Bernie Madoff: Lấy của Peter để trả cho Paul

HỒ QUỐC TUẤN 25/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Tay đại bịp của thế kỷ 20, Bernie Madoff, vừa chết trong tù ở tuổi 82 hôm 18-4 vừa rồi, nhưng đằng sau cú lừa 65 tỉ đôla của ông vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.

Cách làm của Madoff không có gì xa lạ, thể hiện qua việc đã có hẳn một câu thành ngữ tiếng Anh lâu đời chỉ những kẻ lừa gạt kiểu đó: "Lấy của Peter để trả cho Paul" (Rob Peter to pay Paul), nhưng quy mô lừa đảo đã khác hẳn trong thời hiện đại này.

Báo chí tài chính ở Việt Nam mấy năm gần đây hay nhắc tới khái niệm mô hình lừa đảo Ponzi. Đây là hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn lợi nhuận đầu tư cao để thu hút nhiều người tham gia, rồi lấy tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho người đến trước.

Bernie Madoff. Ảnh: Vanity Fair

Người ta thường gọi các mô hình này bằng cái tên chung là lừa đảo kiểu Ponzi, theo tên của Charles Ponzi.

Một chút lịch sử

Trước khi bị bắt vào năm 1920, Ponzi, một người Mỹ gốc Ý, hứa hẹn với nhà đầu tư rằng ông ta có chiến lược làm giàu nhanh bằng cách mua các phiếu hồi báo bưu phẩm quốc tế (IRC). 

Những năm sau Thế chiến I, người gửi thư có thể gửi kèm các phiếu này trong thư để người nhận đem đổi thành tem dán lên thư trả lời. 

Chuyện này giống cách ngày nay một số công ty gửi kèm phong bì dán sẵn tem cho khách hàng khi muốn nhờ khách hàng gửi lại thông tin cho mình. Ngày đó, vì giá tem ở Ý rẻ còn ở Mỹ đắt, trên lý thuyết có thể mua IRC với giá rẻ ở Ý rồi đổi ra tem có giá cao hơn ở Mỹ để kiếm lời.

Ponzi nói ông có thể kiếm lợi nhuận chênh lệch đến 400% bằng cách đó, đồng thời hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận đến 50% trong 45 ngày đầu tiên và 100% trong 90 ngày tiếp theo. 

Ông từ chối tiết lộ chi tiết cách làm, mà chỉ nói qua về mô hình. Một số người bắt đầu tin và đầu tư. Trước khi Ponzi bị bắt, ước tính có 2,5 triệu đôla Mỹ đã được bỏ vào công ty ông lập ra (theo một bài viết trên The Economist năm 2008, số tiền này tương đương 160 triệu đôla Mỹ năm 2008).

Sự thật thì mô hình kinh doanh của Ponzi chỉ hay trên lý thuyết, chứ thực tế là bất khả. Để thực sự kiếm lời từ IRC, Ponzi sẽ phải vận chuyển một lượng lớn IRC từ Ý sang Mỹ và bán được nó. 

Thời đó, 1.800 đôla Mỹ đã có thể mua được hơn 50.000 IRC ở Ý. Để chuyển hết số IRC tương ứng với số tiền mà Ponzi huy động, sẽ cần không biết bao nhiêu con tàu khổng lồ vượt đại dương. Đó là chưa kể mua đâu cho đủ số IRC trị giá 2,5 triệu đôla.

Vì vậy thật ra Ponzi không buôn bán IRC chi cả, mà chỉ lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Ponzi giàu lên nhanh chóng, đến khi người ta nghi ngờ mô hình này và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đây là mô hình lừa đảo, nhà đầu tư rút tiền hàng loạt, thì mô hình này sụp đổ.

Từ khi Ponzi bị bắt, phải mấy chục năm sau mới có một “đệ tử” xứng tầm nối bước ông: Vụ lừa đảo được coi là lớn nhất lịch sử của Bernie Madoff.

Charles Ponzi. Ảnh: WSJ

Đại bịp thế kỷ và thương vụ 65 tỉ đôla

Lần đầu tôi biết về ông Madoff là vào năm 2007 khi giáo sư tài chính quốc tế Simon Wheatley của Đại học Melbourne gợi ý tôi nên lập danh sách các quỹ đầu tư quốc tế có hiệu quả tốt nhất và tổng hợp xem chiến lược chủ yếu của các quỹ đó là gì để học hỏi. 

Cái tên Bernie Madoff xuất hiện vì quỹ Fairfield Sentry Limited của ông xuất hiện trong dữ liệu mà tôi truy xuất. Nhưng vì quỹ này không có nhiều thông tin, tôi không đưa nó vào dữ liệu phân tích cuối cùng của mình.

Thời điểm đó, tôi tốt nghiệp đại học được gần 4 năm và mới bắt đầu biết chút ít về thị trường tài chính ngoài Việt Nam. Vì vậy, cái tên Madoff quá xa lạ và chẳng để lại ấn tượng gì ngoài chuyện “ông này làm lớn ở một cái quỹ thành công” và nổi tiếng trong giới tài chính.

Bẵng đi một thời gian, đột nhiên tháng 12-2008, cái tên Madoff lại xuất hiện ở trang bìa hầu hết các báo tài chính. Ông bị bắt vì rất nhiều tội danh lừa đảo kiểu Ponzi với số tiền lên đến 65 tỉ đôla, lĩnh án 150 năm tù.

Điều này khiến tôi quan tâm và bắt đầu tìm hiểu lại. Lúc đó tôi mới biết những con số lợi nhuận trong dữ liệu của tôi toàn là làm giả, và được kiểm toán bởi một số công ty gần như vô danh, điều rất khó hiểu với quy mô chục tỉ đôla của quỹ đầu tư.

Giống với Ponzi, ông Madoff giữ bí mật về cách thức kiếm tiền, bảo là vì sợ đối thủ cạnh tranh bắt chước. Điểm đặc biệt là quỹ của ông có lợi nhuận rất “mượt”, cứ thẳng tiến một đường. 

Dân trong ngành bảo là lợi nhuận ổn định và “mượt” kiểu trái phiếu, trong khi tỉ suất sinh lời thì ở mức trung bình của thị trường cổ phiếu. Nói cách khác, rủi ro thấp mà lợi nhuận cao.

Không phải không có người nghi ngờ, và họ từng tố cáo với cơ quan quản lý thị trường Mỹ SEC là không có cách nào để thiết lập một chiến lược đầu tư thực tế khớp với những con số được công bố - chỉ có làm giả số thì mới được như vậy.

Thế nhưng SEC im lặng một thời gian dài. Phải chăng vì ông Madoff là người nhiều ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán Mỹ, từng là chủ tịch NASDAQ, và có những mối quan hệ sâu rộng với Washington, nên ít ai dám “đụng”?

Chỉ vài ngày sau khi ông Madoff bị bắt, có tới mấy công ty chuyên vận động hành lang ở Washington công bố kết thúc hợp đồng với công ty của ông. 

Tờ Politico lúc đó mới “thẳng thắn” đăng bài “Madoff mua ảnh hưởng ở Washington”, nói ông đã đóng góp nhiều tiền cho các quỹ chính trị và “cài người” vào nhiều ủy ban quan trọng của SEC. Shana Madoff Swanson, cháu gái ông, cưới Eric Swanson, một quan chức cao cấp của SEC.

Tiền bạc và ảnh hưởng chính trị là vỏ bọc hoàn hảo để che lấp vụ lừa đảo Ponzi lớn nhất lịch sử. Khi lừa được tiền rồi thì lại càng có ảnh hưởng chính trị để che đậy.

Mô hình lừa đảo này tiếp tục với mối liên hệ tiền - quyền chằng chịt cho đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. Bear Stearns rồi Lehman Brothers sụp đổ, và cả công ty bảo hiểm khổng lồ AIG cũng suýt sập tiệm nếu không có chính phủ giải cứu. 

 
 Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 đã khiến mô hình Ponzi của Madoff sụp đổ. Ảnh: CNBC

Thế là các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền. Với mô hình Ponzi lấy của người sau trả người trước, Madoff cần thêm nhà đầu tư, nhưng trong khủng hoảng tài chính, số người rút nhiều hơn số mới huy động được. Người ta bắt đầu nghi ngờ quỹ của Madoff, và rồi cái gì phải đến cũng đến.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Còn nhiều câu hỏi mà sau hơn một thập kỷ, người ta vẫn chưa thể trả lời về vụ Madoff. Trước tiên, nếu không có khủng hoảng tài chính 2007, liệu quỹ đầu tư này sẽ tiếp tục lừa đảo đến khi nào? 

Rồi SEC có bao giờ nghiêm túc điều tra quỹ này? Trước khi Madoff bị bắt, SEC nghi ngờ Madoff và điều tra về các hành vi lừa đảo chứng khoán vào năm 2005 và 2007, nhưng chưa bao giờ có kết quả gì rõ ràng.

Những cơ quan quản lý thị trường như SEC dường như không đủ nguồn lực và động lực để điều tra những vụ lừa đảo tinh vi và quy mô lớn như vậy. Họ có lẽ còn ngại “đụng chạm” người có quan hệ rộng với giới chính trị và lãnh đạo Wall Street như ông Madoff. Liệu những vụ lừa đảo như vậy có còn lặp lại với những sản phẩm tài chính mới ngày nay?

Trước khi Madoff trở thành đại bịp, ông từng tham gia cuộc cách mạng công nghệ giao dịch ở Wall Street, góp phần việc số hóa giao dịch từ những năm 1990. Nói cách khác, ông ta từng đóng vai trò doanh nhân khởi nghiệp thách thức những phương thức truyền thống giống các start-up công nghệ hiện nay. 

Vậy liệu có một nhà khởi nghiệp công nghệ thành công nào đó sẽ trở thành Madoff của tương lai không? Những quỹ đầu tư được thành lập và tuyên bố chuyên đầu tư vào các công ty bí hiểm, mang lại siêu lợi nhuận tăng trưởng vài trăm phần trăm một năm, hay vào các “đồng coin” ít người biết hiện giờ thì sao?

Và cuối cùng, khi mọi chuyển lại đổ bể, liệu người ta sẽ gọi đó là một vụ lừa đảo kiểu Ponzi hay kiểu Madoff?■

Danh sách nạn nhân của Madoff rất ấn tượng, bao gồm nhiều ngân hàng toàn cầu như BNP Paribas (Pháp), Nomura Holdings (Nhật), HSBC (Anh), Banco Santander (Tây Ban Nha), một số công ty bảo hiểm của Pháp và Thụy Sĩ, cả những nhà đầu tư cá nhân là người nổi tiếng như Steven Spielberg, John Malkovich, Larry King...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận