Brave: Trình duyệt web trong mơ hay hào hứng quá sớm?

TRƯỜNG SƠN 21/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Chuyện lướt web giờ đây kèm theo muôn vàn phiền toái, bởi quảng cáo ở khắp nơi và những đoạn mã nhúng trong các website theo chân người dùng khắp cõi Internet và thu thập mọi thông tin về họ. Chẳng thế mà một trình duyệt Internet cam kết giải quyết hết các vấn đề trên giành được vô số lời khen ngợi từ báo chí và các trang tin công nghệ.

Brave liệu có thể thay Chrome thành bá chủ?   -Ảnh: publish0x.com
Brave liệu có thể thay Chrome thành bá chủ? -Ảnh: publish0x.com

Brave ra mắt bản chính thức Brave 1.0 hôm 13-11, sau hơn ba năm chạy thử nghiệm, với đủ các phiên bản cho Windows, Linux, macOS, Android và iOS và tiêu chí “quyền riêng tư người dùng là trên hết”.

Trình duyệt mã nguồn mở phát triển trên nền Chromium (giống Google Chrome) là sản phẩm của Brendan Eich, đồng sáng lập Mozilla (công ty đã tạo ra Firefox). Hiện mới có 8 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, Brave thực sự chỉ là gã tí hon so với người khổng lồ Chrome (hơn 1 tỉ người dùng) và cả Firefox (100 triệu).

Thế nhưng Brave được tạp chí PC World miêu tả là “trình duyệt xuất sắc”, còn Wired giật tít “Brave, trình duyệt đặt quyền riêng tư lên trên hết có thể thay thế Chrome trên mọi thiết bị của bạn”, ca ngợi tính năng giảm thiểu “dấu chân” người dùng để lại trên mạng bằng cách chặn quảng cáo và các đoạn mã theo dõi người dùng (tracker) của phần mềm này.

Những tít bài ngợi khen của các tờ báo và trang tin công nghệ về Brave tạo cảm giác các nhà bình luận công nghệ có vẻ hơi hào hứng thái quá. Thái độ này có thể phần nào hiểu được, vì giới công nghệ tin vào nỗ lực của một phần mềm “dũng cảm” (Brave có nghĩa là can đảm) dám thách thức Chrome, trình duyệt đang thống trị thế giới, cũng như đánh giá cao và kỳ vọng vào một đặc điểm khác của Brave: không chỉ mang trải nghiệm lướt web “sạch”, Brave còn muốn thay đổi cách người dùng Internet xem quảng cáo và tạo một kênh để người đọc tin tức “tri ân” những người đã tạo ra nội dung bằng vật chất.

Tự động chặn phiền toái

Công bằng mà nói, các trình duyệt web, kể cả Chrome, gần đây đều nỗ lực chặn tracker trên website nhưng các tính năng này còn hạn chế, hoặc đòi hỏi người dùng phải có chút kiến thức về công nghệ để tự tìm hiểu. Riêng chuyện chặn quảng cáo (ad blocker) thì đa số vẫn phải tải và cài đặt thêm các phần mở rộng cho trình duyệt, chứ chưa có trình duyệt web nào chủ động cung cấp mặc định tính năng này cho người dùng.

Brave cam kết chặn mọi quảng cáo và tracker mặc định, nghĩa là người dùng không phải cài đặt thêm hay bật các tính năng này. Các quảng cáo dựa vào lịch sử truy cập của người dùng cũng như tracker từ các bên thứ ba như Facebook và các dịch vụ trực tuyến sẽ bị chặn hoàn toàn.

Tất cả các biện pháp bảo vệ này sẽ giúp giảm đến mức tối thiểu “dấu vết” người dùng để lại khi lướt web. “Chúng tôi không xem cũng như lưu trữ bất kỳ dữ liệu duyệt web nào của bạn - Brave viết trên website - Dữ liệu tạo ra sẽ nằm trên thiết bị của bạn đến khi bạn xóa chúng đi”.

Brave cũng tự động chặn các video tự chạy (autoplay video), không hiển thị các bài viết nhúng từ LinkedIn hay Twitter để đảm bảo trải nghiệm lướt web thông suốt cho người dùng. Trình duyệt này còn kèm theo phần mềm quản lý password, ví tiền mã hóa, tải file định dạng Torrent và nhiều tính năng sẵn có khác để người dùng không phải tự cài thêm gì cả.

Trình duyệt Brave đang được ca ngợi có phần thái quá. Ảnh: jujubeemedia.com
Trình duyệt Brave đang được ca ngợi có phần thái quá. Ảnh: jujubeemedia.com

Cơ chế “xem báo trả tiền”

Các trang web hay báo mạng thường có thông điệp tha thiết cần tiền để nuôi sống báo chí và duy trì hoạt động, thành ra người dùng đừng cài đặt phần mềm ad blocker, lấy mất nguồn thu của họ. Nghe thì không khỏi xót xa, nhưng cảm giác không bị quảng cáo làm phiền thường sẽ chiến thắng và người dùng sẽ chọn ad blocker, “phớt lờ” lời kêu gọi. Chính vì thế mà khá trớ trêu khi các trang báo mạng trong tuần qua đã đăng bài ca ngợi Brave, trình duyệt sẽ chủ động “đập bể nồi cơm” của mình.

Thật ra Brave có cách giải quyết chuyện này để các báo mạng và trang web khỏi phải lo mất nguồn thu, còn người dùng sẽ không còn phải áy náy chuyện đó nữa. Người dùng Brave sẽ có thể tuyên bố kiểu “tôi không muốn xem quảng cáo của anh, nhưng tôi sẽ có cách để bù đắp cho anh về mặt tài chính”.

Giải pháp của Brave là Brave Rewards, cơ chế xem quảng cáo để đổi lấy tiền dạng mã hóa BAT (tỉ giá 4,38 BAT đổi được 1 USD) và dùng tiền này “tặng” các trang báo mạng, chủ trang web hay các nguồn tạo nội dung khác để giúp họ có nguồn thu. Brave gọi hình thức này là “quảng cáo tôn trọng quyền riêng tư” và nó sẽ không phải ở dạng các bảng (banner) hiện khắp nơi trên website, gây vướng và rối mắt cho người đọc như quảng cáo thông thường, mà hiển thị dạng tin nhắn thông báo (notification), người nào cần thì click vào xem.

Như vậy, Brave sẽ chặn mọi quảng cáo cài trên các trang web và thay vào đó là “quảng cáo kiểu Brave”.

Để có tiền trả cho người dùng, Brave cũng đứng ra kêu gọi quảng cáo giống như mọi nền tảng khác. Giả sử một nhãn hàng đồng ý chạy quảng cáo trên trình duyệt này với giá 100 BAT mỗi tháng, Brave sẽ thu 30% trong số này và chia cho người dùng 70% còn lại.

Các nhà quảng cáo, người dùng, báo mạng cũng như tài khoản Twitter, YouTube hay các trang khác có thể đăng ký tham gia mạng lưới BAT của Brave để trao đổi đồng tiền ảo này với nhau.

Chẳng hạn những người học bí kíp nấu ăn từ trang A có thể dùng Brave và xem quảng cáo để có tiền BAT và tặng lại cho chủ trang, cũng như độc giả báo B nếu muốn ủng hộ tờ báo mình yêu thích thì chăm chỉ xem quảng cáo rồi gửi tiền ủng hộ.

Nghe thì rất hay, nhưng vẫn có một số vấn đề đặt ra. Số tiền thu được từ Brave Rewards không phải là quá nhiều, và người dùng chắc chắn không có động lực nếu họ buộc phải xem những quảng cáo không liên quan đến mình.

Từ phía nhà quảng cáo, họ cũng sẵn sàng chi đậm hơn nếu biết chắc thông tin của mình sẽ đến được với người cần chúng nhất. Nhưng nếu hiển thị quảng cáo “đo ni đóng giày” thì lại buộc phải dựa vào dữ liệu người dùng. Brave giải bài toán này bằng cách cũng dựa vào dữ liệu người dùng để phân bổ quảng cáo “trúng đích” nhưng không bằng cách theo dõi, mà suy đoán từ các nguồn công khai như nội dung trang web, lệnh tìm kiếm của người dùng. Các dữ liệu thu thập được cũng chỉ để hiển thị quảng cáo, chứ không chia sẻ ra bên ngoài. Người dùng cũng được tùy chọn bao nhiêu quảng cáo sẽ hiển thị mỗi giờ.

Người dùng Internet hẳn nhiên sẽ đón nhận ý tưởng xem quảng cáo có chọn lọc mà lại được tiền của Brave, còn các hãng quảng cáo thì sao? Theo CNET, hàng trăm công ty đã tham gia mạng lưới Brave Rewards, dù đa số chỉ để thăm dò thị trường. Suy cho cùng, chạy quảng cáo trên Brave thì sản phẩm, thông điệp của họ cũng đến được với người xem, còn hơn chi bộn cho Google hay Facebook để rồi người dùng chẳng thấy gì vì đã cài ad blocker.

***

Cần thêm thời gian để xem lượng người dùng của Brave có tăng hay không kể từ khi được phát hành chính thức. Sẽ có bao nhiêu người, dù trước nay luôn ước ao được lướt web nhanh, không bị quảng cáo phiền nhiễu, chịu thay đổi thói quen, bỏ Chrome để chọn Brave? Và bao nhiêu người chấp nhận đánh đổi “những gì Google biết tuốt về ta” cho trải nghiệm lên mạng riêng tư, không bị theo dõi?

Nếu bình tĩnh và không quá hào hứng với Brave, sẽ thấy câu chuyện nhiều khả năng rơi vào cái kết muôn thuở khi bàn về quyền riêng tư trên mạng: ta không thích bị theo dõi, nhưng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi không còn những tiện ích mà Google trao cho ta, từ việc thu thập dữ liệu về chính chúng ta. ■

Với các trình duyệt phổ biến hiện nay, người dùng vẫn có thể phần nào cài đặt để né quảng cáo và các công cụ theo dõi.

Firefox chỉ đến đầu năm nay mới mặc định chặn một số (chứ không phải toàn bộ) tracker, còn Microsoft Edge vẫn còn đang thử nghiệm tính năng tương tự.

Trong khi đó, Safari của Apple chủ động chặn hầu hết các tracker từ các trang web người dùng không truy cập thường xuyên, còn với các trang thường vào thì cho phép theo dõi nhưng dữ liệu chỉ có giá trị trong vòng 24 giờ.

Chrome, vốn rất cần thông tin người dùng để nuôi bộ máy quảng cáo trực tuyến của Google, chỉ mới công bố “có kế hoạch” cung cấp công cụ chặn blocker cho người dùng, chứ chưa thật sự làm gì cả.

Theo Brave, mỗi người dùng có thể kiếm 5 USD thông qua Brave Rewards mỗi tháng. Phóng viên của trang CNET đã thử tính năng này khi còn ở dạng thử nghiệm hồi đầu năm nay, và cuối cùng thu được 27 USD. BAT hoạt động như một đồng tiền mã hóa và có thể chuyển đổi thành tiền thật qua sàn giao dịch Uphold. Trong tương lai, BAT cũng có thể được dùng để đổi phiếu quà tặng, mua gói thuê bao các dịch vụ trực tuyến...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận