Bình Nhưỡng: "Nhân dân đang đợi đánh trận quyết định"

DANH ĐỨC 18/03/2013 08:03 GMT+7

TTCT - “Hiệp định ngừng bắn Triều Tiên không còn tồn tại nữa” - nhật báo Rodong Sinmun của Triều Tiên loan báo hôm thứ năm 7-3.

Chưa bao giờ bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng và đe dọa chiến tranh như hiện nay. Bình Nhưỡng đang bực dọc tột độ trước sự “ngó lơ” của Washington.

Phóng to
Quân và dân Triều Tiên biểu tình tại tỉnh Pyongang ngày 10-3 ủng hộ lời phát biểu của người phát ngôn Bộ tư lệnh tối cao (ảnh do thông tấn xã Triều Tiên KCNA công bố) - Ảnh: Reuters

Gần 60 năm tính từ ngày tướng Mỹ William Harrison Jr. và tướng Triều Tiên Nam Il ký tên lên bản hiệp định ngày 27-7-1953 “đảm bảo chấm dứt hoàn toàn chiến sự cùng tất cả các hành vi của lực lượng vũ trang tại Triều Tiên cho đến khi đạt được một giải pháp hòa bình chung cuộc”, thứ năm tuần trước phát ngôn viên Bộ tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên loan báo “sẽ tiến hành các hành động phản kích thực tiễn nhằm đáp trả những hành vi hiếu chiến của Mỹ cùng các lực lượng thù nghịch khác, đồng thời vô hiệu hóa hoàn toàn hiệp định đình chiến Triều Tiên”.

Người phát ngôn cũng tuyên bố sẽ chấm dứt toàn bộ các hoạt động của phái bộ của Bộ tư lệnh tối cao tại Bàn Môn Điếm (1).

Sẽ đánh trận quyết định?

Cùng ngày, nhật báo Minju Joson của Bình Nhưỡng cũng đưa ra bình luận sau: “Mỹ cùng các thế lực thù địch khác hiện đang điên cuồng giơ cao tay cướp bóc bằng các “lệnh trừng phạt” kinh tế cùng gây sức ép quân sự lên CHDCND Triều Tiên vì vụ phóng vệ tinh hợp pháp cho các mục đích hòa bình và thử nghiệm hạt nhân của mình để tự vệ. Các cuộc tập trận liên quân Key Resolve và Foal Eagle với hơn 200.000 quân thừa đủ cho một cuộc chiến tranh và các cuộc đột kích hạt nhân đủ kiểu là những dàn xếp cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên từ A đến Z”.

Tờ báo này cảnh cáo: “Nhân dân, vốn đã từng người người như một đứng lên dốc sức ra tay hành động chống lại bọn đế quốc Mỹ, nay đang đợi giờ phút đánh một trận quyết định. Liệu chiến tranh sẽ bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của Mỹ, Hàn Quốc cùng các thế lực thù địch khác”.

Để minh họa cho điều mà tờ Minju Joson nêu là “nhân dân nay đang đợi đánh một trận quyết định”, hôm 10-3 tại hai tỉnh Pyongang và Hwanghae, “quân và dân đã biểu tình bày tỏ sự ủng hộ dành cho lời phát biểu của người phát ngôn Bộ tư lệnh tối cao” - thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết.

Trong khi đó, theo website của quân đoàn 8 bộ binh Mỹ tham gia hai cuộc tập trận trên, cuộc tập trận Key Resolve kéo dài từ ngày 27-2 đến 9-3 là một cuộc tập trận thường niên vào khoảng thời gian này mang tính phòng thủ dựa trên mô phỏng máy tính, còn Foal Eagle là một cuộc tập trận thực địa kéo dài từ ngày 1-3 đến 30-4.

Vũ khí hạt nhân trong tay rồi!

Tất nhiên, Bình Nhưỡng không nhìn hai cuộc tập trận này như là “mang tính phòng vệ” mà là gây hấn chiến tranh. Cơ sở để Bình Nhưỡng tự tin cảnh cáo sẽ “đánh trận quyết định” là vụ thử nghiệm hạt nhân thành công ngày 12-2, có sức công phá tương đương 6 kiloton (6.000 tấn thuốc nổ TNT), lớn hơn vụ thử nghiệm thứ nhất tháng 10-2006 (chỉ tương đương 1 kiloton) và vụ thử nghiệm thứ nhì tháng 5-2009 (2 kiloton).

Tuy vẫn chưa sánh được với hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật) năm 1945 (tương đương 13 và 20 kiloton), song sự cải thiện kỹ thuật, tăng sức công phá, giảm khối lượng đầu nổ cũng đủ cho phép Bình Nhưỡng tự tin nghĩ rằng “kỷ nguyên Mỹ dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa khống chế đã chấm dứt” và nay Bình Nhưỡng có thể đe dọa khống chế ngược lại.

Tờ Rodong Sinmun tự hào cảnh cáo: vụ thử nghiệm đã chứng minh thành tích tuyệt vời của lực lượng ngăn cản hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đã góp phần rất lớn vào việc bảo vệ đất nước Triều Tiên và hòa bình ở Đông Bắc Á cùng thế giới còn lại, trong tư cách một nhà nước làm chủ trọn vẹn vũ khí hạt nhân và một đất nước sản xuất, phóng được vệ tinh (2).

Từ tâm trạng tự tin trên, tờ Rodong Sinmun hướng câu chuyện sang vấn đề khác: “CHDCND Triều Tiên đã nỗ lực từng chút nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên từ mấy chục năm qua. Song mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đã không giảm đi mà trái lại chỉ tăng lên. Qua thế kỷ mới này, mối đe dọa khống chế hạt nhân của Mỹ đã hoàn toàn không còn là giấu giếm gì nữa.

CHDCND Triều Tiên đã tăng cường nỗ lực ngăn ngừa hạt nhân của mình nhằm đáp ứng các đe dọa hạt nhân lớn lao hơn bao giờ hết của Mỹ. Nếu CHDCND Triều Tiên đã không tiếp cận được khả năng ngăn ngừa hạt nhân, thì Mỹ ắt hẳn đã châm ngòi một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên rồi! Vụ thử hạt nhân thành công mới đây của CHDCND Triều Tiên chỉ là một biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Trong mắt Bình Nhưỡng và trong tâm thức người dân Triều Tiên, vấn đề hạt nhân trên bán đảo này có thể được hiểu gọn như sau: 60 năm qua Mỹ dùng bom hạt nhân “hù” Triều Tiên, sang đến thế kỷ 21 này Mỹ vừa tăng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vừa tăng “hù” Triều Tiên. Chính vì thế, Triều Tiên phải ráng có bom hạt nhân để tự vệ và nay đã có, Mỹ muốn “tới luôn” thì tới! Theo cách giải thích đó, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đều là những hoạt động “cướp bóc bằng các lệnh trừng phạt kinh tế” của Mỹ cùng các “thế lực thù địch”.

Ứng cử viên Đảng Saenuri đã đắc cử

Hai vụ thử vệ tinh và hạt nhân mới nhất của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm trùng hợp với những sự kiện trọng đại ở Hàn Quốc. Chọn thời điểm thử nghiệm là thói quen cố hữu của Bình Nhưỡng, bắt đầu từ vụ thử một chùm tên lửa đúng ngày lễ Độc lập của Mỹ (4-7) năm 2006.

Gần đây nhất, vệ tinh Kwangmyŏngsŏng-3 được phóng lên hôm 12-12 năm ngoái, tức chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc, mà theo các dự báo người đắc cử sẽ là một phụ nữ, bà Park Geun Hye. Vụ thử nghiệm thành công ở miền Bắc đủ để làm lu mờ những tin tức về một nữ tổng thống mới được bầu lên ở miền Nam. Vụ thử hạt nhân hôm 12-2 năm nay cũng diễn ra trước lễ nhậm chức của bà Park Geun Hye không lâu!

Trong thực tế, KCNA chỉ loan tin bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc bằng một dòng ngắn ngủi: “Ứng cử viên Đảng Saenuri đã đắc cử sau một cuộc chạy đua sát nút trong cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam hôm 19-12, theo tin báo chí nội địa và nước ngoài”, mà không nêu tên bà Park Geun Hye (3). Việc thông tin kết quả bầu cử mà không nêu tên người đắc cử là một phụ nữ là một thủ thuật không khó hiểu trong bối cảnh một xã hội theo phụ hệ và thừa kế ba đời.

Thật ra, trong những thời điểm khác, trước cuộc bầu cử, KCNA từng nêu tên bà Park và đưa quan điểm: Park Geun Hye, “ứng cử viên tổng thống” của Đảng Saenuri Nam Triều Tiên, hôm 5-11 đã loan báo... sẽ thúc đẩy “đề xuất thống nhất đất nước dựa trên trật tự của nền dân chủ tự do...”.

Đề xuất này là một đề xuất chống lại việc thống nhất đất nước mà tay cựu độc tài phát xít quân phiệt đã đề ra cách đây mấy chục năm để rồi bị vất vào thùng rác của lịch sử, bị cả nước lên án. Vậy điều gì thúc đẩy bà ta lại bắc loa đề nghị như thế? Tất cả chỉ nhắc lại nỗi ác mộng thời độc tài phát xít mà thôi... (4).

Quá nhiều lý do để Bình Nhưỡng nổi cơn thịnh nộ.

___________

(1): Minju Joson Hails Statement Issued by Spokesman for KPA Supreme Command, KCNA 7/3
(2): Era When US Used to Resort to Nuclear Blackmail Is Over: Rodong Sinmun, February 22, KCNA
(3):
http://www.koreatimes.co.kr/www/news/nation/2012/12/116_127434.html
(4): “KCNA Commentary Slams Park Geun Hye’s Commitments to Confrontation”

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận