Bóng tối cuốn hút của danh tiếng

TTCT - Muốn nổi tiếng thì có gì xấu? Vấn đề đối với các bạn trẻ là ở sự nhầm lẫn giữa danh tiếng hay tai tiếng, ở sự dễ dàng có tăm tiếng trong kỷ nguyên của mạng xã hội và truyền thông mới. Còn đối với những người có trách nhiệm, vấn đề là ở kiến tạo xã hội.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Trong bài tổng kết loạt “Mơ làm người nổi tiếng” (xem TTCT từ số ra ngày 4-10), TTCT mời bạn nhìn vấn đề từ góc độ bản sắc và khả năng cá nhân.

Ba tuần trước tại hạt Douglas, bang Oregon, Mỹ, lại thêm một vụ nổ súng trong khuôn viên trường học dẫn đến cái chết của 13 sinh viên. Tổng thống Barack Obama một lần nữa đăng đàn về sự bế tắc của tình trạng quản lý súng đạn - điều ông Obama ngán ngẩm gọi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong khi đó, hiện tượng các hung thủ tìm kiếm sự nổi tiếng qua hành vi phản xã hội đang ngày càng có vẻ nhiều hơn.

Một trong những chi tiết được chú ý trong các tường thuật về vụ nổ súng ở Oregon là trả lời của John Hanlin, cảnh sát trưởng hạt Douglas, với báo giới: “Tôi sẽ không nói tên của nghi phạm. Tôi sẽ không cho hắn sự nổi tiếng mà rất có thể hắn đã chờ đợi trước khi có hành động dã man và hèn nhát này”.

Khi sự nổi tiếng trở nên dễ dãi

Truyền thông mới (new media) là cụm từ được các nhà nghiên cứu nhắm đến tất cả các phương tiện truyền thông dựa trên nền tảng kỹ thuật số với khả năng hình tượng hóa một cách rõ rệt nhất ngay cả những thứ không thuộc về thế giới vật chất như suy nghĩ thầm kín của con người.

Đã có nhận xét rằng nếu có người sao Hỏa và nếu họ được xem một đoạn phim quảng cáo sản phẩm của người trái đất, chắc họ sẽ há hốc mồm với ý nghĩ rằng hành tinh xanh của chúng ta là một thế giới lộng lẫy đầy phép thuật. Uống một chai nước tăng lực xong là nhảy vọt lên tận nóc nhà, vẫy tay một cái vào màn hình tivi là dịch chuyển cơ thể đi đến bãi nghỉ mát cách xa vạn dặm.

Với khả năng cung cấp trải nghiệm hình ảnh sống động, các tiến bộ công nghệ cho phép con người có nhiều công cụ để thử nghiệm những giấc mơ sâu kín. Rất nhiều giấc mơ này hình thành sau những tiếp xúc với các câu chuyện trên truyền thông số đang tập trung khai thác khả năng độc đáo hóa điều tầm thường, ngộ nghĩnh hóa hành vi thô kệch và bi kịch hóa những điều lành lặn.

Tất cả đều được bao bọc trong mỹ từ sáng tạo - vừa có nghĩa tích cực, vừa dễ chiếm cảm tình công chúng.

Vì sao con người muốn tìm kiếm sự khác biệt và danh tiếng ở mức độ nào đó trong cuộc đời? Tháp nhu cầu Maslow vẫn thường được đưa ra để giải thích, nhưng từ thế kỷ 16 nhà đạo đức học người Anh Samuel Johnson đã viết:

“Mỗi cá nhân đều có vài dự án mà thông qua đó họ hi vọng sẽ vươn lên trên nấc thang danh vọng; vài tác phẩm nghệ thuật mà họ tưởng tượng là thế giới sẽ bị cuốn hút vào; vài đặc tính tốt hoặc xấu tạo ra sự khác biệt giữa họ và đám người còn lại để đám người đó yêu thích hay sợ hãi họ”.

Nói cách khác, ở góc nào đó trong những động lực nội tại với cuộc sống con người, sự khác biệt và danh tiếng là điều ta hướng đến với những cung bậc cao thấp khác nhau.

Sự tiếp sức của phương tiện truyền thông số làm nhiều cá nhân có cảm giác rằng nấc thang nối giữa sự nổi tiếng và điều bình dân là thứ trong tầm với. Cảm giác này thôi thúc các cuộc tìm kiếm và lòng tôn sùng sự nổi tiếng mà hằng ngày họ vẫn chứng kiến trên truyền hình thực tế hay mạng xã hội.

Một công thức cho sự thành công của hình ảnh truyền thông bất kể sự khác biệt văn hóa trên phạm vi toàn cầu là tập trung vào những hành vi thể hiện nhu cầu giản đơn của con người mà không cần họ phải suy tư nhiều.

Các bộ phim bạo lực chỉ cần nhiều pha hành động và không cần nhiều hội thoại, các pha đánh đấm mạo hiểm dù ở nền văn hóa nào cũng có thể làm khán giả hiểu được. Tương tự là những màn cấu véo, châm biếm nhau hay khoe thân thể.

Giáo sư Leo Braudy đã nhận định trong quyển Điên cuồng với sự nổi tiếng: “Mỗi khi một phương tiện truyền thông mới xuất hiện, hình ảnh con người mà nó chuyển tải được khai thác triệt để hơn và số lượng cá nhân nổi tiếng cũng tăng lên”.

Bên cạnh đó, xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay kéo theo những xáo trộn bản sắc cá nhân làm nhiều người chơi vơi giữa các suy nghĩ, cảm xúc, hành vi cũng như khuynh hướng thoát rời khỏi thực tế để tìm kiếm những trải nghiệm khác về bản sắc và khả năng cá nhân, phần nhiều gắn với ảo vọng về sự khác biệt và danh tiếng.

Nếu như trong xã hội trước hiện đại, một cá nhân chỉ chứng kiến và gặp gỡ khoảng 100 cá nhân khác trong cuộc đời mình thì ngày nay con số này lên gấp nhiều lần và làm cho các cá nhân có xu hướng mong muốn danh tiếng cảm thấy bị lọt thỏm trong biển người bình dân đến mức ngột ngạt.

Số lượng cá nhân tìm cách sử dụng truyền thông để tạo sự kiện và qua đó nổi tiếng trong xã hội hiện đại đã phổ biến đến nỗi Daniel Boorstin đã gọi phong trào này là thứ sự kiện giả (pseudo event).

Khi xã hội chấp nhận và phân bổ sự nổi tiếng như một thứ hàng hóa thị trường thì sự nổi tiếng càng có chiều hướng đến từ những thứ vượt ra khỏi khuôn khổ của tiêu chuẩn giá trị chính đáng (vì tri thức, vì tiến bộ loài người) để bao gồm bất kỳ một tiêu chí nào đó đem lại khác biệt, đôi khi cả hành vi phản xã hội như bắn giết đồng loại.

Nổi tiếng theo cách phản xã hội

Năm 2007, trong vụ thảm sát kinh hoàng tại khuôn viên ĐH Virginia Tech, Seung Hui Cho đã nổ súng bắn chết 32 người. Dù cá nhân Cho có muốn được nổi tiếng hay không còn là điều tranh luận, sự chú ý thái quá của truyền thông vào cá nhân Cho đã cho Cho sự nổi tiếng trong khi chẳng hề có tác dụng răn đe ngăn ngừa các vụ thảm sát tiếp theo.

Đến vụ bắn chết hai nhà báo gần đây cũng ở bang Virginia, hung thủ còn đăng tải các hình ảnh trước và sau khi hành động rồi gửi lời nhắn đến kênh truyền hình ABC News. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các hung thủ quan tâm nhiều hơn đến hành vi của mình sẽ được truyền thông tường thuật và đẩy lên cao trào như thế nào.

Tiến sĩ David Giles, ĐH Winchester, nhận xét rằng cứ mỗi khi chụp hình và đăng bài về một cá nhân, ta đang tái sinh hình ảnh của họ trong đầu công chúng, qua đó hợp thức hóa tên tuổi của họ.

Từ đó, giáo sư Michael Serazio trong một bài viết trên tạp chí chuyên ngành đã phân tích rằng có thể những hung thủ bắn giết hàng loạt để tìm kiếm sự nổi tiếng đã nhận ra phương cách này. Vì vậy, giáo sư Sezario đã đặt câu hỏi liên quan đến đạo đức báo chí rằng liệu việc tái tạo và phổ biến hình ảnh những kẻ giết người có phải là một sự đồng lõa với mong muốn được biết đến của chúng.

Nhà báo Corinne Purtill đã kể trên tờ Huffington Post câu chuyện xảy ra ở thủ đô Vienna, Áo vào những năm 1980. Lúc đó, số lượng người tự tử ở đường tàu điện ngầm tăng cao nên các nhà tâm lý học đã đề nghị báo chí địa phương không mô tả quá chi tiết và đặc biệt tránh việc lãng mạn hóa, chi tiết hóa ngôn ngữ miêu tả cũng như không đưa lên trang nhất các tờ báo. Kết quả là số vụ tự tử giảm tới 75%.

Sau vụ việc đó, một bản hướng dẫn chính thức cho các bài viết đối với hiện tượng tự tử đã được các nhà báo Mỹ, Anh, Úc và Hong Kong áp dụng. Nhiều nhà báo ở các quốc gia khác cũng đưa ra lựa chọn cá nhân để áp dụng hướng dẫn đó khi viết về các vụ bắn giết tập thể.

Nhà báo Purtill cho biết thêm rằng khi phân tích 160 vụ bắn giết ở Mỹ từ năm 2000-2013, chuyên gia Andre Simons thuộc bộ phận phân tích hành vi FBI đã kết luận rằng hiện tượng mô phỏng (copycat) của các hung thủ là có thật.

Và nếu ai đó trong chúng ta nghĩ rằng những câu chuyện trên chỉ xảy ra ở xã hội phương Tây thì hãy nhìn vào một vài hiện tượng đang xuất hiện xung quanh ta. Có ai từng nghĩ rằng một số học sinh lại đi đặt tên nhóm học của mình là nhóm “Lê Văn Luyện”, rằng từ “vãi luyện” đã được một bộ phận giới trẻ dùng để mô tả trạng thái nể phục hay châm biếm một điều gì đó?

Câu trả lời cương quyết của cảnh sát trưởng hạt Douglas, bang Oregon thật đáng được tôn trọng, nhưng cũng phần nào phản ánh hiểm họa từ mong muốn nổi tiếng đến mức rồ dại trong thời đại truyền thông số. Ba thế kỷ trước, Isaac Newton, người mà tên tuổi đã nổi tiếng theo đúng nghĩa tích cực, từng thốt lên: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các thực thể trong không gian nhưng không tính được sự điên rồ của con người”. ■

Nổi tiếng và truyền hình thực tế

Một thực tế là giới trẻ ngày nay rất thích nổi tiếng. Ít ra đó là điều các nhà nghiên cứu Mỹ chỉ ra, sau ba kết quả nghiên cứu về vấn đề này từ năm 2007 đến nay, theo một nhận định trên tờ Guardian. Kết luận chung được rút ra: Những ngày mà trẻ em mong muốn trở thành nhà du hành vũ trụ, cảnh sát hay nhân viên cứu hỏa đã qua rồi. Giờ là thời của những ước mơ trở thành diễn viên, ca sĩ hoặc ít ra cũng phải là những “nhân vật YouTube”.

Xu hướng ham nổi tiếng này lần đầu tiên được chỉ ra năm 2007. Yalda T. Uhls đã tiến hành một nghiên cứu cùng tiến sĩ Patricia Greenfield tại Trung tâm kỹ thuật số trẻ thuộc UCLA (ĐH California tại Los Angeles) và in trên tạp chí Cyberpsychology.

Nghiên cứu phát hiện rằng vào năm 2007, “nổi tiếng là giá trị số một được truyền đạt cho tuổi thiếu niên trên truyền hình đại chúng”. Những năm trước đó, ước mơ nổi tiếng nằm ở đáy danh sách 16 giá trị của giới trẻ. Một giá trị được đánh giá cao trước cột mốc 2007 là tinh thần cộng đồng (được là một thành phần của một nhóm hay được chấp nhận như một thành phần của nhóm) - đứng đầu hoặc thứ hai.

Cho đến năm 2007, xu hướng này đột ngột thay đổi khi tinh thần cộng đồng tụt xuống đáy của bậc thang 16 giá trị này. Nghiên cứu chỉ ra một trùng hợp lý thú: 2007 là năm mà chương trình truyền hình thực tế “Keeping up with the Kardashians” (KUWTK) bắt đầu phát sóng trên kênh truyền hình cáp E! (một kênh giải trí của NBC).

Vào Wikipedia, bạn sẽ đọc được thông tin sau về dư luận quanh chương trình “bước ngoặt” này: “KUWTK đã nhận được những đánh giá nghèo nàn từ các nhà phê bình kể từ khi công chiếu. Nó bị chỉ trích là quá nhấn mạnh vào khái niệm “nổi tiếng chỉ vì được nhiều người biết tới”... Tuy vậy show thực tế này lại giúp xếp hạng cao cho hệ thống (NBC) và thành công của nó dẫn tới việc tạo ra vô số chương trình phụ”.

Cần nhắc là chính Tổng thống Barack Obama cũng không ủng hộ chương trình này. Trong một phát biểu gần đây, ông cho rằng những show như KUWTK đáng bị chỉ trích vì đã làm hỏng những giá trị tinh thần của giới trẻ Mỹ. Danh dự, sự tôn trọng và những nguyên tắc công việc đã bị thay thế bởi việc làm giàu và nổi tiếng mà không cần phải làm gì để biện minh cho sự nổi tiếng này!

Minh Thư

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận