Bước tiến dài dưới thời Tổng thống Trump

ANH QUÂN 25/11/2020 22:11 GMT+7

TTCT - Ngay khi cố vấn an ninh Robert O’Brien kết thúc chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 20 đến 22-11, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) ra thông cáo nhấn mạnh “quan hệ Mỹ - Việt đang tốt hơn bao giờ hết”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nguyễn Khánh

Chuyến công du cuối cùng của ông O’Brien trước khi chính quyền Tổng thống Trump bàn giao khởi đầu từ đồng minh Nhật Bản ở Đông Bắc Á và tiếp nối tới các đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á. Trong ba tuần, hai nhân vật đứng đầu đội ngũ an ninh đối ngoại Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng lần lượt thăm Hà Nội. Thông điệp của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong chuyến thăm cuối tháng 10 nhấn mạnh ủng hộ một Việt Nam “độc lập, vững mạnh và thịnh vượng”.

Quan trọng trong chiến lược khu vực

Một ngày trước khi ông Pompeo tới Hà Nội, Diễn đàn Thương mại Ấn Độ - Thái Bình Dương chứng kiến một loạt thỏa thuận quan trọng như dự án điện khí trị giá 3 tỉ USD ở Bạc Liêu, kho chứa LNG trị giá 1,4 tỉ USD ở Bình Thuận, dự án điện khí ở Long An, dự án điện khí LNG ở Hải Phòng, thỏa thuận chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa hệ thống lưới điện ở Việt Nam…

Hai chuyến thăm đều được Washington nói là nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Với giới quan sát, các chuyến thăm cuối kỳ liên tiếp này, diễn ra ngay giữa đại dịch COVID-19, là bước quan trọng khẳng định di sản chính quyền Tổng thống Trump ở khu vực, đặc biệt với chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Công bố tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11-2017 (tới giờ là lần duy nhất Tổng thống Trump tới dự trực tiếp một hội nghị APEC), chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành chiến lược quan trọng nhất của chính quyền Mỹ thời Trump tại khu vực. Trong bàn cờ lớn đó, Việt Nam là thành tố chủ chốt.

Vài tháng sau APEC, lần đầu trong hơn 40 năm, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson - biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ - có chuyến thăm tới Việt Nam tháng 3-2018. Đầu năm nay, chuyến thăm thứ hai được thực hiện với nhóm tàu sân bay USS Roosevelt.

Phía sau những biểu tượng, quan hệ an ninh và quốc phòng của hai nước cựu thù đã có bước tiến dài trong 4 năm qua. Hai bên tiếp tục hợp tác tẩy độc sân bay Biên Hòa và lần đầu tiên phía Mỹ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để giúp Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Các hợp tác diễn ra sâu rộng từ trao đổi chính sách, đào tạo nhân sự, tài trợ tàu, hỗ trợ thông tin… Việc xây dựng niềm tin cũng được đẩy mạnh và tăng cường hợp tác về an ninh ở Biển Đông và hạ lưu sông Mekong trở thành tâm điểm trong những phát triển mới với các tương tác an ninh quốc phòng của hai bên. Tháng 7 vừa rồi, Washington lần đầu tiên đưa ra một phản bác chi tiết và quan trọng với đường chín đoạn sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Khác các nhiệm kỳ trước, dưới thời Tổng thống Trump, những chuyến thăm cấp cao được thực hiện rất sớm. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng năm 2017, chỉ vài tháng sau khi chính quyền mới nhậm chức; ông Trump cũng trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên hai lần thăm chính thức Việt Nam trong một nhiệm kỳ.

Công nhận cao nhất về thể chế chính trị

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong một trao đổi với người viết cách đây vài tháng thừa nhận điều ông hối tiếc nhất là chưa thực hiện được chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian ông làm đại sứ. Nếu được thực hiện, đó sẽ là chuyến thăm thứ hai của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và Nhà Trắng. Nói như cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, đó sẽ là sự công nhận cao nhất về thể chế chính trị của nhau.

Trong lễ kỷ niệm ngày quốc khánh Mỹ vào tháng 10 vừa rồi (chậm trễ vì COVID-19), đại sứ Kritenbrink nhắc lại việc Việt Nam được lựa chọn và hết sức hỗ trợ nước Mỹ để làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tháng 2-2019 như biểu hiện của niềm tin và sự gần gũi.

“Nếu so sánh với quan hệ của Việt Nam với các nước đang là đối tác toàn diện hay chiến lược, chắc chắn quan hệ Việt - Mỹ phải ở tầm chiến lược” - ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014-2018, nói hồi tháng 7, nhân kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, khi được hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ song phương lên chiến lược, đã trả lời: “Mức độ hợp tác sâu rộng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này!”. Theo đại sứ Ngọc, không nên câu nệ quá vào câu chữ, mà “hãy quan tâm hơn đến thực chất của mối quan hệ đó. Và chúng ta không quá khó khăn để xác định được tầm mức của quan hệ Việt Nam - Mỹ đang ở đâu”.

Khi phân tích chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc chỉ ra thực tế dù vị tỉ phú từ New York thiếu kinh nghiệm đối ngoại toàn cầu khi nhậm chức, quan điểm đối ngoại của ông trong gần 30 năm cơ bản là nhất quán: giới tinh hoa Mỹ không đủ yêu nước và không dành ưu tiên cho người dân Mỹ.

Cách tiếp cận khác biệt

Đại sứ Phạm Quang Vinh, người được đánh giá cao khi chủ động kết nối với chính quyền Trump từ rất sớm sau bất ngờ của bầu cử 2016, giải thích cách tiếp cận của mình trong tương tác với thay đổi chính quyền mới: “Cả thế giới ai cũng đặt lợi ích quốc gia trên hết. Chỉ có từng thời điểm, lợi ích nào là cao nhất và tiếp cận thế nào để đạt được lợi ích quốc gia. Ông Trump có thể thay đổi thứ tự, mình phải hiểu được thứ tự đó”.

Đối với ông Trump, theo đại sứ Vinh, nên bớt lập luận, lý lẽ, mà tìm những cái thể hiện sự quan tâm của mình đến ưu tiên của họ, và tìm cách đáp ứng lợi ích của họ mà vẫn giữ được lợi ích của mình. “Có lẽ ông Trump không thích tranh luận, mà muốn xem anh làm được gì cho tôi. Mà trước khi mình làm được chuyện đó, mình phải nghĩ là mình giữ được gì cho mình, để nói được là ông phải làm gì cho tôi” - ông Vinh giải thích.

Theo ông, các chính quyền Mỹ trước đây đối với đồng minh chiến lược sẽ gạt bất đồng sang một bên để xử lý êm thấm. Ông Trump lại tách biệt - cái nào là bất đồng thì cứ xử lý bất đồng, còn câu chuyện đồng minh chiến lược vẫn là đồng minh chiến lược.

Với cách tiếp cận này, trong gần 4 năm đó, quan hệ Việt - Mỹ đã chứng kiến những thay đổi vượt bậc từ sau thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.

Về thương mại, năm 2014, kim ngạch hai chiều là 36 tỉ USD, đến cuối năm 2019 con số này tăng hơn gấp đôi, lên 76 tỉ USD. 6 tháng đầu năm nay, thương mại song phương đạt 37,7 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái và Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, bất chấp COVID-19. Nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam, một số dự án đầu tư lớn vẫn đang được xúc tiến triển khai. 10 năm qua, thương mại hai nước luôn tăng trưởng 17-19% mỗi năm, cho thấy tiềm năng phát triển còn nhiều nếu hai nước biết cách khai thác.

Tờ Nikkei Asia trong kỳ bầu cử Mỹ vừa rồi có bài viết về việc ông Trump nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc Việt Nam, trong đó phần lớn là nhờ chính sách cứng rắn của ông với Trung Quốc. Có thể nói cách tiếp cận của ông Trump dù khác thường vẫn có những sự ủng hộ rộng rãi. ■

Dù giới phân tích có nói thế nào về di sản của Tổng thống Trump ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, ở góc nào đó có thể khẳng định hiếm khi nào lưỡng đảng ở Washington thống nhất về chính sách đối với khu vực và Việt Nam trong giai đoạn này. Antony Blinken, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời “Tái cân bằng” của chính quyền Barack Obama, đã được đề cử làm ngoại trưởng của chính quyền mới. Marc Knapper, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và là cựu tham tán chính trị ở sứ quán tại Hà Nội giai đoạn 2004-2007, cũng đang là đề cử cho vị trí tân đại sứ ở Việt Nam (chờ phê chuẩn của Thượng viện). Quan hệ Việt - Mỹ hẳn sẽ tiếp tục đà phát triển sau những bước tiến dưới thời Tổng thống Trump.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận