​Cách nhau một tiếng ồn

LANKA 16/07/2015 02:07 GMT+7

Bạn ở khách sạn cách nhà tôi vài trăm mét. Câu tiếng Việt vừa đến đã thuộc là “Xôi lạc, bánh khúc đây”.

Tranh: VIIP

“Xôi lạc, bánh khúc đây”, những hàng rong bật loa đi rao từ nửa đêm đến khi trời sáng. Khách sạn nằm bên sông, tức sát hai con đường dài hun hút, mỗi tối khuya tiếng loa lại trỗi dậy, thêm một chợ đêm chỉ canh đúng lúc người ta ngủ mà họp.

“Kỳ lạ, tất cả đã biến mất. Những người đó xuất hiện để làm tớ không thể ngủ, tới sáng lại biến mất - bạn kinh ngạc chỉ ra cửa sổ mỗi đầu ngày - Ở chỗ tớ, làm ồn như họ thì cả khu phố sẽ dậy và ném cà chua”.

Tôi không biết sẽ phải ném bao nhiêu cà chua nếu muốn những tiếng ồn khó ngủ của bạn biến mất. Khi tôi sinh ra vài chục năm trước, điện rất yếu và những âm thanh cũng yếu ớt như thế. Nhưng, Hà Nội thay đổi, cơ thể tôi đã biết cộng sinh với tiếng ồn.

Tiếng léo nhéo của đám trẻ con khắp nơi quấy khóc, đám đông la hét sau quả bóng trên tivi đầu hè, tiếng vọt ga xe máy, tiếng động cơ xe tải trong đêm, một chiếc cần cẩu giữa khuya gào rú. Tôi ngủ, cơ thể như có một nút bật tắt tiếng ồn. Này tôi cần ngủ, nhấn nút tắt. Thế là tiếng ồn tắt đi, tôi ngủ.

Những âm thanh không chỉ nổi lên rõ ràng mồn một khi nửa đêm trời sáng. Thình thình, bên trái bên phải, xung quanh, trước mặt người ta đập nhà ra xây. Toe, toe, toe, tiếng còi xe khắp phố. Tiếng gọi thưa, tiếng đập bàn chạm cốc từ đầu đường tới cuối quán. Khắp thành phố này chỗ nào cũng ồn như thế.

Những tiếng ồn từ đâu tới? Từ những thôn làng trồng cấy nơi dân chúng quanh năm chờ đợi một sự kiện gì để nói? Từ lối sinh hoạt chung chạ chuyện của một người là chuyện của mọi người? Các chính quyền thôn phường hồi trước đã nổi danh vì tiếng loa tuyên truyền đầu giờ sáng, giờ ngành công an lại góp thêm giọng loa lảnh lót khuyên nhủ mỗi phút dừng xe nơi đèn đỏ.

“Người tình đã chết tình này mất hết”, một cậu trẻ vừa đi vừa nhún nhảy theo cái điện thoại mở loa ngoài. Tiếng ồn chẳng phải vì bất đắc dĩ, tiếng ồn vì thói quen muốn trưng ra hết thảy âm thanh có thể trưng bày.

Có những tiếng ồn rơi vào đám đông, có những tiếng ồn nhắm trúng một người nào đó. “Về đâu, xe ôm không?” - gã chạy xe đuổi theo người đi bộ. “Này em ơi, sao có một mình” - cậu trông xe cợt nhả một cô gái ngang qua. “Anh đi đâu, ăn gì phải không?” - cậu bạn tôi đã tháo chạy khỏi một khách sạn chỉ vì lễ tân ở đó không ngừng hỏi han những câu như thế.

Những tiếng ồn làm suy nghĩ ngưng lại, những tiếng ồn khiến tư duy ngắt quãng, những tiếng ồn giết chết quãng lặng sâu của tâm hồn.

Sang trọng nhất khắp thành phố này (và trên quả đất này) là những nơi không thấy ồn ào, vồn vã. Qua một cửa hàng thời trang, cô nhân viên đứng nghiêm một chỗ xa dãy dài quần áo, ngó là hiểu nơi đây không phục vụ “gu” thời trang bình dân.

Tới một khách sạn, quanh đèn thưa điệp trùng cây xanh chỉ có tiếng côn trùng rả rích, những chỗ này không dành cho khách balô bụi bặm. Đến người gội đầu trong spa hạng sang cũng đã biết im lặng phục vụ khách chứ không ỷ eo tán chuyện. Người ta trả một ít tiền để được vồn vã chào đón, người ta trả nhiều tiền hơn để được thật sự yên tĩnh.

Bởi vì những nơi chốn yên tĩnh kia chắc hẳn đã cầu kỳ không ít để nhập buôn rồi bán lẻ sự yên tĩnh ấy cho họ. Các khu nghỉ dưỡng kỳ công làm tường cách âm, hẳn phải kỳ công hơn nữa để thuê được những người làm công biết giữ yên tĩnh. Để rồi có những người sợ hãi ồn ào ngoài kia, trả thật nhiều tiền để vào đó tứ bề chỉ gió reo nước thổi và tiếng chạm nhau của lá.

Tiền bạc ấy mua được yên tĩnh bên ngoài. Và có người trả nhiều hơn thế để thăng hạng sự yên tĩnh lên một nấc mới. Nơi đầu rừng cuối núi, những con người suốt đời ẩn mình trong các tu viện thẳm sâu cùng cốc, cả ngày chỉ nói dăm ba câu nói. Một vài người trong số họ thì giữ tịnh khẩu - tức vĩnh viễn sẽ chẳng khi nào nói gì hết.

Giữa họ và tôi, thế giới cách nhau đúng một tiếng ồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận