Bỏ “giấy phép con”, vẫn chưa giải quyết gốc vấn đề

NGUYỄN QUANG ĐỒNG 02/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Hàng trăm “giấy phép con” vừa được Bộ Công thương quyết định cắt bỏ. Đây được coi như là “cuộc cách mạng” lần thứ hai trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ kể từ khi có Luật doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở chuyện cắt giảm, cái gốc vấn đề vẫn còn đó.

Doanh nghiệp rất cần một môi trường kinh doanh ổn định, không chịu áp lực rủi ro bởi các loại “giấy phép con”. -Ảnh: Quang Định
Doanh nghiệp rất cần một môi trường kinh doanh ổn định, không chịu áp lực rủi ro bởi các loại “giấy phép con”. -Ảnh: Quang Định

 Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã suy giảm đáng kể trong những năm gần đây. Nếu xu hướng tiêu cực này không thể đảo ngược, việc Việt Nam tụt hậu xa hơn và kẹt lại trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp là điều không thể tránh khỏi.

Trong bối cảnh khó khăn đó, phá vỡ những điểm nghẽn thể chế, khơi thông những nguồn lực vốn vẫn còn rất dồi dào trong nước là giải pháp thiết thực và yêu cầu cấp bách nhất hiện nay nhằm tạo đà mới cho phát triển kinh tế.

Một trong những “điểm nghẽn” đó của thể chế là những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang trở thành rào cản, gánh nặng cho khu vực doanh nghiệp trong nước - động cơ tăng trưởng bền vững nhất của nền kinh tế.

Gỡ bỏ các rào cản kinh doanh đó, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, làm ăn kinh doanh, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển là lựa chọn đúng đắn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tuy thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống như nền kinh tế Hàn Quốc ở thời điểm khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997, nhưng những giải pháp mà nước này xử lý khủng hoảng lúc đó là rất đáng tham khảo.

Trong 4 chiến lược cải cách của Chính phủ Hàn Quốc ở thời điểm này, cải cách quy định hành chính về kinh doanh, gỡ bỏ những gánh nặng và rào cản cho doanh nghiệp là trọng tâm cốt lõi.

Chỉ sau một năm rà soát, hơn 5.000 quy định kinh doanh đã được bãi bỏ; gần 2.500 quy định được sửa đổi.

Kết quả là Hàn Quốc không những vượt qua khủng hoảng, mà còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh để vững chắc bước vào nhóm các nước phát triển như hiện nay.

Những bài học từ lịch sử

Công cuộc đổi mới, trên phương diện kinh tế, của Việt Nam 30 năm trước đây về bản chất là từng bước “dỡ bỏ các rào cản kinh doanh”.

Từ chỗ mọi quyền sản xuất kinh doanh tập trung vào tay Nhà nước (dưới hình thức quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc hợp tác xã...) tới chỗ tư nhân được quyền tự tổ chức kinh doanh, sản xuất.

Người dân từ chỗ không được làm ăn kinh doanh, từng bước được làm những gì Nhà nước cho phép rồi “được tự do kinh doanh trong những ngành nghề không bị cấm”.

Việt Nam đã có những thay đổi căn bản theo tinh thần này kể từ khi “Đổi mới”, đặc biệt là kể từ sau Hiến pháp 1992. Nhiều hành vi kinh doanh của người dân bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự 1985 và các văn bản trước đó đã được bãi bỏ.

Luật đất đai, Bộ luật dân sự 1995 đã thiết lập nhiều nền tảng pháp lý quan trọng công nhận quyền sở hữu về vốn, tài sản, quyền sử dụng đất và thiết lập những khung pháp lý căn bản cho các giao dịch dân sự, kinh tế vận hành.

Đặc biệt, Luật doanh nghiệp 1999 (có hiệu lực năm 2000) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý theo tinh thần người dân được tự do kinh doanh những gì Nhà nước không cấm.

Hệ thống pháp luật tạo khung khổ hoạt động cho nền kinh tế thị trường vận hành từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Với hệ thống pháp luật đó, nền kinh tế về cơ bản đã hoạt động mô hình thị trường như hầu hết các quốc gia khác.

Chỉ số gánh nặng quy định hành chính (thang điểm từ 1 đến 7) của Việt Nam so sánh với một số nước Đông Nam Á và Đông Á, giai đoạn 2009 - 2016 (tổng hợp từ số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới)
 

 

Chỉ số chất lượng quy định hành chính (thang điểm từ -2,5 đến 2,5) của Việt Nam so sánh với một số nước Đông Nam Á và Đông Á, giai đoạn 2009 - 2016 (tổng hợp từ số liệu của WB)
 

 Hệ thống Pháp luật về Kinh doanh: những rào cản mới

Tuy nhiên, trong khi hệ thống luật khung tạo nền tảng cho kinh tế thị trường - gồm các luật về doanh nghiệp, về cạnh tranh, luật về hợp đồng, về quyền tài sản và sở hữu trí tuệ... - được xây dựng khá tốt, các quy định hành chính trong các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn nhằm điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực thị trường cụ thể lại có chiều hướng “siết chặt”, can thiệp sâu vào tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra những rào cản, gánh nặng không cần thiết.

Trong hệ thống pháp luật về kinh doanh ở Việt Nam, giấy phép và ĐKKD là bộ phận phổ biến nhất trong những công cụ chính pháp lý mà cơ quan hành chính nhà nước sử dụng để thực hiện công việc “quản lý nhà nước” của mình.

Nói cách khác, một bộ phận đáng kể quy định hành chính trong kinh doanh được thực hiện bằng công cụ giấy phép, thông qua phương thức cấp phép.

Quan hệ hành chính chủ đạo giữa các cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp được hình thành qua con đường xin phép - và cho phép.

Giấy phép, xét về hình thức, là tấm áo của “quản lý nhà nước”, nhưng nội dung của giấy phép phản ánh nhận thức, triết lý, cách tiếp cận của mối quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp, hay rộng hơn là mối quan hệ Nhà nước và thị trường.

Việc Bộ Công thương công bố bãi bỏ 675 ĐKKD, 420 thủ tục kiểm tra chuyên ngành hôm 21-9 là một nỗ lực rất ý nghĩa trong bối cảnh tốc độ ban hành và số lượng quy định hành chính về kinh doanh nói chung, ĐKKD và giấy phép nói riêng đã gia tăng đáng lo ngại trong mười năm qua.

Theo thống kê của CIEM năm 2014, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã tăng lên đến 400.

Chúng được quy định trong 391 văn bản bao gồm: 56 luật, 8 pháp lệnh, 115 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 176 thông tư, 26 quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 2 văn bản của bộ.

Trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 170 loại giấy phép kinh doanh, 83 ngành nghề yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ ĐKKD với 62 loại giấy chứng nhận, 44 ngành cần chứng chỉ hành nghề với 52 loại chứng chỉ hành nghề...

Riêng về giấy phép, thống kê gần đây nhất đưa ra bởi CIEM và VCCI cho thấy hiện nay có 5.000 - 7.000 các loại giấy phép khác nhau mà doanh nghiệp đang phải tuân thủ trong quá trình kinh doanh.

Không chỉ là con số “khổng lồ” về mặt số lượng, bản thân việc không một cơ quan nhà nước nào đưa ra được chính xác con số giấy phép tự thân nó đã nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề.

Thống kê từ Bộ Tư pháp cho thấy số lượng văn bản quy phạm được ban hành hằng năm trong giai đoạn 2006 đến nay là 4.000 - 5.000, trong đó phần lớn là các quy định liên quan đến những lĩnh vực kinh tế và kinh doanh.

So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, kết quả điều tra về gánh nặng quy định hành chính trong đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, cũng như về chất lượng lập quy trong đánh giá về năng lực quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2016, Việt Nam không chỉ ở khoảng cách rất xa so với Singapore mà còn thua kém rõ rệt so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.

Suốt giai đoạn so sánh, khoảng cách này không có xu hướng được thu hẹp. Nếu tình trạng này không được cải thiện, thể chế kinh doanh và theo đó là nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn nữa trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh khốc liệt ở mức độ toàn cầu.

Mô hình tiếp cận cải cách hệ thống giải pháp và Quy định hành chính về kinh doanh
Mô hình tiếp cận cải cách hệ thống giải pháp và Quy định hành chính về kinh doanh

 Cần cải cách đồng bộ

Nhìn lại tiến trình 20 năm qua, quá trình xây dựng các thể chế kinh tế đã ít nhiều đụng chạm đến cả hai khía cạnh: cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa quy định và sửa đổi quy trình lập quy.

Tuy nhiên, các hành động này là rời rạc, không có chủ định và không mang dáng dấp, tầm vóc của một cuộc cải cách quy chế hành chính thực thụ.

Dù có những cải cách hành chính, cắt giảm quy định ở một vài thời điểm nhất định, nhưng triết lý lập quy (mối quan hệ nhà nước - thị trường), giám sát lập quy và bộ máy thực thi gần như không thay đổi. Điều đó đã hạn chế đáng kể hiệu quả của tiến trình cải cách thể chế trong hơn hai thập niên qua.

Các vấn đề của hệ thống giấy phép hiện nay thể hiện đồng thời ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, số lượng giấy phép khổng lồ cho thấy mức độ can thiệp quá mức của Nhà nước vào các hoạt động của doanh nghiệp và tạo ra gánh nặng hành chính cản trở doanh nghiệp.

Thứ hai, tính bất hợp lý của các quy định cho thấy “chất lượng và tính hiệu quả” của quy định hành chính là không cao.

Việt Nam, như mọi nền kinh tế đang chuyển đổi khác, nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề giấy phép đều sẽ phải giải quyết đồng thời cả hai nhóm vấn đề nêu trên.

Một mặt, Chính phủ cần bãi bỏ, cắt giảm, sửa đổi càng nhanh càng tốt một số lượng lớn quy định hành chính hiện hành.

Trong ngắn hạn, việc làm này sẽ cởi bỏ gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Mặt khác, công việc quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn rất nhiều là để nâng cao chất lượng của quy định và kiểm soát được việc ban hành giấy phép mới, Chính phủ đồng thời phải cải cách hệ thống quy định hành chính.

Cắt giảm là cần thiết nhưng chưa phải là cái gốc của vấn đề, bởi kinh nghiệm cho thấy cắt giảm được giấy phép này thì giấy phép khác sẽ lại “mọc” ra.

Bởi thế, giám sát ban hành đóng vai trò quan trọng không kém cắt giảm. Hơn thế nữa, cắt giảm thông thường không tác động được đến chất lượng và hiệu quả của giấy phép.

Giấy phép về bản chất chỉ là một công cụ quản lý. Gốc rễ của vấn đề nằm ở triết lý về quản lý, tức về mối quan hệ, vai trò nên có giữa Nhà nước và doanh nghiệp (nói rộng hơn là nền kinh tế và xã hội).

Nếu không có những sự thay đổi về triết lý mang tính nền tảng cho việc ban hành giấy phép, việc rà soát hay cắt giảm đơn thuần rốt cuộc sẽ không mang lại nhiều kết quả và lợi ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Nếu muốn phát triển nền kinh tế thị trường, Việt Nam không thể né tránh một cuộc cải cách quy định hành chính trong kinh doanh.

Cải cách hứa hẹn mang đến lợi ích to lớn, đặc biệt trên ba phương diện. Thứ nhất, cởi trói, giảm gánh nặng cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy lực lượng này đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo và gia tăng năng suất.

Thứ hai, giải quy và đơn giản hóa, minh bạch hóa quy định là phương cách hiệu quả nhất để chống tham nhũng. Thứ ba, tinh giản bộ máy hành chính thông qua định nghĩa lại chức năng hệ thống nhà nước và cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công.

Dù thách thức là rất lớn, Việt Nam có những lợi thế để có thể thành công. Con đường cải cách Việt Nam thực hiện đã có những tiền lệ và bài học tốt từ thế giới, cả ở các quốc gia phát triển lẫn các nền kinh tế đang chuyển đổi.

Hơn thế nữa, bản thân những kinh nghiệm cắt giảm giấy phép trong quá khứ - cả thành công và thất bại - đều cung cấp những gợi ý hữu ích cho công việc sắp tới. ■

Sáu năm sau khi tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp bị giải tán (2008 - 2014), hoạt động giám sát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gần như buông lỏng. Đầu năm 2014, Chính phủ ra nghị quyết 193 về cải thiện môi trường kinh doanh. 

Từ đó, hằng năm đều có các nghị quyết mang số 19 cho cùng nội dung “cải thiện môi trường kinh doanh”, nhưng phải đến nghị quyết 19 năm 2016 thì việc cắt bỏ các “giấy phép con” mới được tái khởi động. Một số giấy phép ở các lĩnh vực được nêu trực tiếp trong nghị quyết và yêu cầu rà soát, bãi bỏ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận