Bệnh tiểu đường tăng vì thức ăn nhanh

LAN ANH THỰC HIỆN 18/06/2013 22:06 GMT+7

TTCT - Chỉ trong vòng mười năm, số người mắc đái tháo đường (tiểu đường) ở VN đã tăng từ 2,7% lên 5,7% và đang được coi là bệnh mãn tính có tốc độ gia tăng hàng đầu thế giới. Trong số các nguyên nhân chính, có nguyên nhân đến từ nước ngọt và thức ăn nhanh.

Phóng to
Ông Thái Hồng Quang - Ảnh: Thúy Anh

Trao đổi với TTCT, ông Thái Hồng Quang, phó chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường VN, cho hay:

- Điều tra của Bệnh viện Nội tiết T.Ư công bố năm 2002 tỉ lệ mắc đái tháo đường là 2,7%, điều tra năm 2012 vừa hoàn thành số liệu thô cách đây hơn một tháng, tỉ lệ này đã tăng lên 5,7%, tức là tăng hơn gấp đôi. Đây là mức độ gia tăng đáng báo động, trên phạm vi thế giới tỉ lệ gia tăng này cũng ở mức rất nhanh.

Thưa ông, mức độ gia tăng kể trên có phải do thay đổi thói quen ăn uống dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường?

- Tỉ lệ kể trên chưa nói được rõ rệt mức độ ở từng khu dân cư nhưng dứt khoát khu vực thành thị tỉ lệ đái tháo đường cao hơn. Theo báo cáo năm 2002, tỉ lệ chung toàn quốc là 2,7% thì nghiên cứu của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tại khu vực nội thành, tỉ lệ này đã lên đến 6,6%. Còn ở TP.HCM, nghiên cứu tại một số quận nội thành năm 2011, tỉ lệ mắc đái tháo đường trong người trưởng thành đã là 8%. Ở nông thôn, mức 1,5% cư dân trưởng thành mắc bệnh cũng là mức khá cao.

Đâu là căn nguyên của tình trạng gia tăng này, thưa ông?

- Có một căn nguyên quan trọng là bệnh ngày càng được chẩn đoán và phát hiện sớm nhờ hệ thống y tế phát triển hơn, người mắc bệnh được tầm soát và đi khám bệnh định kỳ thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, lối sống công nghiệp, ăn thức ăn nhanh nhiều năng lượng, nhiều muối dễ gây bệnh đái tháo đường.

Cuộc sống đầy đủ hơn, kinh tế khá hơn, người ta đi xe máy, ôtô thay vì đi xe đạp và đi bộ, tiêu hao năng lượng ít đi mà nạp vào lại tăng dẫn đến béo phì, mà béo phì lại dễ dẫn đến đái tháo đường.

Về nguyên nhân bệnh sinh, người châu Á, những người từng sống qua thời gian chiến tranh có tỉ lệ đái tháo đường cũng cao hơn, do trong giai đoạn khó khăn cơ thể tiết ra insulin (hormol chuyển hóa đường) phù hợp với cuộc sống như vậy, nay cuộc sống khá giả hơn, ăn uống đủ chất hơn nên tế bào tiết ra insulin phải làm việc căng thẳng hơn, dễ dẫn đến suy kiệt.

Ông có nói đến thức ăn nhanh, đồ uống ngọt liên quan đến gia tăng căn bệnh này. Mối liên quan giữa chúng ở đâu vậy, thưa ông?

- Nước uống có gas chắc chắn có ảnh hưởng đấy, ngoài ra là thức ăn nhanh nhiều mỡ, nhiều ngọt, năng lượng cao dễ dẫn đến béo phì, mà như tôi đã nói thì béo phì cũng là yếu tố dễ dẫn đến đái tháo đường. Nhiều người hỏi tôi về tần suất, nên uống bao nhiêu nước ngọt có gas là vừa thì tôi thấy rất khó nói, mà chỉ nói là nên hạn chế thôi. Thức ăn nhanh cũng thế, nên hạn chế chứ không thể ăn thoải mái, thích thì ăn. Cái đó là cảnh báo để tự mỗi người có cách bảo vệ mình.

Việt Nam vừa có chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường, theo ông sẽ giảm được tốc độ gia tăng đến đâu là mục tiêu?

- Rất khó nói về việc giảm đến đâu là tốt, vì thật ra giảm càng nhiều càng tốt. Quan trọng nhất là tầm soát trong nhóm có yếu tố nguy cơ như trên 45 tuổi, gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột mắc đái tháo đường, người có tăng huyết áp, có rối loạn lipid máu, từng bị đái tháo đường trong thời gian mang thai hoặc sinh con có trọng lượng sơ sinh trên 4kg. Tầm soát sớm nhóm này để xác định người mắc bệnh sớm, điều trị và hướng dẫn cho họ cách bảo vệ, tránh biến chứng từ sớm.

Với cộng đồng, cần sớm tăng số người có kiến thức về phòng tránh bệnh như lối sống hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực và có ý thức khám bệnh định kỳ. Với người béo phì chưa mắc đái tháo đường thì giảm béo phì tức là giảm luôn nguy cơ đái tháo đường.

Mười năm, tỉ lệ mắc đái tháo đường tăng 211%

Sau 10 năm, không chỉ có tỉ lệ mắc đái tháo đường tăng 211% mà tỉ lệ rối loạn dung nạp đường huyết, còn gọi là tiền đái tháo đường, tăng từ 7,7% lên 12,8%. Hiện nay chi phí điều trị đái tháo đường ở VN khá tốn kém do bệnh nhân đến bệnh viện muộn, nhiều biến chứng nặng và điều trị không đúng ở tuyến dưới. Lý do là có tới 70% bệnh nhân chưa được phát hiện sớm, thiếu chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa ở tuyến dưới chuyên về điều trị đái tháo đường.

(Nguồn: Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận