01/06/2008 08:18 GMT+7

Âu lo cho "hai trong một"

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Đó là tâm trạng của nhiều người, trong đó có cả những cán bộ, giáo viên vừa tham gia công tác tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh cảm giác vui mừng về một kết thúc tương đối suôn sẻ của kỳ thi năm nay.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Vẫn còn đó những hạt sạn to tướng: xảy ra những vụ cướp đề thi trắng trợn ngay chốn trường thi, những giám thị "lơ là trách nhiệm" hay "non yếu nghiệp vụ” để lọt lưới một thí sinh (TS) nữ đi thi hộ cho TS nam hay cố tình không lập biên bản khi TS vi phạm…

Rõ ràng những người quan tâm đến chất lượng và mức độ nghiêm minh của kỳ thi được Bộ GD-ĐT gọi là "bản lề" trước khi có một bước đổi mới cực kỳ quan trọng vào năm 2009, không thể không bức xúc trước những hiện tượng như bài thi đủ cả hai chữ ký giám thị lọt ra ngoài, ngoài bì đề môn sinh ruột lại là môn sử, sự bất lực của những thanh tra ủy quyền ở nơi này nơi kia… Tóm lại, những gì từ thực tế diễn ra trong ba ngày thi vừa qua khiến chúng ta chưa thể thật sự yên tâm về cả chất lượng lẫn mức độ tin cậy để kỳ thi này đảm đương cùng lúc hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH.

Đổi mới thi cử, giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém cho xã hội là cần thiết. Chủ trương thi "hai trong một" cũng rất đúng đắn. Nhưng đã thật khả thi trong điều kiện, bối cảnh hiện nay? Trao đổi với chúng tôi sau kỳ thi, nhiều cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác thi đều có chung một mối băn khoăn này. Nếu chỉ để công nhận tốt nghiệp, với sự tập trung đầu tư mọi mặt của toàn xã hội, kỳ thi có thể nói đã đạt yêu cầu.

Nhưng để xét tuyển vào ĐH, CĐ - trong bối cảnh năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục ĐH, mức độ cạnh tranh đầu vào như hiện nay - thì còn rất đáng âu lo. Những gì đáng lo? Đó là mức độ nghiêm túc rất khác nhau, thậm chí quá chênh lệch giữa các địa phương. Sẽ không chỉ là chuyện tỉ lệ, chạy theo thành tích như trước, đây là việc chịu áp lực trực tiếp ảnh hưởng đến "chỗ ngồi" cho con em trong giảng đường ĐH.

Lo cho sự cạnh tranh thi cử giữa TS ở ngay trong cùng một địa phương, với những "đại TS" sẽ được "hỗ trợ" để có kết quả thi thật đẹp, chế độ tuyển thẳng vào ĐH trước đây đã là một ví dụ thực tế. Lo cho khả năng kiểm soát của bộ với hàng ngàn hội đồng thi trong cả nước. Nếu chỉ trông đợi vào "hai không", trông đợi vào sự tự giác của hàng trăm ngàn cán bộ làm công tác thi, hàng triệu TS dự thi, có lẽ tính nghiêm túc đủ đảm bảo cho một cuộc đua lành mạnh vào trường ĐH sẽ là xa vời đối với kỳ thi quốc gia "hai trong một".

Dư luận xã hội đều đồng tình với nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục rằng thi cử rồi sẽ phải đổi mới, không thể duy trì mãi cách thi, cách tuyển như hiện nay. Những người chịu trách nhiệm xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia cũng đã đi tương đối đúng hướng. Nhưng để đề án này khả thi, rõ ràng Bộ GD-ĐT cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn, có những giải pháp hữu hiệu hơn. Nên chăng chúng ta đổi mới thật sự theo hướng mà nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục đã đề xuất: bộ chỉ cần lo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn phần tuyển vào ĐH, CĐ hãy giao cho các trường được tự chủ.

Trong lúc chờ đến thời điểm hệ thống ĐH phát triển đáp ứng tương đối nhu cầu học tập của người dân, có thể thực hiện "mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra", trước mắt khi năng lực đào tạo còn hạn chế, các trường sẽ được chủ động tổ chức tuyển sinh. Kén chọn đầu vào như thế nào, theo phương thức tuyển chọn ra sao cho phù hợp mức độ yêu cầu đào tạo của mỗi trường do hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định. Kết quả thi tốt nghiệp là một căn cứ để xác định đối tượng đủ điều kiện tham gia dự tuyển, nhưng trúng tuyển hay không phải phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực, trình độ thật sự của TS.

Vì thế, năm 2009 thi "hai trong một" như thế nào cũng cần dứt khoát, rõ ràng từ bây giờ.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên