Bức tranh lụa giữa tòa tối cao

NGUYỄN VŨ 29/10/2022 07:34 GMT+7

TTCT - Một nhiếp ảnh gia chụp chân dung một người nổi tiếng, sau đó một họa sĩ dựa vào tấm ảnh chân dung này để sáng tạo ra những bức tranh khác. Hỏi bản quyền thuộc về ai?

Bức tranh lụa giữa tòa tối cao - Ảnh 1.

Chân dung Prince do Lynn Goldsmith chụp năm 1981 và 16 bức tranh lụa do Andy Warhol sáng tạo, dựa theo tấm ảnh này. Ảnh: Tòa tối cao Hoa Kỳ

Suy rộng ra, tác phẩm phái sinh có phải xin phép chủ tác phẩm gốc? Nếu bán tranh, họa sĩ có phải chia tiền thu được cho nhiếp ảnh gia? Với một người bình thường, phán xử tranh chấp này tương đối rõ: cho dù bản quyền tranh thuộc về họa sĩ, anh ta phải ghi nhận sự đóng góp của nhiếp ảnh gia và chia thù lao sòng phẳng. Nhưng trong cuộc đời thật, một tranh chấp y như thế phải đưa lên tới tận Tòa án tối cao Mỹ vì các tòa bên dưới không tìm được tiếng nói chung.

Từ ảnh chụp đến tranh

Lynn Goldsmith nổi tiếng là người chụp ảnh các ca sĩ nhạc rock, ảnh của bà được dùng làm bìa hàng trăm album nhạc. Năm 1981, bà được tạp chí Newsweek ký hợp đồng chụp một loạt chân dung ca sĩ Prince, sự nghiệp lúc này cũng bắt đầu cất cánh. 

Goldsmith chụp hình Prince tại các buổi diễn, đưa ca sĩ về phòng chụp của bà và trang điểm cho Prince theo phong cách riêng để cho ra một tác phẩm chân dung mà theo bà lột tả được sự dễ tổn thương của Prince. Newsweek chọn các tấm hình bà chụp tại các buổi diễn và không dùng hình chân dung. Goldsmith lưu giữ hình để sau này xuất bản hay cấp phép nơi khác sử dụng.

Ba năm sau, Prince đã thành một ngôi sao làng nhạc rock; tờ Vanity Fair ký hợp đồng với họa sĩ Andy Warhol vẽ hình anh minh họa cho một bài viết họ chuẩn bị đăng. 

Ở đây phải mở ngoặc nói về ông này: Andy Warhol là một họa sĩ nổi tiếng có những bức tranh bán với giá kỷ lục như bức tranh chân dung diễn viên Marilyn Monroe mang tên Shot Sage Blue Marilyn năm 2022 được bán với giá 195 triệu USD - mức cao nhất cho một tác phẩm mỹ thuật thế kỷ 20. Dựa vào một tấm ảnh đen trắng chụp Marilyn để làm áp phích phim, Warhol sử dụng kỹ thuật in lụa để tạo ra năm bức tranh với màu nền khác nhau: đỏ, cam, xanh nhạt, xanh lam và ngọc lam; tên mỗi bức gắn với màu nền.

Quay lại chuyện Vanity Fair thuê Warhol vẽ hình Prince. Tờ báo trả cho bà Goldsmith 400 USD mua quyền sử dụng tấm hình bà chụp, có hứa bằng văn bản chỉ sử dụng hình ảnh này cho một lần duy nhất trên tờ báo. Sau đó, Vanity Fair trao tấm hình cho Warhol, nói ông hãy sử dụng hình này làm điểm tham khảo.

Cũng như với hình Marilyn, Warhol dựa vào tấm hình của bà Goldsmith rồi dùng kỹ thuật in lụa tạo ra 14 bức tranh chân dung Prince, chủ yếu dùng màu khác nhau và hai phiên bản vẽ bằng bút chì rồi đăng ký bản quyền dưới tên ông. Warhol mất năm 1987 nhưng 16 bức chân dung Prince đã được bán, kể cả hàng loạt phiên bản in lại, đem về cho Quỹ hỗ trợ nghệ thuật Andy Warhol Foundation hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Sau khi Prince qua đời năm 2016, Vanity Fair quyết định dùng tranh Orange Prince làm bìa trên số tưởng niệm ca sĩ này và trả cho Andy Warhol Foundation 10.250 USD tiền bản quyền sử dụng tranh. Bà Goldsmith không được ghi nhận cũng không nhận được đồng thù lao nào. Bà quyết định kiện Foundation, cho rằng Warhol đã vi phạm bản quyền của bà, rằng Foundation nợ bà nhiều triệu USD tiền tác quyền chưa thanh toán.

Bức tranh lụa giữa tòa tối cao - Ảnh 2.

Bà Lynn Goldsmith

Quan tòa hay nhà phê bình mỹ thuật?

Phía Foundation phản bác rằng không những Warhol đã đăng ký bản quyền các bức tranh, ông còn xử lý hình nguyên thủy của Goldsmith theo cách "biến đổi" hoàn toàn như cắt cúp, thay đổi kích thước và góc nhìn của gương mặt, thay đổi ánh sáng và chi tiết, thêm các lớp màu sáng... để biến bức chân dung thành một tác phẩm mỹ thuật, không còn tính dễ tổn thương như Goldsmith nói nữa mà là "một gương mặt như đeo mặt nạ, vô hồn".

Hai tòa án cấp thấp cũng có ý kiến khác nhau. Một tòa liên bang tại Manhattan phán tranh của Warhol đúng là mang tính "biến đổi" vì nó phát đi thông điệp khác với hình nguyên thủy, y như lập luận của phía Foundation. 

Thẩm phán cho rằng mỗi bức tranh Prince đều dễ dàng nhận ra là của Warhol, chứ không ai nói chúng là hình Goldsmith chụp. Nhưng tòa phúc thẩm không đồng ý với phán quyết này, cho rằng quan tòa không được khoác cho mình vai trò phê bình mỹ thuật hay tìm cách khẳng định ý nghĩa của tác phẩm đang tranh chấp. 

Ba thẩm phán ngồi ghế phúc thẩm nhận định tác phẩm mới rõ ràng là xuất phát từ tác phẩm nguyên gốc vì vẫn giữ nguyên các yếu tố nền tảng. Cuối cùng, vụ việc lên bàn của các thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ.

Tòa án tối cao Mỹ đứng trước một quyết định khá khó khăn. Luật sư phía Foundation áp dụng nguyên tắc "sử dụng hợp lý" (fair use) để cho rằng các bức tranh của Warhol không vi phạm luật bản quyền khi dùng ảnh của Goldsmith nhưng sáng tạo ra cái mới, ý nghĩa mới. 

Tuy nhiên thế nào là ý nghĩa mới, ai có quyền nhận định cái này là mới và cái kia là cũ? Nếu các thẩm phán đưa ra các nhận định về ý nghĩa bức tranh, họ sẽ rơi vào chỗ đóng vai trò một nhà phê bình mỹ thuật mà tòa phúc thẩm từng chê bai.

Bức tranh lụa giữa tòa tối cao - Ảnh 3.

Thực tế cuộc tranh luận vừa được tổ chức vào ngày 12-10 đã diễn ra như thế. Chánh án John Roberts Jr. nói: "Không như tấm hình của Goldsmith, [tranh] Warhol gửi đi thông điệp về sự phi cá nhân hóa của văn hóa hiện đại và vị thế người nổi tiếng". Ông này nói thêm: "Một bên là lời bình phẩm về xã hội hiện đại. Bên kia là cho thấy Prince trông như thế nào".

Thẩm phán Elena Kagan thì cho rằng thành công của Warhol nằm ở chỗ tác phẩm của ông bổ sung ý nghĩa cho tác phẩm nguồn. Bà đặt câu hỏi: "Vì sao viện bảo tàng trưng bày [tác phẩm của] Andy Warhol? Họ trưng bày Andy Warhol vì ông là một nghệ sĩ "biến đổi", vì ông lấy các tấm hình và ông bắt chúng mang một ý nghĩa hoàn toàn khác".

Nhưng thẩm phán Samuel Alito Jr. lại nghĩ khác. Ông chất vấn luật sư của Foundation: "Tòa án làm sao xác định mục đích của thông điệp hay ý nghĩa một tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm nhiếp ảnh hay hội họa?"

Tranh luận như thế là bởi nếu Tòa án tối cao Mỹ phán quyết cho Goldsmith thắng, không những Foundation sẽ phải trả cho bà những khoản tiền lớn mà từ nay vô số tác phẩm nghệ thuật hiện đại sẽ bị xem là vi phạm bản quyền một cách dễ dàng nếu bị kiện. 

Ngược lại, nếu cho phía Foundation thắng, xem như chuyện bản quyền sẽ bị vô hiệu hóa trước muôn vàn phiên bản bắt chước, chỉ cần chỉnh sửa đôi chút cho có "ý nghĩa mới" như tô màu khác cho các nhân vật Avengers rồi sử dụng chúng một cách thoải mái hay cho nhân vật Darth Vader khét tiếng trong Star Wars thành một anh hùng là xong nghĩa vụ bản quyền.

Có lẽ các vị thẩm phán do yếu tố tạo ra tiền lệ nên bàn luận kỹ lưỡng, soi rọi đủ góc cạnh các yếu tố liên quan đến bản quyền cũng như chuyện "sử dụng hợp lý". Chứ nếu cứ theo lẽ thường tình, Warhol dù có sáng tạo gì đi nữa trên thực tế cũng đã dựa vào tác phẩm gốc của Goldsmith. Nếu phải chia một tỉ lệ nào đó tiền bản quyền cho bà cũng như ghi nhận sự đóng góp của bà, âu đó cũng là lẽ thường tình.

Chưa rõ lúc nào thì Tòa án tối cao Mỹ đưa ra phán quyết sau cùng về vụ tranh chấp bản quyền này.■

Bức tranh lụa giữa tòa tối cao - Ảnh 4.

Bức tranh Shot Sage Blue Marilyn của Warhol trị giá 195 triệu USD.

Shot Sage Blue Marilyn có nghĩa là "tranh Marilyn, bản màu xanh, bị bắn (shot)". Vì sao gọi vậy thì rất ly kỳ. Năm 1964, sau khi Warhol hoàn tất những bức tranh của Marilyn Monroe xong, còn xếp chồng lên nhau trong phòng vẽ, Dorothy Podber, một nghệ sĩ trình diễn, bước vào phòng và hỏi Warhol liệu cô ta "shoot" vài bức tranh được không? "Shoot" vừa có nghĩa chụp hình, vừa có nghĩa bắn và dĩ nhiên Warhol tưởng cô này xin chụp hình các tác phẩm của ông. Ai dè Podber rút từ xách tay một khẩu súng Đức nhỏ gọn và nhắm bắn; đạn xuyên thủng bốn bức Marilyn, riêng bức thứ năm màu ngọc lam xếp ở chồng khác nên thoát. Kể từ đó, bốn bức này được gọi là The Shot Marilyns, còn bức Turquoise Marilyn không bị bắn cũng bán được với giá đâu chừng 80 triệu USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận