Ẩn ngữ của đối xứng

TRẦN QUỐC TÂN 14/07/2014 23:07 GMT+7

TTCT - Đối xứng là đặc tính kỳ lạ của thế giới, và thế giới sách không phải ngoại lệ. Mỗi câu chuyện là một “lịch sử” nhỏ, được tạo dựng từ một chuỗi ký ức của các đối tượng - nhân vật qua lăng kính của người kể.

Mỗi cuốn sách là một “lịch sử” đầy đặn hơn, soi rọi phần nào thế giới thực. Cũng như có thể hư cấu lịch sử, người ta có thể làm giả những cuốn sách. Và cũng như một tập hợp ký ức, sách là thứ có thể rơi vào lãng quên.

Ta sẽ gặp định mệnh trớ trêu của tạo tác và hủy tàn, sự soi chiếu của thế giới thực trong thế giới sách qua hai tiểu thuyết với những cấu trúc đối xứng khác nhau. Ở Nghĩa địa Praha (Lê Thúy Hiền dịch), Umberto Eco sắp xếp các chương xen kẽ bằng lời kể của hai nhân cách kỳ dị, một trùm mật vụ và một thầy dòng, cùng trải qua mớ mắc mứu lịch sử.

Còn ở Bóng hình của gió (Nghiêm Xuân Hoàng - Võ Hồng Long dịch), Carlos Ruiz Zafón dựng hai cuộc đời tương đồng qua trục thời gian đối xứng: một nhà văn lạc thời chạy trốn khỏi Barcelona trước cuộc nội chiến và cậu thiếu niên tràn đầy tình yêu và lý tưởng lần tìm lại quá khứ sau chiến tranh.

1. Với một chuyên gia mỹ học và nhà sưu tập sách cổ luôn dư dả những câu chuyện như Umberto Eco, Nghĩa địa Praha là nỗ lực có hệ thống nhằm tái hiện quá trình tạo ra tác phẩm giả mạo nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử - “Văn kiện của những bậc cao tăng của Sion”, từng được Đức quốc xã dùng làm cứ liệu để sát hại người Do Thái.

Eco tái lập từng mắt xích, từng bối cảnh liên quan: chiến tranh thống nhất nước Ý, cuộc chiến Pháp - Phổ và sự sụp đổ của Napoléon III, công xã Paris, vụ án Dreyfus, chiến dịch chống dòng Tên và hội Tam Điểm... Nhân vật chính là Simone Simonini, kẻ làm thuê cho nhiều cơ quan mật vụ châu Âu, một điệp viên không được đào tạo bài bản nhưng luôn tỏ ra hiệu quả nhờ một ý thức “đi trước thời đại”: tốt hơn là chẳng có bí mật nào, nhưng cứ làm cho người khác tưởng là ta có.

Ký ức của Simonini giống như một tấm gương soi. Cuộc đời gã mật vụ này tuy không rơi vào cái kết thảm hại như thường thấy ở truyện phản gián, nhưng không thể tránh khỏi rối loạn sau những cơn sang chấn. Hắn tự thôi miên để đối thoại với một nhân cách khác, cha xứ Dalla Piccola, hòng day đi day lại ký ức “huy hoàng”. Những lời kể luân phiên của cả hai được ghi chép trong cùng quyển nhật ký sẽ mở ra một thế giới ngập chìm trong mưu mô.

Có thể thấy thuyết âm mưu xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm với nghi vấn về sự biến mất của các hiệp sĩ Đền thánh vào thế kỷ 14: họ đã xâm nhập vào đội quân những thợ xây nhà thờ cổ, từ đó hội Tam Điểm Anh (Freemasonry) hình thành. Đây cũng là cách nối tiếp khéo léo sở trường về thời trung cổ của Umberto Eco (thể hiện rõ trong Tên của đóa hồng).

Cái thế giới đầy mối lo sợ và nghi ngờ ấy sẽ kết tụ xung quanh một sự thật kinh hãi: “có cả một thị trường bài Do Thái”. Cao trào của những sự việc tự diễn tiến nằm trong thuyết âm mưu ấy là sự ra đời của “Văn kiện”.

Từ một bản thảo nhắc đến cảnh tượng tại nghĩa địa Praha, Simonini “xào nấu” lại tác phẩm hư cấu của Maurice Joly (vốn nhằm đả kích chính phủ Napoléon III) thành một tài liệu xiển dương thế giới Do Thái, khiến người ta hiểu rằng người Do Thái đang mưu toan thống trị thế giới. Thôi thúc gắp lửa bỏ tay người được gã mô tả “cứ như thể đấng toàn năng đã giao cho hắn nhiệm vụ đặc biệt là phá hủy cái dân tộc được lựa chọn ấy” (tr. 384).

2. Còn ở Bóng hình của gió, tấm gương soi là một cuộc nội chiến. Năm lên mười tuổi, Daniel Sempere có được mối hạnh ngộ: cậu được cha đưa đến “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên” - nơi có quy tắc là mỗi thành viên đến lần đầu tiên phải chọn cho mình một cuốn sách. Daniel chọn Bóng hình của gió. Ám ảnh với tác giả bí ẩn, Daniel lần tìm và xâu chuỗi các sự kiện để dựng lại cuộc đời Julián Carax.

Những mối dây của quá khứ soi chiếu cho tấn bi kịch thời hiện tại. Chuyện tình bi ai thời trẻ biến Julián thành kẻ chối bỏ cuộc sống, dành từng phút giây tồn tại để trả thù chính mình. Trong khi nỗ lực lật lại quá khứ của Daniel sẽ gặp phải sự ngăn cản từ Laín Coubert, kẻ lấy tên nhân vật quỷ dữ trong tác phẩm của Julián, săn lùng và đốt tất cả sách của tác giả này còn tồn tại. Mối thâm thù giữa hai nhân vật này sẽ dần được hé lộ qua cách dẫn chuyện khéo léo của Zafón.

Thái độ chối bỏ của Julián cũng chính là vết thương của một thành phố, một Barcelona rơi vào tay nhà độc tài Franco sau sự sụp đổ của phe Cộng hòa năm 1939, nhưng nhiều năm sau vẫn còn rỉ máu và chấn động. Daniel không thể nhớ khuôn mặt mẹ, nhưng ý thức rõ bóng ma của cuộc chiến.

Cuộc gặp gỡ với Clara, cháu gái mù của người trông coi “Nghĩa trang sách”, sẽ giúp cậu soi rọi quá khứ trong lúc lần tìm lại cuộc đời Julián. Daniel tìm thấy sợi dây liên kết giữa cả hai: “Chúng tôi là hai kẻ tị nạn ruổi ngựa dọc theo gáy một cuốn sách, háo hức muốn được náu mình trong những thế giới hư cấu và giấc mơ gián tiếp” (tr.39).

Qua đôi mắt tinh khiết của Clara, Daniel nhìn thấy sự đổ nát và hủy tàn đối chọi với trí tưởng tượng, ánh sáng và tình yêu giằng co với bóng tối và mê muội. Qua “tấm gương” của cuộc nội chiến, tất thảy những điều người ta học được về bản thân mình, về người khác đều trở thành ảo ảnh.

Sự đối xứng qua trục thể hiện rõ ở hình ảnh đầu và cuối tác phẩm: đều là cảnh hai cha con nắm tay nhau đi lúc trời tảng sáng, người con được yêu cầu giữ kín bí mật của họ ngày hôm đó và “biến mất mãi mãi vào trong bóng hình của gió”.

Hai tác phẩm đều chứa đựng cùng một hình tượng trang nghiêm và kỳ bí. Nghĩa địa Praha là nơi có thật, nằm trong quận Josefov vốn là cộng đồng Do Thái lâu đời và thịnh vượng bậc nhất châu Âu, vì thế cũng là lý do ngấm ngầm của sự chia rẽ. Nghĩa trang của Eco là hiện thân của cái chết và sự hủy tàn, cũng là nơi xuất phát của mưu đồ và tham vọng của người sống.

“Nghĩa trang sách” của Zafón là thế giới của ký ức, của niềm hi vọng và mong muốn tái dựng những điều tốt đẹp, là nơi cư ngụ của những thiên thần (như cô gái mù Clara). Bóng hình của gió mà nhân vật Julián viết vẫn tồn tại bất chấp lửa thiêu và chiến trận (“không có gì nuôi nấng sự lãng quên tốt hơn chiến tranh”). Còn “Văn kiện” của Simonini tượng trưng cho giá trị giả mạo, cái ác và sự hận thù - những thứ quá xa xỉ để tồn tại trong thế giới sách.

Cái ác vẫn dư thừa và lẩn quất trong Bóng hình của gió, bởi lẽ “không có gì đáng sợ hơn một kẻ anh hùng còn sống để kể lại câu chuyện của hắn, kể lại điều mà tất cả những người đã ngã xuống bên hắn sẽ không bao giờ có thể kể” (tr.462). Đó là tay thanh tra Fumero, đại diện cho những kẻ tồn tại kể cả khi các chính phủ thay đổi.

Một mặt, Daniel chạy trốn vào trang tiểu thuyết của Julián vì muốn xa lánh những bóng ma tai ác, mặt khác, cho dù Julián nhất quyết xóa bỏ quá khứ, Daniel vẫn tìm cách tái dựng cuộc đời anh qua chuỗi ký ức của những người thân cận, hòng chứng tỏ rằng có những điều không bao giờ bị lãng quên. Những “lịch sử nhỏ” cũng nguyên vẹn và thường hằng như chân lý.

Ẩn trong hai tác phẩm là sự song chiếu trong đời thực: lòng hận thù hâm nóng trái tim, căm hận là cảm xúc nguyên sơ, tình yêu mới là điều bất thường. Nói như một lão người Nga bài Do Thái trong Nghĩa địa Praha: “Ta có thể căm ghét ai đó suốt cả đời, miễn là hắn luôn ở đó mà giữ lửa cho mối căm hận của ta” (tr.382). Bi kịch của Julián nằm ở đó, người anh căm ghét vì đã gây ra chuỗi dấu vết của chết chóc và đau thương này lại là chính anh.

Từ tính chất đối xứng trong hai tác phẩm, một câu hỏi được đặt ra: Liệu hiện thực trong tiểu thuyết có phải một sự đối xứng mang tính cách điệu của đời thực? Liệu sự tổng hòa ký ức của mỗi cá nhân có tạo nên một dòng lịch sử? Liệu mỗi số phận có được chỉ định sẵn? Julián trong Bóng hình của gió xác nhận điều này khi anh từng viết: sự trùng hợp là vết sẹo của định mệnh. Hẳn thế mà con người luôn vừa lo sợ vừa trông chờ định mệnh.

Năm mười bốn tuổi, Daniel gặp lại Clara, và cô hỏi: “Giọng cậu thay đổi rồi [...] Cậu cũng thay đổi rồi chứ, Daniel?”. Clara hơn Daniel mười tuổi, và cô lo sợ sự phù du của số phận. Còn người đọc, họ e sợ hay thật ra trông chờ sự chênh vênh giữa thế giới thực và thế giới sách?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận