Cá lóc "bơi" xa

TẤN ĐỨC 26/07/2013 22:07 GMT+7

TTCT - Những người bám trụ với cá lóc ở đồng bằng sông Cửu Long giờ đây đã có thể thở phào: nghề nuôi cá phát triển, kéo theo nghề làm khô cá lóc ngày một thịnh hành.

Phóng to
Một con cá lóc thương phẩm có trọng lượng 0,7-1kg - Ảnh: Tấn Đức

“Vua cá lóc” Huỳnh Thanh Nhuần (còn gọi là Sáu Nhuần, ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang) cười khoe: “Dạo này cá lóc lên ngôi rồi. Tui vừa đóng thùng gửi máy bay ra Bắc hơn 100.000 con giống”.

Từ thử nghiệm thành công…

Việc người dân miền Tây đào ao nuôi cá lóc thì nhiều người đã biết, nhưng chuyện cá lóc “nhi đồng” vượt cả ngàn cây số ra “sinh cư” trên đất Bắc là chuyện khá bất ngờ với nhiều người, ngay cả với “vua cá lóc” Sáu Nhuần, người chuyên làm giống thủy sản lâu năm ở miền Tây.

Sáu Nhuần gắn bó với con cá lóc ngót nghét 20 năm. Quê anh ở miệt đầu nguồn sông Hậu, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), nơi được xem là địa bàn khởi phát nghề nuôi cá lóc đồng từ đầu những năm 1990. Năm 1995, Sáu Nhuần đưa vợ con về vùng xứ kênh rạch Cần Đăng lập nghiệp. Trên vùng đất mới, anh đã mạnh dạn vay mượn tiền của bạn bè, họ hàng mua đất đào hai cái ao rộng cả ngàn thước vuông, tập tễnh bước vô nghề nuôi cá lóc.

Thấy Sáu Nhuần nuôi cá “mát tay”, mới thả ngoài năm tháng mà nhiều con đã phổng phao, cân nặng cả ký, hàng chục hộ dân trong xóm cũng theo nghề. Nguồn cá lóc con (lòng ròng) trong tự nhiên trở nên khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu con giống. Thấy vậy, Sáu Nhuần đào đìa, trồng cỏ, thả các loài cây thủy sinh, tạo môi trường hoang dã rồi tìm mua cá lóc bố mẹ tự nhiên tới kỳ sinh sản về thả dưỡng. Tỉ lệ lòng ròng phát triển thành cá giống (cỡ 1.000 con/kg) ngày một nâng lên, biệt danh “vua cá lóc giống” ra đời từ hồi nào anh cũng không hay.

Phóng to
“Vua cá lóc” Sáu Nhuần cho cá giống ăn tại cơ sở ở huyện Châu Thành, An Giang - Ảnh: Tấn Đức

…Đến đơn đặt hàng bất ngờ

Có lúc trại của Sáu Nhuần cung ứng ra thị trường cả trăm ngàn con giống mỗi tuần. Cá giống được lai tạo giữa cá lóc đồng với cá lóc đầu vuông nên vừa có sức khỏe của loài cá hoang dã, vừa có thịt ngon hệt như cá tự nhiên. Tiếng lành đồn xa, ngư dân vùng nuôi cá lóc nổi tiếng ở Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp), Cù Lao Mây (Trà Ôn, Vĩnh Long), Hòa Lạc (Phú Tân), Châu Thành (Trà Vinh)… nườm nượp tìm tới mua giống về nuôi.

Nhưng điều bất ngờ với Sáu Nhuần là cú điện thoại từ Nam Định một ngày cuối tháng giêng, cách đây gần bốn năm. Người bên kia đầu dây xưng là chủ cửa hàng cá giống, đặt hàng anh 100.000 con cá lóc giống. Sáu Nhuần nhớ lại: “Sau khi nghe anh ấy trình bày, biết các tỉnh phía Bắc cũng rục rịch phát triển nghề nuôi cá quả (tên gọi cá lóc ở miền Bắc) nhưng không tìm ra con giống, qua mạng Internet họ biết tui có cơ sở sản xuất con giống nên đặt hàng.

Nghe xong, thấy vui trong bụng vì ở xa mà họ cũng biết tới mình, nhưng không tài nào nghĩ ra cách vận chuyển. Từ chỗ của tui ra tới đó nếu chuyển bằng xe tải chạy liên tục cũng mất hai đêm một ngày. Với thời gian ấy khó mà bảo toàn “sinh mạng” cho mấy chú cá con. Vậy là tui đành từ chối”.

Rồi cách đây hơn năm, tình cờ anh được một người quen ở TP.HCM cho biết ga hàng không sân bay Tân Sơn Nhất có dịch vụ chuyển con giống thủy sản từ Nam ra Bắc và ngược lại. Chủ hàng chỉ cần cho cá vào thùng nhựa, bơm oxy rồi chuyển lên xe tải, giao tại sân bay, sẽ có người tiếp nhận, “hồi sức” rồi đóng thùng xốp, bơm thêm oxy chuyển ra Bắc. Từ nửa đêm, cá giống đã có thể xuất trại, di chuyển lên TP.HCM, rồi 10g hôm sau “cưỡi mây” trên bầu trời, thêm 120 phút đã có mặt tại sân bay Nội Bài.

“Giá cá lóc giống giao tại Nội Bài chỉ 700-800 đồng/con, trong đó chi phí vận chuyển chiếm 50% là có thể chấp nhận được. Đơn đặt hàng cứ ngày một gia tăng” - Sáu Nhuần cho biết.

Hiện cá giống do cơ sở Sáu Nhuần ươm nuôi đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, từ Quảng Trị dài ra Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và cả một số tỉnh phía Đông Bắc.

Phóng to
Ông Bình giới thiệu gói khô cá lóc được sản xuất từ hệ thống sấy, đóng gói hiện đại - Ảnh: Tấn Đức

Vòng tăng trưởng từ cá lóc

Tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, vùng nuôi cá lóc trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp đã hình thành làng khô cá lóc với hơn 30 hộ tham gia.

Chị Út Chí, một cơ sở có quy mô lớn ở làng nghề truyền thống này, cho biết: “Trước đây cá lóc đánh bắt được ngoài tự nhiên có giới hạn, nghề làm khô chưa mấy phát triển. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, khi nghề nuôi cá lóc sinh sôi, nghề làm khô cũng phát triển, nhờ đó con cá lóc thương phẩm xứ Đồng Tháp Mười đi xa hơn, được nhiều người biết tới”.

Thông thường 3-4kg cá tươi sau khi làm sạch, ướp muối, gia vị và phơi qua vài nắng cho ra 1kg cá khô thành phẩm. Giá cá khô hiện dao động 180.000-260.000 đồng/kg (trong khi cá tươi 40.000-45.000 đồng/kg tùy kích cỡ). Khô cá lóc được người tiêu dùng chấp nhận bởi công sức người thợ xẻ khô bỏ ra không ít. Từ con cá tươi phải qua 7-8 công đoạn mới thành thành phẩm. Mùa nắng thì đỡ cực, nhưng mùa mưa cá đang phơi dang dở phải cho vào ướp lạnh để không bị ươn, nặng mùi khô sẽ không ngon.

Cầm bịch “khô cá lóc Tràm Chim” được đóng gói, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) Lương Văn Ỳ khoe: “Đây là sản phẩm của các xã viên vừa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Chúng tôi mất gần bốn năm đầu tư cho sản phẩm này, với mong muốn đưa con cá lóc xứ Đồng Tháp Mười nổi tiếng thơm ngon đi xa hơn”.

Được chế biến từ nguồn cá địa phương bởi bàn tay của những người thợ làm khô có nhiều năm kinh nghiêm cộng với bí quyết ướp tẩm gia truyền, sau đó đóng gói, rút chân không, bịch khô cá lóc Tràm Chim hiện đã có mặt tại hơn chục hệ thống siêu thị lớn của cả nước, với lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường hàng tấn mỗi tháng.

“Đây là những con số rất có ý nghĩa cho mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm cho người nuôi cá lóc ở Đồng Tháp” - ông Võ Thành Thống, trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Tràm Chim, đánh giá.

Tháng 4 vừa qua, tại chợ Phú Thọ (huyện Tam Nông), Công ty cổ phần Tứ Quý, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô cá, đã cung ứng ra thị trường khô cá lóc mang thương hiệu Tứ Quý.

“Cách làm khô cá lóc truyền thống phải phơi qua 3-4 nắng, đòi hỏi phải có sân phơi đảm bảo vệ sinh, đồng thời lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Khô cá lóc của chúng tôi khắc phục được những trở ngại khách quan đó khi chúng tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt dây chuyền thiết bị hong sấy, đóng gói chân không sản phẩm” - ông Đỗ Công Bình, giám đốc Công ty Tứ Quý, cho hay.

Để ra đời sản phẩm này, anh em ông Bình đã mất không ít công sức tìm hiểu, chọn lựa thiết bị rồi thiết kế logo, cả việc chọn công ty cung ứng bao bì để đóng gói sản phẩm đều phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất. “Với mục tiêu đưa sản phẩm ngon nhất, sạch nhất đến bàn ăn của khách hàng, chúng tôi đã không ngại chi phí đầu tư. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm chế biến từ cá chứ không chỉ làm khô” - ông Bình khẳng định.

Cá lóc ở đồng bằng sông Cửu Long được nuôi nhiều kiểu: nuôi hầm, nuôi lồng bè, trong vèo lưới, bể ximăng... Trước đây, người nuôi cá lóc thường sử dụng nguồn cá tạp, cá biển, phụ phẩm cá tra, ba sa làm thức ăn cho cá. Gần đây, do nguồn cá mồi tự nhiên sụt giảm, người ta chuyển sang thức ăn công nghiệp.

Bình quân một vụ nuôi kéo dài từ bốn tháng rưỡi đến năm tháng, cho ra cá lóc thương phẩm 0,7-1kg/con, với giá hiện tại 41.000-44.000 đồng/kg tùy kích cỡ (tăng 5.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2012). Với giá này, người nuôi lãi cả trăm triệu đồng trên 1.000m2 mặt nước ao.

Tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), hơn một năm qua đã hình thành tổ hợp tác nuôi cá lóc gồm 13 tổ viên, mỗi ngày cung ứng cho siêu thị tại Cần Thơ hàng trăm ký cá tươi.

Do nghề nuôi cá lóc phát triển quá nhanh nên một số tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh đang triển khai các biện pháp kiểm soát diện tích, sản lượng, quy hoạch vùng nuôi, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cho nông dân nhằm tránh nguy cơ rơi vào khủng hoảng thừa như từng xảy ra với con cá tra, cá ba sa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận