BREXIT dạy ta điều gì ?

LÊ QUANG 03/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Ngay cả sự dùng dằng đi hay ở của người Anh trong một câu lạc bộ châu Âu lục địa cũng đã từng làm thế giới giật mình hồi năm 1975, khi họ trưng cầu ý dân có nên quay lưng với khối Thị trường chung hay Cộng đồng kinh tế châu Âu.

Brexit gây ra lo ngại sẽ kéo theo hàng loạt nước EU khác cũng đòi rời liên minh -The Guardian
Brexit gây ra lo ngại sẽ kéo theo hàng loạt nước EU khác cũng đòi rời liên minh -The Guardian

Với kết quả 33:67 ngày ấy, người Anh giúp cho con đường dẫn đến EU bớt đi một chút gai góc, để rồi hôm nay các toan tính đượm màu chủ nghĩa dân tộc của họ lại thắng với tỉ số 52:48.

“Các cụ tổ hưu nhổ vào đĩa xúp con cháu mình!?”

Viện điều tra thị trường và dư luận YouGov của Anh đưa ra một thống kê, dù còn khá sớm để mang tính đầy đủ và đại diện nhưng vẫn khiến ta phải ngẫm nghĩ: thế hệ trẻ đã chọn ở lại EU, 64% cử tri thuộc nhóm trẻ nhất (18-24 tuổi) yêu quyền tự do đi lại, cư trú và hành nghề trên toàn châu Âu và tận hưởng lợi thế đó bình quân 69 năm nữa; song nhóm đối thủ kiên cường nhất - đã vào lứa tuổi khả kính từ 65 trở lên và lo lắng hơn về sức khỏe của mình trong một cơ chế bảo hiểm hưu trí khá mong manh ở Anh - rốt cuộc đã góp phần quyết định tạo nên chiến thắng của phe Brexit.

Thủ tướng Cameron nhiều lần cảnh báo rằng rời bỏ EU nghĩa là quỹ bảo hiểm hưu sẽ thâm hụt chừng 40 tỉ bảng Anh ở thời điểm 2020, nghĩa là việc cắt giảm lương hưu không thể tránh khỏi. Nhưng hình như các lý lẽ của Đảng Dân túy thiên hữu UKIP vẫn sống dai hơn, và thế hệ cao tuổi ở Anh vững tin vào các giá trị ngày xưa gắn liền với đồng bảng Anh mà bao năm qua họ nhất quyết không đổi lấy đồng euro.

Nhưng sẽ nghĩ quá ngắn nếu đổ tội cho những người già, theo YouGov chủ yếu ở vùng nông thôn và có thu nhập kém. Những hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ và tầng lớp trong xã hội Anh phức hợp hơn nhiều, trong đó vấn đề bảo hiểm y tế và hưu trí chưa phải lớn nhất.

Cuộc trưng cầu ý dân lịch sử này là hệ quả hiển hiện của nhiều mâu thuẫn trong nội bộ một vương quốc từng có thời chưa bao giờ bị chứng kiến mặt trời lặn. Nó là cuộc kèn cựa giữa một bên là các đô thị lớn như London, Cardiff, Belfast, Liverpool và Manchester với bên kia là những vùng như Westmidlands, Midlands, nơi UKIP thắng như chẻ tre năm 2014.

Nó là mối bất hòa âm ỉ từ lâu giữa một bên là Anh, Wales với bên kia là Scotland và Bắc Ireland - theo tin của Hufftington Post ngày 25-6 ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, phe dân tộc chủ nghĩa Scotland đã phát động ngay ý tưởng bỏ phiếu đòi rời Vương quốc Liên hiệp Đại Anh và Bắc Ireland để tiến hành đàm phán gia nhập EU, mặc dù thất bại lần cuối còn tươi rói hồi 2014.

Nó là sự xa cách giữa một bên là DE-Class (công nhân không qua đào tạo hoặc ít học, người ăn trợ cấp xã hội, hưu trí - theo YouGov có đến 63% muốn Brexit) với bên kia là người có bằng cử nhân trở lên (70% ủng hộ EU) hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông (56%).

Nó là sự đối đầu giữa một bên là cử tri Đảng Xanh và Đảng Tự do (80% phản đối Brexit) hoặc Công đảng (75%) với bên kia là người bầu cho giá trị bảo thủ (44%). Và rất nhất quán, nó thậm chí còn cho thấy quan điểm khác biệt giữa độc giả tờ lá cải Sun (69% muốn Brexit) và người đọc nhật báo trung tả Guardian (91% ủng hộ EU).

Tại sao người Anh lại như người Anh hôm nay?

Đầy hoang mang bởi một sự kiện không phải là quyền lợi sát sườn, trước hết tôi viết thư cho một giáo sư dạy triết ngày xưa, dĩ nhiên không hề mong đợi cho đó là ý kiến đại diện cho ai.

Ông suy nghĩ khá lâu rồi đáp: “Tôi vừa điểm báo Anh trên mạng, thấy có bài viết của một nữ giáo viên ở London. Thật kinh ngạc khi thấy đại đa số học trò ở đó không biết gì về EU. Không có một tiết học duy nhất nào nói về các nguyên lý hoạt động, ưu thế và tư tưởng nền tảng của Liên minh châu Âu, một cộng đồng 28 quốc gia (giờ đây chỉ còn 27) với nửa tỉ dân!

Ngay cả người lớn cũng không biết tên các nước thành viên của EU, lại càng không tin là EU cùng cấp tài chính xây đường sá, sân bay, trường học và hỗ trợ phát triển du lịch ở Anh”.

Nghĩa là người Anh không hiểu dân lục địa lắm, hoặc bàng quan? Trên báo còn thấy lắm lời chỉ trích dân Anh sau khi bỏ phiếu về mới lên Google tìm xem Brexit có hệ quả gì!

Xưa nay người châu Âu lục địa vẫn mỉm cười đầy ẩn ý khi nói đến người hàng xóm kỳ quặc ngoài hòn đảo nhiều mưa và sương mù, nhất là khi thấy họ cứ loay hoay một cách ngang bướng để đối phó với chính sách EU. Để hiểu thái độ người Anh đối với phần còn lại của châu Âu, có lẽ phải đọc lại lịch sử.

Mùa xuân năm 1992 Hiệp ước Maastricht ra đời. Đó là nghị quyết thành lập một liên minh đứng trên Cộng đồng kinh tế châu Âu, mang tên EU, một khối các quốc gia cùng phát triển trên lĩnh vực chính trị và tư pháp. Bên cạnh đó còn một nghị quyết về liên minh tiền tệ mà sau này ta biết đến là khu vực dùng chung đồng euro, với ngoại lệ cho Anh và Đan Mạch được tự quyết định có muốn gia nhập hoặc ở thời điểm nào.

Nhưng khái niệm “liên minh chính trị” đi ngược lại thế giới quan của người Anh, vốn là một cường quốc muốn đứng một mình một cõi và do đó luôn “xù lông nhím” lên chống lại mọi xu thế hòa nhập của EU. Quá trình phát triển EU tự nó đã khó khăn và chồng chất trở ngại lẫn sai lầm, khiến người Anh càng thấy quan điểm của mình là đúng.

Lấy ví dụ cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh năm 1992, khi Anh có nghĩa vụ ràng buộc tỉ giá bảng Anh vào các đồng tiền châu Âu khác, lấy định hướng là D-Mark của Tây Đức. Ngân hàng Anh bắt buộc điều chỉnh liên tục tỉ giá tiền của mình mà sau này nhìn lại là ở mức quá cao.

Sau nhiều năm khó giữ được vị thế cân bằng với D-Mark, Anh buộc phải ra khỏi Cộng đồng kinh tế châu Âu. “Vết nhơ” này nước Anh không bao giờ quên. Trước ngày bỏ phiếu 23-6, một chính khách Anh còn ví các lề luật của EU trói buộc Anh không khác chế độ độc tài của Hitler!

Người Anh luôn tự coi mình là láng giềng chứ không phải một phần của châu Âu lục địa. Nước Anh tràn trề kiêu hãnh về quá khứ và hiện tại của mình, coi EU như một bản copy tồi của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hay hơn nữa, như một sự đe dọa nền văn hóa và sự tồn vong của mình.

Anh tham gia nhiều hoạt động của EU nhưng luôn tìm cách tỏ thái độ đối lập. Hiệp định Schengen chẳng hạn, ra đời năm 1995 để bỏ kiểm tra hộ chiếu giữa các nước thành viên, cho đến nay vẫn bị Anh lờ đi. Là một nước công nghiệp phát triển cao nhưng bà đầm thép Margaret Thatcher đòi giảm bớt đóng góp vào ngân sách Liên minh châu Âu, cho đến tận hôm nay.

Trước khi trưng cầu ý dân, Đảng Độc lập Anh UKIP dán hàng chữ “Mỗi tuần chúng ta chuyển cho EU 350 triệu euro. Thà chi cho quỹ bảo hiểm y tế quốc gia còn hơn!” lên một chiếc xe buýt đỏ chót rồi đi ngang dọc đất nước để kêu gọi cử tri ủng hộ Brexit.

Sáng 24-6 trên màn ảnh nhỏ, chủ tịch Đảng UKIP là Nigel Farage được hỏi có dám hứa đem tiền đó chi cho bảo hiểm y tế thật không. Ông trả lời ngay là: “Không!” khi biên bản kiểm phiếu chưa viết xong. Chưa kể món tiền 350 triệu trên, sau khi miễn giảm theo đòi hỏi của bà Thatcher, chỉ còn 190 triệu!

Ly nước còn hay hết một nửa?

Châu Âu đã từng kinh qua nhiều dạng liên minh quân sự, chính trị, thương mại, tiền tệ... EU cũng không hẳn là một cấu trúc hoàn toàn mới. Tất cả các mối ràng buộc ấy chẳng phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt, sớm muộn cũng phải chỉnh sửa đôi chút, cãi cọ hay thậm chí tan rã.

Cho đến chiều 26-6 đã có hơn 2 triệu người Anh đòi tổ chức trưng cầu ý dân đợt 2. Chính xác hơn là sáng 25-6 một đơn thỉnh nguyện với 1 triệu chữ ký được nộp đến nghị viện, hôm sau có thêm 1 triệu chữ ký online. Theo trang mạng của nghị viện Anh, chỉ cần 100.000 chữ ký là đủ để phải xét đơn.

“Đánh được người, mặt vàng như nghệ”. Phải chăng bây giờ nhiều cử tri mới dịu cái đầu nóng để bình tâm suy xét mọi hệ quả của việc ra khỏi EU? Ai mong đợi một kết quả khác ở lần bầu thứ hai, nếu có?

Giới trẻ cho rằng họ chỉ thua vì thế hệ U-35 ở Anh được coi là lười tham gia hoạt động chính trị và xã hội, ưa ngủ muộn hơn đi bầu. Những người cực đoan hơn thì đề nghị không cho lứa tuổi trên 70 đi bầu nữa, như tờ The Observer số tháng 4-2016 phản ánh qua thăm dò dư luận ở lứa tuổi 18-34. Liệu sẽ có một đầu ra khả quan hơn theo hướng EU, nếu “bỗng dưng” lứa trẻ U-35 sốt ruột lên tiếng?

Người ta có thể lạc quan (ly nước hãy còn đầy một nửa) hay bi quan (ly nước đã vơi mất một nửa), vụ Brexit tuy cho thấy nước Anh còn lúng túng trong nội bộ các giai tầng nhưng không vì thế mà làm tư tưởng Liên minh châu Âu mất đi sức sống.

Người Anh có thể tái nhập EU hay ở lại bên ngoài, nhưng trước hết họ phải tự mình làm xong bài tập về nhà; nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới và cái ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước sau luôn là một sự chống lưng vững vàng.

Sự thật là mọi nền kinh tế phát triển trong lịch sử loài người đều có một điểm chung: cần một chu kỳ ổn định dài và một cái gọi là “khế ước giữa các thế hệ”. Anh quốc cũng là quê hương cha đẻ của tư tưởng này, triết gia Edmund Burke (1729-1797) của Kỷ khai sáng, còn được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa bảo thủ với ý nghĩa tích cực hơn là trong tiếng Việt hay bị hiểu lầm.

Suốt đời Burke phấn đấu cho việc bảo tồn các giá trị cổ truyền đã được thử thách, mọi động thái lật đổ đều là phản tiến bộ, ngay cả Cách mạng tư sản Pháp 1789 cũng bị ông đánh giá là tận diệt một hệ thống xã hội được phát triển nghiêm cẩn.

“Trong nửa tiếng, căm hờn và mù quáng có thể tàn phá nhiều hơn những gì mà trí khôn, tư duy và sự cẩn trọng thông thái dựng nên trong hàng trăm năm” - ông viết. Giá trị truyền thống mà ông đề cao nhất là Khế ước giữa các thế hệ: “Đó là thỏa thuận không chỉ giữa những người đang sống, mà còn cả giữa những người đã chết và những người chưa ra đời”.

Burke là người đầu tiên đòi hỏi quan hệ giữa các thế hệ đó rộng hơn phạm vi đạo lý hay tôn giáo. Khế ước giữa các thế hệ hôm nay là nền tảng của các nhà nước mang tính xã hội như Anh, Đức hay Bắc Âu, được xây nên bởi lời hứa từ đứa bé trong bụng mẹ.

Nước Anh dù có chuệch choạc trên con đường nhà nước xã hội, giữa các thế hệ ở đó đang có đứt gãy nhưng không có nhiều lý do khiến thế giới phải nhức đầu. Người Anh có một lịch sử phát triển kinh tế đáng nể, hôm nay chỉ phải kiên cường vượt qua những chông gai mà tốc độ vũ bão thời hiện đại gây ra.

James Watt của thập kỷ 1760 phải mất sau 20 năm để đưa máy hơi nước của mình vào các nhà máy và 10 năm nữa để đủ sống bằng phát minh của mình. Thời nay, một sinh viên Larry Page giới thiệu công cụ tìm kiếm mang tên Google năm 1999 thì bốn năm sau đã kiếm được tỉ USD đầu tiên. Ở tốc độ ấy, sau này nhìn lại Brexit cũng chỉ là một vấp váp nho nhỏ... ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận