Ba góc độ nổi bật từ góc nhìn cải cách thể chế và chính sách

NGUYỄN QUANG ĐỒNG 28/12/2018 22:12 GMT+7

TTCT - “Tìm đường” và “định hình” đương nhiên là những bài toán hóc búa, và nếu nói đến “lời giải” - ở nghĩa là Chính phủ đã có những câu trả lời rõ ràng, mục tiêu chính sách rõ ràng, và một chương trình cải cách thể chế và khu vực công rõ ràng, cả cho lộ trình ngắn hạn và trung hạn - rõ ràng là chưa. Năm 2018 vì thế, dừng lại nhiều hơn ở góc độ làm rõ thêm những xu thế, xác nhận thêm những vấn đề và sẽ là tiền đề cho những câu trả lời, hi vọng được định hình và sẽ lộ diện trong năm 2019.

Vụ án liên quan đến các tướng lĩnh công an cho thấy cần rà soát lại quy trình kiểm soát quyền lực nhà nước. Ảnh: tuoitre.vn

 

Việt Nam đã bước vào năm 2018 với một không khí lạc quan và thoải mái hơn nhiều - nhất là nếu đặt trong tương quan so sánh với thời điểm khởi đầu 2017 khi ở Mỹ, ông D. Trump đắc cử tổng thống và chưa ai hình dung được chính sách nước Mỹ sẽ như thế nào; và ở Anh, Brexit vừa gây rúng động châu Âu.

Năm 2018 - với một bối cảnh chính trị và chính sách quốc tế định hình rõ rệt hơn; và trong nước, với một nền tảng tăng trưởng kinh tế ổn định hơn được tạo lập trong năm 2017 - Việt Nam có tiền đề chắc chắn hơn để tập trung vào các vấn đề cải cách chính sách và thể chế, nhằm tạo lập một nền tảng phát triển cho dài hạn.

Khi thời khắc cuối cùng của năm đang dần đi qua, nhìn lại năm 2018 bộn bề, dù không có những sự kiện mang tính “rúng động” như năm 2016 nhưng những vấn đề chính sách và thể chế lại thực sự là điểm nhấn của năm, dưới góc độ “tìm đường” và “định hình” cho những cải cách mang tính nền tảng và dài hạn.

Kiểm soát quyền lực nhà nước, chống tham nhũng và tư bản thân hữu

Những “đại án” tham nhũng ở quy mô lớn - những quan chức giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước tiếp tục bị “đưa vào lò” - vụ xét xử ông Đinh La Thăng, vụ việc MobiFone mua AVG, vụ việc Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng, vụ án liên quan đến các tướng lĩnh cao cấp ngành công an - thể hiện quyết tâm lớn trong việc làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.

Nhưng đằng sau những khối công sản khổng lồ “nghìn tỉ”, “chục nghìn tỉ” bị thất thoát - và đi kèm là hao tổn nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước do sa vào vòng lao lý - vấn đề lớn nhất đặt ra: “chặn tham nhũng từ gốc”, tức “nhốt quyền lực vào lồng” như lời Tổng bí thư hay “kiểm soát quyền lực nhà nước” - từ góc độ khoa học chính trị.

Các “đại án” 2018 góp phần làm rõ thêm 2 vấn đề chính: thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục là “mảnh đất” màu mỡ của tham nhũng công sản. Điểm mới ở đây là: khi nhìn sâu vào cách thức rút ruột tài sản từ các vụ án tại PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), hay cách thức MobiFone (cũng là một DNNN) mua lại AVG - qua việc nâng khống giá trị AVG để chiếm đoạt tiền nhà nước, cách thức tham nhũng đã “tinh vi” hơn rất nhiều.

Nếu trước đây tham nhũng mới dừng lại ở “cắt %” từ dự án, thì rút ruột ở đây đã được nâng cấp lên “phiên bản mới” phức tạp hơn rất nhiều: tạo ra tam giác cấu kết quan chức quản lý nhà nước - DNNN - doanh nghiệp tư nhân thông qua các kịch bản bài bản và tinh vi để tham nhũng tài sản từ DNNN.

Những quan hệ lợi ích chằng chéo giữa các quan chức ở PVN, với Oceanbank, và nhiều doanh nghiệp khác; ở lãnh đạo Bộ Thông tin - truyền thông với MobiFone, với AVG; ở quan chức TP Đà Nẵng với Vũ “nhôm” và với nhiều doanh nghiệp tư nhân.

“Phiên bản tham nhũng mới” này vượt xa tham nhũng “% dự án” truyền thống về mức độ tinh vi bởi các kịch bản rút ruột tài sản nhà nước được chuẩn bị kỹ càng, có lộ trình, có bước đi để vừa che đậy, vừa vô hiệu hóa các quy trình pháp lý và quản lý công sản trong khuôn khổ pháp lý hiện có.

Và hệ quả đương nhiên cũng ghê gớm hơn: “tham nhũng % dự án” dù sao cũng còn “dự án”, còn “công trình để lại”; còn tham nhũng phiên bản mới, những quan chức tha hóa - dưới sự cấu kết của doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, có thể “phá” hoàn toàn doanh nghiệp và công sản chỉ để tư túi một phần khối tài sản khổng lồ đó.

Vấn đề thứ hai cũng được làm rõ hơn, đó là “tư bản thân hữu” - tức sự cấu kết của quan chức tham nhũng với các doanh nghiệp tư nhân - không còn là “bóng dáng” mà hiện diện rõ nét trong các vụ tham nhũng lớn.

Sự liên can của các tướng lĩnh cao cấp nhất trong ngành công an với doanh nghiệp tư nhân (công ty CNC, VTC Online) trong vụ việc game đánh bạc Rikvip là một ví dụ.

Nhưng ngay cả ở khía cạnh mới này - vụ việc Rikvip có thể chỉ mới là phần nổi tảng băng của xu hướng “thân hữu”. Bởi phần chìm, lớn hơn rất nhiều, tác động hơn rất nhiều - đó là các doanh nghiệp thân hữu tác động vào chính sách để trục lợi từ chính sách.

“Tham nhũng chính sách” thông qua tạo ra vị thế độc quyền trên thị trường, ngăn cản cạnh tranh và hưởng lợi từ vị thế độc quyền còn nguy hại cho nền kinh tế hơn rất nhiều so với tham nhũng trực tiếp.

Dù đã nhìn ra “biểu hiện của bệnh” nhưng khó có thể nói, Chính phủ trong năm 2019 đã hiểu đúng “bệnh” và đề ra thuốc chữa. Cải cách bộ máy trong năm 2018 vẫn mới chỉ dừng lại ở giảm biên chế - sáp nhập và sắp xếp lại các đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước.

Các cải cách căn bản hơn để kiểm soát quyền lực vẫn là chủ đề đang “bàn thảo” “thí điểm” ở mức đơn lẻ chứ chưa có tính hệ thống. Đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN để giảm đất của tham nhũng; tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng phân quyền và kiểm soát quyền lực như thế nào - vì thế vẫn là câu hỏi lớn của 2019.

“Cách mạng 4.0” và Chính sách cho nền Kinh tế số

“4.0” là từ ngữ xuất hiện dày đặc trên các cuộc họp, hội thảo và mặt báo trong năm 2018. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là không còn nghi ngờ, nhưng chính sách để đưa Việt Nam lên “con tàu 4.0” lại chưa đủ rõ ràng và nhất quán từ “lời nói” để chuyển thể thành hành động.

“4.0” ở Việt Nam thực chất chính là kinh tế số, là số hóa nền kinh tế và số hóa quản trị, điều hành của các khu vực, cả công lẫn tư.

Trong năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần đầu tiên tổ chức một sự kiện thường niên dành riêng cho khu vực ASEAN và Việt Nam đăng cai sự kiện này. Nhưng tháng 11, khi WEF công bố báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam tiếp tục tụt hạng trong bảng xếp hạng.

Đặc biệt đáng lo ngại: những chỉ số thể hiện nền tảng cho “4.0” - trục chỉ số về năng lực, đổi mới sáng tạo; và trục chỉ số về năng lực quản trị của khu vực công - lại là những chỉ số yếu kém nhất. Đánh giá của WEF hay WB không phải không có lý khi nhìn vào cách thức ứng xử của các bộ ngành với các mô hình “kinh doanh 4.0”.

Bộ Giao thông vận tải vẫn bế tắc và thể hiện tư duy cũ trong dự thảo nghị định 86 sửa đổi, khi muốn quàng thêm gánh nặng quản lý kiểu truyền thống và các loại giấy phép lên đầu taxi công nghệ thay vì khuyến khích các mô hình kinh doanh mới.

Bộ Thông tin - truyền thông cũng gây quan ngại khi đáng lẽ ra nên là bộ tiên phong trong đổi mới chính sách thì dự thảo nghị định 06 sửa đổi tiếp tục đẻ thêm nhiều giấy phép và thủ tục phiền hà để đeo thêm ách cho các doanh nghiệp nội dung số. Nhiều doanh nghiệp start-up hồi hộp với Luật an ninh mạng, với các thủ tục đăng ký và xin phép, chuyện tìm đường sang xứ khác để khởi nghiệp là có.

Còn nhiều ví dụ khác nữa, từ Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước... cho thấy trong khi người đứng đầu Chính phủ và bản thân các bộ trưởng muốn thay đổi, muốn đột phá, nhưng bộ máy quản lý ngành vẫn tư duy cũ, quản lý phân mảnh, cố gắng trì hoãn cải cách để bảo vệ lợi ích cục bộ, thay vì thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Niềm mong mỏi và hi vọng của cộng đồng doanh nghiệp và những người làm kinh doanh chân chính, vì vậy tiếp tục phải “chờ” qua năm 2019. “4.0” trước hết phải là “4.0” chính sách. Bóng một lần nữa nằm trong chân Chính phủ.

Đất đai và hoàn thiện nền kinh tế thị trường

“Thủ Thiêm” là điểm nóng mới nhất về vấn đề đất đai, nối dài những điểm nóng trước đây, và rất nhiều vụ tranh chấp và kiện cáo liên quan đến đất đai của người dân với chính quyền, người dân với doanh nghiệp.

Dù Hiến pháp 2013 đã đề cao nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản cho người dân, trên thực tế đất đai, thứ tài sản lớn, có giá trị nhất với hầu hết người dân, vẫn chưa được bảo vệ một cách trọn vẹn. Quyền thu hồi đất của cơ quan hành chính là gốc rễ dẫn đến rất nhiều xung đột, kéo dài từ nhiều năm qua mà Thủ Thiêm tiếp tục là ví dụ điển hình nữa.

Năm 2018 đi qua, chính sách đất đai - mảnh ghép dang dở của thể chế kinh tế thị trường - vẫn chưa có lời giải trọn vẹn. Và bài toán tiếp tục được chuyển cho năm 2019: một chính sách đất đai mới, chứ không phải chỉ sửa đổi riêng mỗi Luật đất đai, là điều chờ đợi của hàng triệu người dân.

Trông đợi gì cho 2019?

Từ góc độ thể chế và chính sách, các sự kiện và xu thế 2018 quan trọng ở chỗ giúp cho nhiều vấn đề trước đây đang ngầm ẩn trở thành một xu thế rõ ràng: từ kiểm soát quyền lực nhà nước và thu hẹp mảnh đất tham nhũng; cải cách bộ máy nhà nước cả ở trung ương và địa phương; quản trị một nền kinh tế số đang ngày càng trỗi dậy; và hoàn thiện những trụ đỡ của kinh tế thị trường.

Việt Nam không thể đi xa, không thể tiến đến thịnh vượng và phồn vinh nếu không có một nền tảng tốt là thể chế tốt và một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Năm 2018 đã làm rất tốt vai trò dọn đường, dọn dẹp những rào cản của cải cách (là trừng phạt, là đưa các quan chức tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước). Với một tiền đề như vậy, 2019 có thể hanh thông hơn trong việc tăng tốc cải cách thể chế và chính sách, hướng tới một nền tảng bền vững cho phát triển quốc gia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận