Cải cách giáo dục đại học theo hướng nào?

THANH HÀ 04/04/2004 03:04 GMT+7

TTCN - Một câu hỏi lớn và tồn tại hàng chục năm nay tron ngành giáo dục đó là cải cách giáo dục đại học theo hướng nào? Và đây cũng là một trong ba chủ để thảo luận của hội thảo khoa học “Đổi mới giáo dục đại học VN: hội nhập và thách thức”.

Phóng to
TTCN - Một câu hỏi lớn và tồn tại hàng chục năm nay tron ngành giáo dục đó là cải cách giáo dục đại học theo hướng nào? Và đây cũng là một trong ba chủ để thảo luận của hội thảo khoa học “Đổi mới giáo dục đại học VN: hội nhập và thách thức”.

Gần 1.000 đại biểu đã tham dự cuộc hội thảo khoa học “Đổi mới giáo dục đại học VN: hội nhập và thách thức” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 30 và 31-3. Đặc biệt, tham dự hội thảo còn có đại diện một số trường ĐH, tổ chức nước ngoài, đại diện một số doanh nghiệp như ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), ĐH Công nghệ Texas (Hoa Kỳ), Công ty Nghiên cứu chính sách châu Á…

Đổi mới GDĐH và hội nhập quốc tế, qui mô, chất lượng và hiệu quả GDĐH, mối liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sử dụng là ba chủ đề chính được thảo luận tại hội thảo. Nhưng có lẽ do tính cấp bách của vấn đề, chủ đề “qui mô, chất lượng và hiệu quả của GDĐH” đã thu hút được đông đảo đại biểu tham gia thảo luận nhất. Trong đó, nhiều chuyên gia GD cho rằng tìm được lời giải cho vấn đề này cũng có nghĩa là tìm được hướng cải cách.

Mở rộng hay hạn chế?

Nền GDĐH được xem là dành cho số ít khi tỉ số này thấp hơn 15%, được xem là đại chúng hóa khi tỉ số đạt từ 15-50% và được gọi là phổ cập hóa khi tỉ số đó đạt trên 50%.

GDĐH dành cho số ít chỉ thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp, GDĐH đại chúng mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp và GDĐH phổ cập là đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế tri thức.

Hiện nay tỉ số độ tuổi của SV ĐH ở Mỹ và Canada là trên 80%, ở Hàn Quốc trên 70%, ở khối các nước OECD trung bình trên 50%. Trung Quốc là nước đang dốc sức tăng nhanh số lượng SV ĐH, dự kiến năm 2005 Trung Quốc sẽ có 17 triệu SV, đạt tỉ lệ độ tuổi 18%.

Giải bài toán quan hệ giữa số lượng và chất lượng của GDĐH VN như thế nào? Tại diễn đàn này, có thể nhận thấy quan điểm giữa các chuyên gia GD, cán bộ quản lý GDĐH còn rất khác nhau.
Những số liệu cụ thể được GS-TSKH Lâm Quang Thiệp đưa ra không mới nhưng vẫn rất ấn tượng: trong 12 năm qua, số lượng SV ĐH, CĐ nước ta tăng gấp chín lần (từ khoảng 120.000 năm 1991 lên hơn 1 triệu năm 2003), đặc biệt trong vài năm gần đây tốc độ tăng rất nhanh.

So với tổng số cán bộ giảng dạy trong cả nước, tỉ lệ bình quân SV/giảng viên hiện là 27 (đối với một số trường ĐH, con số đó lên tới trên dưới 100). Những con số này dường như là sự minh họa phù hợp cho quan điểm được GS-TSKH Đỗ Trần Cát đưa ra: “Giảm qui mô đào tạo hiện nay vì quá khả năng thực tế của VN”.

Nhưng chính GS Thiệp lại cho rằng không thể chỉ căn cứ vào những con số đáng lo ngại đó. Để trả lời câu hỏi “số lượng SV ĐH của một nước có bao nhiêu thì vừa?”, chúng ta không thể không so sánh với các nước khác. Ông cho biết ngay cả với sự bùng nổ số lượng như trong mấy năm qua, tỉ lệ SV ĐH trong thanh niên của nước ta mới đạt 8%, còn khá xa so với yêu cầu tất yếu của nền kinh tế công nghiệp. GS Vũ Văn Tảo, người kiên định với quan điểm GDĐH là “GD sau trung học” với một công thức khái quát “12 + n”, cũng khẳng định: GDĐH nước ta phải sớm chuyển sang ĐH đại chúng và cần phải chuyển ngay từ bây giờ để kịp đến 2010, GDĐH của nước ra có thể là ĐH đại chúng.

Cùng quan điểm này, TS Đỗ Huy Quang (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng tỉ lệ SV/1 vạn dân của chúng ta hiện là quá thấp so với khu vực và con số này thể hiện chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia, liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Cho nên việc tiếp tục phát triển về số lượng đào tạo ĐH vẫn là cần thiết. Nhưng có điều khâu tuyển của chúng ta thì làm chặt, còn khâu sử dụng sau tốt nghiệp ĐH thì đang thả nổi hoàn toàn. Một ví dụ điển hình là việc miễn học phí cho SV sư phạm nhưng người học tốt nghiệp vẫn chưa có qui định nào ràng buộc trách nhiệm phục vụ. TS Nguyễn Mậu Dững (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận xét: công tác tuyển sinh và đào tạo ĐH ở nước ta đang có tình trạng “bóp chặt đầu vào và buông lỏng đầu ra”.

Những đánh giá đó dường như đủ để khẳng định “chúng ta không nên lo lắng quá về số lượng mà vấn đề chủ yếu ở chỗ phải làm sao bảo đảm được chất lượng”.

Sự lựa chọn tối ưu: phân tầng ĐH?

Lời giải mà GS Lâm Quang Thiệp đưa ra là: về lâu dài, chúng ta cần phân luồng HS ngay từ các bậc học thấp để giảm bớt lưu lượng dòng HS hướng vào ĐH. Còn riêng với dòng HS hướng vào ĐH, chúng ta không nên dùng biện pháp “chặn lũ” mà phải “phân lũ”.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, con đường vào ĐH cần phân thành hai dòng chính: dòng thứ nhất hướng vào các trường ĐH truyền thống và các loại hình đào tạo chính qui; dòng thứ hai hướng vào các ĐH mở hoặc các loại hình đào tạo mở của một số ít trường ĐH truyền thống có điều kiện. Cả hai dòng này đều cần có biện pháp bảo đảm chất lượng, bằng cấp của hai dòng phải đạt chất lượng tương đương, về phía Nhà nước không có sự phân biệt đối xử đối với hai loại văn bằng.

Về đầu vào, các trường ĐH truyền thống phải đòi hỏi cao về chất lượng và cần hạn chế số SV để bảo đảm chất lượng đào tạo. Ngược lại, các trường ĐH mở không cần đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào và không nên hạn chế số lượng. Sự khác biệt quan trọng trong biện pháp bảo đảm chất lượng của hai dòng này là cách đánh giá: đối với dòng thứ nhất, phải đánh giá cả đầu vào, quá trình, đầu ra, phương thức tổng hợp, nhất là kiểm định công nhận chất lượng tức là đánh giá nhà trường theo từng ngành học; đối với dòng thứ hai là đánh giá chặt chẽ đầu ra của từng môn học, tức là đánh giá SV theo kết quả học tập của họ.

Có thể nói tuy chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về chi tiết nhưng nhiều chuyên gia GD, các nhà quản lý GDĐH đã tìm được tiếng nói chung về “phân tầng ĐH”- một hướng cải cách khả thi đối với GDĐH VN vì giải pháp này có thể đáp ứng đồng thời cả vấn đề qui mô và chất lượng đào tạo.

Trao đổi với phóng viên TTCN, GS-TSKH Bành Tiến Long, vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH, cũng ủng hộ quan điểm “phân tầng” ĐH. Theo ông, hệ thống ĐH VN trước mắt nên phân thành ba tầng: thứ nhất, các trường đào tạo chất lượng cao với qui mô hạn chế chiếm khoảng 10-15% tổng qui mô; thứ hai, các trường ĐH đại chúng chiếm 40-45%; còn lại là tầng thứ ba với mục tiêu đào tạo nâng cao dân trí (với các loại hình đào tạo không chính qui, từ xa, cộng đồng…). Chất lượng đào tạo cũng được kiểm định tương ứng theo sự phân tầng này.

Nhưng theo các chuyên gia GD, tương ứng với một hệ thống ĐH phân tầng, cơ chế quản lý đối với GDĐH cũng phải được đổi mới, điều chỉnh tương ứng. Phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các trường, nhất là trong các khâu tuyển sinh và cấp phát văn bằng - những khâu hiện đang nằm trọn trong tay Bộ GD-ĐT. Như một hiệu trưởng trường ĐH khẳng định: “Đã đến lúc bộ phải “buông”, không nên lẫn lộn giữa chức năng quản lý về chính sách và chức năng thực hiện các công việc cụ thể. Để các trường ĐH được chủ động trong tuyển sinh cũng như trong cấp phát văn bằng, để các trường tự chịu trách nhiệm trước người học, trước xã hội về chất lượng đào tạo, giá trị tấm bằng của trường mình”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận