Bài học từ vụ Formosa 

GS.TSKH LÊ HUY BÁ 27/09/2017 20:09 GMT+7

TTCT- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường bốn tỉnh miền Trung ngày 3-9 vừa qua với tổng mức đầu tư dự kiến 320 tỉ đồng.

 

 Vấn đề mọi người quan tâm là nên xây dựng các trạm quan trắc như thế nào để cảnh báo về môi trường một cách hiệu quả?

Sau sự cố môi trường Formosa, bài học xương máu mà ta rút ra là có lúc, có nơi, việc buông lỏng kiểm soát ô nhiễm biển và vùng đới bờ (từ đường bờ ra phía biển ở độ sâu khoảng 6m) - vốn là vấn đề hết sức quan trọng - đã tác động xấu tới việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển và vùng đới bờ hết sức nhạy cảm này.

Hiện trạng quan trắc môi trường tại VN

Qua thực tiễn quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, diễn biến của hiện trạng chất lượng môi trường luôn luôn thay đổi, biến động không ngừng.

Có khi do nhịp độ hoạt động sản xuất của hàng chục, hàng trăm nhà máy cùng lúc, có khi do chủ quan của chính các chủ xả thải, và cũng có khi do biến động của yếu tố địa môi trường (địa lý, địa chất, địa sinh địa...) tại địa phương.

Sự tự giác chấp hành quy định nhà nước của các chủ xả thải còn rất thấp: họ sẵn sàng xả lén vào ban đêm, lúc trời mưa gió hoặc bất cứ lúc nào có điều kiện giúp khí thải hòa lẫn vào môi trường tự nhiên.

Bởi nếu làm đúng quy định và quy trình thì kinh phí đầu tư cho xử lý môi trường phải chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư, gây tốn kém cho họ. Vậy nên, để kiểm soát chặt chẽ phải có hệ thống quan trắc liên tục.

Quan trắc thủ công quá tốn nhân lực, tốn tiền và thường có nhiều sai lệch do người đo đếm, quan trắc.

Trong khi quan trắc tự động sử dụng phương pháp khách quan, phương tiện hiện đại, ít phụ thuộc vào sai lệch thô bạo do con người tạo ra và góp phần xác định chính xác các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường một cách liên tục theo thời gian và không gian.

Mặt khác, quan trắc môi trường tự động liên tục giúp xác định nhanh/phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường.

Quan trắc môi trường tự động liên tục sẽ cung cấp số liệu liên tục, tức thời, thời gian thực phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường tài nguyên hữu hiệu với giá rẻ hoặc giá chấp nhận được.

Đồng thời giúp cơ quan quản lý phát đi những cảnh báo kịp thời và đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường...

Quan trắc môi trường tự động liên tục là rất cần thiết cho chúng ta hiện nay và nhiều năm sau.

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm là hoạt động quan trắc môi trường tự động liên tục kiểm soát ô nhiễm, mạng lưới quan trắc tự động (đặc biệt là mạng lưới quan trắc không khí) dày đặc giúp cảnh báo sớm, để người dân có biện pháp phòng tránh kịp thời..., vẫn còn một số khúc mắc: Công tác quan trắc mới thực hiện ở vài nơi, chưa rộng khắp, nhiều nơi mới quan trắc thủ công.

Chúng ta mới thực hiện quan trắc môi trường tự động liên tục cho môi trường không khí và môi trường nước mặt, còn môi trường đất - trầm tích biển và đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật thì chưa.

Ngoài ra, các chỉ tiêu quan trắc còn quá ít (mới 4-5 chỉ tiêu) mà lại chưa thật quan trọng. Riêng đối với Vũng Áng (Hà Tĩnh), một số chỉ tiêu quan trọng như phenol, cyanua (gây nên sự cố Formosa), kim loại nặng... chưa có.

Đó là chưa kể số liệu thu được chưa chính xác do máy móc và đường truyền cũng như phần mềm thường bị trục trặc kỹ thuật, số liệu chưa được cập nhật và công khai...

Ở TP.HCM, 10 năm trước có 6 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục, hiện mấy trạm này đều hư hỏng, không hoạt động được. Trong ảnh: trạm quan trắc tại ngã tư Bảy Hiền. -Ảnh: Hữu Khoa - Đồ họa: L.T.
Ở TP.HCM, 10 năm trước có 6 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục, hiện mấy trạm này đều hư hỏng, không hoạt động được. Trong ảnh: trạm quan trắc tại ngã tư Bảy Hiền. -Ảnh: Hữu Khoa - Đồ họa: L.T.

 Bàn thêm về việc xây dựng bốn trạm quan trắc

Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn đầu tư xây dựng bốn trạm quan trắc môi trường ven biển của bốn tỉnh Bắc Trung Bộ, sau sự cố môi trường nghiêm trọng tháng 4-2016, để giám sát chặt chẽ xả thải của Formosa.

Tuy nhiên, để các trạm quan trắc này giám sát môi trường hiệu quả, cần lựa chọn công nghệ thích hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng VN, với điều kiện và đối tượng giám sát là nước biển ven bờ nhận xả thải của nhà máy luyện thép Formosa.

Hiện có rất nhiều công nghệ và hệ thống máy móc có sẵn để giám sát chất lượng nước, không khí. Ngày càng có nhiều dụng cụ có thể được triển khai tại chỗ, có thể đo liên tục và trong thời gian dài.

Mặc dù hầu hết các hệ thống đã và đang có trên thị trường thường đạt kỹ thuật tiên tiến nhưng tính phức tạp của chúng và nhất là những yêu cầu cơ sở hạ tầng khắt khe, tiên tiến.

Do vậy, cần lựa chọn hệ thống quan trắc ít phức tạp hơn cho phép hoạt động tự trị trong thời gian dài.

Ta nên ưu tiên chọn các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời với các hệ thống làm sạch tự động và các giao diện truyền thông không dây để truy cập từ xa và thu thập dữ liệu theo thời gian.

Sau đó cần đầu tư nâng cao khả năng đọc kết quả, xử lý số liệu của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cần ngồi lại với các chuyên gia để bàn định hướng và chọn thông số quan trắc phù hợp cho các trạm quan trắc môi trường nước ở ven biển các tỉnh này.

Bởi vì, các chỉ tiêu quan trắc quan trọng nhất cần giám sát nước thải và khí thải cũng như bùn thải Formosa phải là: phenol, acid cyanic (HCN) hay cyanate, chứ không phải là pH, SS, BOD.

Ngoài ra, cần đồng bộ triển khai quan trắc khí thải với nước thải, vì công nghiệp luyện thép sẽ tạo ra nhiều khí độc hại, điển hình là CO và hợp chất khí lưu huỳnh.

Với giám sát nước biển, cần giám sát đất và bùn đáy ven bờ, tập trung chủ yếu một vài kim loại nặng như chì, cadmium và vài chất hữu cơ dạng cơ kim.

Cũng không quên quan trắc các chỉ tiêu sinh học mà trước hết là sinh vật chỉ thị (là sinh vật mà khi quan trắc nó có thể nhận biết ngay tình trạng sức khỏe của biển) vùng đới bờ.

Cuối cùng là cần quan trắc sức khỏe cộng đồng: dân cư trong vùng ảnh hưởng và công nhân trong khu công nghiệp.

Giá đầu tư cho mỗi trạm quan trắc ở mỗi nước rất khác nhau. Muốn tiết kiệm kinh phí, chúng ta cần thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, có sự tham gia của các nhà chuyên môn khoa học. Và nhất là, kết quả quan trắc các thành phần môi trường phải được cập nhật và công bố rộng rãi để các nhà khoa học, công chúng có điều kiện sử dụng số liệu, góp ý, đánh giá.

Nỗ lực bảo vệ nguồn nước

Một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Vì vậy quan trắc chất lượng để kiểm soát nó là ưu tiên hàng đầu. Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) tuyên bố rằng nguồn nước uống an toàn và toàn bộ hệ sinh thái phụ thuộc vào sự cải tiến liên tục hiểu biết của chúng ta về các nỗ lực bảo vệ nguồn nước.

Đến nay, mạng lưới giám sát chất lượng nước đã được áp dụng trên toàn khu vực châu Á. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều duy trì mạng lưới với hàng ngàn địa điểm giám sát.

Mặc dù có những con số ấn tượng nhưng phạm vi không gian vẫn còn thưa thớt do lục địa châu Á quá lớn. Hơn nữa, giám sát ở đây chủ yếu là phân tích bằng tay mà không thường xuyên.

Một số thông số hóa - lý chưa thực sự phù hợp để nói lên được tính biến động của sự thay đổi chất lượng nước cũng như đánh giá đúng chất lượng hóa - sinh học.

Vì vậy, cả Trung Quốc và Ấn Độ đang đầu tư xây dựng mạng lưới trạm quan trắc chất lượng nước tự động và liên tục.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11, Chính phủ Trung Quốc dự định thành lập một hệ thống giám sát môi trường tiên tiến, trang bị cho tất cả các nguồn ô nhiễm chính với các công cụ giám sát tự động.

Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã trao thầu hợp đồng cải tạo sông ngòi để thiết lập một mạng lưới các trạm quan trắc trực tuyến dọc theo sông Hằng của Ấn Độ. Đài Loan bắt đầu cài đặt các hệ thống theo dõi thời gian thực tại 114 doanh nghiệp quy mô lớn trên cả nước để giám sát những vi phạm đạo luật kiểm soát ô nhiễm nước của họ...■

Thực hiện dự án 2017 - 2019

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường được xây dựng tại bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Việc này nhằm cung cấp thông tin, số liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung (không khí xung quanh, nước biển và trầm tích), đồng thời cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu ô nhiễm.

Với vốn đầu tư dự kiến 320 tỉ đồng, gồm 200 tỉ đồng từ kinh phí bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, 120 tỉ đồng còn lại từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian thực hiện dự án từ 2017 - 2019.

TP.HCM xây dựng 45 trạm quan trắc tự động liên tục

Theo thông tin từ Sở TN-MT TP.HCM, hiện UBND TP đã và đang triển khai hai dự án được HĐND TP thông qua, gồm: dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, tổng mức đầu tư 78 tỉ đồng; dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TP giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư 495 tỉ đồng.

Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, TP đã có chủ trương huy động nguồn vốn đầu tư (xã hội hóa, kêu gọi tài trợ trong nước, quốc tế), nhằm tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc môi trường TP. Sở TN-MT TP đã công bố các hạng mục mời gọi hỗ trợ công nghệ và nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra có 370 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020.

Đến nay đã xây dựng được 62 trạm quan trắc không khí tự động, trong đó có 58 trạm cố định và 4 trạm di động, cùng với 54 trạm quan trắc nước tự động phân theo lưu vực sông.

Trong số đó, cũng có điểm chỉ quan trắc tự động mà không liên tục, còn nhiều điểm thì có cả hai chức năng này. Ở nước ta mới chỉ thực hiện được hai dạng quan trắc môi trường tự động liên tục cho môi trường không khí xung quanh và môi trường nước mặt. Q.Thanh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận