“Bác sĩ online” vẫn là một lựa chọn

NHẬT ĐĂNG 16/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Trong số báo trước, các chuyên gia cảnh báo về độ tin cậy của bác sĩ Google nếu không biết cách “hỏi”. Nhưng trong thời đại công nghệ số này, “bác sĩ online” vẫn là một lựa chọn thú vị cho nhiều người.

minh họa

Năm 2012, mạng tin tức CBC (Canada) đăng tải một bản tin về việc các nhà khoa học đang nghiên cứu về khả năng dùng rễ cây bồ công anh để chữa ung thư, sau khi một thí nghiệm cho thấy nó chứa hoạt chất tiêu diệt tế bào ung thư bạch cầu.

Đến tháng 11-2017, CBC nhắc lại câu chuyện của TS Caroline Hamm, nhà nghiên cứu ung thư và là giám đốc lâm sàng của Trung tâm nghiên cứu ung thư Windsor.

TS Hamm hoàn toàn tuyệt vọng vì những thông tin tràn lan về việc uống trà làm từ rễ cây bồ công anh sẽ giúp chữa ung thư. Không ai khác, bà Hamm là người dẫn đầu nghiên cứu năm xưa, và dĩ nhiên bà không tìm thấy công dụng thần kỳ nào của cây bồ công anh.

Nguy cơ từ bộ hồ sơ bệnh án

Câu chuyện của TS Hamm là điển hình cho thời đại Internet, khi ai cũng có thể tự biến mình thành một “chuyên gia” bằng cách tham khảo kiến thức thông qua báo chí trực tuyến và những trang web tìm kiếm hoặc có nội dung về y tế.

Thực trạng này đã được báo động từ đầu những năm 2000. Rất nhiều bài viết trên báo chí chính thống đã cảnh báo nguy cơ người bệnh chữa sai cách, hiểu lầm về dược phẩm, triệu chứng, hoặc quá dễ tin vào những thông tin sai lệch về bệnh tật núp dưới bóng “phương thuốc truyền thống” hay “bài thuốc dân gian”...

Kết luận đơn giản như bà Hamm về công dụng chữa ung thư của rễ cây bồ công anh thì “người ta có thể chết nếu họ tin vào điều ấy”.

Một cách rất thời đại, mối nguy hiểm từ việc tự ý tra cứu tình trạng sức khỏe trên Internet phù hợp với làn sóng tin giả (fake news). Những nội dung về sức khỏe càng quan trọng, càng thu hút nhu cầu độc giả, sẽ càng là mảnh đất béo bở cho fake news phát triển.

Ngoài ra, trong một thế giới mạng mà mỗi người đều khó có thể “ẩn mình”, việc tìm kiếm thông tin ấy vô tình trở thành bản khai báo sức khỏe dễ dàng bị đánh cắp.

Bài viết trên chuyên trang công nghệ Motherboard của Tập đoàn Vice Media (Mỹ) dẫn nghiên cứu của Tim Libert tại Đại học Pennsylvania từng khẳng định Google, Facebook và Twitter nằm trong nhóm các công ty công nghệ đánh cắp thông tin y tế từ người dùng.

Trong khi theo Đạo luật về tính linh hoạt và trách nhiệm bảo hiểm y tế (HIPAA) năm 1996 buộc chính phủ và bác sĩ phải giữ an toàn và bảo mật đối với hồ sơ y tế của bệnh nhân.

Theo nhà nghiên cứu Libert, kể cả khi người Mỹ có thói quen tra cứu tình trạng sức khỏe trên trang uy tín WebMD, thì việc công ty này sử dụng công cụ đo lường Google Analytics cũng khiến Google vô tình “cuỗm” được hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân dễ dàng.

Cell phone health check concept

Xu hướng thời đại

Ai cũng có thể nói về những hiểm họa trên, thậm chí có phần coi thường chuyện tra cứu thông tin y tế qua Google hay Wikipedia. Nhưng ngặt nỗi, đó là một nhu cầu thiết yếu và nếu dùng đúng cách, đó là một bước tiến không thể khác của thời đại.

Các kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) mỗi năm lại cho thấy sự gia tăng của số lượng người dùng Internet có tra cứu về sức khỏe.

Về mặt nội dung, hiện nay tra cứu y tế chỉ xếp sau những từ khóa về... khiêu dâm. Về mặt hoạt động, việc tra cứu thông tin y tế phổ biến chỉ sau việc sử dụng email (93% người dùng Internet) và tìm kiếm thông tin sản phẩm - mua hàng qua mạng (83%).

Số liệu trên cho thấy mặt lợi không thể chối cãi của việc tra cứu trực tuyến. Và thay vì tìm cách bài bác nó, cơ quan phụ trách y tế và chính quyền các nước nỗ lực bắt kịp nhu cầu và khai thác lợi ích.

Bài báo của The Guardian từ năm 2013 đã chỉ ra rằng bệnh nhân thường phải mất tới nửa ngày trời xếp hàng, lấy phiếu, bỏ hết công việc chỉ đổi lấy 10 phút tư vấn của bác sĩ.

Và một thực tế là các bác sĩ thường hỏi những câu tương tự nhau, ví dụ “anh/chị cảm thấy trong người thế nào?”, hay “từ lần cuối đến khám tới nay anh/chị thấy có chuyển biến gì không?”... Vậy thì cần gì phải gặp bác sĩ?

Xu hướng “trực tuyến hóa” cũng đã tạo cảm hứng cho rất nhiều mô hình chăm sóc y tế thời đại số phát triển, đơn cử là những ứng dụng điện thoại.

Theo số liệu năm 2016, có khoảng 259.000 ứng dụng điện thoại chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu và xu hướng này tiếp tục tăng.

Tháng 4-2017, có tổng cộng 59.000 nhà phát hành ứng dụng sức khỏe ở mọi lĩnh vực, từ theo dõi tình trạng sức khỏe, tập luyện và dinh dưỡng, cho đến chẩn đoán bệnh tình. Ước tính giá trị các dự án chăm sóc sức khỏe qua di động sẽ đạt mốc 102,43 tỉ USD năm 2022.

Cải thiện chất lượng

Nhận thức được lợi ích, nhu cầu song hành với mối nguy hiểm từ việc tra cứu thông tin sức khỏe trực tuyến mang lại, chính quyền cũng như tổ chức phi lợi nhuận các nước đã tập trung phát triển và cải thiện chất lượng của “bác sĩ Google” từ rất lâu.

Ủy ban Cấp phép chăm sóc y tế Mỹ (URAC) là một tổ chức phi lợi nhuận đã hoạt động 20 năm nay. URAC giúp đặt ra các tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cho các công ty và hiện đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe, bao gồm những công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo! và AOL trong một dự án cải thiện kết quả tìm kiếm cho người dùng.

NBC dẫn lời phó chủ tịch URAC Liza Greenberg tự hỏi về các vấn đề như sau: “Vai trò của các công cụ tìm kiếm trong định hướng chất lượng kết quả cho người sử dụng là gì? Những cách thức nào cần thiết để các công cụ tìm kiếm hướng đến các website có chất lượng cao nhất?”.

Cùng chung tâm huyết như URAC, các tổ chức lớn trên thế giới cũng nỗ lực cải thiện chất lượng tra cứu thông tin.

Đơn cử như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 3 năm ngoái nhấn mạnh rằng con người trong thời đại mới xem Internet là lựa chọn đầu tiên khi quan tâm tới thông tin sức khỏe, và tổ chức này đã thực hiện khảo sát, xác nhận cho những website uy tín nhất dành cho thông tin về văcxin.

WHO cũng khẳng định rằng trong vòng 10 năm, 2003 - 2013, từ điển trực tuyến Wikipedia đã trở thành một trong những website nội dung về y tế phổ biến nhất thế giới.

Đội ngũ phát triển Wikipedia vì thế đã chú trọng tính chính xác tuyệt đối cho các thông tin sức khỏe, biến nó thành nguồn tham khảo đáng tin cậy.

Trong thực tế về mặt chính sách, các nước phát triển như Mỹ - quê hương của những đại gia Internet - đã chứng kiến sự lớn mạnh của rất nhiều trang web uy tín về nội dung y tế, mà Mayo Clinic là minh chứng rõ ràng nhất về cách người Mỹ đón đầu xu hướng.

Chính phủ cũng đã phát triển những website cung cấp thông tin chính thống, ví dụ Viện Nghiên cứu y tế quốc gia (NIH), nơi người dùng Internet có thể xem như “Google” để tìm kiếm tất cả thông tin liên quan tới sức khỏe của mình thông qua từ khóa.

Tương tự, Chính phủ Úc cũng có chuyên trang dành riêng cho y tế trong nội dung của Bộ Dịch vụ nhân sinh (DHS), nơi người dân có thể đăng ký một tài khoản và tra cứu thông tin, quản lý thông tin về tình trạng sức khỏe của riêng mình.

Với truyền thông, ngoại trừ những tạp chí chuyên ngành về sức khỏe, báo chí các nước cũng xuất bản rất nhiều bài viết đánh giá những website uy tín nhất để tham khảo thông tin y tế, và ngược lại cũng “điểm mặt” những website nội dung sai lệch, đăng những bí quyết chữa bệnh không có cơ sở khoa học.

Ngoài ra, còn có vô số những bí quyết sàng lọc tin tức y tế được phổ cập cho người đọc. Lấy ví dụ trang MedilinePlus của NIH khuyến cáo người đọc nên lưu ý phần tên miền của những trang cung cấp thông tin. Một tên miền đáng tin cậy nhất thường phải là “.org” (sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp điều hành), “.gov” (website chính phủ) hay “.edu” (các tổ chức giáo dục)...

Cho đến khi trí thông minh nhân tạo (AI) thực sự phát triển toàn diện để là một “thầy thuốc cá nhân” đáng tin cậy, việc tra cứu thông tin bệnh tình trên Internet là điều không thể bài bác. ■

Những địa chỉ có thể tham khảo:

* http://www.who.int/bulletin/volumes/91/1/13-030113/en/

* https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000869.htm

* https://accreditnet2.urac.org/UracPortal/directory/directorysearch

* https://www.humanservices.gov.au/individuals/subjects/managing-your-

health-care-information-online

* https://www.nih.gov/health-information

* https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5508500/

* http://www.who.int/features/2017/vaccine-safety-website/en/

* http://mashable.com/2012/06/15/online-medical-searches/#0OiJi9FKsSqk

* https://www.naturalhealthmag.com.au/content/can-we-trust-dr-google

* https://en.wikipedia.org/wiki/Online_doctor

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận