Bài học ở Philippines

NGỌC ĐÔNG 25/03/2016 20:03 GMT+7

TTCT - Từ khi thành lập năm 1960, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI có trụ sở tại Philippines đã cho ra đời hơn 1.000 giống lúa cải tiến được sản xuất trên 77 quốc gia. IRRI bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ giữa năng suất lúa gạo và biến đổi khí hậu từ thập niên 1990.

Nhiều giống lúa thích ứng với biến với biến đổi khí hậu đã đem về nhiều lợi ích cho nông dân Philippines, Ấn Độ, Nepal...


Những năm gần đây, IRRI phát triển các giống lúa chống chịu tốt hơn các điều kiện hạn hán, ngập, lạnh và mặn, đặc biệt là loại lúa “sẵn sàng với biến đổi khí hậu” (climate change-ready rice), giúp cải thiện đáng kể đời sống nông dân nơi đây.

Từ năm 2005-2014, dự án STRASA của IRRI nghiên cứu các giống lúa chịu được điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu ở châu Á và châu Phi đã liên tục cho ra đời 65 giống lúa có thể thích ứng tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Kenya, Uganda, Tanzania, Mozambique và Gambia.

Khoảng 28 giống lúa mới được IRRI trao cho chính phủ các quốc gia trong năm 2014, trong đó có các giống lúa chịu ngập cho Ấn Độ, chịu hạn cho Nepal và chịu mặn cho Gambia và Philippines. Năm 2013, IRRI cũng ra mắt 44 giống mới và cải tiến ở nhiều nước, trong đó có 9 giống chịu mặn ở Philippines và 3 giống chịu lũ ở Nam Á.

Làng Sreefalkathi là một trong những khu vực bị ảnh hưởng mặn nhiều nhất ở vùng ven biển huyện Satkhira, Bangladesh, với khoảng 1.308 hộ nông dân trồng lúa là nguồn thu nhập duy nhất.

Trước năm 2009, nông dân canh tác 2-3 vụ mỗi năm, nhưng sau khi bị trận bão Aila quét qua, đất đai trong vùng trở nên quá mặn. Hằng năm, trong vụ lúa mùa boro từ tháng 11 đến tháng 5, độ mặn trong đất lại tăng và muối phủ trắng các cánh đồng lúa.

Để khắc phục, IRRI cùng các viện nông nghiệp BRRI và BINA của Bangladesh hợp tác phát triển 4 giống lúa chịu mặn cho vụ mùa boro, gồm Binadhan-8, Binadhan-10, BRRI dhan47 và BRRI dhan55 có khả năng chịu được độ mặn khoảng 7 phần nghìn. Các giống này có thể cho năng suất từ 5-7 tấn/ha nếu trồng ở khu vực không nhiễm mặn, và 3-5 tấn/ha ở các khu vực nhiễm mặn.

Trong hai năm 2012-2013, IRRI thông qua các dự án của STRASA và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn và phân phối 4 giống lúa trên cho nông dân địa phương trồng song song với giống truyền thống.

Kết quả thử nghiệm mang lại tín hiệu tốt, các giống lúa chịu mặn không gặp hiện tượng trổ bông trắng và hạt lép như các giống trước đây khi trồng ở vùng mặn, sản lượng lúa thu hoạch đạt 4 tấn/ha, cao nhất từ sau bão Aila.

Một chiến dịch quảng bá sau đó được thực hiện với sự tham gia của quan chức địa phương. Chính quyền yêu cầu những nông dân tham gia thử nghiệm giống lúa chịu mặn trong năm đó không mang đi tiêu thụ liền mà phải bán và phân phối hạt giống cho nông dân trong vùng. Các tổ chức phi chính phủ cũng hỗ trợ việc phổ biến các giống lúa này.

Đến năm 2014, khoảng 68 hộ nông dân chọn Binadhan-8 và Binadhan-10 và canh tác thành công trên những vùng đất mặn. Một tổ chức phi chính phủ cũng hỗ trợ bằng việc đào các hồ chứa nước gần đất canh tác.

Tháng 2 năm nay, hơn hai năm sau khi cơn bão Haiyan tàn phá đảo Leyte của Philippines, hầu hết số dừa trên đảo, nguồn thu chính của người dân, bị phá hủy nghiêm trọng. Mặc dù nhiều người cố gắng trồng lại nhưng phải mất đến 5 năm cây dừa mới cho trái. Và rồi, các giống lúa Green Super Rice (GSR) mang đến cho họ một cơ hội mới.

Theo tiến sĩ Jauhar Ali, trưởng dự án GSR, các giống GSR được nhân giống tại IRRI có khả năng phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt như các vùng dễ bị lũ lụt, hạn hán, nhiễm mặn.

Tiến sĩ Evelyn Gergon - chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa gạo Philippines, người tiếp cận các giống GSR vài tháng trước khi cơn bão Haiyan ập đến - cho biết hiện nhiều người vẫn chuộng loại hạt giống của vụ trước thay vì các loại đã được chứng nhận.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định tiến hành đào tạo về sản xuất giống chất lượng cao” - ông nói. Felicito Montano là một trong những nông dân đầu tiên trồng giống GSR 8. Lúc đầu, ông Montano gieo 2kg hạt GSR và thu được 12 bao lúa từ vụ đầu tiên. Đến vụ thứ hai, ông trồng một phần lúa thu hoạch được từ vụ trước và thu được 70 bao, tương đương 45-50kg. “Số lượng này gấp đôi những giống khác tôi từng trồng” - ông nói.

Ngoài ra, GSR 8 còn là giống lớn nhanh, nhờ vậy mà ông Montano kịp thu hoạch trước khi cơn bão Haiyan quét qua. Đến nay, ông đã trồng GSR 8 được sáu vụ: “Hạt lúa GSR nặng hơn các loại tôi từng trồng, chưa kể còn có thể kháng sâu bọ và bệnh tật nữa”.

Đến nay, nhiều người bắt đầu canh tác GSR 8, thu được kết quả rất tốt, có người cho biết đạt sản lượng lên tới 11 tấn/ha, nhiều hơn gấp 2,75 lần sản lượng trung bình của cả hòn đảo, theo tiến sĩ Gergon.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận