Bút pháp của ham muốn...và sự ham muốn bút pháp
TT - Tập
Bút pháp của ham muốn của Ðỗ Lai Thúy (Song Thủy Bookstore và NXB Tri Thức ấn hành) có lẽ cần phải được xem như một hiện tượng của phê bình văn học VN hiện nay.Cả sáu tác gia văn học có mặt trong tập sách này (ba tác gia cổ điển: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều; ba tác gia hiện đại: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm) đều được Ðỗ Lai Thúy soi chiếu một cách nhất quán từ ánh sáng của phân tâm học.
Ðỗ Lai Thúy sử dụng phân tâm học để làm hiển lộ cơ chế vô thức sinh thành tác phẩm, nhưng bên cạnh đó vẫn chú ý đến đặc sắc về tư duy nghệ thuật, phong cách, ngôn ngữ của tác giả như một sản phẩm của cái tôi ý thức.
Và vì thế, sáu gương mặt nổi bật của văn học VN đã được vẽ lại theo một cách cụ thể hơn và độc đáo hơn so với những gì chúng ta đã biết về họ từ trước. Một Hồ Xuân Hương "cọ tình vào đá", một Nguyễn Gia Thiều "đối thoại với bóng", một Bà Huyện Thanh Quan "đi dọc những đèo Ngang", một Chế Lan Viên phân thân giữa con người thời cuộc và con người bản thể... Tất cả đã được bày ra trên Bút pháp của ham muốn.
Là người ủng hộ hiện đại hóa đất nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, Đỗ Lai Thúy đã góp phần đổi mới phê bình văn học VN bằng sự gợi hứng từ các lý thuyết và phương pháp của thế giới. Bởi thế, ông đặc biệt chú ý đến văn học đất nước thế kỷ 20 và quá trình hiện đại hóa của nó, đặt vào một bối cảnh rộng hơn là văn hóa. Những điều trên được thể hiện nhất quán trong các tác phẩm Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (1999), Mắt thơ (1992), Chân trời có người bay (2002), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa (2003) và Bút pháp của ham muốn (2008)... |
Hay nhất trong Bút pháp của ham muốn có lẽ là bài viết Ði tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm. Những ám ảnh tình dục, chất gợi dục ở tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm là điều khá nhiều tác giả đã nhận ra, nhưng không mấy người cắt nghĩa nó một cách thấu đáo.
Tới Ðỗ Lai Thúy, từ cái tam giác cha - con - mẹ trong mặc cảm Oedipus và những trường hợp chuyển vị của nó, ông đã tìm thấy ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, thấy cả kết cấu bề chìm của Về Kinh Bắc, điều rất hiếm trong thơ VN nói chung nếu xét ở đơn vị tập thơ.
Với tập Bút pháp của ham muốn, có lẽ Ðỗ Lai Thúy đã bộc lộ sự ham muốn bút pháp của mình: từ tác phẩm của các tác gia cổ điển và hiện đại kể trên, ông sáng tạo nên tác phẩm thứ hai, loại tác phẩm vừa là khoa học vừa thấm đẫm tính văn chương.
Về điểm này có thể nói một cách thật ngắn gọn: đây là một thứ của hiếm trong phê bình văn học VN nói chung - viết phê bình mà "có văn" vốn không có mấy người.
HOÀI NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận