Biên kịch Phạm Thùy Nhân: Dũng cảm hư cấu lịch sử

CÁT VŨ THỰC HIỆN 11/02/2009 17:02 GMT+7

TTCT - Đầu năm 2009, biên kịch Phạm Thùy Nhân, phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, đang nóng lòng chờ cuộc xuất quân của những đứa con tinh thần.

Phóng to

Ngoài Vó ngựa trời Nam, bộ phim truyền hình dài 37 tập về “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ đang đi vào giai đoạn cuối của việc ghi hình, những kịch bản anh vừa hoàn thành cũng sẽ đồng loạt được đưa vào sản xuất trong năm nay như Anh hùng Trương Định (25 tập, Hãng TFS, Hãng phim Giải Phóng và tỉnh Tiền Giang đầu tư), Nguyễn Trung Trực (truyện nhựa, Hãng phim Giải Phóng), Tây Sơn hào kiệt (truyện nhựa, Hãng phim Lý Huỳnh, Hãng phim Thanh Niên, Hội Điện ảnh TP.HCM thực hiện).

Đó là chưa kể đến kịch bản phim 20 tập Về đất Thăng Long với nhân vật chính là vua Lý Thái Tổ đang hoàn tất để cho hai đơn vị Hãng phim Giải Phóng và Đài truyền hình TP.HCM kịp đưa vào sản xuất chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Là một nhà biên kịch sung sức và tâm huyết nhất hiện nay, Phạm Thùy Nhân luôn kiên trì đi theo lộ trình sáng tác được dẫn dắt bởi tư duy của riêng mình, cũng như luôn dành cho nền điện ảnh nước nhà nhiều trăn trở.

* Vì sao hiện nay anh lại chuyên tâm viết về đề tài lịch sử?

- Thông qua lịch sử, người ta có thể hiểu nhiều vấn đề về con người và con người với thế giới để từ đó rút ra được những bài học quan trọng hầu sống tử tế hơn. Đó là những bài học lịch sử. Tôi thấy học sinh hiện nay chán môn lịch sử, nên tôi muốn thông qua phim để đem những nhân vật lịch sử sinh động bằng xương bằng thịt đến cho các em. Ngoài ra, tôi viết về đề tài lịch sử như một cách bày tỏ sự bức bối của mình với việc người ta đang đổ rất nhiều tiền của làm ra những bộ phim mà theo tôi là lãng phí, vô ích, chỉ nhằm mục đích kinh doanh.

* Trong hoàn cảnh tiền ít lại thiếu người tài như điện ảnh nước nhà hiện nay, việc làm phim lịch sử đã từng bị dư luận cho là vượt quá khả năng của VN. Anh đã có phương kế gì để thoát ra được những khó khăn đã gặp phải của những bộ phim lịch sử trước đây?

- Tất nhiên điện ảnh VN không thể cạnh tranh được với điện ảnh Trung Quốc về tiền bạc lẫn tài năng, nên khi viết tôi cố gắng đi vào nội tâm nhân vật, những xung đột tâm lý chứ không dựa vào việc dàn cảnh chiến trận, cung điện quy mô hoành tráng.

* Dư luận khán giả từng than phiền không tài nào phân biệt được ai với ai trong số các nhân vật xuất hiện trong những bộ phim lịch sử trong nước được trình chiếu trước đây bởi vì họ giống như những hình nhân qua lại trên màn ảnh. Anh có cách gì để tránh “vết xe đổ” này?

- Những điều sử sách ghi chép về những nhân vật tiêu biểu thường chỉ vài dòng ngắn ngủi, lướt qua, thiếu chi tiết, thiếu đời sống, thiếu hành động... Trong khi đó, các nhà biên kịch thường không dám sáng tạo thêm. Muốn tạo ra nhân vật điện ảnh đáng nhớ phải mạnh dạn hư cấu lịch sử. Sự hư cấu đó dĩ nhiên phải bám vào hiện thực thường là rất mờ nhạt trong chính sử để thuyết phục được công chúng. Để làm được điều này, nhà biên kịch phải dũng cảm, có kiến thức lịch sử và tâm lý. Hư cấu mà không bịa đặt, kể giả mà như thật, giống như các nhà biên kịch Hàn Quốc đã làm.

Phạm Thùy Nhân đã có trên 60 kịch bản phim truyện nhựa, video, truyền hình được đưa vào sản xuất. Một số phim tiêu biểu là: Gánh xiếc rong, Xương rồng đen, Dấu ấn của quỷ, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc, Bản tình ca cuối cùng, Đoạn cuối thiên đường, Nhịp đập trái tim, Mê Thảo - thời vang bóng, Cơn lốc cuộc đời, Cõi tình, Dòng đời, Sương gió biên thùy, Cây huê xà, Một thời ngang dọc...

* Anh dường như thờ ơ trước trào lưu phim truyền hình đề tài hiện đại đang sản xuất ào ạt hiện nay? Vì sao anh không nhập cuộc với số đông?

- Công việc cơ quan (biên tập kịch bản ở Hãng phim Giải Phóng) và công việc dạy học (thỉnh giảng môn biên kịch tại Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh) đã chiếm hết thời gian trong ngày của tôi. Hầu hết các kịch bản phim tôi đều viết ngoài giờ. Sức khỏe cũng không cho phép tôi chạy marathon theo các đơn đặt hàng như nhiều đồng nghiệp trẻ khác. Viết phim một tập và phim nhiều tập rất khác nhau.

Dẫu vậy, ở mảng phim thị trường, tuy không trực tiếp viết nhưng tôi tổ chức kịch bản, phác họa đề cương và biên tập, để các sinh viên của tôi làm nên kịch bản. Với phương thức này, tôi và các học trò đã và sắp có những bộ phim như Sóng tình (30 tập), Hồn thiêng xứ núi, Bức họa tình yêu, Con đường sáng.

* Anh thường viết kịch bản theo đơn đặt hàng hay từ cảm hứng? Theo kinh nghiệm của riêng anh, phải chăng kịch bản có chất lượng là có nhiều cơ may được làm phim?

- Chất lượng kịch bản chỉ mới là điều kiện ắt có, còn phải thêm điều kiện đủ là sự may mắn. Có khi mình viết cái gì họ cũng dùng, nhưng có khi cái mình tâm đắc vẫn cứ nằm trong ngăn tủ. Thời phim “mì ăn liền” tôi viết mỏi cả tay, còn kịch bản như Đoạn đầu đài tôi dựa vào ba truyện ngắn của Nguyễn Tuân, đưa ai đọc cũng khen nhưng không có nơi nào chịu sản xuất.

* Trong dịp Tết Kỷ Sửu, cả ba phim VN xuất hiện trên mạng lưới chiếu bóng đều của các hãng tư nhân. Theo anh, vì sao không có một phim nào của hãng phim quốc doanh? Các bộ phim ấy xuất hiện thật rình rang và cũng đã thu hút được người xem.

- Những bộ phim đó đã làm tròn chức năng giải trí, đáp ứng phần nào thị hiếu của khán giả tuổi teen nhưng với tôi, chúng không thể so với dạng phim như Trăng nơi đáy giếng của Nguyễn Vinh Sơn. Tôi nghĩ những bộ phim kiểu như vậy không đem lại được giá trị gì hơn cho xã hội, cho điện ảnh VN.

* Có một thực tế từ lâu nay khiến những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà không khỏi buồn lòng lẫn băn khoăn là việc quay lưng đến tàn nhẫn của công chúng đối với dòng phim nghệ thuật để vồ vập với những phim thuần giải trí, ít mang lại lợi ích tinh thần như anh nói. Vậy có cách nào thay đổi điều này không?

- Thị trường tạo cơ hội rải đều và công bằng cho các sản phẩm điện ảnh. Sản phẩm đó có đến được với công chúng hay không phần lớn tùy thuộc vào đơn vị sản xuất. Nơi nào làm công tác vận động tốt hơn, khán giả đến nhiều hơn. Các hãng phim nhà nước gần như bỏ trống khâu này vì sợ mất một số tiền lớn. Mặt khác, công chúng bỏ tiền ra mua vé cũng có sự chọn lựa của riêng họ. Họ yêu cầu loại sản phẩm cho riêng họ. Lứa tuổi mười tám đôi mươi sao có thể cảm nhận những ý tưởng của loại phim như Rừng đen được. Tương tự, những bộ phim tôi viết bằng cả sự khoái cảm như Gánh xiếc rong, Xương rồng đen... nhưng công chúng không thích.

Điều này đòi hỏi một sự “vận động” lớn từ nền giáo dục. Có những phim kiếm nhiều tiền nhưng không đóng góp gì cho nền điện ảnh. Có những phim kén người xem nhưng sức đóng góp lại rất lớn. Giải pháp duy nhất theo tôi là nên có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước phải có chế độ yểm trợ những bộ phim nghệ thuật.

* Lâu nay có một thực tế khiến người làm phim rất tủi lòng, đó là hầu hết những bộ phim được đánh giá cao đều là sản phẩm của những đạo diễn biết chịu khó xin tiền tài trợ từ các tổ chức nước ngoài.

- Đa số các đạo diễn đi xin tiền đều muốn có một bộ phim tử tế, đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật. Vì có như vậy mới đưa được phim vào các liên hoan phim quốc tế cũng như các hệ thống phát hành trên thế giới. Một ít phim của họ đã trình chiếu được ở một vài rạp châu Âu nhờ sự tài trợ từ các giải thưởng mà phim đó đoạt được khi tham gia các liên hoan phim quốc tế.

Nói chung, hầu hết những bộ phim VN khi muốn hội nhập dòng chảy thế giới trong thời gian qua đều phải nhờ sự tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Việc đi xin tài trợ này đều hoàn toàn do nỗ lực của từng cá nhân nghệ sĩ mà sự trải nghiệm cho thấy lấy được đồng tiền của người ta cũng rất gian nan, chẳng khác gì đi ăn mày.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận