19/06/2019 17:37 GMT+7

Phản ánh lên Thủ tướng mức thuế báo điện tử 20% là khá cao

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Chiều 19-6, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định muốn lắng nghe ý kiến các cơ quan báo chí để có những quyết sách phù hợp.

Phản ánh lên Thủ tướng mức thuế báo điện tử 20% là khá cao - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc chiều 19-6 - Ảnh: ĐT

Kiến nghị không sáp nhập Hội Nhà báo vào tổ chức khác

Báo cáo với Thủ tướng, ông Thuận Hữu - chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập báo Nhân Dân - cho biết trong 69 năm qua kể từ ngày thành lập, hội luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Để nâng cao vị thế hội, ông Thuận Hữu kiến nghị với Thủ tướng 6 vấn đề, trong đó có việc kiện toàn tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ông Thuận Hữu cũng cho rằng việc sáp nhập Hội Nhà báo vào tổ chức khác là không phù hợp với Luật báo chí, làm xáo trộn hoạt động của hội từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, ông đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chưa sáp nhập hội các địa phương vào các tổ chức chính trị - xã hội khác, chờ chỉ đạo tiếp theo của trung ương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin việc sáp nhập Hội Nhà báo Việt Nam, các chi hội nhà báo địa phương vào tổ chức chính trị - xã hội khác đang còn chờ xin ý kiến của Ban Bí thư.

Phản ánh lên Thủ tướng mức thuế báo điện tử 20% là khá cao - Ảnh 2.

Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng - Ảnh: ĐT

Đề xuất xem lại chính sách thuế với cơ quan báo chí

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thông - tổng biên tập báo Thanh Niên - kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế với các cơ quan báo chí.

Ông Thông cho biết hiện thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan báo in là 10%, báo điện tử 20%, đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan báo chí. Thậm chí, các hoạt động xã hội của cơ quan báo chí cũng phải đóng thuế.

Bên cạnh đó, ông Thông kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông nghiên cứu mô hình tập đoàn báo chí để định hướng cho các cơ quan báo chí thực hiện từ nay đến năm 2025. Đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam thay đổi chương trình đào tạo báo chí cho phù hợp.

Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - kiến nghị giảm kinh phí băng thông đường truyền Internet cho các cơ quan báo chí.

"Hiện chúng tôi đang tập trung cho báo điện tử nhưng thuế báo điện tử lên đến 20%, nếu giảm thuế sẽ hỗ trợ rất tốt cho cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh phát triển báo điện tử theo xu thế của thế giới", ông Lê Thế Chữ nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề Chính phủ đặt hàng các cơ quan báo chí, ông Lê Thế Chữ cho biết vừa qua báo Tuổi Trẻ đã tổ chức thành công chuyên đề Ngày không tiền mặt, khẳng định nếu có sự đặt hàng của Chính phủ, các báo sẽ làm tốt hơn những chuyên đề như vậy. Ông Chữ cũng đề nghị hỗ trợ cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao, có giá trị thật sự vì đây là động lực rất lớn với các cơ quan báo chí.

Ông Trần Bình Minh - tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - cũng cho rằng các cơ quan báo chí cần được hỗ trợ, tất nhiên có một phần tự chủ, chẳng hạn Chính phủ, bộ, ngành đấu thầu, đặt hàng các cơ quan báo chí về các vấn đề cụ thể.

Theo ông Trần Bình Minh, doanh thu của báo chí đang ngày càng sụt giảm do nguyên nhân khách quan là một nửa quảng cáo của báo chí chảy sang mạng xã hội bởi luồng quảng cáo vẫn chạy theo lượng truy cập.

Thủ tướng: Báo chí cách mạng phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội

Thủ tướng nói báo chí cách mạng ra đời để tìm lại giá trị cốt lõi của mình là tính cách mạng và tính tiên phong.

Thủ tướng đề nghị báo chí đi đầu trong những vấn đề mới của đất nước, đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, độ nhanh nhạy, chính xác chính là một trong những yêu cầu bối cảnh hiện nay.

"Báo chí phải trung thực trong dòng chảy chính đó, vì mất niềm tin là mất tất cả, báo chí cách mạng cần phải chú ý điều này", Thủ tướng lưu ý và cho rằng truyền thông nói chung phải tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin mãnh liệt hơn của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Dù viết gì, dù khen hay chê thì cũng phải vì cộng đồng, vì đất nước, không được để xói mòn niềm tin xã hội, đặc biệt trong việc tuyên truyền về những tấm gương, người tốt, việc tốt.

Cũng theo Thủ tướng, báo chí cần tạo nên khát vọng dân tộc ta thịnh vượng, hùng cường trong thời kỳ mới. Niềm tin ấy được thể hiện qua báo chí, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng. Tôi đề nghị báo chí thể những giá trị cốt lõi của mình để đấu tranh lại tin giả, tin xấu độc, đó là sứ mệnh báo chí.

Thủ tướng đề nghị báo chí đưa tin nên phân tích nhiều hơn, nhiều bài điều tra hơn, có những bài viết xã luận sắc sảo nhiều hơn.

Thủ tướng nói nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo của các cơ quan báo chí là thực hiện quy hoạch báo chí. Quy hoạch này giúp báo chí phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tốt các vấn đề phát sinh khi thực hiện quy hoạch.

Đối với các cơ quan báo chí tự chủ được thì phải tự chủ hơn. Với vấn đề đặt hàng cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh đặt hàng. Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc đào tạo nhân lực báo chí cách mạng.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện để hình thành cơ quan báo chí làm đầu tàu cho báo chí cách mạng.

Về chủ trương sáp nhập Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng đồng tình là chưa triển khai việc sáp nhập và chờ ý kiến của Ban Bí thư.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị cấp địa phương quan tâm tới dự toán kinh phí hàng năm cho hội nhà báo địa phương, không để "sống chết mặc bay" khi đã lập ra các chi hội báo chí.

Về các tồn tại của các cơ quan báo chí hiện nay, Thủ tướng nói, chính sách pháp luật, tài chính còn một số bất cập, cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Bên cạnh những tồn tại về nguồn nhân lực, tài chính, sự cạnh tranh từ mạng xã hội, Thủ tướng lưu ý các cơ quan báo chí cần đấu tranh chống lại những luận điệu phản bác, luận điệu sai trái trên mạng xã hội.

Hiện một số cơ quan báo chí chưa phát huy được vai trò định hướng, dẫn dắt thông tin, một số cơ quan còn chạy theo mạng xã hội.

Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng hai mặt trong một số người làm báo khi viết trên báo chí thì viết một kiểu nhưng trên mạng xã hội lại thể hiện khác. Một số tờ báo chưa bám sát tôn chỉ mục đích, còn xuất hiện những tiêu cực trong báo chí.

Lãnh đạo TP.HCM luôn lắng nghe, cầu thị từ các thông tin báo chí Lãnh đạo TP.HCM luôn lắng nghe, cầu thị từ các thông tin báo chí

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định như vậy khi đến thăm, chúc mừng một số cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019).

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên