Ba thế hệ, một cây vĩ cầm

CÁT VŨ 11/07/2004 01:07 GMT+7

TTCN - Trong chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM ngày 9-7, có tiết mục song tấu violon của hai cha con nghệ sĩ Tạ Bôn và Tạ Tôn.

Phóng to
Ảnh: Lữ Đắc Long
TTCN - Trong chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM ngày 9-7, có tiết mục song tấu violon của hai cha con nghệ sĩ Tạ Bôn và Tạ Tôn.

Cây vĩ cầm Tạ Tôn từng dự Liên hoan tài năng trẻ TP.HCM, hai lần được chọn vào Dàn nhạc trẻ châu Á, vừa trở về nước sau khi tốt nghiệp hạng danh dự môn biểu diễn violon Đại học Tổng hợp Melbourne (Úc).

Đây là lần đầu tiên anh “đĩnh đạc” song tấu cùng bố với tư cách một bạn diễn trong một chương trình lớn. Còn giáo sư - nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn, trưởng dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM, được coi như một cây đại thụ, đã trực tiếp đào tạo hầu hết các tài năng violon trong nước.

Cuộc song tấu của hai tinh hoa trong một gia đình này gợi nhớ đến một tên tuổi lớn đã mất thuộc thế hệ thứ nhất: Tạ Phước. Ông chính là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển tài năng của những cây vĩ cầm họ Tạ. Nghệ sĩ Tạ Phước thuộc lớp những người VN đầu tiên tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc phương Tây.

Lòng đam mê nghiên cứu và tự học đã đưa ông trở thành nhà sư phạm âm nhạc phương Tây hiếm hoi vào những năm đầu thế kỷ 20. Cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Tạ Phước đã từng dự định mở trường tư thục âm nhạc trước năm 1945. Ông là một trong những người sáng lập và đã giữ chức hiệu trưởng Trường Âm nhạc VN (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội) suốt 16 năm (1956-1972). Ông đã xuất hiện với cây viola trong buổi hòa nhạc tứ tấu đàn dây lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô.

Nhà sư phạm Tạ Phước hướng cả năm người con trai của mình theo âm nhạc, và trong số ba cây violon ở thế hệ thứ hai, Tạ Bôn - con trai cả - tỏ ra xuất sắc nhất. Được bố “ấn” đàn vào tay từ khi mới lên năm, Tạ Bôn ngày ngày phải miệt mài tập luyện theo giáo trình nghiêm nhặt của bố, lắm khi vừa kéo archet vừa... khóc vì không được đi chơi đùa với trẻ con đồng lứa.

Trong kháng chiến, hễ bố đi dạy nhạc ở đâu thì cậu bé Tạ Bôn phải xách đàn đi theo để biểu diễn, thực tập, và cho đến khi được chọn đi học ở Trung Quốc năm 12 tuổi thì cây vĩ cầm trở thành niềm đam mê của cậu. Tốt nghiệp trung cấp, Tạ Bôn được tuyển thẳng vào Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô), học cho đến khi lấy được bằng phó tiến sĩ mới về nước giảng dạy. Từ ấy đến nay đã tròn 40 năm.

Cho đến nay, gia đình nghệ sĩ Tạ Bôn cũng là gia đình duy nhất mà hai cha con đều ở cương vị lãnh đạo Nhạc viện Hà Nội (bảy năm sau khi hiệu trưởng Tạ Phước về hưu, Tạ Bôn được cử làm phó giám đốc, phó hiệu trưởng nhạc viện từ 1979 - 1988). Gần 60 năm gắn bó với cây đàn, điều mà nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn mãn nguyện nhất là đã học được ở người cha sự nghiêm khắc đối với nghề, lúc dạy học cũng như khi biểu diễn.

Lúc Tạ Tôn chào đời được 12 ngày, ông nội mất. Và cũng như cha mình, từ ngày còn rất bé anh đã được trao cho cây đàn violon. Cứ thế, học hết trung cấp Nhạc viện TP.HCM, anh được học bổng sang Úc. Năm nay, Nhạc viện San Francisco (Mỹ) đã đồng ý cấp cho anh học bổng c hết trung cấp Nhạc viện TP.HCM, anh được học bổng sang Úc. Tạ Tôn đang chuẩn bị thủ tục để lên đường. Cũng như ông và bố, anh ước ao bến đỗ cuối cùng của sự nghiệp chính là trở về góp phần xây dựng nền âm nhạc nước nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận