Bạn đang tiếp tay cho tin giả ra sao?

TRÚC ANH 17/12/2019 17:12 GMT+7

TTCT - Điều gì khiến người ta tiếp tay cho tin tức giả (fake news) bằng cách chia sẻ chúng trên mạng xã hội?

Việc một người có chia sẻ tin giả không phụ thuộc vào họ thấy thông tin đó bao nhiêu lần. Ảnh: Getty Images
Việc một người có chia sẻ tin giả không phụ thuộc vào họ thấy thông tin đó bao nhiêu lần. Ảnh: Getty Images

 Một nghiên cứu vừa chỉ ra rằng nếu ta “chạm mặt” một bản tin giả càng nhiều thì lại càng thấy nó “bớt giả”, và nhủ với lòng rằng việc chia sẻ nội dung đó cũng không có gì sai trái.

Khi lần đầu tiên trông thấy một bản tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đọc qua dòng tít nếu có cảm giác đó là thông tin sai lệch, ta đơn giản là phớt lờ nó đi. Nhưng khi nhìn lại thấy cũng bài viết đó một và nhiều lần sau đó nữa, liệu ta có tâm lý “được chia sẻ nhiều thế này chắc thông tin đúng rồi, vậy mình cũng chia sẻ tiếp” hay không?

Hai nhà nghiên cứu Daniel A. Effron (phó giáo sư Trường Kinh doanh London) và Medha Raj (nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Southern California) đã tiến hành nghiên cứu trên hơn 2.500 người để tìm lời đáp cho câu hỏi này.

Kết quả, mới đăng trên tập san Psychological Science, cho thấy nếu “gặp lại” một mẩu tin tức giả trên mạng xã hội từ 1 đến 4 lần sau khi đã thấy nó trước đó, một người sẽ có xu hướng giảm mức độ không tán thành với thông tin này và cảm thấy bớt lăn tăn về mặt đạo đức khi chia sẻ chúng hơn, bất kể họ có tin vào các mẩu tin giả đó hay không.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm bằng cách cho những người tham gia khảo sát online xem qua hàng loạt tin tức giả dưới dạng tít báo và yêu cầu họ đánh giá việc bấm like (thích) và share (chia sẻ) chúng “phù hợp về mặt đạo đức và chấp nhận được” đến mức nào, và liệu họ có bấm chặn (block) hay ngưng theo dõi (unfollow) người đăng tải thông tin đó không.

Mấu chốt của thí nghiệm là trong số các tít báo được đưa vào bài kiểm tra có cả các mẩu tin mà những người tham gia đã được xem qua trước đó lẫn các bản tin mới để gây nhiễu.

Đúng như nhóm nghiên cứu dự đoán, những người tham gia đã đánh giá việc chia sẻ các mẩu tin mà họ được xem trước đó “dễ chấp nhận và hợp đạo lý” hơn những tin mà họ mới thấy lần đầu. Những người tham gia cũng cho biết họ có khả năng bấm like và share, và sẽ không chặn hay ngưng theo dõi người đăng thông tin đối với các tin tức đã thấy trước đó nhiều hơn là thông tin mới thấy lần đầu.

Điều quan trọng là tuy cho rằng chia sẻ bản tin giả sau khi nhìn thấy chúng lần nữa cũng không có gì sai về đạo đức, những người tham gia không đánh giá các tin tức “quen mặt” là chính xác hơn so với các bản tin mới.

Tóm lại, thí nghiệm của Effron và Raj cho thấy việc một người có chia sẻ, tức góp phần lan truyền, tin tức giả trên mạng hay không là hành vi độc lập với việc họ có tin thông tin đó là thật hay không. “Share hay không share, đó là vấn đề”, và yếu tố gây ảnh hưởng quan trọng lên quyết định cuối cùng là số lần tiếp cận với thông tin đó.

Chuyện này quả đáng tai hại, vì tin giả thường lan xa trên mạng. Khi một sự vụ xảy ra, việc ta thấy một bản tin giả hiện lên Facebook đôi ba lần không có gì là lạ. Và điều này dẫn đến cái vòng luẩn quẩn giúp “nuôi sống” tin tức giả: một thông tin giả càng được thấy nhiều lần thì càng có nhiều khả năng được chia sẻ, và thông tin càng được chia sẻ nhiều thì lại khiến người ta “dễ dãi” hơn với chúng, lại tiếp tục bấm share.

Các mạng xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giúp người dùng biết được thông tin xuất hiện trên nền tảng của họ là đúng hay sai, bằng cách hiển thị các cảnh báo và “dán nhãn” tin tức giả. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên đã chỉ ra rằng một người vẫn có thể chia sẻ một mẩu tin mà họ biết chắc nó là giả mà không cảm thấy có lỗi gì về mặt đạo đức chỉ vì “thấy nó hoài” trên mạng.

Vì thế, Raj cho rằng công trình của họ có nhiều ngụ ý để các nhà hoạch định chính sách và công ty điều hành mạng xã hội tham khảo trong nỗ lực ngăn tin tức giả và thông tin sai lệch lan truyền trên mạng. 

“Chúng tôi cho rằng các nỗ lực chống lại tin tức sai lệch cũng cần xét đến cách người dùng đánh giá tính đúng - sai của việc chia sẻ thông tin, chứ không chỉ việc họ có tin nội dung đó hay không” - Effron nhấn mạnh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận