Các đại học tinh hoa đào sâu bất công?

PHẠM THỊ LY 25/03/2019 19:03 GMT+7

TTCT - Từ Đông sang Tây và từ nhiều thế hệ trước cho mãi đến rất gần đây, giáo dục đại học vẫn được coi là một phương tiện hữu hiệu để thay đổi cuộc đời, để cải thiện số phận và tương lai của một cá nhân, một gia đình hay một đất nước.

Ảnh: The Root
Ảnh: The Root

 

Nhận thức này có một vai trò tích cực trong xã hội vì khích lệ người ta đầu tư cho việc học hành, nhờ đó nâng cao năng lực của bản thân, góp phần tạo ra giá trị và tiến bộ cho xã hội. Trường ĐH vì thế được xem là một tác nhân làm giảm nhẹ sự bất bình đẳng trong xã hội, thông qua việc mang lại cơ hội cho những người có năng lực học tập nổi bật.

Các trường ĐH nói chung và ĐH Mỹ nói riêng có nhiều loại học bổng, trợ cấp và cho vay để đảm bảo rằng nếu bạn nỗ lực học tập và đạt được một số thành tựu xuất sắc nhất định, cánh cửa ĐH sẽ mở ra cho bạn, dù bạn xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào và khả năng tài chính của bạn đến đâu.

Bức tranh thực tế

Tuy nhiên, trong thực tế, sự đời không đơn giản như vậy.

Có nhiều số liệu chứng minh rằng con nhà khá giả thì tỉ lệ vào ĐH cao hơn hẳn so với con nhà nghèo, đặc biệt là ở những trường đỉnh.

Trung tâm phân tích chính sách của ĐH Stanford năm 2013 đã thực hiện một nghiên cứu về chủ đề này và cho biết học sinh nhà giàu chỉ chiếm 1/3 sinh viên tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, nhưng chỉ riêng số học sinh mà gia đình nằm trong tốp 1/5 giàu nhất đã chiếm tới 74% tổng số sinh viên trong 146 trường ĐH danh giá nhất của Mỹ.

Trong 174 trường top ở Mỹ, số học sinh xuất thân trong 20% gia đình giàu nhất nhiều gấp 8 lần so với số học sinh nằm trong 20% gia đình nghèo nhất. Đã vậy, khoảng cách ngày càng tiếp tục giãn rộng theo thời gian. Nói cách khác, ngày càng nhiều con nhà giàu ngồi trong các trường danh giá, trong khi số sinh viên con nhà nghèo đang teo lại.

Điều này chẳng phải là một sự gì mới mẻ. Nó đã được nêu ra từ lâu và không ngừng được lặp lại trong những nghiên cứu về sau.

Có những lý do khách quan, chẳng hạn con nhà nghèo phải kiếm tiền phụ giúp gia đình, không có thời gian và cũng không có tiền để theo đuổi những hoạt động khiến hồ sơ của họ trở nên nổi bật và đập vào mắt các nhà xét tuyển.

Muốn có thành tích âm nhạc xuất sắc, giải thưởng này giải thưởng kia trong âm nhạc, hội họa, nghệ thuật chẳng hạn, bạn phải có tiền mua cây đàn piano, phải theo học các lớp năng khiếu để được thầy giỏi kèm cặp... (đừng quên một giờ dạy luyện thi SAT/ACT ở New York có giá 300-400 USD, vâng, một giờ, bạn không đọc nhầm đâu) và dĩ nhiên bạn phải có thời gian cho việc đó nữa.

Vì thế, nếu là con nhà nghèo, bạn phải nỗ lực gấp đôi gấp ba con nhà giàu để có một thành tích xuất sắc ngang bằng với họ. Điều này là hiển nhiên, và có vẻ như không ai có lỗi trong việc đó.

Điều đáng nói hơn là cả xã hội mong đợi trường ĐH sẽ giúp làm giảm nhẹ bất công, bằng cách dùng học phí thu được của con nhà giàu để tài trợ học bổng cho con nhà nghèo và có thành tích xuất sắc.

Nhưng thực tế là thay vì chi cho con nhà nghèo và chất lượng giáo dục thực sự, nhiều trường lại chi cho việc xây dựng các tòa nhà hoành tráng và tăng lương cho giới quản lý, Josh Freedman cho biết trên tờ Business ngày 16-5-2013.

Khổ nỗi, chính vẻ ngoài hoành tráng của các trường lại thu hút sinh viên hơn là chất lượng giáo dục thực sự, cả với sinh viên học giỏi lẫn học kém. Tiêu nhiều tiền hơn cũng dễ đạt thứ hạng cao hơn trên các bảng xếp hạng.

Bị thúc đẩy bởi đòi hỏi của “khách hàng”, các trường lại càng có nhu cầu phải tìm thêm nguồn thu và lao vào một cuộc đua bất tận. Một báo cáo khác gần đây do Stephen Burd thực hiện cũng cho biết tạo điều kiện cho nhiều sinh viên thu nhập thấp được vào học không phải là yếu tố khiến trường trở nên có uy tín tốt hơn.

Vì thế, mô hình tài chính của các trường không khích lệ các nhà quản lý nhận vào trường sinh viên nhà nghèo dù họ học giỏi, trừ khi họ cực kỳ xuất sắc, đặc biệt là các trường công - khi đối diện với việc cắt giảm ngân sách. Chi tiêu của chính quyền các bang cho mỗi sinh viên Mỹ đã giảm 28% so với năm 2008.

Đương nhiên gánh nặng tài chính đang chuyển sang vai sinh viên. Trong vòng 10 năm qua, chi phí theo học ĐH ở Mỹ đã tăng 45% (sau khi đã điều chỉnh lạm phát). Trường công danh giá chừng nào thì mức tăng càng lớn chừng đó. ĐH Arizona tăng học phí tới 81% trên mức lạm phát.

Thực tế là các trường ĐH Mỹ đang tránh né việc nhận vào những sinh viên thuộc gia đình nghèo, dù cho họ đủ tiêu chuẩn nhận các khoản hỗ trợ hoặc cho vay của nhà nước và ra sức thu hút những sinh viên có đủ khả năng trả đầy đủ học phí.

Sức mạnh của đồng tiền

Tất cả những điều nói trên tuy phản ánh một thực tế bất công, nhưng vẫn còn trong giới hạn mà việc thay đổi chính sách có thể giúp sửa chữa.

Con nhà giàu có điều kiện để học giỏi hơn, để chi trả học phí cao hơn nên được học trường tốt hơn, có cơ hội nhiều hơn trong tương lai là điều tuy tạo ra bất bình đẳng xã hội nhưng chưa hẳn trái đạo đức và xói mòn nền tảng xã hội. Vì dù là nhà giàu, họ cũng phải nỗ lực học để đạt thành tích xuất sắc, để được nhận vào những trường danh tiếng.

Nhưng người giàu dĩ nhiên không dừng lại ở đó. Từ lâu đã có một ngành công nghiệp giúp con nhà giàu đánh bóng hồ sơ để được nhận vào những trường đỉnh. “Đánh bóng hồ sơ” nghĩa là trăm nghìn cách gian lận, từ mua chuộc, hối lộ giám thị để có bài thi SAT điểm cao đến dàn dựng thành tích thể thao, hoạt động từ thiện, viết thay bài tự luận...

Mới năm ngoái đã có vụ một bà mẹ Việt Nam bỏ ra 1,5 triệu USD để “chạy” cho con vào ĐH tốt ở Mỹ. Ở Trung Quốc, việc này phổ biến đến nỗi gần đây các trường ĐH yêu cầu sinh viên Trung Quốc nộp đơn dự thi phải phỏng vấn trực tiếp, nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào.

Vụ bê bối gần đây nhất liên quan tới nhiều nhân vật danh tiếng trong giới thượng lưu Mỹ, trong đó hơn 30 phụ huynh bị cáo buộc đã trả tiền từ vài chục ngàn tới 2,5 triệu USD cho một đường dây chạy vào các trường danh tiếng, cho thấy gian lận tuyển sinh đang diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi ở nhiều nơi, đòi hỏi giới làm chính sách và giới giáo dục phải cẩn trọng xem xét vấn đề.

Bài học

Đến nay, chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các ĐH liên quan có dính líu gì trong những gian lận này, và các trường tới giờ đều nói họ cũng là nạn nhân. Thông tin được biết cho đến nay là William “Rick” Singer, 58 tuổi, đã nhận tiền của phụ huynh để thực hiện hối lộ huấn luyện viên, làm giả các kết quả thi và thậm chí làm giả các bức ảnh chứng tỏ thành tích thể thao của ứng viên để họ đủ điều kiện được nhận vào các trường ĐH uy tín.

Từ đường dây này, một số học sinh đã được vào các trường danh tiếng, trong đó có ĐH Texas, Georgetown, Wake Forest và California ở Los Angeles (UCLA), Yale và South California (USC) cho biết họ đang hợp tác với các nhà điều tra.

Ở Mỹ cũng như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, mua chuộc, gian lận, lừa đảo chỉ xảy ra ở những nơi mà số người muốn vào nhiều hơn số người được nhận, dù là với loại hàng rào nào. Trong trường hợp các ĐH danh tiếng Mỹ, hàng rào mà ai cũng thấy là thành tích xuất sắc. Còn những hàng rào vô hình khác thì khó nhận biết hơn.

Có những tiêu chuẩn bất thành văn không ai nói ra. Các trường luôn muốn nhận con cái các tỉ phú, các nhà lãnh đạo cao cấp của chính phủ các nước vì nhiều lý do.

Không phải chỉ vì những khoản tài trợ hậu hĩnh và hoàn toàn hợp pháp, mà còn vì con cái những nhân vật quyền lực này vốn đã có bệ phóng cao hơn hẳn người bình thường, khả năng thành công của họ lớn hơn, chính họ tạo ra hào quang và sức thu hút của trường.

Người ta trả mọi giá để con họ được học những trường tinh hoa không hẳn vì chất lượng giáo dục của trường, mà còn vì giá trị của các mối quan hệ xã hội, vốn rất quan trọng cho việc tiến thân.

Các ĐH danh tiếng vì thế thay vì góp phần xóa bỏ bất công xã hội thì đang khơi sâu thêm khoảng cách bất bình đẳng, bởi họ tạo ra một thế giới đặc quyền khiến những ưu thế của tiền bạc và quyền lực tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác với cái giá mất đi cơ hội của những người xuất thân yếu thế hơn.

Chưa có bằng chứng gì về việc các trường có “tiếp tay” cho những vụ gian lận như thế dưới hình thức này hay hình thức khác, nhưng mô hình vận hành của các trường đang củng cố và tăng thêm những bất bình đẳng xã hội là một sự thực không thể không quan tâm.

Việc tòa án không khoan nhượng với những gian lận này là một điều rất quan trọng: nó tạo ra niềm tin rằng giá trị của luật pháp trước hết là ở sự công bằng.

Nếu không có hành động chính sách nào nhằm thay đổi hiện thực bất công trong tuyển sinh vào ĐH như đã miêu tả trên đây thì cái giá phải trả sẽ là hệ thống tiến thân dựa trên năng lực và phẩm chất bị xói mòn, động lực phấn đấu của người trẻ sẽ giảm sút, xã hội sẽ thiếu sự năng động để tiến về phía trước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận