Bảo tồn rừng Trường Sơn cũng là việc của thế giới

LÊ MY 03/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với Andrew Tilker, một trong số ít những nhà khoa học phương Tây đã dành nhiều năm tháng cho núi rừng Trường Sơn.

 
 Andrew Tilker (phải) chụp ảnh cùng một trong số các đồng nghiệp Việt Nam, nhà sinh vật học An Nguyễn.

Andrew Tilker hiện là cán bộ châu Á của tổ chức quốc tế Re:wild, đặc biệt tập trung vào các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Đông Nam Á. Đến Việt Nam từ năm 2012, Tilker vừa làm công tác bảo tồn, vừa nghiên cứu, góp sức vào nhiều khám phá nổi bật về hệ động vật của nước ta.

* Trong số các “báu vật sống” ở Trường Sơn, loài vật nào mang đến cho anh nhiều cảm xúc nhất? 

Andrew Tilker: Với tôi, loài thỏ vằn thật đặc biệt, vì đây là loài tôi rất quan tâm trong suốt sự nghiệp của mình. Khi bắt đầu làm nghiên cứu tiến sĩ, một trong những mục tiêu của tôi là phải hiểu hơn về loài vật này, để dùng kiến thức đó cho việc bảo tồn. Chúng tôi đã khảo sát nhiều vùng ở Việt Nam và Lào, nhận thấy rằng loài này vẫn hiện diện trong khu vực, nhưng số lượng cá thể suy giảm đáng kể.

Nhờ kết quả nghiên cứu đó mà thỏ vằn được đưa vào Sách đỏ IUCN ở mức độ Nguy cấp (Endangered). Sự kiện này đã thật sự thay đổi cách chúng ta bảo tồn chúng. Kế hoạch giải cứu thỏ vằn hiện bao gồm trong tự nhiên thông qua các vùng rừng đặc dụng, nhưng cũng cần tiến hành nhân giống bảo tồn… Đây là ví dụ cho thấy một khối lượng công việc lớn đã dẫn đến sự am hiểu về mức độ quý hiếm của một loài, sau đó dẫn đến chính xác những gì chúng ta cần làm để ngăn chúng không tuyệt chủng.

Tôi đã được nhìn thấy một con thỏ vằn ngoài đời, điều mà không ai trong chúng tôi dám kỳ vọng. Được gặp tận mắt một loài động vật quá bí ẩn và quý hiếm là trải nghiệm đáng nhớ nhất mà tôi có ở Việt Nam.

* Với một loài động vật lẩn trốn quá tốt, thành ra quá bí ẩn, quá ít người bắt gặp, cuộc sống có dễ dàng hơn vì không có con người?

Thỏ vằn đang bị đe dọa, ở mọi nơi, vì bẫy thú rừng đang rải rác khắp Việt Nam. Có hàng trăm ngàn cái bẫy trong những khu vực được bảo vệ, đe dọa bất kỳ con thú nào, kể cả thỏ.

* Với những kẻ săn bắt trái phép động vật hoang dã, liệu công bố về một phát hiện thú quý hiếm có thể bị lợi dụng?

Tôi cho rằng các nhà khoa học và nhà bảo tồn phải hết sức thận trọng khi công bố về một phát hiện liên quan đến bất kỳ loài quý hiếm nào. Đã từng có những trường hợp được ghi nhận, khi nhà khoa học công bố về một loài bò sát hiếm chẳng hạn, ngay sau đó quần thể loài gặp áp lực khủng khiếp vì người ta đổ vào rừng để tìm chúng.

Tôi và các đồng nghiệp vừa thảo luận chính câu hỏi này cách đây không lâu, liên quan đến loài cheo cheo. Chúng tôi muốn tiếp tục nghiên cứu trước đó bằng những hoạt động bảo tồn thực tế. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần phải huy động tiền, và vì vậy cần phải công bố thông tin về cheo cheo… Rất khó để gây quỹ cho một ý tưởng bí mật, phải không nào?

Đây là một tình huống rất khó xử. Chúng tôi đi đến giải pháp là công bố cheo cheo được “tái” phát hiện, chúng ta thực sự cần phải bảo vệ chúng… nhưng tôi sẽ không nói bạn biết chúng đang ở đâu.

 
 Gần đây, bẫy ảnh lần đầu tiên chụp được một chú thỏ vằn Trường Sơn xuất hiện ở cách vùng phân bố đã biết của chúng tận 300km. Ảnh: VQG Bidoup - Núi Bà

* Từ nghiên cứu đến bảo tồn, quá trình đó thường diễn ra như thế nào?

Tôi nghĩ có 2 thứ quan trọng nhất mà nhà khoa học có thể cung cấp cho nhà bảo tồn. Đầu tiên, chúng tôi có thể xây dựng các mô hình phân bố để giúp hiểu hơn về vị trí sinh sống của loài đó trên một bối cảnh rộng lớn. Khi biết các loài thú đang ở đâu, chúng ta có thể tăng cường việc bảo vệ những khu vực đó, chẳng hạn bằng cách đẩy mạnh hoạt động tháo bẫy thú. Thứ hai, chúng tôi xác định đường cơ sở về số lượng cá thể. Ý tưởng là theo dõi một quần thể theo thời gian và xem liệu các nỗ lực bảo tồn của ta có thực sự hiệu quả hay không.

* Anh có góp ý nào cho công tác bảo tồn ở Việt Nam hiện nay?

Theo kinh nghiệm của tôi, những vùng rừng đặc dụng của Việt Nam đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn khai thác gỗ bất hợp pháp. Hầu như ở bất cứ nơi nào tôi đến, phá rừng bị xem xét rất nghiêm trọng. Động lực chính trị tương tự như thế lại chưa được dành cho nạn giăng bẫy, đặt bẫy. Nên tôi nghĩ rằng điều này cần thay đổi.

Ngoài ra, bên ngoài các khu vực được bảo vệ, như ở thành phố lớn như TP.HCM, các bạn cần ra sức giảm thiểu các nhu cầu (về thịt rừng). Chừng nào ở các thành phố còn có người sẵn sàng trả tiền cho thịt thú rừng, thì sẽ luôn có nhu cầu, và áp lực lên rừng sẽ còn mãi.

 
 Những con vắt, "trợ thủ" lấy mẫu đắc lực của các nhà nghiên cứu ở rừng Trường Sơn, bám đầy chân Andrew Tilker.

* Quay lại điểm bắt đầu, lý do gì đã đưa anh đến Việt Nam?

Mắc kẹt trong tâm trí tôi là mấy điều mà E.O. Wilson, một nhà khoa học Mỹ nổi tiếng, đã từng viết. Ông ấy nói rằng với một nhà khoa học trẻ mới vào nghề, bạn nên cố gắng đi đến những nơi chưa nhiều người đến. Và khi tôi càng đọc về đa dạng sinh học ở Việt Nam, tôi càng nhận ra sự đặc biệt của nơi này, và tôi càng bị sốc khi biết rằng chẳng có mấy người - ít nhất là từ phương Tây - đang làm việc ở đó. Nó có vẻ là một giới hạn mới của tôi.

* Có ý kiến rằng với những nước đang phát triển, bảo tồn là công việc xa xỉ. Anh nghĩ sao về điều đó?

Tôi có thể hiểu được tại sao tồn tại ý kiến đó. Góc nhìn của tôi là: ta có thể vẽ lên bản đồ để phân biệt nước này với nước khác, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều ở trên cùng một hành tinh, một mái nhà, và chúng ta chỉ có một mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ đa dạng sinh học ở mọi nơi, bất kể là Đức hay Mỹ, Việt Nam hay Campuchia. Tôi không tin rằng nhân loại có quyền trì hoãn cuộc chiến này.

* Xin cảm ơn anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận