Bảo tồn di sản Chợ Lớn dễ hay khó?

PHẠM HOÀNG QUÂN 19/06/2012 01:06 GMT+7

TTCT - Giữa lúc nhiều di sản Việt lâm vào tình trạng ngán ngẩm khi "bị bảo tồn", tiêu cực liên quan đến kinh phí cộng với sự tệ hại của trình độ mỹ học và chiều sâu văn hóa đang phá dần các di sản gốc, thì vấn đề/sự kiện bảo tồn di sản Chợ Lớn được đặt ra.

Chợ Lớn nhìn từ những con hẻm

Phóng to
Phần lớn di sản ở Chợ Lớn đang được bảo tồn khá tốt. Các nhà làm tổng thể di sản chỉ nên tạo ngoại cảnh sạch đẹp và thiết kế mạng lưới giao thông hợp lý nhằm liên kết chúng - Ảnh: Cầm Phan

Phi thương bất thành... Chợ Lớn

Trước nay nói đến Chợ Lớn người ta biết ngay rằng đây là nơi cư trú lâu đời của đông đảo người Hoa - một dân tộc trong cộng đồng nhiều dân tộc của Việt Nam. Nói đến Chợ Lớn, người ta biết ngay rằng đây là nơi có những ngôi chợ thật lớn với đủ lượng hàng hóa cho các chợ vừa và nhỏ trong cả miền Nam.

Với không gian địa lý tản rộng và vai trò kinh tế đặc biệt quan trọng, Chợ Lớn hay khu di sản đô thị Chợ Lớn sẽ phải gặp nhiều cái khó trong quy hoạch chi tiết. Sự lấn cấn giữa lợi ích kinh tế và mỹ quan toàn cảnh cần có cho các di sản văn hóa là điều sẽ làm đau đầu các nhà hoạch định khi đụng vào thực tế.

Nên thử ghé thăm Thiên Hậu miếu [miếu Bà - Tuệ Thành hội quán] một chút. Trước giờ rất nhiều cây bút đã viết, đã mô tả về địa điểm này nên nét cổ kính và tính mỹ thuật đặc trưng độc đáo của ngôi miếu không cần nhắc lại ở đây. Nay thì nó ở trong tình hình thế nào?

Điều hình như chưa ai đề cập là sự hiện diện vô duyên của cửa hàng điện tử điện máy [hình như thuộc Công ty Cholimex] nằm kè bên cổng chính thuộc đường Nguyễn Trãi và án cả mặt hông bên đường Triệu Quang Phục. Điều đáng bàn ở đây là qua bao lần trùng tu ngôi miếu do nội bộ ban quản trị chủ xướng, qua bao lần các chính phủ xây dựng đường sá, chỉnh trang hè phố mà cọc trụ đá ranh đất của cuộc đất này vẫn còn giữ được, nó nằm phía bên kia đường Triệu Quang Phục, tức là cách vách khu điện thờ đến gần 20m, để dễ hiểu hơn, có thể nói là cửa hàng điện tử đã nằm lọt thỏm vào khuôn viên khu miếu, là nơi thuộc không gian cảnh quan hoặc là công trình phụ điểm xuyết cho địa chỉ du lịch số 1 khu Chợ Lớn này.

Với hàng chục địa điểm thờ tự đồng thời là nơi tham quan hấp dẫn tạo nét đặc thù cho khu di sản tương lai, việc sắp xếp để mỗi nơi đều có được không gian thoáng đãng, các khu vực buôn bán lân cận với những loại hàng hóa thích hợp là việc cần phải tính trước.

Riêng việc bảo tồn các di sản văn hóa thuộc dạng di tích ở khu Chợ Lớn, để trả lời câu hỏi đặt ở đầu đề, nhìn chung có thể nói rằng: dễ.

Phóng to
Một ngôi nhà của người Hoa được bảo tồn khá tốt trên đường Nguyễn Án, Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trở lại miếu Bà để nói một chuyện khác, như một thí dụ về ưu điểm hiếm có thuộc chủ trương truyền thống trải qua bao đời hội đồng quản trị. Nếu đứng trước cổng miếu phía đường Nguyễn Trãi nhìn sang bên kia đường, khách tham quan sẽ nhìn thấy bức tường phù điêu chạm rồng [Cửu long bích] với chiều dài khoảng 30m.

Ở ngay chỗ xếp vàng tính đất, với mặt tiền 30m, chiều sâu khoảng 5m, có vô số lý do muôn vàn tác động để bức tường chỉ đơn thuần làm đẹp này biến mất, nhưng nó vẫn trụ được đến nay, đây không chỉ là giá trị hiếm hoi về cảnh quan quần thể mà còn là bài học lớn trong vấn đề bảo tồn di sản.

Đối với các cơ sở thờ phụng mang nét tâm linh, từng cá nhân người Hoa đã thể hiện sự sùng bái tín ngưỡng trong một quy củ khá chuẩn mực, mọi sự tôn tạo chỉnh trang đều dựa trên nền tảng ban đầu, trong một công trình, các bộ phận xây dựng sau có khi cả trăm năm mà vẫn ăn khớp hài hòa với phần xây dựng trước, không đọc các văn bia thì khó mà biết được lịch trình xây dựng.

Tượng thờ, tự khí, hoành đối trang trí từ thuở ban đầu được gìn giữ cẩn thận đúng vị trí của nó. Nói chuyện này bởi ta thừa biết thực tế từng xảy ra ở những công trình thờ cúng khác, một tay đại gia nào đó nổi hứng muốn tạo dấu ấn công đức hay để lưu danh muôn thuở có thể đổi pho tượng cổ bằng một pho tượng đắt tiền, kích cỡ lớn, kiểu mẫu tân thời ngay nơi chính điện, hoặc thay đổi vật liệu trang trí lỏi chỏi hoặc xây cất lung tung.

Ý thức về một cơ ngơi thờ tự với cảnh quan, kiến trúc, mỹ thuật hài hòa tự nhiên cộng với bản tính tồn cổ là những điểm phụ hội quan trọng cho lòng tín ngưỡng, nói cho ngay các đền miếu của người Hoa tự mỗi nơi đã được bảo tồn rất tốt. Các nhà làm tổng thể di sản chỉ nên tạo ngoại cảnh cho từng điểm và thiết kế mạng lưới, phương tiện giao thông hợp thời, hợp lý nhằm liên kết các điểm này trong một bản đồ du lịch thuận tiện.

Phóng to
Một dãy nhà của người Hoa ở Chợ Lớn - Ảnh: Cầm Phan

Những cộng đồng trách nhiệm đặc thù

Đặc trưng phối hợp nơi thờ tự theo tập tục dân gian với điểm sinh hoạt cộng đồng đồng hương là một nét văn hóa đặc biệt của người Hoa, đây là một trong những yếu tố tạo sự bền vững và khiến di sản ít bị pha tạp.

Nơi thờ tự miếu Bà gắn với Tuệ Thành hội quán vốn là địa điểm sinh hoạt của cộng đồng đồng hương đến từ các nơi khắp tỉnh Quảng Đông, và tương tự, chúng ta thấy Nhị Phủ Miếu với hai nhóm đồng hương phạm vi cấp phủ là Chương Châu, Tuyền Châu [thuộc tỉnh Phúc Kiến], Hà Chương Hội Quán do nhóm đồng hương phủ Chương Châu dựng thêm, Ôn Lăng Hội Quán do nhóm phủ Tuyền Châu mở thêm, Tam Sơn Miếu là nơi của nhóm Phúc Châu [Phúc Kiến], miếu Ông - Nghĩa An hội quán của nhóm Triều Châu, miếu Bà - Quỳnh Phủ hội quán của nhóm Hải Nam. Cùng với đình Minh Hương Gia Thạnh - là nơi có nét gần giống đình người Việt tôn các nhân thần làm Thành hoàng - các điểm hội quán kể trên đều đã là những danh tích.

Xung quanh các hội quán lớn còn khoảng hơn 20 hội quán của các nhóm đồng hương cấp huyện, tiêu biểu như Nam Hải, Phan Ngu, Thuận Đức, Tứ Ấp, Hạc Sơn, Tam Thủy, Cao Minh, Cửu Giang, Đại Phố...

Xung quanh các hội đồng hương lại có hội đồng họ, tức mạng lưới Tông từ, nơi đây thờ phụng các vị thủy tổ của dòng họ, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt hỗ tương xã hội trên tiêu chí đồng tộc, nơi này đại diện cho các thành viên cùng một họ và cũng là địa chỉ liên kết các thành viên đang sinh hoạt ở bất cứ hội quán đồng hương nào, đến từ đâu. Nhiều ngôi Tông từ của những dòng họ danh giá với số lượng thành viên đông đảo xứng đáng được xem là di sản văn hóa.

Mỗi cá nhân tham dự vào nhiệm kỳ hội đồng quản trị một hội quán cấp tỉnh/phủ thông thường được đề cử từ các hội quán cấp huyện hoặc/và Tông từ, phương danh của người này mang uy tín của dòng họ, của người đồng hương, của nghiệp đoàn kinh doanh.

Điều kiện tiên quyết là cá nhân này thành đạt và ổn định kinh tế. Một cái tên đến nay vẫn còn quen thuộc là Soái Kình Lâm - chợ vải hàng đầu trong nước - tên hãng này theo mặt chữ Hán đọc là Trại Quỳnh Lâm. Vào năm 1898, ông chủ hiệu này đã chung tiền lập đội xe cứu hỏa do hội quán Tuệ Thành khởi xướng, và từ năm 1948, liên tiếp bảy nhiệm kỳ (lúc này mỗi kỳ một năm), chủ Trại Quỳnh Lâm là thành viên quản lý tài chánh của hội đồng quản trị hội quán Tuệ Thành.

Bên trong những ngôi miếu thờ Nữ thần biển cả, thờ các vị thần phù hộ cho việc làm ăn, một ban quản trị vài mươi người thay mặt cho cộng đồng rộng lớn, ràng buộc đan xen nhiều trách nhiệm, họ gìn giữ và chăm chút qua mấy trăm năm. Sự nguy nga tráng lệ và tính tôn nghiêm như ẩn chứa động lực phát triển nhiều cộng đồng xã hội, có thể thấy rằng đền miếu người Hoa là một loại hình di sản hoàn chỉnh và luôn ăn nhịp với cuộc sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận