Bữa tiệc sách cho độc giả nhí

TRỌNG NHÂN 27/04/2022 21:00 GMT+7

Để thu hút độc giả nhỏ tuổi, nhiệm vụ của người thủ thư không chỉ là quản lý sách mà còn phải nghĩ ra các hoạt động mới gắn liền với sách để lôi cuốn học sinh đến việc đọc trong bối cảnh có quá nhiều thú vui chi phối những độc giả nhỏ tuổi như phim ảnh, game, mạng xã hội…

 
 Thủ thư Loan và học trò trong thư viện trường. Ảnh TRỌNG NHÂN

Cô Ngọc Loan (Q.5, TP.HCM) đã có 9 năm trong vai trò nhân viên thư viện ở Trường tiểu học Chính Nghĩa (TP.HCM) kể từ ngày tốt nghiệp cao đẳng đến nay. Cô Loan thường bày những “bữa tiệc sách” thịnh soạn để chiêu đãi học sinh. Thư viện sẽ được biến hóa thành một “nhà hàng” cao cấp, nơi các em bắt đầu với một vài chiếc bánh, viên kẹo khai vị rồi mới bước vào thưởng thức món chính là sách. Mỗi em được phát một menu chọn món chính (sách), có thể tùy ý yêu cầu dựa vào sở thích của các em. Sau bữa tiệc, học sinh sẽ cho nhà hàng một vài lời đánh giá về các món ăn, tức là một vài dòng cảm nhận của em về sách.

Cô Lê Thị Hương, nhân viên thư viện tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM), cho rằng hình thức bề ngoài của một thư viện cũng vô cùng quan trọng. Không gian thư viện có sạch sẽ, thoáng mát hay không, có được thường xuyên làm mới hay không? Đôi khi những mô hình trang trí liên quan đến chủ đề sách mà nhiều em đang tìm đọc như một ngôi nhà, một chiếc thuyền sẽ tạo thêm thiện cảm cho học sinh với thư viện.

Cô Hương nhớ lại hồi mới về trước, thư viện không đông, học sinh thường ngại ngùng thậm chí sợ sệt khi đặt chân vào thư viện. Vận động, năn nỉ lắm mới có vài em xuống ngồi đọc. Một số thay đổi về vẻ ngoài của phòng đọc cho màu sắc, thêm những tiểu cảnh dần giúp thư viện tạo được sự gần gũi hơn. Cùng với đó là cách “tiếp thị” sách đến từng lớp học, hằng tuần đều giới thiệu những tựa sách hay, sách mới đang có ở thư viện để các em biết mà tìm hiểu. 

“Không phải ai sinh ra cũng thích đọc sách. Niềm yêu thích đọc sách nhiều lúc có trong các em nhưng do chưa được khơi gợi. Do đó đưa các em tới được thư viện là một thành công đầu tiên, gieo hạt mầm yêu thích đọc sách đến những bạn nhỏ ngày nay” - cô Hương nói.

Giờ đây, học sinh đã đến với thư viện Trường THCS Tùng Thiện Vương ngày một đông hơn. Mỗi giờ ra chơi hay sau giờ học đều có rất đông học sinh đến đọc sách. Thư viện có sức chứa khoảng 50 em nhưng nhiều ngày đón tới 70 em vào một lúc. 

“Phục vụ cho những độc giả nhí vui lắm. Nhiều bạn thân quen với mình, hết giờ học là cứ chạy sang ngồi đọc sách cho đã mới về. Các em còn kể đủ thứ chuyện trên đời, tâm sự chuyện gia đình, học hành cho mình nghe. Có lúc thấy cô ngồi một mình buồn, một vài em mua tặng cô… bịch bánh tráng trộn” - cô Hương kể.

 
 Chị Ngọc Thư tại thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chị Ngọc Thư, thủ thư Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, vừa được chuyển sang khu vực dành cho thiếu nhi được ít lâu. Tại đây, ngoài sách còn có những không gian về STEM, robotics, thiên văn… nên chị phải học lại những kiến thức về STEM, từ lắp ráp lego đến một số mô hình điều khiển tự động, để hướng dẫn cho các bạn nhỏ khi cần. 

“Ban đầu học cũng khó nhưng tìm hiểu dần rồi sẽ quen. Các không gian trải nghiệm này không đi đơn lẻ mà luôn gắn liền với sách. Chẳng hạn, ở quanh khu vực khám phá vũ trụ là một sách thiên văn, khơi gợi thêm sự tò mò với những thể loại sách này cho các em nhỏ” - chị Thư nói.

Cũng nhờ không gian mô hình về khoa học mà cô Ngọc Loan phần nào khơi gợi được những học sinh đặc biệt tại Trường tiểu học Chính Nghĩa. Có một cậu học trò vô cùng thú vị, từ lớp 1 đến lớp 5 không ngày nào là không đến thư viện và chỉ đọc mỗi sách khoa học. Thỉnh thoảng bạn có chia sẻ sau này có thể trở thành một nhà nghiên cứu về tự nhiên. 

“Bạn đã vào trung học cơ sở được 3 năm rồi nhưng vẫn thỉnh thoảng về trường tiểu học tìm sách. Ghé lại thư viện cũ, bạn biết ngay đâu là những cuốn sách mới rồi hí hửng giới thiệu những tựa sách khoa học hay cho tôi làm phong phú hơn các đầu sách trong thư viện của mình” - cô Loan nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận