Ban giám sát Facebook: Tòa án hay đao phủ?

HOA KIM 18/05/2021 04:10 GMT+7

TTCT - Vừa thành lập ít lâu đã thụ lý “trọng án” liên quan số phận tài khoản Facebook của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, liệu ban giám sát mà mạng xã hội này tự phong là “Tối cao pháp viện của Facebook” có thể chứng minh họ là tiếng nói độc lập như kỳ vọng?

 
 Ảnh: Getty Images

Ngày 5-5, Ban giám sát (Oversight Board) của Facebook ra phán quyết tuyên bố mạng xã hội này đã đúng khi khóa tài khoản của ông Trump sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hồi tháng 1, xét thấy ông đã “tạo ra môi trường có khả năng xảy ra nguy cơ bạo lực nghiêm trọng” qua các nội dung được đưa lên nền tảng này.

Trọng tài ngôn luận

Tuy nhiên, cơ quan này nhận định một lệnh đình chỉ vô thời hạn là “không phù hợp” với chính sách của Facebook và lãnh đạo công ty có 6 tháng để đưa ra quyết định cuối cùng: hoặc áp dụng khóa tài khoản có thời hạn, không thì cấm ông “một lần và mãi mãi” chứ không thể lấp lửng.

Quyết định này kéo dài thêm thời gian ông Trump phải chờ đợi cho hi vọng tái lập sự hiện diện trên mạng xã hội, một công cụ quan trọng mà ông đã tận dụng tốt hơn bất cứ người tiền nhiệm nào lúc còn ở Nhà Trắng để lôi kéo hàng chục triệu người theo dõi mình, khai thác sự bất bình của họ và công kích các đối thủ chính trị cũng như báo giới lề trái. Ngoài Facebook, Twitter và YouTube cũng đã cấm ông Trump từ sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol vì cho rằng nguy cơ bạo lực mà ông tạo ra là quá lớn.

Trong một phát ngôn đăng tải trên trang web cá nhân sau phán quyết của Ban giám sát, ông Trump không trực tiếp nhắc đến phán quyết này nhưng chĩa mũi dùi vào các nền tảng mạng xã hội mà ông gọi là “suy đồi”.

“Những gì Facebook, Twitter và Google đã làm là một sự hổ thẹn và xấu hổ đối với đất nước của chúng ta. Một tổng thống Mỹ đã bị tước mất tự do ngôn luận bởi những kẻ điên theo chủ nghĩa cánh tả cấp tiến sợ sự thật” - ông chỉ trích mạnh mẽ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn gọi quyết định của Ban giám sát Facebook là “cực kỳ đáng thất vọng” và “rõ ràng là Mark Zuckerberg tự coi mình là trọng tài của quyền tự do ngôn luận”. Ở phía ngược lại, phe Dân chủ cũng không hẳn đang khui sâm banh ăn mừng. 

“Donald Trump đã đóng vai trò lớn trong việc giúp Facebook lan truyền thông tin sai lệch, nhưng cho dù ông ta có trên nền tảng này hay không, Facebook và các mạng xã hội khác có cùng mô hình kinh doanh vẫn sẽ tìm cách làm nổi bật nội dung gây chia rẽ để tăng doanh thu quảng cáo” - chủ tịch Ủy ban năng lượng và thương mại của Hạ viện Frank Pallone, một đảng viên Đảng Dân chủ, viết trên Twitter. 

“Tối cao Pháp viện” của Facebook

Phán quyết lần này của Ban giám sát Facebook cho thấy rõ sức mạnh của các công ty công nghệ trong việc quyết định ai có tiếng nói, và được nói những gì, trên mạng. Trong khi Zuckerberg luôn khẳng định chưa từng muốn công ty của mình trở thành “trọng tài của sự thật”, Facebook đã ngày càng trở nên tích cực hơn trong việc kiểm duyệt các loại nội dung mà nền tảng này cho là không phù hợp.

Trước đỉnh điểm là việc khóa tài khoản ông Trump vào tháng 1, mạng xã hội này đã thanh trừng các nhóm lan truyền thuyết âm mưu QAnon, nội dung sai lệch về bầu cử Mỹ và thông tin sai sự thật về vaccine trong nhiều tháng trước đó.

“Vụ việc lần này có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của ngôn luận trực tuyến, vì công chúng và các nền tảng khác đang theo dõi cách Ban giám sát (Facebook) xử lý một chủ đề gai góc gây tranh cãi mà sẽ còn nảy sinh trở lại trên khắp thế giới” - Nate Persily, giáo sư trường luật Đại học Stanford, nói với New York Times.

Trường hợp của ông Trump là ca nổi bật nhất mà Ban giám sát Facebook thụ lý từ khi đi vào hoạt động đến nay. Ban giám sát Facebook gồm 20 thành viên đa chủng tộc, thuộc nhiều thành phần như chính trị gia, nhà đấu tranh nhân quyền, luật gia, nhà báo... do Facebook tuyển lựa để đóng vai trò như một bên thứ ba “độc lập” có nhiệm vụ xem xét lại các quyết định về kiểm duyệt nội dung của công ty này.

Ban này có quyền phủ quyết hoặc giữ nguyên quyết định của đội ngũ kiểm duyệt và Facebook tự nguyện chấp hành phán quyết, trừ khi việc đó vi phạm pháp luật. Sở dĩ “độc lập” được đặt trong dấu ngoặc kép là bởi kinh phí duy trì cơ quan này đến từ một quỹ ủy thác 130 triệu USD do chính Facebook tài trợ, và dàn lãnh đạo công ty có ảnh hưởng lớn trong việc lựa chọn thành viên tham gia Ban giám sát.

Ý tưởng về việc thành lập ban này nhen nhóm trong đầu CEO Facebook Mark Zuckerberg từ năm 2018 sau gợi ý của một giáo sư luật Harvard về bộ máy hoạt động “như nhánh tư pháp” của một quốc gia. Cốt lõi là cung cấp cho công chúng một kênh để kháng nghị các quyết định của Facebook về việc gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Zuckerberg tin rằng tiếng nói cuối cùng trong chuyện giữ hay xóa một nội dung không nên thuộc về một Facebook. Khi một yêu cầu kháng nghị của người dùng được gửi đến Ban giám sát, ban này trước hết xem xét yêu cầu nào hợp lệ và lựa ra các ca khó, tiêu biểu và mang tính phổ quát để xem xét sâu hơn. Mỗi ca như vậy được quyết định bởi một tiểu ban gồm 5 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên đến từ quốc gia có liên quan. Tiểu ban này đề xuất quyết định của mình lên toàn bộ 20 thành viên để bỏ phiếu thông qua. Sau khi phán quyết được đưa ra, Facebook sẽ có 7 ngày để thi hành.

 
 Ảnh: Shutterstock

Tòa án hay đao phủ?

Có thể thấy, Zuckerberg dường như muốn lợi cả đôi đường khi lập ra Ban giám sát: vừa xoa dịu công chúng và các nhà lập pháp, vừa có nơi để đá trái bóng trách nhiệm trong các quyết định nội dung có thể gây tranh cãi. Facebook giờ đây có thể tự tin hơn trong chuyện gỡ bỏ nội dung chính trị nhạy cảm, chẳng hạn như các thuyết âm mưu của phe cánh hữu. Có gì kiện cáo, cứ đẩy cho Ban giám sát giải quyết. Dù ban này phủ quyết hay đồng thuận, Facebook vẫn ngoan ngoãn chấp hành “vì điều lệ nó thế” và khỏi phải lăn tăn thiên vị bên nào.

Nhưng chẳng lẽ 20 con người kia lại chấp nhận Facebook quẳng cục xương xẩu nào thì cũng phải chịu? Với phán quyết gần đây nhất, ban này cho thấy mình không phải là đao phủ để làm giùm Facebook những “việc dơ bẩn”, trang WIRED nhận xét.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới sau phán quyết, giáo sư luật Đại học Stanford Michael McConnell, 1 trong 4 đồng chủ tịch Ban giám sát, nêu rõ lập trường cơ quan này không có hứng thú với chuyện ra tay nghĩa hiệp cứu vãn Facebook khỏi những tình huống khó xử. “Chúng tôi không phải cảnh sát. Mục đích duy nhất của chúng tôi là giữ cho Facebook có trách nhiệm giải trình” - McConnell nhấn mạnh.

Cựu thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, đồng giữ ghế chủ tịch Ban giám sát, cho rằng đây là một quyết định “về Facebook nhiều hơn là về Trump”. “Facebook đã phủi trách nhiệm của mình. Họ cần phải chơi đúng luật mà họ đã đề ra” - vị nữ chính trị gia nói cứng rắn.

“Công việc của chúng tôi là xem xét liệu quyết định của Facebook có tuân theo các tiêu chuẩn riêng của họ và các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu mà Facebook đã tự nguyện tuân theo hay không. Việc của chúng tôi không phải là làm giùm công việc của Facebook” - đồng chủ tịch và chuyên gia nhân quyền Catalina Botero-Marino nói với WIRED.

 Việc của chúng tôi không phải là làm giùm công việc của Facebook.

- Catalina Botero - Marino (đồng chủ tịch Ban giám sát của Facebook, nói với WIRED)

Cõi mạng vắng Trump

Vậy là phải chờ 6 tháng nữa mới biết Donald Trump có trở lại với thế giới mạng xã hội được không. Giờ thì hãy nhìn lại khi vắng mợ thì chợ mấy tháng qua có còn đông.

Bên cạnh vô số các tiên đoán “thọt” của ông Trump trước và trong khi đương chức - rằng Mexico sẽ trả tiền cho Mỹ xây bức tường biên giới, virus corona sẽ tự biến mất, và ông sẽ dễ dàng tái đắc cử... - ít nhất thì dự báo về tương lai buồn của truyền thông nếu ông rời vũ đài chính trị đã phần nào ứng nghiệm.

“Báo chí, truyền hình và mọi thể loại truyền thông sẽ thất bại hoàn toàn nếu mất tôi, vì không có tôi thì tỉ lệ (người xem truyền hình) có mà cắm đầu xuống đất” - ông Trump từng tuyên bố năm 2017.

Quả thật, chưa đầy nửa năm trong thời kỳ hậu - Trump nhưng các cơ quan báo đài, nhất là nhóm thiên tả, đã mất phần lớn lượng độc giả và người xem gây dựng được trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống sóng gió của ông.

New York Times chỉ ghi nhận 167.000 lượt độc giả đăng ký mới trên phiên bản điện tử của tờ báo này trong quý 1-2021, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 2-2019. Tổng doanh thu từ quảng cáo cũng sụt giảm 8,5% so với quý 4-2020, trong bối cảnh doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử dù tăng 16,3% vẫn không đủ bù mức sụt giảm 31,6% của doanh thu quảng cáo trên báo giấy.

Báo Washington Post ghi nhận lượt unique visitor (khách truy cập đến từ địa chỉ mạng độc nhất) giảm 26% trong tháng 2-2021 so với tháng 1 - thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức, theo số liệu của ComScore.

Ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là Đài CNN, một đơn vị truyền thông đối đầu trực diện với ông Trump và từng bị ông nhiều lần nêu đích danh khi nhắc đến “bọn tin giả”. Sau khi vượt mặt Fox News và MSNBC về tỉ lệ người xem trong tháng 1, đài này đã mất 45% khán giả khung giờ vàng trong tháng 2 và tháng 3, theo Nielsen.

Cùng thời gian này, lượng khán giả của MSNBC cũng giảm 26%. Chỉ có Fox News - đài thân ông Trump và Đảng Cộng hòa - là dửng dưng trước thời cuộc khi chỉ mất 6% người xem, trở lại vị trí dẫn đầu trong 3 nhà đài.

Một thực tế phải thừa nhận là ông Biden là một tổng thống không ồn ào như người tiền nhiệm, và nhiệm kỳ của ông chứng kiến đất nước đang dần trở lại guồng sau đại dịch COVID-19 nhờ chương trình vaccine được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

“Mức độ kịch tính và căng thẳng trên khắp đất nước đã giảm đáng kể” - Howard Polskin, người chuyên quan sát truyền thông cánh hữu, nói với Washington Post. Polskin cho rằng lượng tiêu thụ tin tức sau khi ông Trump ra đi mà không giảm tương xứng thì mới là chuyện sốc.■

Ban giám sát Facebook khá đa dạng về sắc tộc: 20 thành viên thì có đến 18 quốc tịch khác nhau trải khắp các châu lục. “Để đảm bảo tầm nhìn toàn cầu, Ban giám sát bao gồm các thành viên từ nhiều nền tảng văn hóa và nghề nghiệp khác nhau, phản ánh sự đa dạng của chính cộng đồng Facebook” - phần giới thiệu trên website của cơ quan này viết. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận