​BỖNG NHIÊN, NGƯỜI LẠ!

KIM DUY 12/03/2015 03:03 GMT+7

LTS: Khi đứa con bước vào tuổi vị thành niên, bỗng nhiên con như người lạ. Từ đứa bé ngoan ngoãn dễ bảo thuở nào, giờ bỗng trở nên ngăn cách: vào phòng con phải gõ cửa, không được có ý kiến về “chuyện của con”, không được “đọc lén” Facebook của con... TTCT mời bạn cùng tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này, với tâm sự của những “người trong cuộc”...

Trời sinh tính?

Hồi còn bé, con trai tôi là một đứa trẻ rất dễ thương, ngoan ngoãn, biết quan tâm đến mọi người trong gia đình. Từ khi mới biết tập ráp vần tiếng Việt, ở lứa tuổi chưa hề có một nhận thức gì sâu sắc về những tình huống xảy ra hằng ngày, thế nhưng trong cách cư xử của cháu, tôi nhận thấy cháu thể hiện được là người có trách nhiệm và chu đáo, thường hỏi han người khác.

Tính cháu đằm lắm, không hề biết giận lẫy hay nổi nóng, làm việc gì cháu làm đến nơi đến chốn, biết nhận lỗi và xin lỗi khi phạm sai lầm và đặc biệt rất biết quan tâm đến mọi người. Ba đón từ trường về nhà, cháu chạy một mạch từ trước ra sau không thấy mẹ hay chị liền hỏi ngay. Nếu chị đi học về trễ, cháu cứ đứng ngóng ngoài cửa chỉ để khoe với chị bài tập viết cô cho điểm 9, hay chia cho chị cục kẹo cao su.

Cháu học bán trú, sáng đến chiều mới về, trong nhà có sự gì thay đổi cháu nhận ra tức khắc và thắc mắc ngay. Mẹ cắt tóc, vừa thấy mẹ, cháu liền khen mẹ cắt tóc đẹp, mà trước đó suốt cả bữa cơm trưa ba và chị chẳng hề nhận ra (hay có nhận ra cũng chẳng buồn nói). Mẹ ốm, vừa đến nhà cháu chạy ào vào giường hỏi mẹ đã đỡ chưa. Thấy mẹ bận bịu việc nhà, buổi tối nằm bên mẹ, cháu thỏ thẻ: “Mẹ có mệt không?”. Tối lỡ ba có đi nhậu về trễ chút xíu, cháu không ngủ, đợi mãi. Khi nghe tiếng xe của ba trước cửa, cháu chạy vội ra hỏi một câu như thể hai người đàn ông nói chuyện với nhau: “Ba xỉn chưa?”. Chị học bài, thỉnh thoảng cháu lại đến bên hỏi chị làm bài tập xong chưa, bài tập có khó không? Còn rất nhiều điều nữa thể hiện sự quan tâm của cháu với mọi người trong gia đình. Tôi rất hài lòng và tự hào...

Minh họa: Bích Khoa

Mẹ con xa dần

Thế nhưng mọi thứ không “êm đềm” như tôi suy nghĩ. Nhà chỉ có một phòng lắp máy điều hòa nên tôi sắp cho cháu một giường ngủ nhỏ cạnh giường lớn. Đầu năm học lớp 8, cháu tuyên bố không ngủ chung phòng với ba mẹ nữa mà dọn lên phòng trên lầu vốn là phòng của chị cháu đã đi học xa.

Tôi nghĩ cháu cũng đã lớn, cần có không gian riêng tư nên đồng ý và tôi coi việc dọn dẹp phòng cháu mỗi ngày là điều đương nhiên. Thế nhưng, một lần tôi bị “sốc” khi phát hiện cháu khóa cửa phòng. Sốc hơn nữa, cháu bảo rằng sẽ tự dọn dẹp phòng và mẹ không được tự tiện vào phòng nếu chưa được sự đồng ý của cháu. Tôi nhìn vẻ mặt cương quyết của cháu mà không thể tin đó là đứa con trai bé bỏng ngày nào, đi học về liền ôm mẹ hỏi han, đi chơi đâu, với bạn nào cũng kể hết cho mẹ nghe...

Mẹ con... xa dần từ đó, như có một bức tường vô hình ngăn cách tôi và cháu khi cháu ngày một ít chia sẻ dù tôi rất chịu khó gợi chuyện. Đi học về là lên lầu, đóng cửa phòng ở lì, gọi mãi mới xuống ăn cơm. Trong bữa cơm cháu chỉ trả lời những câu hỏi của tôi, rất ít đặt câu hỏi với ba mẹ hay kể chuyện, phàn nàn gì đó ở trường chẳng hạn. Vừa ăn vừa bấm, lướt điện thoại. Tôi la cháu hãy bỏ điện thoại và ăn cơm, nhưng vẻ như cháu không thể dứt rời điện thoại được. Thậm chí đứng lên lấy thêm cái chén, đôi đũa hay rót ly nước, cháu cũng cầm điện thoại theo. Tôi nói mãi không được đành phải bó tay chấp nhận.

Tuy cháu vẫn học giỏi, được cô giáo yêu quý, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại... “mất con” ngay trong chính ngôi nhà của mình như thế! Nỗi lo lắng càng lớn khi năm nay cháu lên lớp 12, chỉ còn vài tháng nữa cháu rời gia đình đi học xa.

Nghe lời mách bảo của bạn bè, không làm bạn với con được trong đời thực thì hãy làm bạn trên mạng ảo, tôi lập trang Facebook kết bạn với con, tuy nhiên chỉ có tín hiệu một chiều, tôi không được cháu chấp nhận làm bạn. Khổ nỗi cháu để chế độ bạn bè nên tôi không tài nào đọc được những gì cháu chia sẻ trên mạng. Tôi đành chọn giải pháp xin kết bạn với bạn bè của con. Vậy mà một hôm, cháu nói vẻ khó chịu lắm: “Tại sao mẹ kết bạn với bạn của con làm gì?”. Lúc này thì tôi “lật bài ngửa”: “Vì con không muốn kết bạn với mẹ nên mẹ phải kết bạn với bạn của con để thỉnh thoảng hỏi han tin tức về con ở trường”. Cháu nhăn: “Con vẫn học tập tốt ở trường, mẹ đừng can thiệp vào việc của con nhiều quá!”.

"Tôi nghĩ mà như muốn khóc, mẹ con gần nhau không nói chuyện, trao đổi được với nhau mà phải nhờ qua mạng ảo"

 

Hỏi thăm nhiều bạn bè cũng gặp vài trường hợp tương tự. Một bà bạn của tôi bảo rằng một hôm bà dọn phòng con gái học lớp 8 và phát hiện trong một cái ly trên bàn học có bốn mẩu tàn thuốc lá, loại thuốc lá bạc hà dành cho phụ nữ. Bà hoảng lắm, truy hỏi con mới biết có một bạn nữ mang thuốc lá lên lớp phát cho các bạn và con bà mang về nhà bốn điếu hút thử! Khỏi nói là bạn tôi “hãi hùng” đến mức nào!

Một bà bạn khác kể rằng năm lớp 8, đứa con gái cũng đòi có phòng riêng và ngoài lúc đi học thì suốt ngày đóng cửa phòng không muốn “giao lưu” với ai trong nhà. Một lần bà vào phòng con gái mới phát hiện có băng vải chuyên dùng để bó ngực cho nhỏ lại. Bà như muốn té xỉu! Theo dõi con bà mới hay rằng con gái đang có những biểu hiện khác thường về giới tính. Bà dẫn con đến bác sĩ tâm lý, hỏi han bạn bè của con và bây giờ bà đành phải chấp nhận một thực tế mà rõ ràng không cha mẹ nào muốn như thế về con cái
mình cả!

Tín hiệu vui

Tuy lo lắng về con trai, nhưng đầu năm nay tôi đã nhận được một tín hiệu vui từ cháu, đó là tuy cháu không chấp nhận kết bạn với tôi trên Facebook nhưng đêm giao thừa cháu có qua Facebook của tôi và nhắn tin chúc tết mẹ. Từ tín hiệu vui này, tôi hi vọng mẹ con sẽ dần thu hẹp khoảng cách đời thực. Và bỗng dưng tôi nghĩ mà như muốn khóc, mẹ con gần nhau không nói chuyện, trao đổi được với nhau mà phải nhờ qua mạng ảo, chỉ một tin nhắn từ con trên Facebook mà sao tôi vui đến thế này! Có ai rơi vào trường hợp như tôi không?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận