Bao nhiêu phần Internet là đồ giả?

NGUYỄN VŨ 11/02/2019 20:02 GMT+7

Chưa đến 60% dòng chảy thông tin trên Internet là do con người tạo ra, còn lại là đồ giả. Có lúc đến 50% lượng “người” xem YouTube thật ra là “máy” xem, giả làm người để lừa các nhà quảng cáo.

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

trong những tội phạm mới xuất hiện là tội làm giả lượng khách vào xem quảng cáo. Ai đăng quảng cáo đều muốn hai điểm: thật nhiều người vào xem và quảng cáo đăng ở những nơi có uy tín. Hiện nay, dân lừa đảo giả được cả hai thứ: họ dùng mã độc, chiếm quyền kiểm soát hàng triệu máy tính rồi âm thầm điều khiển các máy tính “zombie” này vào xem các quảng cáo, tạo ra lượng người xem giả mạo. 

Kỹ thuật tạo dòng lưu lượng giả này rất tinh vi, đôi lúc hướng người xem vào đủ loại trang web phổ biến để lấy cookies như một người dùng Internet bình thường.

Theo tờ New York Magazine, nhiều nghiên cứu tính ra chưa đến 60% dòng chảy thông tin trên Internet là do con người tạo ra, còn lại là đồ giả. Có lúc đến 50% lượng “người” xem YouTube thật ra là “máy” xem, giả làm người để lừa các nhà quảng cáo. Tờ này than năm 2018 có thể sẽ được nhớ như năm “bản lề”, khi Internet chuyển đổi thành nơi nhiều đồ giả hơn đồ thật!

Cái bị làm giả nhiều nhất đầu tiên là thống kê đo lường lưu lượng dòng chảy trên Internet. Lẽ ra số liệu này phải là cái thật nhất vì có thể đo đếm rất cụ thể, chính xác để từ đó nhà quảng cáo có thể biết bao nhiêu người vào đọc báo này, báo kia; bao nhiêu người nhấn chuột vào quảng cáo để tìm hiểu thêm về một sản phẩm nào đó. Thế mà ngay chính Facebook năm rồi cũng bị kiện là đã thổi phồng lượng thời gian người dùng xem video trên Facebook. Sau đó, Facebook phải thừa nhận tính toán sai nên lượng “xem” có thể bị tăng 60-80%. Bên kiện nói con số thổi phồng có lúc lên đến 900%! Cộng với kỹ thuật tạo “view” giả, giờ không còn mấy ai tin vào các con số thống kê nữa.

Thống kê đo lường giả là do người giả, tức số lượng người đăng ký một kênh YouTube nào đó, theo dõi một tài khoản mạng xã hội nào đó có thể là người giả. Chuyện này báo New York Times từng có bài phóng sự dài về nghề mua bán “view” trên YouTube, 5.000 lượt người xem giá chừng 15 đôla. Nếu không có người giả, tại sao các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay YouTube lâu lâu cứ tuyên bố vừa xóa hàng chục ngàn tài khoản giả mạo?

Một từ có lẽ bạn sẽ phải làm quen là “trại nhấp chuột” (click farm) chỉ một căn phòng với hàng dãy điện thoại di động treo lơ lửng, từng dãy từng dãy, liên tục chạy phần mềm tự động nhấp chuột vào các video trên YouTube, giả làm người đang vào xem các video này.

Điều mỉa mai, theo New York Magazine, là hiện nay không chỉ có máy giả làm người mà còn có người giả làm máy theo kiểu trợ lý ảo có trí thông minh nhân tạo (AI), để các doanh nghiệp công nghệ khoe với người dùng rằng tớ cũng có AI rất dí dỏm như ai. Tờ Atlantic cho biết còn có cả người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đăng tải nội dung “có tài trợ” dỏm, tức không có ai quảng cáo cũng xách sản phẩm của họ lên tung hô nhằm câu khách, mong doanh nghiệp thấy hiệu quả mà thuê thật.

Đương nhiên cái giả tiếp theo mà các bạn cũng dự đoán chính là nội dung: nội dung giả trên Internet ngày càng tràn lan, mà ở đây chúng ta thử tập trung vào trường hợp YouTube. Giả thử bạn xem phim First Man xong, tò mò muốn biết thêm về vụ con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, vào YouTube để tìm, rất có thể nhiều ngày sau đó YouTube cứ bắt bạn xem những video “rao giảng” vụ Neil Armstrong là người đầu tiên bay lên Mặt trăng là tin giả, rằng Mỹ chưa bao giờ cử người lên Mặt trăng... với đủ thứ luận cứ rất đặc trưng của một thuyết âm mưu. Bạn tự hỏi: chà, YouTube là nơi “quảng bá” thuyết âm mưu chăng; Google, ông chủ của YouTube, đã làm gì để ngăn chặn hiện tượng “quảng bá” chuyện tầm phào này và vì sao AI đứng đằng sau thuật toán YouTube lại thất bại trong những trường hợp tương tự.

Bình quân một ngày người ta xem chừng 1 tỉ giờ video trên YouTube, trong đó 70% là do YouTube giới thiệu dựa vào thói quen của người xem, lịch sử video đã xem hoặc lịch sử tìm kiếm của người này.

Mô hình kinh doanh của YouTube dựa vào chuyện bạn xem càng nhiều video càng tốt, bởi YouTube bán quảng cáo trước và trong khi phát video. Thế là thuật toán sẽ giới thiệu loại video nào mà thuật toán này biết sẽ ăn khách, sẽ thu hút người xem; dù bạn nghiêng về cánh tả hay cánh hữu, thuật toán sẽ chọn những video ngày càng cực đoan hơn để giữ chân bạn. Đó là lý do vì sao chỉ cần bày tỏ mối quan tâm sơ sơ đến chủ nghĩa dân tộc, bạn sẽ được giới thiệu hàng loạt video về các nhóm theo thuyết da trắng thượng đẳng...

Thuật toán giới thiệu ngày càng bị méo mó, cũng có thể do người dùng, đến nỗi tờ Vox thử nghiệm, gõ vào tìm Hillary Clinton, ba video YouTube giới thiệu đầu tiên đều liên quan đến các thuyết âm mưu gán cho bà Clinton đủ chuyện ghê gớm.

YouTube có thể thay đổi nguyên tắc để hạn chế loại thông tin mang thuyết âm mưu hay đầu tư nhiều hơn nữa để lọc thông tin nhảm, đừng đưa vào phần giới thiệu nữa. Nhưng cả hai điều này đều ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của YouTube, nên rõ ràng họ không có động lực làm mạnh ở cả hai hướng. Thế là mỗi phút có đến 400 giờ video mới được đưa lên YouTube và thuật toán của nó vẫn chọn lọc để giới thiệu những video gay cấn nhất, hấp dẫn nhất, kỳ bí nhất, phần lớn là đồ giả cho bạn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận