Bác sĩ nhìn tôi có rõ không?

TUẤN SƠN 09/07/2021 02:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi chuyện đi gặp bác sĩ của người dân khắp thế giới, khi đến phòng mạch không phải là lựa chọn đầu tiên, mà là mở đúng ứng dụng trên điện thoại.

 
 Ảnh: hourdetroit.com

Dịch vụ y tế từ xa sẽ cứu sống nhiều bệnh nhân, nhưng đặt ra vấn đề mới: khi sự tiếp xúc giữa bệnh nhân và người thầy thuốc mất đi, hiệu quả khám chữa bệnh có kém đi?

Tăng trưởng tốt

Ở Trung Quốc, ngành dịch vụ y tế từ xa đã nở rộ kể từ đầu dịch. Giờ đây, thói quen của nhiều người dân khi cảm thấy không khỏe là mở ứng dụng trên điện thoại để kết nối từ xa với một bác sĩ tư vấn thay vì tới phòng khám.

Khi bị đau mắt hồi tháng 4 năm nay, anh Li (30 tuổi) quyết định thử dịch vụ JD Health của sàn thương mại điện tử JD.com. Sau cuộc thăm khám chóng vánh qua màn hình điện thoại di động với một bác sĩ nội trú ở Bắc Kinh, thuốc nhỏ mắt được gửi đến tận nhà qua một dịch vụ chuyển phát. “Tôi vẫn muốn đến bệnh viện để điều trị những vấn đề nghiêm trọng, nhưng y học từ xa rất tiện lợi cho những vấn đề sức khỏe nhỏ” - anh Li nói với Nikkei Asia.

JD Health là một trong bốn công ty chủ chốt trong ngành y tế từ xa của Trung Quốc, bên cạnh các dịch vụ tương tự của 3 ông lớn Alibaba, Tencent và Tập đoàn bảo hiểm Ping An. Các nền tảng này đang ra sức chiêu mộ khoảng 3,86 triệu bác sĩ cho ứng dụng của họ nhằm củng cố vị thế trong một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng khi nhu cầu về dịch vụ chăm sóc từ xa tăng cao trong đại dịch COVID-19.

Thị trường chăm sóc sức khỏe từ xa Trung Quốc đã tăng 44% lên 314 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020 và có thể đạt 4.200 tỉ nhân dân tệ vào năm 2030, theo báo cáo của Frost & Sullivan. Khoảng 10% bác sĩ ở Trung Quốc đang hiện diện trên các ứng dụng y tế từ xa, và con số này được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, Nikkei Asia nhận xét.

Ngay từ đầu đại dịch, các bác sĩ và bệnh viện khắp nước Mỹ đã yêu cầu chuyển các hoạt động ngoại trú sang chat, gọi video, nhắn tin hoặc email. Số lượng yêu cầu chi trả bảo hiểm cho dịch vụ y tế từ xa ở Mỹ đã đạt đỉnh 12 triệu lượt vào tháng 4-2020, trước khi ổn định ở mức khoảng 8,8 triệu lượt/tháng - vẫn cao hơn nhiều lần so với con số 529.000 trước dịch, theo báo The Guardian.

Dịch vụ y tế từ xa giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất khám bệnh của bác sĩ ở những nơi tỉ lệ nhân viên y tế trên đầu người còn thấp. “Tính kinh tế rất rõ ràng: 3-6 bệnh nhân có thể được chẩn bệnh trong cùng một thời gian để thực hiện một cuộc thăm khám trực tiếp” - ông Oliver Lignell, phó chủ tịch Avia, một công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực sức khỏe, viết trong ấn phẩm chuyên ngành MedCity News.

Công ty cung cấp dịch vụ y tế từ xa lớn nhất hiện nay là TalkSpace dự định lên sàn trong năm nay trong thương vụ trị giá 1,4 tỉ USD.

Không cần há miệng trước camera

Theo Washington Post, đa số các buổi khám bệnh từ xa là người bệnh tự trình bày triệu chứng với bác sĩ, tự đo nhiệt độ và đưa camera vào người để cho bác sĩ thấy các triệu chứng xuất hiện trên cơ thể. Sẽ thiếu vắng các động tác thăm khám quen thuộc như há miệng và nói aaaa (không bao giờ đủ ánh sáng để bác sĩ thấy), khám bằng ống nghe.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ giàu kinh nghiệm, thầy thuốc có thể thấy được nhiều thứ thông qua ngôn ngữ cơ thể của bệnh nhân. Chẳng hạn, thầy thuốc có thể yêu cầu một đứa trẻ bật nhảy và quan sát; nếu thấy chúng đau ở một số chỗ nhất định thì nhiều khả năng bị viêm ruột thừa, theo Sari Lahham, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện đại học Thomas Jefferson.

Xa mặt, cách lòng?

Liệu không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân có ảnh hưởng đến cảm xúc của bác sĩ và các quyết định của họ? Năm 2015, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã thắc mắc tương tự và thử tìm câu trả lời với thử nghiệm trên 46 tình nguyện viên (không phải bác sĩ).

Những người này được yêu cầu đưa ra các quyết định y khoa cho những người không quen biết, với 2 lựa chọn: một biện pháp hiệu quả hơn nhưng đau đớn hơn, và biện pháp còn lại kém hiệu quả hơn nhưng dễ chịu hơn. Một nửa số người tham gia ngồi đối mặt trực tiếp với bệnh nhân giả định, nửa còn lại chỉ thấy người bệnh qua video.

Kết quả, những người có xu hướng định nghĩa bản thân dựa trên các mối quan hệ xã hội của họ có nhiều khả năng đề xuất phương pháp điều trị nhiều rủi ro hoặc đau đớn hơn khi trao đổi với người bệnh từ xa, so với khi đối mặt trực tiếp. Kết quả nghiên cứu không có nghĩa mọi bác sĩ đều có nguy cơ “mạnh tay” với người bệnh khi khám bệnh từ xa, nhưng rõ ràng ảnh hưởng về mặt tâm lý là điều đáng cân nhắc trong các quyết định y tế quan trọng.

Công tác quản lý là một thách thức khác của dịch vụ y tế từ xa. Ở Trung Quốc, dù chính phủ đã bắt đầu cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế chỉ hoạt động trực tuyến từ năm 2015, hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thức nào về cách phòng tránh các chẩn đoán sai và các nguy cơ tiềm ẩn khác trong lĩnh vực này. Các công ty phải tự đề ra quy tắc hoạt động để đảm bảo dịch vụ chăm sóc của họ an toàn và được tin tưởng.■


Khám online, giá “offline”

Biểu giá khám bệnh của dịch vụ JD Health tùy thuộc vào kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ, trung bình khoảng 50 nhân dân tệ (178.000 đồng) cho 15 phút tư vấn cùng bác sĩ. Giá này không hề rẻ, nằm vào khoản cận trên của khung giá khám bệnh tại các bệnh viện công ở Trung Quốc. Mức thu nhập hấp dẫn này đã thu hút nhiều bác sĩ Trung Quốc nghỉ hẳn việc ở bệnh viện để tham gia tư vấn toàn thời gian cho các nền tảng y tế từ xa.

Trong khi đó, Alpha Medical, một công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe từ xa có trụ sở tại Thung lũng Silicon, cung cấp gói khám bệnh từ xa nguyên năm với giá 120 USD (2,76 triệu đồng) cùng cam kết “nhắn tin không giới hạn” với bác sĩ. Mức giá này không bao gồm phí điều trị trực tiếp phát sinh và tiền thuốc (nếu có).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận