Cà phê Việt Nam - loay hoay từ giống

TTCT - Một nửa diện tích trồng cà phê ở Đắk Lắk đang trồng những giống cây cà phê già cỗi, năng suất thấp; mới có 13% diện tích trồng cà phê ở Lâm Đồng được tái canh.

Nhiều thế hệ nông dân trồng cà phê vẫn còn nguyên mối lo cũ về cây giống... Tất cả đang đặt lại nhiều câu hỏi cho tương lai một ngành nông nghiệp quan trọng với giấc mơ trở thành một quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu cà phê.

Phóng to
Công nhân tưới cà phê giống tại vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên - Ảnh: Thái Bá Dũng

Trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 4 diễn ra tháng 3-2013, khi bàn về giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng cà phê, bắt đầu có những tiếng nói cảnh báo về diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng ngày càng tăng như một nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng và sản lượng cà phê VN đang đi xuống. Sự tụt hậu trầm trọng của ngành cà phê VN được tiên đoán trong một tương lai rất gần, chỉ 5-10 năm, nếu thiếu vắng một chính sách tái canh cà phê trên diện rộng…

Tại Đắk Lắk, trong tổng diện tích cà phê vào khoảng 202.000ha (sản lượng gần 400.000 tấn/năm) có tới quá nửa là giống cà phê già cỗi, năng suất kém, cần thay thế.

Mấy chục năm vẫn… giống ấy

Cây cà phê có mặt tại VN từ những năm 1850 và nhanh chóng bén rễ tại các tỉnh Tây nguyên, nhưng phải đến đầu những năm 2000, các giống cà phê chuyên nghiệp mang thương hiệu Việt mới được nhân giống thành công tại Đắk Lắk.

TS Lê Ngọc Báu, viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (Ea Kmat), cho biết nguồn gốc giống cà phê hiện đang cho thu hoạch có trên 75% được chọn lựa bằng phương pháp thủ công. Việc các dòng giống tốt mới thật sự được đầu tư từ khoảng mười năm trở lại đây và hiện mới chỉ chiếm khoảng 20% diện tích.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh - nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, từ diện tích cà phê ở các đồn điền và người dân tự chọn lọc này đã hình thành ngành cà phê của Tây nguyên hiện nay. Tuy nhiên, cây cà phê đang cho thu hoạch là các giống cũ được chọn thủ công, chỉ dựa vào kinh nghiệm.

Trước khi các trung tâm lai tạo giống khoa học được thành lập thì không chỉ nông dân tự chọn giống mà các nông trường cà phê lớn cũng tự chọn lựa hạt trội (chọn giống thực sinh ngay tại vườn) để ươm thành cây, phát triển diện tích. Hiện nay, Đắk Lắk có hàng ngàn hecta cà phê tuổi đời hàng chục năm, năng suất đang giảm dần, số diện tích này chính là những vườn cà phê được lấy giống đại trà, thủ công bằng kinh nghiệm của nông dân, công nhân.

Ông Lê Đức Thống - giám đốc Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk, một trong những người gầy dựng cây cà phê tại Đắk Lắk - cho biết cây cà phê của các tỉnh Tây nguyên được trồng chủ yếu từ giai đoạn 1980-1987. Cây cà phê ban đầu nằm trong các nông trường quốc doanh như Nông trường Thắng Lợi, Nông trường Phước An, Nông trường Đrao… rồi dần mở rộng ra các hộ gia đình.

Những năm này giá cà phê có lúc lên đến 4.000 USD/tấn, nông dân bắt đầu nhận ra giá trị của cà phê và tìm mọi cách để trồng. Rất nhiều diện tích cà phê của Đắk Lắk hiện nay đều được trồng ở giai đoạn này và phương thức chọn giống là hết sức đại trà.

“Cây cà phê mọc lên ở khắp nơi, nông dân tích cực khai khẩn phát dọn nương rẫy để trồng cà phê. Họ đi vào các nông trường để lượm các hạt giống to khỏe, màu đẹp về ươm mầm, hoặc nhổ các cây con mọc rải rác ở dưới gốc cà phê mẹ, mọc ở bìa rừng để về trồng và chăm sóc chứ không biết đó là giống cà phê nào, có cho thu hoạch được hay không” - ông Thống nói.

Ông Nguyễn Xuân Thái - giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Krông Pắk, Đắk Lắk) - cho biết hiện công ty đang có gần 2.000ha cà phê, trong đó vẫn còn 70ha được trồng từ năm 1972. Số diện tích còn lại đã được tái canh nhiều lần nhưng nguồn giống để tái canh chủ yếu vẫn lấy trực tiếp từ vườn. Sau khi năng suất cà phê giảm sút, công nhân lại lựa chọn những hạt giống khỏe mạnh rồi ươm giống để trồng mới cây cà phê.

“Các giống lấy trực tiếp từ vườn này năng suất không bằng các giống được mua từ Viện Ea Kmat, vài năm nay chúng tôi mới chọn cây giống được chứng nhận và trồng được chừng 200ha để phục vụ chương trình tái canh” - ông Thái cho biết.

Ông Trần Văn Lan - nông dân trồng cà phê ở buôn Ea H’rar, xã Ea Tul (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) - cũng cho biết 2,4ha cà phê đang cho thu hoạch ở vườn của ông có tuổi đời đã 13 năm, đều là cây giống lấy từ vườm ươm của người dân trong xã.

Tương tự, ông Phạm Văn Hào, thôn 3, xã Cư Đlie M’Nông (Cư M’Gar, Đắk Lắk) - cũng cho biết do không có trung tâm giống nên khi mới khai khẩn đất để trồng cà phê, ông phải đi mua hạt rồi về ươm thành cây con để trồng, diện tích cà phê này vẫn đang cho thu hoạch.

Chật vật tìm giống tốt

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hầu hết diện tích cà phê của VN được trồng từ cách đây 20-25 năm, đến nay có gần 100.000ha cà phê có tuổi đời trên 20 năm, cần phải phá bỏ và thay thế. Tuy nhiên, việc thay thế cây cà phê đang diễn ra rất chậm, diện tích cà phê được trồng ở các tỉnh bằng các giống mới có chứng nhận vẫn còn rất ít. Trên 80% diện tích cà phê nằm trong dân, tái canh lại cần chi phí không nhỏ nên nông dân không cách nào kham nổi.

Lâm Đồng hiện có gần 150.000ha cà phê, đứng thứ hai cả nước về sản lượng với xấp xỉ 380.000 tấn. Nhưng cây cà phê nơi này cũng chung tình trạng già cỗi như các vùng cà phê khác. TS Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết số cây cà phê cần thay thế của tỉnh đang tăng từng năm, tỉnh cần khoảng 5 triệu cây giống để tái canh hằng năm nhưng nguồn cung mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Vì vậy, dù nhìn ra nguy cơ, Lâm Đồng cũng mới chỉ tái canh được khoảng 20.000ha (13,5% tổng diện tích).

Ông Trịnh Tiến Bộ, trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết diện tích cà phê già cỗi ở đây lớn nhất nước với gần 8.000ha. Trước nhu cầu “trẻ hóa” các vườn cà phê, từ năm 2008 tỉnh mới bắt đầu chương trình tái canh các vườn cà phê, liên kết với các đơn vị để hình thành các vùng cà phê có chứng nhận, truy nguyên nguồn gốc, tiến hành lấy nguồn giống mẹ từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên phân phối tại các vườn ươm ở các huyện để tạo nguồn mắt ghép cho nông dân. Năm 2012, tỉnh cấp được 1,6 tấn hạt cà phê giống và 75.000 cây con cho hơn 3.100 hộ dân để thay thế các giống cũ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích tái canh của Đắk Lắk cũng mới chỉ đạt hơn 2.000ha.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT Đắk Nông cho hay hiện toàn tỉnh có trên 91.000ha cà phê, đạt sản lượng gần 180.000 tấn/năm. Phần lớn diện tích cà phê hiện nay là được người dân tự trồng từ rất lâu nên đã có trên 20.000ha cà phê ở độ tuổi già cỗi.

“Hiện các tổ chức, công ty đã có chương trình hỗ trợ nông dân trồng mới cà phê nhưng diện tích vẫn còn rất ít, trong khi đó để có thể tái canh mỗi hecta, nông dân mất từ 150-200 triệu đồng, rất cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và đặc biệt là việc trợ vốn từ các ngân hàng” - đại diện Sở NN&PTNT Đắk Nông đề nghị.

Chọn bằng kinh nghiệm là chính

Ông Hồ Hoàng Yến (80 tuổi, tổ 5, khối 7, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột) cho biết ông và cha của mình là Hồ Hoàng từng đi làm công nhân trong đồn điền CADA của người Pháp (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk). Để lấy được cây giống, ông Yến và cha đã tìm cách giấu hạt giống cà phê trong túi áo, gấu quần rồi đem về trồng ở bìa rừng.

Sau khi rời khỏi đồn điền, hai cha con ông khai khẩn đất đai, ươm hạt giống và mở rộng vườn cà phê của mình. Cùng thời kỳ ấy, nhiều nông dân Đắk Lắk cũng tìm cách đưa hạt cà phê từ đồn điền và cây cà phê mọc hoang dại về trồng. Anh Y Vang Arul - con trai thứ ba của cố già làng Amarin (buôn Akô Đhông) - cũng cho biết cha anh vào làm phu trong đồn điền cà phê của người Pháp, học được cách trồng loài cây này.

Sau khi ra khỏi đồn điền, Amarin nhặt các hạt giống cà phê từ chim thú bỏ lại để về ươm và nhân giống rồi gọi dân làng đi mở đất, tạo lập những vườn cà phê đầu tiên cho riêng mình.

____________

Tại Đắk Lắk, để tái canh một hecta cà phê cần 120-150 triệu đồng, và trong 3-4 năm người nông dân mất nguồn thu nhập chính từ vườn cà phê. Dù đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh này đã có từ năm 2008 nhưng nông dân hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng nào từ Nhà nước...

Phóng to
Gia đình anh Y M’Lai đang nhổ bỏ gốc cà phê già cỗi để bắt đầu tái canh gống mới - Ảnh: Tr.Tân

Dọc tỉnh lộ 8 từ TP Buôn Ma Thuột hướng về huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk), nhiều vườn cà phê già cỗi đang bị nhổ bỏ để trồng đậu, bắp khi mùa mưa tới nhằm cải tạo đất.

Không vay được tiền

Các tổ chức, doanh nghiệp giúp nông dân thay vườn

Trong khi các chính sách hỗ trợ tái canh chính thức chưa hoạt động hiệu quả, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã bắt tay với nông dân thực hiện việc hỗ trợ thay thế các vườn cà phê già cỗi. Công ty cà phê Nestle Việt Nam ký hợp đồng mua 2 triệu cây giống của Viện Ea Kmat, giảm 50% giá giống cho nông dân và nông dân không phải chịu bất cứ ràng buộc nào khi nhận hỗ trợ này. Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam hỗ trợ người trồng cà phê mua mỗi năm từ 4-5 triệu hạt cà phê giống và một lượng lớn cà phê cây để phục vụ chương trình tái canh.

Gia đình anh Y M’Lai ở buôn Grư, xã Cư Suê (Cư M’Gar) có 2ha cà phê trồng từ năm 1990, nay phải nhổ bỏ để trồng thay thế giống mới. Nhưng nếu phá bỏ trồng hết một lần, cả gia đình anh sẽ mất hết nguồn thu nhập, cũng không đủ vốn để làm. Y M’Lai đành thay thế từng diện tích nhỏ để đảm bảo cuộc sống gia đình.

“Nếu có tiền thì cũng sẽ phá mỗi lần 1ha để trồng thay thế khỏi mất công, vườn cà phê bớt chênh lệch nhưng cái khó bó cái khôn. Tôi và vợ đưa “bìa đỏ” ra ngân hàng để xin vay vốn tái canh cà phê, 2ha đất chỉ vay 20 triệu đồng nhưng người ta không cho, họ sợ không thu hồi được vốn” - anh nói.

Ông Nguyễn Văn Hoài (xã Ea Pốk, Cư M’Gar) gặp phải hoàn cảnh éo le hơn khi 1ha cà phê của gia đình ông đã trồng tái canh đến lần thứ ba mà không đạt kết quả, bao nhiêu tiền vay mượn từ anh em, ngân hàng để đầu tư vào việc cải tạo đất, trồng cà phê đều mất trắng. Ông Hoài cho biết sau khi đốn hạ cà phê già cỗi, ông mua giống về trồng nhưng cây cà phê cứ lên được hơn một năm là bị vàng úa, rụng lá mà chết.

Tưởng vườn cây non bị sâu bệnh, ông Hoài đào hết gốc cà phê lên, khử trùng đất rồi trồng lại, nhưng lần tái canh sau và sau nữa, vườn cà phê vẫn chết. Nhiều gia đình khác trong vùng cũng gặp nạn tương tự. Những đoàn chuyên gia trồng trọt về nghiên cứu cho biết khu vực đất này có tuyến trùng phá hoại rễ cà phê nhưng chưa có phương pháp đặc trị để tiêu diệt, cũng không có nguồn giống nào kháng được…

Tái canh cho vườn mình đã khó, tái canh cho cả diện tích nhận khoán của Nhà nước cũng không dễ dàng gì. Mô hình tái canh của Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Krông Pắk, Đắk Lắk) được đánh giá là hiệu quả nhất tại tỉnh Đắk Lắk với số lượng cây sống và phát triển tốt đạt hơn 90%, song việc bỏ vốn ban đầu để tái canh cà phê lại được khoán trắng cho người dân.

Ông Bình, một hộ dân nhận khoán 1ha cà phê của công ty này, cho biết: người dân phải tự đầu tư toàn bộ số tiền từ lúc nhổ gốc cho đến khi cây cà phê được 3 năm tuổi (trong những năm cà phê chưa cho thu hoạch công ty không thu sản - thuế). Khi cà phê bắt đầu cho thu hoạch, công ty mới bắt đầu khảo sát và xếp loại vườn cây, rồi dựa vào sự xếp loại này mới trả tiền trồng, chăm sóc cà phê tái canh cho nông dân.

“Vốn ban đầu nông dân phải tự lo nên có nhiều khó khăn. Trong vườn nhà thì anh muốn tái canh lúc nào, bao nhiêu diện tích cũng được tùy thuộc nguồn vốn, còn tái canh theo kế hoạch của công ty thì bị động hơn trong khi vay vốn ngân hàng hiện nay không hề dễ…” - ông Bình nói thêm.

Phóng to
Vườn cà phê trên 40 tuổi tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi - Ảnh: Thái Bá Dũng

Chính sách tái canh vẫn nằm… trên giấy

Từ năm 2008, nhìn thấy sự cấp bách của việc tái canh cà phê, Đắk Lắk lập đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 (định hướng đến năm 2020), đề ra nhiều mục tiêu duy trì diện tích (150.000ha) và sản lượng (bình quân 400.000 tấn/vụ) cũng như xuất khẩu (60% sản lượng cà phê). Đề án này thậm chí xác định 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới nước chủ động, Nhà nước sẽ xây dựng thêm 50.000m2 kho bảo quản và kho ngoại quan, 500.000m2 sân phơi, 500 máy sấy nông sản… tất cả nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 700 triệu USD…

Đề án ước tính từ năm 2008-2015 cần 1.647 tỉ đồng để thực hiện các mục tiêu trên, trong đó dự kiến lấy từ ngân sách tỉnh 84,7 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 134,5 tỉ đồng, vốn ODA và FDI 285,5 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp và tư nhân 1.142,25 tỉ đồng…

Dù có nhiều “biện pháp thực thi” đi kèm, từ rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất đai, khuyến khích người trồng cà phê tích tụ đất đai đến liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, hỗ trợ xây dựng chín trạm giống, vườn nhân chồi tại chín huyện trọng điểm… nhưng đến nay hành lang pháp lý để khâu thiết yếu nhất là vốn thật sự về với nông dân trong việc tái canh vẫn chưa thấy đâu. Nguyên nhân là do các bộ, ban ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng chưa “ngồi lại với nhau” để bàn được giải pháp hỗ trợ vốn tái canh cho nông dân ra sao.

Kết quả là toàn bộ việc phát triển cây cà phê bền vững đến năm 2015 của Đắk Lắk đến nay chưa đạt được mục tiêu nào, trong đó có mục tiêu tái canh cà phê. Trong lúc ấy, diện tích cà phê tiếp tục tăng: thời điểm đưa ra đề án (năm 2008), Đắk Lắk đặt mục tiêu quy hoạch 150.000ha cà phê trong tổng diện tích hơn 180.000ha, nhưng hiện nay tổng diện tích cà phê tỉnh này đã lên trên 200.000ha…

Theo ông Trịnh Tiến Bộ - trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT Đắk Lắk, việc tái canh trên diện rộng, đúng theo quy hoạch phải dựa vào sự khuyến khích và hỗ trợ nguồn vốn nhưng thực tế đến nay tỉnh chưa làm được. Từ năm 2008, theo kế hoạch mỗi năm tỉnh sẽ trồng thay thế từ 7.000-8.000ha cà phê già cỗi, tuy nhiên việc tái canh chỉ mới thực hiện từ năm 2012 với khoảng 2.000ha.

Trước tình hình khó khăn về tài chính, ngành nông nghiệp chấp nhận giải pháp thay thế trước những vùng cà phê già cỗi trên 20 năm và cho năng suất thấp; các vùng cà phê già cỗi nhưng năng suất vẫn ổn, ở những vùng đất tốt thì tái canh dần. “Đắk Lắk đã đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách vốn cho việc tái canh cà phê nhằm hỗ trợ nông dân… Quy trình tái canh, giống cà phê tại khu vực Đắk Lắk - Tây nguyên đã được đáp ứng nhưng thiếu vốn nên việc tái canh vẫn diễn ra rất manh mún…” - ông Bộ nói thêm.

Tôi thấy nông dân chưa được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách tái canh. Nhà nước mới chỉ triển khai ở giai đoạn đầu tư cho các vườn ươm. Hiện các vườn cà phê già cỗi nhiều nhưng nguồn vốn của nông dân rất ít, việc tái canh cần có vốn lớn và phải mất 5-6 năm thì mới bắt đầu cho thu hoạch.

Theo tôi, đây là cơ hội cho các ngân hàng. Nếu các ngân hàng cho nông dân vay vốn và lấy vườn cà phê để thế chấp thì cả hai bên đều được hưởng lợi, nông dân sẽ có vốn để đầu tư vườn nguyên liệu năng suất cao, việc thu hồi vốn của ngân hàng cũng sẽ rất triển vọng.

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (Ea Kmat) được Nhà nước rót vốn để tạo giống, đã chọn được một số giống cà phê tốt nhưng hiện nay diện tích cà phê được trồng bằng nguồn giống này mới chỉ khoảng 20% diện tích toàn vùng. Diện tích cà phê hầu hết đang nằm trong dân, cách làm của nông dân hiện nay chủ yếu là tự phát, dựa vào kinh nghiệm, chưa có nhiều người biết về các giống cà phê nào tốt, giống nào có năng suất cao...

Đề án tái canh cà phê bắt đầu được triển khai từ năm 2006, Viện Ea Kmat là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu tạo ra các giống cà phê mới phục vụ các tỉnh Tây nguyên. Đến nay chúng tôi đã tạo ra được chín giống cà phê mới, trung bình mỗi năm sản xuất 10-15 tấn hạt cà phê giống (cứ mỗi tấn cà phê hạt thì có khả năng trồng được 1.000ha).

Trong giai đoạn 2011-2015, viện được Nhà nước đầu tư 47 tỉ đồng để đưa giống cà phê ra vườn, theo đó chúng tôi sẽ gầy dựng các vườn nhân chồi, các vườn sản xuất hạt lai và phấn đấu đến năm 2015 viện sẽ có đủ khả năng cung cấp nguồn giống để trồng trên 30.000ha mỗi năm. Với tốc độ trồng mới cà phê như hiện tại (trung bình mỗi năm nông dân Tây nguyên trồng mới khoảng 15.000ha cà phê) thì số giống này hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn vùng Tây nguyên.

Việc xây dựng thương hiệu riêng cho nguồn giống của Viện Ea Kmat vẫn chưa được chú trọng mấy. Hiện nay nguồn giống của viện chỉ phân phối ở địa điểm duy nhất tại trụ sở viện. Viện cũng chưa tính đến việc phối hợp với các công ty cà phê, các nhà rang xay để triển khai các vùng cà phê mang thương hiệu Ea Kmat để từ đó trên mỗi bao bì sản phẩm có xuất xứ giống.

“Năm 2012 chúng tôi có gửi đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giống Ea Kmat nhưng không được chấp thuận. Thật ra giống cà phê của mình làm ra cũng chủ yếu bán cho nông dân trong nước sử dụng, còn việc đưa ra nước ngoài thì chưa phổ biến lắm, chúng tôi thấy thời điểm này cũng chưa thật sự cần thiết. Tinh thần hiện nay của viện là sản xuất giống cà phê để phục vụ người dân, phục vụ dự án tái canh lớn của Nhà nước chứ chưa có tính cạnh tranh lớn.

TS LÊ NGỌC BÁU
(viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên)

____________

Giống cà phê TS 1, 2, 4 nổi tiếng và phổ biến khắp khu vực Tây nguyên và một số tỉnh Đông Nam bộ lại là sản phẩm mày mò của một cậu học trò rớt đại học.

Phóng to
Công việc ghép cà phê được Phạm Quang Sơn tiến hành thử nghiệm liên tục để đạt mục tiêu 6 năm ra đời một giống mới chất lượng hơn, phù hợp với khí hậu đang biến đổi - Ảnh: Mai Vinh

Các giống cà phê TS có năng suất trung bình 6 tấn/ha. Vào thời điểm giống này ra đời thì năng suất trung bình cà phê của Tây nguyên chỉ đạt 2,5 tấn/ha. Khác biệt này là thành quả 12 năm lao động bằng cả khát khao thay đổi cuộc đời của Phạm Quang Sơn. Cái tên Sơn “cà ghép” cũng ra đời cùng lúc với giống cà phê đó.

Năm 1992, Sơn rớt đại học. Sợ con lêu lổng rồi hư hỏng, ba mẹ giao cho cậu 1,7ha cà phê ở xã Đamb’ri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Sơn trở thành nông dân. Khu rẫy ngày đó cỏ mọc ngập những cây cà phê cằn cỗi, Sơn tần ngần không biết bắt đầu từ đâu, chỉ biết chắc là mình không thể làm giàu với rẫy cà phê năng suất chỉ ở mức 1,5 tấn/ha.

Tuyển “hoa hậu” cà phê

Làm nông không có nghĩa là giã từ sách vở. Ngay trong chòi giữ cà phê, hằng ngày Sơn vẫn đọc sách học cách làm nông. Những cuốn sách không liên quan đến cà phê nhưng đã giúp anh nảy lên vài ý tưởng cho mảnh vườn héo hắt của mình. Trong một cuốn sách, anh đọc được một câu chuyện ở Thái Lan: hai cây chôm chôm mọc cạnh nhau, một cây ra trái rất sai nhưng không đều hằng năm, cây bên cạnh thì ít trái nhưng mùa nào cũng có trái, bất kể có năm hạn hán.

Hai nhánh con của hai cây này trổ giao nhau, nơi giao nhau của hai nhánh cây lớp vỏ bị trầy trụa bởi gió lay và rồi hai nhánh cây đó dính lại, nảy một mầm cây mới ngay chỗ bị dính. Chủ vườn tò mò mang trồng thì phát hiện cây chôm chôm mới mang những ưu điểm của cả hai cây chôm chôm đầu. “Phải cải tạo cà phê trong rẫy bằng phương pháp ghép” - một tia sáng lóe lên trong đầu Sơn.

Nhưng làm sao để ghép được cà phê? Sơn cho biết: “Thời đó tại Lâm Đồng chưa ai ghép cà phê nên cực lắm, phải mày mò học cách ghép từ cuốn sách dạy ghép cây kiểng và cây ăn trái”. Chàng nông dân trẻ này đi khắp vườn chọn ra 10 cây cà phê èo uột nhất và chặt bỏ tất cả nhánh để ghép với chồi của những cây sai trái nhất.

Sơn kể lại: “Trong đầu chỉ dám nghĩ việc mình đang làm là một trò chơi, như trẻ con chơi… đồ hàng, mong cho cây sống là mừng lắm rồi”. Cây sống và ba năm sau ra trái. Từ những cây cà phê không hề đơm hoa, kết trái nay đã lột xác với lượng trái gấp đôi những cây trong vườn.

Sau bốn năm vừa làm nông vừa luyện thi, đến năm 1996 thì nông dân Sơn đỗ chuyên ngành ngữ văn Anh (Đại học Đà Lạt). Trước ngày nhập học, Sơn quyết định đốn hạ toàn bộ rẫy cà phê của mình, chỉ để lại 500m2, vừa để làm cây đối chứng vừa kiếm tiền đi học và trang trải cho việc mà Sơn gọi là “tổ chức cuộc thi hoa hậu cà phê”. Ở đâu có cây cà phê đảm bảo năm tiêu chí như sai quả, kháng bệnh, chịu hạn, quả đẹp, chất lượng tốt là Sơn mò đến để xin chồi về ghép.

Những người bạn đại học ngày đó hay gọi đùa Sơn là Sơn “hâm” vì Sơn có câu nói đòi quà bạn bè tứ phương trên giảng đường không mấy khi thay đổi: “Mày về quê có cây cà phê nào thấy hay thì xin chồi cho tao”. Cuộc thi “hoa hậu” cà phê diễn ra liên tục từ năm 1996 đến năm 2004 mới kết thúc. Sơn không đếm xuể số “thí sinh” cà phê đến từ nhiều vùng trên đất nước đã ứng thí và đã bị loại trên mảnh đất hơn 1ha của mình. Ngày đó, cuối tuần bạn bè muốn rủ Sơn đi đâu thì đều nghe câu trả lời quen thuộc: “Tui đang bận trong rẫy”.

Tại giảng đường đại học, Sơn có điều kiện tiếp cận những phương pháp tuyển giống mới và khoa học nên cuộc chiến để đạt ngôi “hoa hậu” của các “thí sinh” càng về sau càng gay gắt vì chất lượng chồi ghép được nâng lên rõ rệt. Ba giống cà phê được Sơn gọi tên TS 1, 2, 4 đã chiến thắng vì chúng đảm bảo các tiêu chí mà anh đã đưa ra, đặc biệt chúng có thêm một ưu điểm thú vị là chín đồng loạt, rất tiện cho thu hoạch.

Đến thời điểm Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng công nhận các giống cà phê ghép của Sơn là các giống cây đầu dòng thì các cuốn sổ ghi chép sơ đồ lai ghép đã lên con số 500 trang. Cuốn sổ ấy giờ vẫn tăng lên hằng tuần vì công việc ghép cải tạo giống vẫn tiếp tục mỗi ngày trong rẫy cà phê của Sơn.

Phóng to
Mỗi năm vườn ghép của Phạm Quang Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống - Ảnh: Mai Vinh

“Lỗi không bao giờ do nông dân”

Liên tục nhiều năm liền, giống cà phê TS 1, 2, 4 của trại giống Trường Sơn bán được hơn 1 triệu cây/năm. Anh có một nguyên tắc bán hàng sòng phẳng: “Nông dân có thể lấy giống mới hoặc lấy lại tiền nếu giống chết. Lỗi không bao giờ do nông dân”. Sơn sẽ đến tận nơi xem tại sao cây giống trồng bị chết, dù kết quả của lần kiểm tra đó như thế nào thì nguyên tắc bán hàng cũng không thay đổi.

Sơn bảo: “Chủ yếu là để biết chất lượng giống của mình như thế nào, cần cải tiến ra sao thôi. Còn nếu người dân trồng sai quy trình làm cây chết thì cũng tại mình hướng dẫn không kỹ. Nói thiệt, nông dân cực lắm, đừng bắt họ nắm dao đằng lưỡi. Tôi đền 1.000 cây giống thì không sao cả nhưng người nông dân mất tiền mua giống là gần như trắng tay”.

Lặn lội hơn 100km từ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bà Nguyễn Thị Trang đến tận trại giống Trường Sơn ở TP Bảo Lộc để mua 1.000 cây giống. Xếp giống xong xuôi, Sơn mới dặn bà Trang: “Chị đừng làm cỏ vườn cà phê nghe, cứ để yên đó, nếu cỏ cao quá lưng thì cắt còn ngang đầu gối là vừa”. Bà Trang tròn mắt hỏi lại: “Giỡn hay thiệt đó chú, vườn phải sạch cỏ thì cây mới lớn chứ?”.

Sơn giải thích: “Trong cỏ có kẻ thù của những sinh vật có hại đối với cây cà phê. Làm sạch cỏ sẽ khiến những sinh vật có lợi đó không có chỗ ở. Sinh vật có hại được nước sẽ tấn công cây cà phê, chừng đó vừa tốn thuốc diệt cỏ vừa tốn thuốc trừ sâu bệnh lại hại sức khỏe mình”.

Thấy bà Trang chưa hiểu lắm, Sơn kéo tay bà Trang ra rẫy cà phê cùng cỏ bạt ngàn hơn 30ha của mình bảo: “Em thử bảy năm trời đó chị. Năng suất có giảm so với phun thuốc nhưng không đáng kể, so với công diệt cỏ thì ít hơn nhiều”. Sơn kết thúc câu chuyện với bà Trang bằng một câu hỏi: “Chị cố xem thử có mùi thuốc sâu xung quanh đây không?”.

Mỗi ngày Sơn tiếp chuyện với khoảng 20 người nông dân. Trong câu chuyện của mình, anh luôn nhắn rằng hãy gửi vào nghề nông một khát vọng đổi đời. “Chỉ khi đó nông dân mới dám nghĩ và làm một cách táo bạo và sáng tạo” - Sơn khẳng định.

Sơn cũng hay dẫn nhiều nông dân vào xem tủ kính của căn nhà giữa rẫy cà phê, nơi anh lưu cả trăm tấm thiệp mời tân gia của người ở gần có ở xa cũng nhiều, trong đó lắm cái tên là của người đồng bào K’Ho, Châu Mạ. Đó là những người từng mua hàng chục ngàn cây giống và nhờ anh đích thân hướng dẫn cách ghép ngay trên vườn của mình. Sơn bảo: “Nhà của họ không dưới 2 tỉ đâu, đều ở giữa rẫy cà phê”.

“Sơn đã đi trước”

Năm 2008, thạc sĩ Chế Thị Đa, trưởng bộ môn cây công nghiệp Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, đến thăm vườn cà phê ghép của Sơn và bà đã bất ngờ. Bà cho rằng năm 1996 phương pháp ghép cải tạo giống cà phê mới được cơ quan chức năng công nhận và có hướng dẫn cụ thể nhưng Sơn đã tiến hành ghép cách đó bốn năm.

Nhắc lại câu chuyện này, bà dành lời khen cho sự mày mò sáng tạo của Sơn: “Thời đó, đối với nông dân, theo kịp công nghệ đã là hiếm, nhưng nông dân Quang Sơn đã đi trước được bốn năm, đó là điều đáng nể”. Bà nhấn mạnh: “Không loại giống nào là tối ưu, phải được tuyển lựa liên tục để kịp thích ứng với khí hậu luôn thay đổi nhưng quan trọng hơn là sự sáng tạo của nông dân. Điều đó khiến nông dân trở thành những người cấp tiến, chịu tiếp thu nhanh hơn cái mới để thay đổi cuộc đời mình và nền nông nghiệp”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận