Bảo hiểm: Làm sao để dân tự nguyện?

LAN ANH 01/03/2016 20:03 GMT+7

TTCT - Tính đến hết năm 2015, gần 77% người dân có thẻ bảo hiểm y tế, 23% đã tham gia bảo hiểm xã hội. Thực hiện Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, từ đầu năm nay mức đóng bảo hiểm xã hội đã tăng (thêm phần phụ cấp lương) và sẽ còn tăng tiếp cho đến năm 2018.

Bệnh nhân vẫn luôn băn khoăn với chi trả của bảo hiểm -Nguyễn Khánh
Bệnh nhân vẫn luôn băn khoăn với chi trả của bảo hiểm -Nguyễn Khánh


Đây là một phần của lộ trình chống vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà cơ quan bảo hiểm đã nói đến rất nhiều trong khi xây dựng bộ luật này. Cơ quan bảo hiểm nỗ lực để tăng số người tham gia tự nguyện, nhưng xem ra đường đi còn rất chông gai...

Vì sao thiếu thiện cảm?

Hoạt động đầu tư thiếu minh bạch và thủ tục chi trả của cơ quan bảo hiểm khó khăn có thể coi là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân ngần ngại tham gia. Số lượng người tham gia chưa đủ lớn lại ảnh hưởng đến hoạt động chi trả. Vòng luẩn quẩn này khiến bảo hiểm xã hội (BHXH) và người mua bảo hiểm chưa thể đến gần nhau.

Lấy con số 23% người lao động ở VN tham gia BHXH so với số lao động làm việc trong khu vực hưởng lương là 50%, ông Hoàng Kiến Thiết - nguyên phó tổng giám đốc Bảo hiểm Y tế VN, nguyên trưởng ban thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (BHXH VN) - cho rằng số tham gia BHXH như vậy là quá thấp so với nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia.

Từ năm 2007, khi bắt đầu triển khai BHXH tự nguyện, đã có 5.000-6.000 đại lý thu BHXH tự nguyện được đào tạo và cấp chứng chỉ, nhưng từ năm 2009 hoạt động này gần như bị ngưng, đến năm 2014 mới hoạt động trở lại.

“Chính vì vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp so với tổng số người lao động hiện nay. Những người lao động có công việc và thu nhập không ổn định như “ông xe ôm”, “bà bán trứng vịt lộn” từng rất mong muốn được tham gia bảo hiểm, nhưng hiện nay theo tôi được biết, BHXH tự nguyện chưa phát triển được nhiều trong nhóm lao động này, mà chủ yếu là người lao động đã tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng chưa đủ năm công tác, họ cần đóng thêm để được nghỉ hưu” - ông Thiết nói.

Trong khi đó, hiệu quả đầu tư từ nguồn tiền của BHXH là dấu hỏi lớn đối với người tham gia bảo hiểm. Tại cuộc họp báo gần đây về triển khai thực hiện Luật BHXH sửa đổi, bà Trần Thị Thúy Nga, vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB &XH) đánh giá mức độ an toàn của Quỹ BHXH rất cao. Tuy nhiên dư luận lại nghĩ khác.

Theo ông Thiết đánh giá, hàng trăm tỉ đồng Công ty Cho thuê tài chính II huy động của BHXH thuộc diện không thể thu hồi được. Lý do là ngân hàng bảo lãnh cho Công ty Cho thuê tài chính II đã xóa bảo lãnh năm 2009, hiện gần như toàn bộ ban lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính II đã vào tù. Theo báo cáo của BHXH với Quốc hội, khoản vay 1.010 tỉ đồng mãi đến giữa năm 2014 mới trả được 237,5 tỉ đồng, phần còn lại vẫn "treo" đó.

Với những khoản đầu tư cả ngàn tỉ đồng gần như mất trắng như thế này, người dân tin thế nào vào những người quản lý quỹ bảo hiểm?

Một vấn đề nữa trong chi tiêu từ quỹ là mức chi trả bất hợp lý giữa các nhóm đối tượng. Hiện đối tượng người nghèo được chi trả 95-100% phí khám chữa bệnh, trong khi người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc lại chỉ được trả 80%.

Như vậy, những người tham gia bảo hiểm bên cạnh việc chia sẻ tài chính, nhiều người khỏe đóng cho một người ốm chữa bệnh, đang phải làm cả chính sách xã hội? Theo một chuyên gia, vai trò làm chính sách an sinh xã hội là của Nhà nước, quỹ bảo hiểm phải chi trả mức ngang nhau là 80% cho tất cả các nhóm người tham gia, khoản bù cho người nghèo 20% chi phí khám chữa bệnh kia do Nhà nước lo chứ không lấy từ quỹ bảo hiểm mới là hợp lý.

Khó từ khi mua đến khi chi trả

Cách đây một tháng, chị L.Q.L., một bà mẹ trẻ quê ở Thái Nguyên, sống tại Hà Nội gần 10 năm nay, có sổ tạm trú diện KT3 tại Hà Nội, đã đi mua BHYT tự nguyện. Chị L. kể tại phường nơi chị sống, đại lý bảo hiểm yêu cầu phải về Thái Nguyên mới được nhận thẻ BHYT cấp cho trẻ dưới 6 tuổi cho con chị, từ đó chứng minh gia đình chỉ còn chị là chưa có BHYT, như vậy mới được mua.

Nhưng ở phường bên cạnh, chị L. cho biết đại lý lại yêu cầu chỉ cần cung cấp giấy khai sinh của con chị là chị sẽ được mua. “Rõ ràng BHYT tự nguyện là khuyến khích người ta mua mà lại yêu cầu thủ tục phức tạp. Tôi có nhu cầu nên chấp nhận các thủ tục này, chứ nhiều người cũng muốn mua BHYT thấy thủ tục phức tạp sẽ ngại” - chị L. than.

Một trường hợp khác ở TP.HCM: anh T. mắc bệnh nan y, xin nghỉ việc và đề nghị bảo hiểm giải quyết chế độ BHXH một lần. Khi người nhà anh T. đến BHXH quận 5, lần thứ nhất được giải thích là không được mà phải chờ đến tuổi hưu.

Người nhà đến lần thứ hai có kèm “quyền trợ giúp” mới được cán bộ ở đây trả lời là “được” theo hướng dẫn mới mà cô không biết, nhưng phải có đủ hồ sơ giấy tờ bệnh án, chỉ có giấy xuất viện thì không đủ... Khổ nỗi, bệnh viện từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án. Một cú điện thoại theo “quyền trợ giúp”, thủ tục răm rắp hanh thông. Như vậy cán bộ BHXH làm việc theo quy định, quy chế nào?

Theo ông Hoàng Kiến Thiết, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT những năm qua chủ yếu ở nhóm Nhà nước hỗ trợ hoặc cấp thẻ miễn phí, BHXH bắt buộc, chưa phát triển được trong nhóm người lao động tự do, người có mức sống trung bình lẽ ra rất cần được tấm lưới an sinh xã hội là các loại bảo hiểm bao phủ.

Theo đánh giá của BHXH, đến năm 2016 dự kiến đạt 77-78% dân số, tuy nhiên nếu tính cả mức tăng dự kiến này thì vẫn còn tới trên 20 triệu người dân chưa có BHYT, mà viện phí thì sẽ bắt đầu tăng từ ngày 1-3, nếu tính tất cả các bệnh viện là từ ngày 1-7 tới.

“Chưa bao giờ và ở đâu lại có hình thức tăng viện phí nhưng chỉ tăng ở bệnh nhân bảo hiểm, bệnh nhân thu viện phí trực tiếp chưa tăng. Như vậy cùng một dịch vụ có hai mức độ chất lượng khám và điều trị? Chưa kể, với hiện trạng cơ sở y tế tuyến dưới và quy định về chuyển tuyến hiện hành, rất nhiều người sẽ bỏ tuyến, bỏ thẻ để lên tuyến trên, khi đó họ sẽ phải đóng viện phí mức cao” - một chuyên gia nói.

Tranh cãi đã nổ ra khi mức đóng BHXH mới sẽ được tính trên thu nhập chứ không tính trên lương cơ bản như trước đây. Do cách tính mới này, khoản đóng BHXH từ người sử dụng lao động và người lao động đều tăng mạnh.

Theo giải thích của ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc BHXH VN, là để khi về hưu, người lao động sẽ được nhận mức lương thật, còn mức lương hưu hiện nay là lương ảo và còn thấp.

Trong lúc đó, khi gửi tiền cho bảo hiểm, người tham gia lại chưa được bình đẳng trong việc theo dõi lợi nhuận từ các khoản đầu tư của cơ quan bảo hiểm, chưa được đảm bảo về việc quỹ có bị ảnh hưởng hay không từ các hoạt động đầu tư này, cũng chưa được góp ý vì phần chi cho quản lý phí quá cao (chi phí quản lý BHXH - do Kiểm toán Nhà nước công bố - đã tăng gần 5 lần nếu so năm 2013 và năm 2007, với số tuyệt đối năm 2007 là 815 tỉ, năm 2013 là 3.718 tỉ đồng).

Và do đó bảo hiểm đang rất khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia mới, ngoài nhóm tham gia bắt buộc và được Nhà nước cấp miễn phí, cũng bởi vì sự ít hấp dẫn từ cách làm của bảo hiểm.■

Cần phải thay đổi

Mức chi phí được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ của chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho doanh nghiệp hiện tại vẫn bị khống chế 1 triệu đồng/tháng là mức được giảm trừ không đáng kể, cũng không giúp doanh nghiệp có thể xây dựng chính sách tưởng thưởng đủ sức giữ nhân tài.

Một người lao động được doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí trong vòng 30 năm với mức đóng 12 triệu đồng/năm, tính cả lãi suất thì sau 30 năm số tiền này cũng chưa đến 1 tỉ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp khi mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên đều nhằm mục đích giữ chân nhân sự giỏi, nhưng những người như vậy mức lương đang hưởng cũng đã được trả rất cao.

Chẳng hạn với những người đang có mức lương 30 triệu đồng/tháng, chính sách phúc lợi bằng hưu trí tự nguyện được coi là hấp dẫn mà doanh nghiệp muốn xây dựng có thể tối thiểu là mức 5 triệu đồng/tháng.

Thật sự chính sách ưu đãi thuế như hiện nay khó có thể khơi thông phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển và có thể nói không có tác dụng gì nhiều. Theo quy định hiện hành, đối với BHXH, người lao động phải đóng 8% còn doanh nghiệp đóng 18%, tổng cộng là 26% là mức lương tối thiểu.

Với cách tính này thì ở các vùng miền lương tối thiểu thấp, mức tiền đóng cho hưu trí cũng là hơn 1 triệu đồng/tháng, trong khi đó mức đóng cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng chỉ 1 triệu đồng, rõ là không có ý nghĩa gì.

Bộ Tài chính từng kiến nghị nâng mức khấu trừ thuế cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện lên mức 3 triệu đồng/tháng nhưng cũng bị bác bỏ bởi lập luận phải để đồng nhất với mức quy định của BHXH và coi bảo hiểm hưu trí tự nguyện chỉ là phần “thêm nếm”.

Trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từng kiến nghị Chính phủ nên xem xét bỏ quy định về giới hạn chi phí không được khấu trừ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động.

Trong trường hợp buộc phải đưa giới hạn cho tương thích với các loại bảo hiểm khác, thay vì quy định mức 1 triệu đồng/tháng, hiệp hội kiến nghị nên đưa ra mức giới hạn 10 triệu đồng/tháng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn 5 năm; 7,5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng từ 6-10 năm và 5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng trên 10 năm.

Bởi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động là do người sử dụng lao động lựa chọn về thời gian và số tiền bảo hiểm thích hợp nhằm cho người lao động được hưởng sau thời gian 5 năm, 10 năm. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận…

Phùng Đắc Lộc

(tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận