DN.

Sự phụ thuộc nặng nề của tiền lương vào ngân sách nhà nước đang ngày càng được nhiều người lên tiếng đề nghị thay đổi. Đây chính là điều Bộ Nội vụ chỉ ra “lương thấp khiến cán bộ công chức tìm mọi cách tạo ra thu nhập, chỉ muốn làm những việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai... trực tiếp với dân, DN để có điều kiện nhũng nhiễu”. Và vì thế không chỉ ngay đội ngũ cán bộ công chức cũng phân hóa giàu nghèo mà chuyện tham nhũng, tiêu cực ngày càng gia tăng.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhìn nhận tuy đã qua nhiều lần cải cách tiền lương tối thiểu nhưng đây vẫn là một trong những vấn đề gây bức xúc cả trong khu vực DN và hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng vấn đề còn nằm ở chỗ xuất phát điểm của nền lương Việt Nam quá thấp, có thể nói là nằm trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, mà nguyên nhân “do vị trí kinh tế của Việt Nam thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao và vì thế ngân sách của một nền kinh tế yếu bao giờ cũng eo hẹp”.

Theo ông Thành, lộ trình xây dựng lương tối thiểu phải trên nguyên tắc tiệm cận với mức tiêu dùng. Nhưng cách điều chỉnh lương hiện nay vẫn theo lộ trình cũ xây dựng cho giai đoạn 2008-2012, theo đó sẽ điều chỉnh tăng lương vào đầu tháng 1 của từng năm. Lộ trình này được xây dựng trên các chỉ số cũ, lạc hậu trên một xuất phát điểm của nền lương thấp, khiến các lần điều chỉnh tăng lương đều làm theo cách chắp vá, luôn ở trong tình trạng “đuổi theo lạm phát”.

“Cách điều chỉnh lương vừa qua không phải là cải cách tiền lương mà là việc Nhà nước cứ tăng lương từ từ, chạy theo chỉ số CPI. Mà mỗi lần nâng lương là giá cả tăng theo khiến việc điều chỉnh lương không hiệu quả, tạo ra một vòng luẩn quẩn” - ông Thành nhận định.

Và lời hứa “Sẽ không điều chỉnh lương”?

Khi tập huấn triển khai nghị định 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ về lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nói: “Sau lần điều chỉnh tăng lương này, bộ hứa sẽ không điều chỉnh lương trong cả năm 2012 để ổn định DN”.

Lời hứa “lạ lùng” này được thể hiện trong thông tư 23/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện tăng lương với thời hạn hiệu lực: “Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1-10-2011 đến hết ngày 31-12-2012”. Thực tế lời hứa này đã đi ngược lại cơ chế vận hành tiền lương, tiền công theo thị trường lao động và cả quy trình xây dựng lộ trình lương cơ bản. Bởi trong việc xây dựng lộ trình tăng lương cũng chỉ rõ việc điều chỉnh tăng lương là theo lộ trình, nhưng nếu chỉ số CPI tăng cao thì Chính phủ có thể điều chỉnh tăng lương trước lộ trình.

Việc chỉ số lạm phát liên tục được điều chỉnh thời gian qua không rõ vì sao lại không được bộ tính tới như một thực tế quan trọng? “Không ai biết được CPI có dừng lại và giảm trong năm tới hay không. Nhưng nếu nhớ rõ nguyên tắc cơ bản rằng cơ chế tiền lương vận hành theo thị trường thì việc hứa, hay quy định một hiệu lực cụ thể trong việc điều chỉnh lương là không ổn, cần xem xét lại” - ông Thành nói.

Tháng 4-2012, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2012-2020 sẽ được trình trung ương.

Trong khi cần tiếp tục phân tích, tìm những giải pháp khoa học và cơ bản hơn cho cách xây dựng cơ cấu lương, giảm sự lệ thuộc của quỹ lương vào ngân sách..., vẫn nên cân nhắc nghiêm túc những đề xuất “nặng ký” như giảm 40% tổng số cán bộ công chức, viên chức “không đủ chất lượng theo yêu cầu”, dành vốn đầu tư nhà nước để phát triển con người “thông qua lương”... và nhất là xem xét một cách thấu đáo chất lượng sống của những người nhận lương thông qua những chỉ số thực tiễn và nhân sinh hơn.

“Hệ thống bảng lương được thiết kế quá phức tạp, thiếu hợp lý, số bậc lương quá nhiều (56 bậc); chênh lệch giữa các bậc lương lại quá nhỏ (khoảng 0,3); thời gian nâng bậc dài đến ba năm; từ bậc lương thấp nhất đến cao nhất phải mất... 70 năm. Tình trạng này đã không động viên công chức phấn đấu. Chế độ phụ cấp tuy đã có tới tám loại nhằm khuyến khích người lao động trong các khu vực địa bàn và công việc khác nhau, song vẫn còn nhiều điều vô lý”.

(Phát biểu của nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc tại hội thảo về cải cách tiền lương tháng 9-2011)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận