Ấn Độ và luật quốc tịch mới: Chứng minh thư của anh đâu?

SÁNG ÁNH 08/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Những chính sách và pháp luật mới về quốc tịch ở Ấn Độ đã làm bùng lên sự chống đối và nguy cơ bạo lực ra sao tại một đất nước quá phức tạp về lịch sử, tín ngưỡng, dân tộc và văn hóa.

Viễn kiến của Gandhi về Ấn Độ là một quốc gia với chính quyền thế tục và dung nạp mọi tôn giáo. Ảnh: The Indian Express
Viễn kiến của Gandhi về Ấn Độ là một quốc gia với chính quyền thế tục và dung nạp mọi tôn giáo. Ảnh: The Indian Express

Anh Imran Khan, 30 tuổi, có tên trùng với thủ tướng Pakistan và một diễn viên Bollywood nổi tiếng, nhưng tên này rất thông dụng, tựa như Nguyễn Văn Ba ở Việt Nam. Anh là người bán hàng rong ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ và đang trên đường về nhà thì bị một đám đông gậy gộc chặn lại tại khu vực Shiv Vihar. 

Họ hỏi anh giấy tờ, vì tuy chứng minh thư Ấn không có ghi tôn giáo nhưng suy theo tên họ thì có thể đoán ra. Tại Ấn không cần thiết phải mang theo chứng minh thư trên mình và nhiều người, nhất là tầng lớp thấp và lao động vơ vẩn, còn không có cả chứng minh thư. Anh Imran không có chứng minh thư để trình cho đám đông.

Họ bèn tuột quần anh ra vì người Hồi (cũng như người Do Thái) thì lúc sinh ra phải cắt bao quy đầu. Anh bị nhận… diện bằng cách này và bị đám đông Ấn giáo đánh đập bằng gậy sắt. Sau trận đòn hội đồng, họ tưởng anh đã chết, bèn thòng dây vào cổ anh kéo đến vất ở một đường mương.

Một lịch sử nhiều đau đớn

Biến loạn suốt hai tuần qua khiến đến ngày 29-2 đã có 47 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, cùng gần 1.000 người bị công an câu lưu khắp nước Ấn Độ. Đây chẳng phải lần đầu nảy sinh hiềm khích sắc tộc - tôn giáo tại Ấn hay tại các xóm mà những người đủ các dân tộc - đức tin sống lẫn lộn với nhau ở Delhi.

Thời kỳ thuộc địa trên khắp tiểu lục địa, “Ấn Độ” là tên gọi cho thực thể duy nhất thuộc Anh Quốc, nay đại khái là lãnh thổ ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Phong trào độc lập quốc gia Ấn từng tìm cách duy trì thực thể này và các lãnh tụ Gandhi cũng như Nehru đã cố gắng giữ tính cách thế tục và đa tôn giáo của quốc gia mới độc lập để giữ người Hồi ở lại.

Nhưng nỗ lực thất bại và Ali Jinnah thành lập một quốc gia riêng cho người đạo Hồi là Pakistan. Một biệt lệ là bang Kashmir, dân chúng đa số đạo Hồi nhưng vương triều theo đạo Ấn, đã chọn ở lại với Ấn Độ hiện đại theo một quy chế đặc biệt. Cuộc chia ly này đẫm máu và trái khoáy: Pakistan năm 1947 gồm hai phần Đông và Tây cách nhau 2.200 cây số, còn Ấn Độ nằm giữa.

Đến 1971, Đông Pakistan - được Ấn Độ ủng hộ - lại tách ra sau một cuộc chiến đẫm máu và trở thành Bangladesh. Mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan từ 1947 trải qua ba cuộc chiến với vấn đề Kashmir vẫn nhức nhối và chưa giải quyết được.

Giai đoạn thế kỷ 16-19, tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm cả một phần Afghanistan ngày nay, thuộc đế quốc Mughal, gốc gác là người Ba Tư - Mông Cổ. Đây là một đế triều huy hoàng và là quốc gia giàu nhất thế giới vào thời của nó.

Đế triều này theo Hồi giáo nhưng cai trị đa số thần dân Ấn giáo một cách không phân biệt và phát triển rực rỡ, điển hình thí dụ là công trình Taj Mahal. Hồi giáo là một phần bản dạng của tiểu lục địa trước khi bị người Anh thôn tính.

Anh Quốc vào năm 1947, khi phải trao trả chủ quyền và độc lập, ủng hộ sự chia cắt tiểu lục địa làm hai để duy trì ảnh hưởng của Tây phương với lối vào/ra tuyến hàng hải yết hầu với dầu hỏa Trung Đông qua các vịnh Oman và Ba Tư.

Ấn Độ độc lập lúc đó nghiêng về phía Liên Xô, Pakistan trở thành đồng minh của Anh - Mỹ, cho đến ngày nay ân oán ngày càng chất chồng, các mối quan hệ ngày càng phức tạp.

Như vậy, mâu thuẫn Hồi - Ấn dai dẳng từ khi các sĩ quan của một quốc gia trước đó thống nhất tại Bộ Tổng tham mưu, nâng chén và hát bài tạm biệt vào năm 1947, người sang Pakistan phục vụ quốc gia mới và kẻ ở lại Ấn.

Vấn đề tự trị, độc lập hay nhập vào Pakistan của bang Kashmir là tranh chấp chính giữa hai quốc gia huynh đệ như trong một gia đình anh em giành giật nhau khoản thừa kế. Có lúc thăng, lúc trầm và năm 2014, ông Narendra Modi của Đảng Ấn giáo quốc gia chủ nghĩa (BJP) đắc cử thủ tướng liên bang.

Lúc làm thủ hiến bang Gujarat, ông từng kích động cuộc biến loạn 2002 tại bang này giữa Hồi và Ấn khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, trong đó 80% là người Hồi. Chính sách của ông tại Kashmir là siết chặt. Năm 2019, sau khi tái cử vinh quang, ông hủy quy chế tự trị đặc biệt của bang này, ban lệnh giới nghiêm và thiết quân luật, dẫn tới mối đe dọa chiến tranh một lần nữa với Pakistan.

20 triệu “dân lậu”?

Ở phía kia tiểu lục địa, tại bang miền đông Ấn Độ Assam, chính quyền Modi cho rà lại sổ kiểm kê quốc tịch (NCR). Đây là danh sách chính thức những người có tư cách công dân Ấn Độ và Assam là một bang nhiều thành phần sắc tộc thiểu số vào loại nhất nước. Kết quả của cuộc kiểm kê mới, theo chính quyền, cho thấy có tới 1,9 triệu dân nhập cư lậu (trong 33 triệu dân).

Bang Assam vốn giáp ranh Bangladesh và từ tận thời thực dân Anh đã là khu vực nhiều thành phần pha lẫn và tự do qua lại. NCR yêu cầu họ phải chứng minh là đã ở Assam trước khi Bangladesh thành lập thì mới được coi là công dân Ấn.

Những người này phần lớn lại thuộc tầng lớp lao động thấp và nông dân, trước giờ không có giấy tờ hộ tịch, sanh con không khai báo hoặc chồng đi làm xa vợ ở nhà không rành thủ tục hay không biết chữ và khai báo nhầm lẫn.

Giờ họ bị coi là dân lậu, thậm chí có gia đình bố mẹ được coi là công dân nhưng các con vẫn “mất tư cách” vì thiếu hay sai sót chứng minh thư hành chánh. Chính quyền Modi đang đòi trục xuất 2 triệu người này, nhưng Bangladesh không chịu nhận.

Chính quyền Ấn Độ bèn tức tốc xây nhiều trại giam để nhốt họ, nhưng bao nhiêu trại mới chứa nổi 2 triệu người? Trong khi chờ đợi một “giải pháp cuối cùng”, 2 triệu người này sống dở chết dở.

Chưa hết, chính quyền cho biết sẽ áp dụng kiểm kê NCR trên cả nước vào năm 2020. Việc này ước tính sẽ khiến 20 triệu người trên toàn quốc lọt sổ quốc tịch. Nếu trục xuất bất khả thi thì chẳng lẽ sẽ xây bằng ấy trại tập trung để giam giữ họ? Dư luận phản đối đồ rằng đây là một chính sách bài Hồi trá hình, vì đa số “dân lậu” thiếu giấy tờ là người Hồi.

Nhà nước bèn cho ra đạo luật tu bổ về quốc tịch (CAA), trao quốc tịch Ấn cho tất cả những người từ Pakistan, Afghanistan hay Bangladesh sang Ấn tị nạn hay sinh sống trước tháng 12-2014. Ngặt thay, CAA kèm theo một điều kiện: dân tị nạn đạo gì cũng được đón nhận, trừ đạo Hồi! Ngoài việc loại trừ một số người Hồi, đạo luật còn tăng số cử tri theo Ấn giáo, vốn đa số bỏ phiếu cho chính quyền Modi, ở nhiều nơi.

CAA chính là điều làm bùng lên những cuộc biểu tình và bạo động, xuất phát đầu tiên từ giới sinh viên. Việc đàn áp họ gây thêm căm phẫn và Đảng Quốc đại đối lập đã nhanh chóng xác định lập trường đứng về phong trào chống đối.

Về cơ bản, đó là hai cách nhìn khác nhau về đất nước Ấn Độ. Một góc nhìn cho rằng đấy là đất nước thế tục và đa tôn giáo (chuyện đa chủng là đương nhiên rồi) thừa kế lịch sử, kể cả những thế kỷ gần đây của đế triều Hồi giáo Mughal, lẫn xa xưa hơn của các tiểu vương Ấn giáo, Sikh và cả Phật giáo.

Góc nhìn thứ hai thì khẳng định đó là đất nước của người Ấn giáo, thừa kế lịch sử gốc 3.000 hay 5.000 năm về trước. Hai cách nhìn này hiện mâu thuẫn trầm trọng. Một bên dựa vào hiến pháp lập quốc 1947 (nhà nước thế tục), còn một bên dựa vào huyền thoại từ thời đồng bằng sông Ấn có vị linh thần ba đầu voi, sáu tay người hiển linh.

Phong trào phản đối NCR và CAA diễn ra dưới nhiều hình thức, từ biểu tình rầm rộ của quần chúng đến biểu quyết của phe đối lập tại quốc hội hay việc tám thủ hiến bang tuyên bố bất hợp tác với chính quyền liên bang trong việc thực thi các luật mới (Ấn Độ có tất cả 29 bang và bảy vùng lãnh thổ đặc biệt).

Tại thủ đô New Delhi, biểu tình nổ ra liên tục. Biến loạn mới đây bắt đầu từ tuần trước, không biết có phải ngẫu nhiên không, trùng với chuyến thăm linh đình của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số quần chúng Ấn giáo, được tăng cường bởi đồng bạn đến từ các bang lân cận thủ đô, võ trang gậy gộc và súng ngắn ào ạt tấn công các cuộc biểu tình, rồi tràn vào cửa hàng, nhà riêng, hội đường Hồi… đập phá.

Phản ứng của lực lượng an ninh nhà nước thì chậm chạp, có nơi cảnh sát còn đồng lõa với thành phần gây rối. Thủ tướng Modi lên tiếng kêu gọi mọi người bình tâm, nhưng vẫn không lên án các hành động bạo lực. Tổng thống Trump là khách, giữ ý giữ tứ không bình phẩm về “chuyện trong nhà” của chủ nhà, mà chỉ khen lấy khen để.

Ông Modi cũng không trực tiếp ra tay. Đạo diễn chính được cho là cánh tay mặt của ông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Amit Shah. Ông Shah đóng vai hô hào và châm dầu vào lửa, để ông thủ tướng được sắm trọn vai không làm chi cả, chỉ mỉm cười hiền hòa. Thật là một kiểu sắp đặt kinh điển. NCR và CAA, như thế, coi như là chuyện đã rồi, và những ngày tới, mâu thuẫn cùng nguy cơ bạo lực ở Ấn Độ sẽ còn chưa thể chấm dứt.■

Năm 1984, biến loạn bài Sikh của những người Ấn giáo chiếm đa số tuyệt đối tại nước này từng khiến 3.350 người thiệt mạng, theo con số chính thức (8.000 -17.000 người chết, nếu theo cộng đồng Sikh).

Người Sikh chiếm 1,7% dân số Ấn (24 triệu), rất dễ nhận diện nếu là nam vì ai cũng phải để râu, không cắt tóc và quấn khăn đầu, khỏi phải tuột quần kiểm tra như với Imran Khan. Ấn Độ là một quốc gia đa chủng tộc và thêm một tầng nữa là đa tôn giáo, tức có thể cùng một chủng tộc và ngôn ngữ nhưng khác tôn giáo, với 80% theo Ấn giáo và 14% theo đạo Hồi. Con số 14% này là 200 triệu người, chỉ sau có Indonesia về mặt công dân Hồi giáo trên thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận