Bạn tốt và bút sắc

NHAM HOA 21/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Nếu được hỏi sẽ chọn cuốn sách nào để tặng một nhà báo nhân Ngày báo chí Việt Nam, câu trả lời của tôi sẽ là Charlotte’s Web.

Elwyn Brooks White
Elwyn Brooks White

Câu trả lời này, hẳn sẽ làm khá nhiều người ngạc nhiên. Charlotte’s Web? Một cuốn sách dành cho thiếu nhi?

Năm 2008, tôi đọc Charlotte’s Web lần đầu tiên, khi ngồi tại Creperie trên đường Hàn Thuyên. Khi đó, tôi đang học thạc sĩ báo chí ở Melbourne, về Sài Gòn chơi và ngồi đợi một cô gái. Tuy lúc đó chưa hề biết cô gái mình đang đợi sẽ là người phụ nữ dành cho tôi, nhưng ngay từ lúc đó, tôi đã cảm thấy đây thực sự là cuốn sách kinh điển dành cho người làm báo.

Fiction, Children's Books, Classics
Fiction, Children's Books, Classics

Bởi nó là cuốn sách của một bậc thầy trong nghề báo. Elwyn Brooks White, sinh năm 1899, mất năm 1985, là cây bút kỳ cựu của The New Yorker trong gần 60 năm, là tác giả của The Elements of Style, cuốn sách nhỏ đã bán được 10 triệu bản và sau ba lần tái bản đã gần như trở thành Kinh Thánh về cách viết tiếng Anh trên đất Mỹ.

Charlotte’s Web kể về tình bạn giữa cô nhện Charlotte và chú lợn Wilbur. Khi Wilbur có nguy cơ bị ông chủ làm thịt, Charlotte đã viết chữ lên mạng nhện của mình trong nhà kho để thu hút sự chú ý của công chúng, nhờ vậy cứu cậu thoát chết.

Trẻ con và người lớn sẽ yêu Charlotte’s Web theo cách của riêng mình, nhưng những người làm báo chắc chắn sẽ yêu cuốn sách vì thấy nghề nghiệp của mình trong đó. Bởi tấm mạng nhện của Charlotte, dưới ngòi bút của White, đã thành ẩn dụ về báo chí và về sức mạnh khôn lường của nó: cứu mạng Wilbur và biến cậu từ một con lợn cọc thành ngôi sao ở chốn đồng quê. Charlotte chính là hình ảnh điển hình của một biên tập viên: sắc sảo, hài hước, tàn nhẫn, và có biệt tài ngôn ngữ.

Khi mọi xôn xao về dòng chữ đầu tiên (SOME PIG) trên mạng nhện đã lắng xuống, Charlotte triệu tập các con vật trong nông trại để tìm chữ mới. Trước gợi ý của ngỗng (Terrific, terrific, terrific), Charlotte gọt giũa đề xuất này thành một phương án ngắn hơn, có sức nặng hơn: TERRIFIC. Đấy chẳng phải là một ví dụ kinh điển về đời biên tập đó ư?

Và chẳng phải ngẫu nhiên mà vai Charlotte lại là nữ. Người bạn đời gần nửa thế kỷ của White, Katherine Sergeant, hơn ông bảy tuổi và là người tuyển mộ ông vào The New Yorker, chính là biên tập viên hàng đầu của tờ tạp chí từ khi thành lập và nhân vật chủ chốt gây dựng nên uy tín của nó ngày nay. Trong những tên tuổi từng đi qua bàn tay biên tập của bà, có thể kể đến V. Nabokov hay John Updike. Ở Charlotte, ta thấy bóng dáng người vợ, người chị và người đồng nghiệp của White - bài thơ đầu tiên ông viết tặng vợ sau ngày cưới là bài thơ về con nhện.

Nếu nhìn lại cuộc lên ngôi của Internet, chữ Web của White quả thực là một lời tiên tri chính xác từ nửa thế kỷ trước về tương lai của báo chí ngày nay.

Fiction, Children's Books, Classics
Fiction, Children's Books, Classics

Không dừng lại ở đó, câu chuyện chọn chữ của Charlotte còn là câu chuyện về nỗ lực của báo chí nhằm duy trì quan tâm của dư luận. Hơn ai hết, cô nhện này hiểu sâu sắc công chúng khi nhận xét “người ta tin hầu hết mọi thứ họ thấy trên báo”, nhưng cũng rất tỉnh táo khi biết vòng đời của tin tức rất ngắn ngủi, và nếu không tiếp tục thu hút được sự chú ý thì Wilbur khó lòng được an toàn. Thế nên khi mới quyết định dệt chữ thứ hai: “Terrific”, Charlotte đã sớm giao nhiệm vụ cho con chuột Templeton tiếp tục đi tìm nguồn tin cho những “số báo” sau.

Chữ thứ ba được Charlotte sử dụng chính là do Templeton mang về - một mẩu quảng cáo nhặt từ bãi rác viết rằng “With new radiant action”, trong đó “radiant” nghĩa là sáng chói, rạng ngời - một dụ ngôn của White, nhắn nhủ với ta rằng trong rác vẫn có thể có vàng, và không từ nào là bỏ đi cả, nếu ta biết cách dùng.

Một nguyên tắc làm báo bất di bất dịch của Charlotte là danh phải xứng với thực. Nói cách khác, Charlotte không nói láo. Những chữ cô dệt để ca ngợi Wilbur, căn bản đều phản ánh chính xác phẩm chất của cậu. Khi Wilbur còn là một con lợn còi, Charlotte dùng chữ cũng rất tiết chế. Phải tới khi cậu đã trổ mã, đã khỏe đẹp hơn, cô mới mạnh dạn dùng những chữ oách hơn.

Nhưng chữ cuối cùng, then chốt, tạo đột phá, xác lập vị thế vĩnh viễn cho Wilbur trong nhà Zuckerman lại không phải là một chữ tán tụng ngoại hình, mà là một chữ hết sức khiêm nhường để ca ngợi tính cách của chú. Tuyệt chiêu chuyển bại thành thắng này hẳn sẽ là bài học đáng nhớ với mọi người làm báo. Và quả thực, cái cách Charlotte nói chuyện, cách cô điềm đạm giải nghĩa từng từ khó, bình thản nhận xét về cuộc sống, hay châm biếm bình phẩm một điều gì, tất thảy đều toát lên vẻ minh triết và lịch duyệt của một nhà báo lão thành.

Điều đặc biệt nhất ở Charlotte’s Web có lẽ là tính hiện thực đến tàn nhẫn của nó, một đặc điểm rất điển hình trong báo chí nhưng lại rất không điển hình với một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Hiếm có câu chuyện dành cho trẻ em nào lại bắt đầu bằng một câu văn gây sốc như thế: “Bố cầm rìu đi đâu thế nhỉ?”.

Bắt đầu bằng nỗi ám ảnh của cái chết và kết thúc bằng một cái chết, câu chuyện đã khiến biết bao thế hệ độc giả phải thẫn thờ. Ấy thế nhưng Charlotte’s Web vẫn đứng đầu trong danh sách những cuốn sách yêu thích của trẻ em. Đó là bởi White, bằng ngòi bút điềm tĩnh của mình, đã biến cái chết thành một phần tự nhiên và tất yếu của cuộc sống. Câu chuyện của Wilbur và của Charlotte chính là hành trình đón nhận sự thật ấy một cách hết sức bình yên.

Fiction, Children's Books, Classics
Fiction, Children's Books, Classics

Điều thú vị là đến tận bây giờ vẫn có không ít độc giả viết thư cho White để “phàn nàn” về cái kết, và đa số là người lớn. Hóa ra, càng hiểu sự chết bao nhiêu, Wilbur cùng những độc giả nhỏ tuổi của White càng thêm yêu cuộc sống bấy nhiêu. Chỉ có người lớn là gặp khó khăn về điều đó.

Tái hiện cuộc sống như nó vốn thế là một nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì, và White đã rất kỳ công để làm điều ấy. Lấy nhện, một sinh vật thường bị sợ hãi hơn là yêu thích, làm nhân vật chính là khởi điểm. Ông mất một năm tìm hiểu về loài nhện, tham khảo giới chuyên gia và tự mình vẽ đồ họa về chúng. Ông tiếp cận chúng bằng con mắt của một nhà khoa học chứ không phải nhà văn, và từ chối đề xuất “mỹ hóa” con nhện từ nghệ sĩ minh họa (Garth Williams), cũng như yêu cầu thay đổi cái kết từ nhà xuất bản.

Câu chữ của Charlotte’s Web kết tinh cái đẹp của văn chương lẫn sự chính xác trong khoa học. Vì là câu chuyện dành cho thiếu nhi, ngôn ngữ của tác phẩm không thể quá phức tạp. Nhưng chính trong cái dung dị ấy, văn phong xuất chúng của White lại được bộc lộ đến tột cùng. Đơn giản mà thấm thía, súc tích mà biểu cảm, nghiêm cẩn song vẫn đầy nhạc tính, đó chỉ có thể là tác phẩm của một ngòi bút bậc thầy.

E. B. White đã kết thúc câu chuyện của ông bằng một câu này: Bạn tốt và bút sắc, hai cái đó phải có duyên mới gặp được. Charlotte là cả hai. Nhìn từ góc độ của độc giả, hai phẩm chất này, há chẳng phải là tinh túy của nghề báo hay sao? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận