Bản chất của những loạt penalty

ĐƠN CA 14/07/2017 05:07 GMT+7

TTCT- Khi Ricardo Quaresma và Joao Moutinho cùng hướng tới góc trái cầu môn, Claudio Bravo - thủ thành của Chile - đã giữ nguyên quyết định đổ người trong cả hai lượt sút của đội tuyển Bồ Đào Nha và cản phá thành công.

Những pha sút phạt đền khiến bóng đá trở nên hấp dẫn, nhưng cũng đầy bất công và may rủi -ladbrokes.com
Những pha sút phạt đền khiến bóng đá trở nên hấp dẫn, nhưng cũng đầy bất công và may rủi -ladbrokes.com

 

Đội trưởng Cristiano Ronaldo tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng Moutinho không biết rút kinh nghiệm sau lượt sút hỏng của đồng đội, khiến Bồ Đào Nha bị loại khỏi Confederations Cup trong trận đấu cách đây hơn một tuần. Nhưng có đúng là những loạt sút phạt đền chỉ là định mệnh nghiệt ngã?

Những chỉ dẫn hàn lâm

Người hâm mộ thường miêu tả loạt đấu súng bằng hai chữ may rủi. Nhưng khi bóng đá đã tiến lên thành môn khoa học được hỗ trợ bởi công nghệ, người ta tin rằng có thể gạt bỏ hoàn toàn các yếu tố ngoại cảnh (như tâm lý và sức ép đám đông) để tìm ra công thức “bách chiến bách thắng” trong những lượt sút 11m.

Ignacio Palacios-Huerta - trưởng phòng tuyển dụng của Athletic Bilbao, chuyên gia kinh tế Học viện chính trị London - đã thu thập dữ liệu của 9.017 cú đá phạt đền từ tháng 9-1995 tới tháng 6-2012.

Vị tiến sĩ này rút ra hai kết luận: Một, nếu hướng đi của trái bóng ngược hẳn với đường bay của thủ môn thì xác suất ăn bàn cao hơn rất nhiều so với biến cố cả người sút và người bắt đều nhắm tới một quỹ đạo cho trước của trái bóng.

Hai, thuận chân nào nên dứt điểm về hướng cùng chiều. Các thống kê chỉ ra 62% các pha dứt điểm của Lionel Messi đưa bóng vào góc trái cầu môn. Trong khi đó, 63% tình huống thực hiện penalty của Ronaldo là sang bên phải.

Đây đơn giản là vấn đề khoa học thần kinh, khi não bộ có xu hướng tiếp nhận và xử lý thông tin ở nửa bán cầu não đồng chân thuận.

Tỉ lệ ăn bàn khi thủ môn đoán sai hướng là 99,57%, nhưng trong những tình huống thủ môn “bắt bài” được người sút, họ có 40% khả năng cản phá thành công.

Sút vào giữa không phải lựa chọn được ưu tiên (6,5% cú sút được khảo sát đưa bóng vào tâm cầu môn) và tuyệt nhiên chưa bao giờ là tư duy phổ quát của các thủ môn (chỉ 3,5% số thủ môn trong cuộc thăm dò của Huerta đứng im, không đổ người).

Nói như Huerta, cách tốt nhất để đảm bảo “có bàn” từ chấm 11m là tuân thủ quy trình sau đây: sút vào góc thuận chân và đưa bóng càng gần góc chữ A càng tốt, bởi khi đấy đường bay đã nằm ngoài tầm với của thủ môn.

Sấp hay ngửa?

Sút phạt đền cũng giống như tung đồng xu. Nhưng trò chơi ấy chỉ được quy về lý thuyết và công thức nếu tính liên tục và đồng bộ trong môn xác suất được đảm bảo. Viện nghiên cứu sòng bạc chuyên nghiệp ở Nevada, Hoa Kỳ đã chứng minh nếu tung đồng xu 100 lần, tỉ lệ xuất hiện mặt sấp luôn là 55.

Tuy nhiên trong trò tung xu, trọng lực của Trái đất là người phán xử. Còn với bóng đá, kỹ năng và độ nhạy cảm của người chơi lại đóng vai trò lớn lao tác động lên đường bóng.

Thực tế chẳng cuộc chơi nào kéo dài đến 100 loạt sút. Cơ sở khoa học duy nhất của thống kê là sự liên tục mang tính chu kỳ. Đấy là điều bóng đá không thể đáp ứng, bởi loạt sút luân lưu là hữu hạn và giỏi lắm cũng chỉ kéo dài tới 20-25 lượt đá.

Những rào cản tâm lý đã được dự báo trước nhưng ngay cả khi đưa yếu tố khoa học vào, ở một góc độ khác, phải thừa nhận sút penalty không mấy... khoa học dù chúng ta có cố gắng định hình nó dưới dạng xác suất thống kê và định lượng.

Trong cuốn sách “Tối thiểu hóa rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận”, các tác giả đã sớm đưa ra một kết luận: Tổng thời gian bóng bay từ chân cầu thủ tới khung thành là 0,3 giây, trong khi não bộ thủ môn cần hơn 1 giây để đưa ra phản xạ tức thì.

Điều này có nghĩa thủ môn không tài nào đoán trước ý đồ dứt điểm của người sút bóng. Họ phải sớm quyết định từ khi cầu thủ chạy lấy đà, bay người theo linh cảm.

Trái hay phải?

Eric Cantona - huyền thoại bóng đá của Manchester United - là người hiểu cảm giác mông lung trên chấm 11m. Trong phòng họp báo sau trận chung kết Cúp FA 1994 (Manchester United thắng Chelsea 4-0, Cantona lập cú đúp từ chấm phạt đền), phóng viên hỏi Cantona: “Anh nghĩ gì trước cú sút phạt đền thứ hai?”.

“À, ban đầu tôi nghĩ mình nên thay đổi hướng sút sau pha dứt điểm đầu tiên - Cantona trả lời - Nhưng tôi nghĩ nhỡ thủ môn đổi hướng bay thì sẽ thế nào. Vậy là tôi lại quyết định giữ nguyên góc sút ban đầu. Rồi tôi chợt nhận ra rất có thể thủ môn cũng nghĩ như vậy để bắt bài”.

Anh dừng lại vì biết đã rơi vào ma trận vòng lặp không điểm kết. Trước khi kết thúc phần hỏi đáp, Cantona thú nhận: “Bạn biết đấy, sự thật duy nhất chúng ta kiểm chứng được là tôi đã đá quả bóng đi. Vậy thôi”. Trái hay phải?

Rốt cuộc đấy sẽ mãi là sự lựa chọn nghiệt ngã nhất trong cuộc đời cầu thủ. Bởi dù mang những đặc tính đậm chất khoa học, bản thân bóng đá chưa bao giờ là mẫu nghiên cứu phù hợp cho những nhà phân tích số liệu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận