Bài toán giữa tinh giản và tự chủ tài chính 

MAI HƯƠNG - HỮU KHÁ 15/07/2017 19:07 GMT+7

TTCT- Với một bộ máy cồng kềnh như hiện nay, muốn cải cách tiền lương, cần tinh giản biên chế (TGBC). Tuy nhiên, cách TGBC theo kiểu “cào bằng” hiện nay đã dẫn đến nghịch lý: người muốn nghỉ thì không được nghỉ, người cần cho nghỉ thì không thể cho nghỉ việc.

tt

Ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trung ương năm nào cũng giao đầu việc cho TP.HCM cao hơn năm trước. Nhưng chủ trương TGBC lại yêu cầu số người làm việc trong bộ máy phải giảm xuống.

Đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản đề xuất Bộ Nội vụ xác định đúng số biên chế công chức mà TP đang cần (và đang sử dụng) là 11.930 biên chế. Tuy nhiên Bộ Nội vụ chỉ đồng ý giao ở mức 8.186 người, bằng năm 2016 (giảm hơn 3.700 người so với thực tế sử dụng).

Năn nỉ được tinh giản, nhưng...

Theo UBND TP.HCM, đã có 100% cơ quan hành chính, quận huyện và đơn vị sự nghiệp xây dựng đề án TGBC gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND TP phê duyệt (thực hiện nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách TGBC).

Tuy nhiên, phó giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Văn Làm cho biết sở này đang lo bị cấp trên phê bình vì tỉ lệ TGBC không đạt yêu cầu, dù lãnh đạo TP đã thường xuyên nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ.

“Nhiều anh em làm đơn xin được TGBC, rồi còn hẹn gặp ngoài giờ để năn nỉ nhưng thật tình muốn giải quyết TGBC theo nghị định 108 không phải dễ” - ông Làm nói.

Theo ông, nhiều người muốn được TGBC nhưng khi đưa ra thẩm định xét chọn thì bị loại bớt, đến lúc nộp danh sách ra Bộ Nội vụ, bộ yêu cầu giải trình kỹ từng trường hợp rồi tiếp tục loại khỏi danh sách.

Điều kiện nào để được TGBC? Theo bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, trưởng Phòng nội vụ Q.1, với công chức ở cơ quan hành chính, đó là: nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp lại bộ máy.

Thực tế sử dụng lại... không có dôi dư nên cấp cơ sở căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức: người nào hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc một năm không hoàn thành nhiệm vụ, một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực mới TGBC.

Nhóm đối tượng này lại không nhiều. Những người có bằng cấp không phù hợp với vị trí, tính chất công việc cũng không thể TGBC mà theo quy định phải điều chuyển sang vị trí khác, nhưng lại không dễ tìm được việc khác mà điều chuyển.

Tại Q.4 (TP.HCM), một danh sách TGBC 10 trường hợp khi đưa lên cấp trên chỉ duyệt được 5-6 người, bà Nguyễn Thùy Trinh, trưởng Phòng nội vụ Q.4, cho biết.

Còn tại Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), từ năm 2015 đến nay quận chỉ TGBC 9 trường hợp đều thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi, bà Nguyễn Thị Anh Thi, chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết.

Trong thực tế thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thấy khó thực hiện nổi chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế theo quy định. Nguyên nhân là rất ít người thuộc đối tượng TGBC. “Việc ấn định tỉ lệ TGBC tối thiểu 10% cho các cơ quan, đơn vị, địa phương là không phù hợp, gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Vì cơ quan, địa phương đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện còn trẻ nên không có đối tượng thuộc diện TGBC” - bà Thi nói.

Phó chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, ông Huỳnh Cự, cũng cho rằng quy định TGBC cứng nhắc khiến quận “tìm không ra người để TGBC”.

Ông Cự nói: “Với cán bộ trẻ thì khó mà TGBC được vì họ có trình độ, làm việc tốt. Với người lớn tuổi, quận có thể vận động họ nghỉ sớm, nhưng khi họ chấp nhận nghỉ thì lại vướng. Bởi theo quy định, người có sức khỏe yếu để được TGBC buộc phải có thời gian nằm viện (có thanh toán viện phí theo bảo hiểm) ít nhất 60 ngày/năm trong hai năm liên tiếp.

Có rất nhiều cán bộ sức khỏe yếu, năng lực hạn chế, muốn nghỉ nhưng không lẽ bắt họ đi nằm viện cho đủ thời gian, ai mà chịu”.

Và theo ông Lê Anh, chủ tịch UBND Q.Hải Châu: “Nếu muốn nghỉ thuộc diện không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì không cán bộ nào lớn tuổi muốn nghỉ cả. Họ có tự ái chứ, chả ai muốn mang “danh hiệu” cuối đời rồi không hoàn thành nhiệm vụ để nghỉ hưu non”.

Cào bằng là rất không ổn

Nhận định rằng Chính phủ đã "thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện TGBC", nhưng ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho rằng các điều kiện để giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc ngay theo chính sách TGBC rất khó.

“Nhiều đối tượng suy giảm sức khỏe, mất sức lao động, thậm chí bị ung thư... vẫn không đủ điều kiện để xin nghỉ theo chính sách này.

Với những người làm việc trong biên chế tại các hội, việc giải quyết nghỉ TGBC chỉ được xem xét khi có quyết định sắp xếp lại tổ chức hội, trong khi hiện nay, theo chỉ đạo của trung ương, phần lớn các hội tại địa phương đều ổn định về tổ chức nên không có cơ sở để xem xét giải quyết” - ông Đồng cho biết.

Việc TGBC hiện chỉ dựa trên số người xin nghỉ TGBC và số người nghỉ hưu, thôi việc theo quy định. Nhưng khối hành chính, vốn ổn định về bộ máy, tổ chức, không thể áp dụng các phương thức TGBC khác như tại đơn vị sự nghiệp.

Theo ông Đồng, việc cắt giảm tỉ lệ 1,5% hằng năm hoặc 50% chỉ tiêu nghỉ TGBC, hưu trước tuổi là "phương pháp cào bằng" trong khi số lượng biên chế giao, quá trình giao biên chế... thời gian qua ở từng cơ quan, đơn vị là không giống nhau.

Ông Đồng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có một dạng chính sách mở hơn nhằm khuyến khích những người không đảm bảo sức khỏe, không còn năng lực, nhiệt tình công tác hoặc đang làm việc tại các hội được nghỉ TGBC.

Cùng quan điểm này, ông Trương Văn Lắm, giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cũng đề nghị xem xét nới rộng điều kiện TGBC để dễ dàng áp dụng hơn, đặc biệt cần có cơ chế cho người tự nguyện TGBC để giải quyết nghịch lý: người muốn nghỉ thì không được nghỉ, người cần cho nghỉ thì lại không thể cho nghỉ việc.

Thực chất thời gian qua chúng ta hô hào tinh giản biên chế nhưng không giảm. Chúng ta đề ra quyết tâm giảm thì lại càng tăng, nhất là với khu vực hành chính, đưa một cán bộ vào thì dễ mà đưa ra thì vô cùng khó

Ông Huỳnh Đức Thơ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng)

Tự chủ để làm gì?

Trong báo cáo với đoàn giám sát Quốc hội, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng do đặc điểm hệ thống chính trị, tổng số biên chế công chức cao là do tính cả khối Đảng, đoàn thể. Nếu tính riêng các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính, cân đối với từng vị trí thì số lượng này không nhiều.

Trong khi đó, khối quản lý hành chính đóng vai trò trụ cột, chủ yếu trong việc quản lý xã hội và cung ứng dịch vụ hành chính. Do đó, nếu TGBC khối này là cắt giảm nguồn lực chính trong quản lý và phục vụ xã hội, sẽ gián tiếp giảm chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề nữa là thời gian qua Bộ Nội vụ giao biên chế, nhưng căn cứ nào để định ra số biên chế đó thì chưa rõ, ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhận xét. Nhà nước hình thành bộ máy để phục vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu tổ chức bộ máy không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ngược lại còn kìm hãm kinh tế thì phải xem lại chính cơ cấu, tổ chức bộ máy đó.

Ông Trung cho rằng quan trọng là cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả. Không thể cứ TGBC, sáp nhập khiến bộ máy teo tóp lại là thành công mà phải có hướng để bộ máy đó phát huy hiệu quả tốt nhất.

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các sở ngành, quận huyện trên tất cả các lĩnh vực nhằm đảm bảo công việc được giải quyết nhanh gọn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra cần triển khai mạnh việc xã hội hóa các dịch vụ công, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

Ông Lê Văn Làm dẫn lại câu chuyện của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để chứng minh không phải cứ biên chế tăng thì đáng lo: "Từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn, biên chế của bệnh viện đã tăng từ 800 lên khoảng 2.000 người.

Nhân sự tăng nhưng thu nhập của họ cũng tăng cao, đi kèm chất lượng phục vụ tốt, uy tín bệnh viện tăng. Nhiều người trong ngành y tế mơ ước được về làm việc ở đây”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng so sánh: Cùng trên địa bàn Q.Thủ Đức trong khi một bệnh viện chuyển sang tự chủ thì mọi thứ đều tăng, từ chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư máy móc trang thiết bị, thu nhập... thì một bệnh viện khác chưa tự chủ, bệnh nhân đến ngày càng ít.

Ông cho rằng điều đó cho thấy một khi xã hội hóa thành công, đơn vị hoàn toàn được quyền tự quyết bài toán nhân sự sao cho hiệu quả nhất, trong khi vẫn đảm bảo đời sống của đội ngũ mà không nhất thiết cứ phải tinh giản số lượng một cách cơ học cho bằng được.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, không nên đặt vấn đề theo hướng TGBC để có càng ít người trong bộ máy càng tốt. Vấn đề là tính cách nào nâng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách và tăng thu nhập cho đội ngũ.

Đặc biệt cần làm là cơ cấu lại đội ngũ xét theo vị trí việc làm và trình độ chuyên môn. Ông Tân khẳng định không cần đặt nặng vấn đề TGBC trong các đơn vị sự nghiệp công lập, thay vào đó là đẩy mạnh xã hội hóa.

“Các đơn vị chuyển sang tự chủ rồi thu hút thêm nhiều lao động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, góp phần giải quyết thêm việc làm, là điều cần khuyến khích” . ■

Trong cuộc gặp gỡ đại biểu trí thức TP.HCM ngày 28-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định năng suất lao động trong sản xuất, kinh doanh của TP.HCM cao gấp 3 lần cả nước, năng suất trong dịch vụ quản lý nhà nước gấp hơn 2 lần bình quân cả nước. Thu nhập của người dân gấp 2,5 lần bình quân cả nước.

Trong khi đó, mức lương trả cho công chức ở TP vẫn bằng như cả nước là điều bất hợp lý, khiến cho cán bộ công chức TP thiếu động lực làm việc tốt hơn. Do vậy, theo ông Nhân, một trong những cơ chế đặc thù cần thiết cho TP.HCM là phải có cơ cấu, số lượng đội ngũ, cơ chế thù lao tương xứng với quy mô, mức độ phát triển của TP.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận