Ba điểm nhấn 2017, hai nút thắt 2018

TTCT - Không phải ngẫu nhiên năm 2017 Việt Nam được nâng hạng trong Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới lên thứ 68. Chỉ số về năng lực cạnh tranh năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng được nâng lên năm bậc.

minh họa

Nhìn lại năm 2017, theo tôi, hai điểm nổi bật nhất trong chính sách kinh tế là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc rà soát và sửa đổi quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh; và cải cách khu vực công, trong đó có kinh tế nhà nước.

Hiệu quả thực sự của những bước đi này cần thêm thời gian để kiểm chứng, bởi tác động của các chính sách mới luôn có độ trễ, nhưng có những dấu hiệu tích cực bước đầu được thể hiện.

2017 - năm cắt bỏ

Trong hai năm vừa qua, 2016 - 2017, là khoảng thời gian chứng kiến nỗ lực lớn nhất của Chính phủ trong vòng hơn một thập niên qua về cải cách môi trường kinh doanh thông qua việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

Chính phủ chọn năm 2017 là năm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) và điều đó được thể hiện trong cả tuyên bố lẫn hành động.

Bộ Công thương đi đầu với kế hoạch bỏ 675 điều kiện kinh doanh. Tiếp đó, các bộ khác như Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp phát triển thông thôn cũng đưa ra kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho việc rà soát và cắt bỏ giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính.

Dù chưa thể đánh giá chính xác và toàn diện kết quả, bởi một loạt lĩnh vực kinh doanh lớn đang được sửa đổi hoặc mới hoàn thiện bước đầu: từ xuất khẩu gạo; kinh doanh xăng dầu, khí đốt; kinh doanh ôtô; kinh doanh vận tải... đến kinh doanh in ấn, xuất bản, phát hành; nhưng những tuyên bố chính trị mạnh mẽ ở cấp độ chính phủ và bộ ngành lẫn tốc độ triển khai thực tế các công việc cụ thể là đáng ghi nhận.

Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam, ghi nhận xu hướng lạc quan và niềm tin gia tăng vào môi trường kinh doanh.

Vị trí của Việt Nam trong Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới có bước tiến đáng ghi nhận, khi đi từ vị trí 91 năm 2015 lên thứ 68 trong năm 2017. Thứ hạng trong Chỉ số về năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được nâng lên thứ 55 (so với thứ 60 năm 2016).

Bên cạnh đó, các đường hướng chính sách lớn nhằm thu gọn quy mô, vai trò đi đôi với nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước được xác lập rõ trong năm 2016.

Ba điểm nhấn chính có thể kể đến. Đầu tiên, đó là thu hẹp vai trò kinh tế của lực lượng quốc phòng. Trong năm, đề án sắp và tinh gọn DN quân đội làm kinh tế đã được xây dựng với định hướng giảm số lượng DN quốc phòng; tập trung kinh doanh ở các lĩnh vực cốt lõi gắn với nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời giải thể các DN làm kinh tế đơn thuần trong các lĩnh vực dân sự như xây dựng, thương mại, dịch vụ... 

Quân đội cũng đang là nơi nắm giữ nguồn lực “đất vàng” khổng lồ mà nếu có kế hoạch chuyển đổi thành công, đó sẽ là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế.

Điểm nhấn thứ hai liên quan đến DN nhà nước và thu hẹp đầu tư công. Một loạt dự án “nghìn tỉ” thua lỗ liên quan đến doanh DN nhà nước, mà tiêu biểu là 12 dự án nghìn tỉ “đắp chiếu” được làm rõ và mổ xẻ trong năm, dù chưa đi đến những giải pháp cụ thể để xử lý nhưng tạo ra một đồng thuận về nhận thức về vai trò của DN nhà nước.

Việc thu hẹp, trong đó ở nhiều dự án là tạm dừng, nguồn vốn từ ngân sách đầu tư vào các DN nhà nước; đồng thời song hành cùng nỗ lực rút vốn nhà nước khỏi DN thông qua cổ phần hóa là hai chỉ dấu đáng lưu ý.

Giảm đầu tư và giảm vai trò (Nhà nước không đi bán sữa, bán bia, tức cổ phần hóa Vinamilk, bán Sabeco) là tiền đề quan trọng để thu hẹp quy mô; tập trung vào trọng tâm và nâng tính hiệu quả của DN nhà nước. Và nhìn một cách tổng thể: khi DN quân đội; DN nhà nước rút khỏi thị trường thì tính bình đẳng, môi trường cạnh tranh lành mạnh mới được xác lập, cũng là tiền đề cho khu vực tư nhân trong nước đi lên.

Điểm nhấn thứ ba là chương trình cải cách bộ máy và biên chế nhà nước, trong đó trọng tâm là khối đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhóm này thoạt nhìn không trực tiếp tham gia các hoạt động kinh tế trực tiếp; tuy nhiên thực tế con số khổng lồ 55.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 2 triệu viên chức - tập trung các lĩnh vực dịch vụ trọng yếu gồm giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và dịch vụ công ích khác là cấu thành lớn của lực lượng lao động, sử dụng ngân sách khổng lồ và ảnh hưởng quan trọng đến năng suất và hiệu quả nói chung của nền kinh tế.

Hơn thế nữa, chất lượng bộ máy, thể chế là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng quản trị quốc gia: hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách.

Do đó, nghị quyết trung ương 6 là dấu mốc lớn nhất trong hơn 20 năm qua trong việc xác lập quyết tâm và đường hướng cải cách cho bộ máy hành chính nhà nước, cho khu vực dịch vụ công. Tất nhiên, nghị quyết mới chỉ nêu ra đường hướng; các giải pháp cụ thể hơn cần thời gian tiếp đến để cụ thể hóa rõ ràng và đưa vào thực thi, tuy nhiên, cam kết chính trị đưa ra một lần nữa là cột mốc đáng ghi nhận.

2018 - đóng, mở quyền sử dụng đất

Nhìn về năm 2018, ngoài việc tiếp tục thực thi những hướng chính sách đúng đắn đã đi trong hai năm vừa qua, đặc biệt là các chính sách kể trên của năm 2017, tôi cho rằng trọng tâm ưu tiên là tiếp tục hoàn chỉnh và đi vào chiều sâu thể chế kinh tế thị trường.

Trước hết, cần gỡ những điểm nghẽn cho thị trường các yếu tố sản xuất, trong đó ưu tiên hàng đầu là thị trường đất đai.

Năm 2018, dự tính Luật đất đai sẽ được sửa đổi. Hai vấn đề trọng tâm: (i) đóng quyền thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế của Nhà nước để trả việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa DN - người dân về bản chất dân sự; và (ii) bỏ tiếp cận quản lý đất đai bằng quy hoạch, kế hoạch và khung giá sang các công cụ mang tính thị trường, đồng thời tăng cường sử dụng công cụ thuế tài sản bất động sản để điều tiết.

Nếu “gỡ” được hai nút thắt này, thị trường đất đai sẽ vận hành như một thị trường hàng hóa đúng nghĩa và giải phóng nguồn lực khổng lồ này cho kinh tế; cũng như cởi bỏ những rủi ro xung đột xã hội liên quan đến đất đai đã tích lũy đáng lo ngại lâu nay.

Trên thị trường hàng hóa, song song với việc bãi bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính như đang thực thi, cải cách các thiết chế điều tiết thị trường (regulatory reform) với trọng tâm là nâng cao các chất lượng quy định (regulation), đổi mới cách thức tổ chức và vai trò của các cơ quan điều tiết thị trường.

Nếu không giải quyết được bài toán “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - tức vừa ban hành quy định, vừa đóng vai trò cấp phép của các bộ ngành - những xung đột lợi ích vẫn sẽ tiếp diễn và giấy phép con sẽ tiếp tục nguy cơ tái mọc.

Và cuối cùng, mô hình “đô thị thông minh” đang là xu hướng được theo đuổi ở các địa phương. Lợi ích của ứng dụng công nghệ để phục vụ quản trị điều hành; để nâng cao chất lượng dịch vụ công và phục vụ phúc lợi của người dân là không cần bàn cãi. Nhưng để thành công, mấu chốt lại là bài toán thể chế, trong đó những phân mảnh và xung đột thể chế trong khi thực thi mới là thách thức cần giải quyết.

Những nền tảng cải cách; bao gồm chống tham nhũng, dọn dẹp những cá nhân là rào cản, chướng ngại vật của cải cách; cũng như định hướng cải cách (thu hẹp vai trò kinh tế nhà nước, lấy hiệu quả làm chủ đạo; ưu tiên cho môi trường kinh doanh lành mạnh) đã được xác lập trong hai năm 2016; 2017. Hi vọng những cam kết chính trị đã tuyên bố sẽ được tiếp tục thực thi và cụ thể hóa trong năm 2018 này.■

Đẩy mạnh cổ phần hóa là đúng đắn, nhưng “đất vàng” tiếp tục sẽ là thách thức và là mấu chốt trong bán tài sản nhà nước. Thay đổi cách thức tiếp cận về nguồn gốc tài sản đất đai và xử lý tài sản đất đai là cần thiết để một mặt, đảm bảo “đất vàng” không bị bán rẻ; một mặt khác, tốc độ tư nhân hóa vẫn sẽ được đảm bảo.

Và quân đội, bên cạnh xu hướng triệt thoái khỏi địa hạt kinh tế, cũng đang nắm giữ một khối lượng “đất vàng” khổng lồ ở các đô thị. Huy động được các nguồn lực quý giá này vào hoạt động kinh tế sẽ tiếp thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận