Bài học từ những người chống toàn cầu hóa

JOSEPH E. STIGLITZ (*) 14/05/2017 16:05 GMT+7

TTCT- Dù có thích hay không, nhân loại vẫn sẽ tiếp tục kết nối ở quy mô toàn cầu, đối mặt với những vấn đề chung như biến đổi khí hậu và mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố. Năng lực và động cơ hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề đó cần được củng cố, thay vì làm yếu đi.

Các nước Scandinavia hiểu rằng sự cởi mở là chìa khóa thành công cho tăng trưởng và phồn thịnh -capx.co
Các nước Scandinavia hiểu rằng sự cởi mở là chìa khóa thành công cho tăng trưởng và phồn thịnh -capx.co

 Việc chiến thắng nhiều khả năng thuộc về ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp (bài viết hoàn tất trước khi cuộc bầu cử diễn ra - BTV) đã mang tới một tiếng thở dài nhẹ nhõm ở quy mô toàn cầu. Ít ra thì châu Âu sẽ không đi vào con đường của chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump đang buộc nước Mỹ trải qua.

Những bài học rõ ràng

Nhưng những người ủng hộ toàn cầu hóa cũng đừng vội bật sâmbanh: những người theo chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ cho “nền dân chủ phi tự do” đang nổi lên ở nhiều quốc gia.

Một số người cho rằng năng lực quản trị nghèo nàn của Trump là đủ để làm nguội đi nhiệt tình dành cho những chính trị dân túy ở những nơi khác.

Giống như thế, những cử tri sống ở vùng vành đai công nghiệp nặng (Rust Belt) của nước Mỹ đã ủng hộ Trump khá chắc sẽ có cuộc sống tồi tệ hơn trong bốn năm tới, và các cử tri có lý trí rồi sẽ hiểu điều này.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng sự bất mãn với nền kinh tế toàn cầu - ít ra là với cách nó đối xử với số đông những người thuộc về (hay từng thuộc về) tầng lớp trung lưu - đã lên đến đỉnh điểm.

Nếu các nền dân chủ tự do ở những nước phát triển duy trì các chính sách giữ nguyên trạng, người lao động mất việc làm sẽ tiếp tục xa lánh giới cầm quyền. Nhiều người ít ra cảm thấy rằng Trump, Marine Le Pen và những tuyên bố cùng kiểu đồng cảm với nỗi đau của họ.

Ý kiến cho rằng cử tri sẽ tự thân quay lưng lại với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy có lẽ cũng chỉ là ảo ảnh của tầng lớp thị dân.

Những người ủng hộ các nền kinh tế thị trường tự do cần thực hiện rất nhiều cải cách và tiến bộ công nghệ có thể khiến một số nhóm người - có khả năng là những nhóm lớn - có cuộc sống tồi tệ hơn.

Trên nguyên tắc, những thay đổi đó làm tăng hiệu suất kinh tế, cho phép người thắng cuộc đền bù cho người thua cuộc.

Nhưng nếu người thua cuộc tiếp tục phải sống cuộc sống tồi tệ hơn, tại sao họ lại phải ủng hộ toàn cầu hóa và các chính sách thân thiện với thị trường? Thật vậy, chính vì lợi ích của bản thân họ mà họ quay sang những chính trị gia chống lại các thay đổi đó.

Nên bài học thật rõ ràng: Khi thiếu vắng các chính sách cấp tiến, bao gồm các chương trình an sinh xã hội mạnh, tái đào tạo để tìm việc làm, và các hình thức hỗ trợ khác cho những cá nhân và cộng đồng bị bỏ lại đằng sau trong cuộc toàn cầu hóa, các chính trị gia kiểu Trump có thể trở thành một yếu tố cố định lâu dài trong bối cảnh chính trị.

Chi phí do những chính trị gia như thế áp lên xã hội là đắt đỏ với tất cả chúng ta, ngay cả nếu họ không đạt được hoàn toàn các tham vọng mang tính bảo hộ và cục bộ của họ, vì họ rao giảng sự sợ hãi, làm bùng lên sự mù quáng, và phát đạt dựa trên cách tiếp cận phân cực nguy hiểm chúng ta chống lại họ.

Le Pen đã nhắm vào người Hồi giáo, nhưng những bình luận gần đây của bà chối bỏ trách nhiệm của Pháp trong việc giam cầm người Do Thái thời Thế chiến thứ hai cho thấy tinh thần bài Do Thái vẫn còn rơi rớt.

Chúng ta không được quên rằng trước bình minh của Thời kỳ khai sáng, khi người ta bắt đầu đón nhận khoa học và tự do, thu nhập và mức sống đã trì trệ trong hàng thế kỷ.

Nhưng Trump, Le Pen và những người dân túy khác đóng vai trò phản đề với các giá trị của Thời kỳ khai sáng. Không chút ngượng ngùng, Trump đã viện tới “sự thật thay thế”, bác bỏ phương pháp khoa học, và đề xuất cắt giảm ngân sách lớn với nghiên cứu công, bao gồm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, mà ông tin là một trò lừa đảo.

Chủ nghĩa bảo hộ do Trump, Le Pen và những người khác thúc đẩy nêu ra một mối đe dọa tương tự cho nền kinh tế thế giới.

Trong 3/4 thế kỷ, đã có một nỗ lực tạo dựng một trật tự kinh tế toàn cầu dựa trên các quy định rõ ràng, trong đó hàng hóa, dịch vụ, con người và các ý tưởng có thể di chuyển tự do qua các đường biên giới. Trong tiếng vỗ tay của những người đồng chí dân túy, Trump đã ném một quả tạc đạn vào cấu trúc đó.

Bởi sự quả quyết của Trump và những tông đồ của ông rằng các đường biên giới vẫn quan trọng, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc lại khi họ xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự không chắc chắn kéo theo đó sẽ làm thoái chí đầu tư, nhất là đầu tư xuyên biên giới, tới lượt nó sẽ làm suy giảm động lực cho một hệ thống toàn cầu dựa trên quy định rõ ràng. Với đầu tư ít hơn trong hệ thống, những người thúc đẩy một hệ thống như thế sẽ ít có động cơ để thúc đẩy nó hơn.

Cốt lõi ở sự thịnh vượng được chia sẻ

Đó sẽ là rắc rối với cả thế giới. Dù có thích hay không, nhân loại vẫn sẽ tiếp tục kết nối ở quy mô toàn cầu, đối mặt với những vấn đề chung như biến đổi khí hậu và mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố. Năng lực và động cơ hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề đó cần được củng cố, thay vì làm yếu đi.

Bài học cho tất cả chuyện này là điều mà các nước Scandinavia đã học được từ lâu. Những quốc gia nhỏ bé trong khu vực này hiểu rằng sự cởi mở là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế nhanh và phồn thịnh.

Nhưng nếu họ muốn tiếp tục cởi mở và dân chủ, người dân nước họ phải tin rằng một phần đáng kể của xã hội sẽ không bị bỏ rơi lại phía sau.

Nhà nước phúc lợi vì thế trở thành cốt lõi cho thành công của các nước Scandinavia. Họ hiểu rằng sự thịnh vượng bền vững duy nhất là sự thịnh vượng được sẻ chia. Đó là một bài học mà Mỹ và phần còn lại của châu Âu giờ phải học lấy.■

HẢI MINH (dịch)

(*): Joseph E. Stiglitz, kinh tế gia đoạt giải Nobel, giáo sư Đại học Columbia và kinh tế gia trưởng ở Viện Roosevelt. Bài viết cho www.project-syndicate.com. Tuổi Trẻ Cuối Tuần đăng lại với sự cho phép của tác giả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận