"Bức trần kính" bị phá vỡ, thế giới vẫn của đàn ông

TỊNH ANH 30/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Bà Hillary Clinton vừa gia nhập hàng ngũ những người phụ nữ làm nên lịch sử với việc đạt đến đỉnh cao mới trong sự nghiệp chính trị, như cách bà mô tả bằng một ẩn dụ: “bức trần kính vô hình đã vỡ”.

“Trần kính” (glass ceiling) là cụm từ ẩn dụ để chỉ những rào cản vô hình ngăn không cho phụ nữ đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nhất định. Sở dĩ gọi là trần kính (trong suốt) là bởi các rào cản này không hữu hình, lại là “luật bất thành văn”. Phép ẩn dụ này được cho là xuất hiện lần đầu năm 1984, khi biên tập viên của tạp chí Working Women Gay Bryant dùng nó trong một quyển sách. Bà Bryant thừa nhận với Washington Post là quyển sách của bà đã “giúp cụm từ này phổ biến, nhưng tôi không biết ai đã nghĩ ra nó”. Dù tác giả là ai đi nữa thì trong ba thập niên qua, cụm từ “rào cản vô hình” vẫn luôn được nhắc đến khi một phụ nữ nào đó đi vào lịch sử.

Từ vết nứt đến phá vỡ

Bà cựu ngoại trưởng Mỹ đã minh họa việc “trần kính đã vỡ” theo nghĩa đen cực kỳ ấn tượng qua đoạn video phát ở đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ hôm 26-7. Đoạn băng phát lần lượt ảnh của 44 vị tổng thống Hoa Kỳ toàn nam giới, rồi vỡ vụn kèm theo tiếng “xoảng” và hình ảnh bà Hillary Clinton tươi cười hiện ra. Bà Clinton sau đó hân hoan tuyên bố “đã tạo được vết nứt lớn nhất trên bức trần kính đó”.

Phát biểu này liên quan đến bài diễn văn năm 2008, khi bà Clinton chấp nhận thua đối thủ Barack Obama trong cuộc đua giành quyền làm ứng cử viên tổng thống cho Đảng Dân chủ. Khi đó bà nói dù lần này “vẫn chưa thể phá được trần kính cao và khó nhất đó (...), nhưng trên đó đã có 18 triệu vết nứt”. Sau tám năm với nỗ lực bền bỉ, cuối cùng bà Clinton cũng biến “18 triệu vết nứt” đó thành cú “phá trần” ngoạn mục: trở thành nữ ứng cử viên chính thức trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bà Clinton không nói quá khi cho rằng bức trần bà vừa phá là “cao nhất và khó vỡ nhất”. Theo tạp chí Time, phụ nữ hiện chiếm chưa đến 20% trong Quốc hội Mỹ và các nữ doanh nhân góp mặt chưa đầy 5% trong danh sách Fortune 500 CEO. Hiện chỉ có 6 trên 50 bang ở Mỹ có nữ thống đốc. Do đó, việc Nhà Trắng có thể có nữ chủ nhân đầu tiên thật sự là một bước ngoặt lịch sử.

Và vô vàn rào cản

Dĩ nhiên “trần kính” ở mỗi nước cao thấp khác nhau và được phá vỡ ở những thời điểm cũng không giống nhau. Nếu thật sự trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton sẽ sánh vai cùng những phụ nữ đã “phá trần kính” từ rất lâu trước đó ở nước họ, như “Bà đầm thép” Margaret Thatcher (thủ tướng Anh 1979 - 1990) hay Thủ tướng Đức Angela Merkel (từ năm 2005 đến nay). Cũng nên kể đến nữ thủ tướng đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất của Ấn Độ - bà Indira Gandhi (nắm quyền từ năm 1966 - 1984).

Nhưng đó chỉ là riêng về chính trị. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có một rào cản vô hình khiến phụ nữ không bao giờ đạt được bình đẳng về cơ hội thăng tiến, lương bổng hay phúc lợi như các nam đồng nghiệp. Ngay sau tuyên bố “phá vỡ trần kính” của bà Clinton, Time đưa ra bài “đố vui”, thách thức người đọc đoán xem những phụ nữ nào đã “phá trần” trong 12 lĩnh vực như đoạt giải Nobel, Pulitzer hay Oscar, trở thành chánh án Tòa tối cao Hoa Kỳ hay bay vào vũ trụ...

Nếu vô tình đọc bài “Những người phụ nữ đã “phá trần kính” trước Clinton từ lâu” trên CBS News ngày 30-7, người đọc sẽ biết ngay vài câu trả lời như nhà hóa học Marie Curie, tác giả tiểu thuyết kinh điển Thời thơ ngây Edith Wharton, nữ đạo diễn phim tài liệu về chiến tranh Iraq The Hurt Locker Kathryn Bigelow và nữ chánh án Sandra Day O'Connor. CBS News cũng cho rằng “bức trần kính” trong chính trị được phá lần đầu tiên cách đây đúng 100 năm, khi Jeannette Rankin trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ, bốn năm trước cả khi phụ nữ có quyền đi bầu.

Việt Nam đã có nhiều phụ nữ phá vỡ rào cản vô hình với nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên, nữ cơ trưởng, nữ tỉ phú đôla...

Ngoài “trần kính”, còn nhiều ẩn dụ để nói về những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ mà không có từ tương đương trong tiếng Việt, dù có thể phần nào đoán được từ nghĩa đen. Nghịch nghĩa với trần kính là concrete class (trần bêtông), ý chỉ những rào cản hữu hình (như màu da, sắc tộc) ngăn cản con đường thăng tiến của phụ nữ. Ngoài ra còn có glass cliff (bờ vực kính) chỉ hiện tượng phụ nữ thường được chọn vào vị trí lãnh đạo giữa những thời điểm khó khăn hơn là đàn ông (như nữ CEO được chọn để lèo lái một công ty đang trên bờ phá sản) hay maternal wall (tường ngăn người mẹ), tức các hạn chế thăng tiến nghề nghiệp mà phụ nữ vừa làm mẹ vừa đi làm gặp phải. Lại có glass escalator (thang máy vô hình) để chỉ việc đàn ông có thể thăng tiến nhanh hơn ngay cả trong ngành nghề do phụ nữ chiếm đa số và sticky floor (sàn dính), tức các phân biệt đối xử và định kiến khiến phụ nữ phải “dính chặt dưới sàn” mà không vươn cao được trong sự nghiệp.

Năm 2013, tạp chí The Economist công bố “glass-ceiling index”, xếp hạng 30 quốc gia theo tiêu chí cơ hội bình đẳng khi làm việc của phụ nữ tại đó là cao hay thấp. Danh sách này được cập nhật dịp Quốc tế phụ nữ 8-3 hằng năm. Trong bản cập nhật năm nay, The Economist thừa nhận “thế giới vẫn là của đàn ông” bởi bất chấp ngày càng có nhiều phụ nữ vượt qua rào cản vô hình khắp nơi trên thế giới, trong đó có cơ hội lịch sử của bà Hillary Clinton, “những bước ngoặt này không thể dẫn ngay đến các cơ hội cho phụ nữ tiến thân trong công việc”.

Theo bảng xếp hạng năm 2016, các nước Bắc Âu tiếp tục dẫn đầu, tức tại đây phụ nữ đạt mức bình đẳng cao so với nam giới trong công việc. Trong khi nhóm chót bảng gồm Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, “nơi nam giới thường nắm vị trí quan trọng hơn phụ nữ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận