Ấn Độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản

DANH ĐỨC 03/06/2013 20:06 GMT+7

TTCT - Đầu tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Đầu tuần này, đến lượt ông là khách của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Hai chuyến thăm này cho thấy quan hệ tam giác Ấn - Trung - Nhật hiện đang “nóng sốt” như thế nào.

Phóng to
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh phát biểu với các doanh nhân Nhật tại Tokyo trưa 28-5 - Ảnh: Reuters

Trong góc độ thời gian, không thể không nghĩ rằng trước khi đề cập đến quan hệ Ấn - Nhật, ông Singh sẽ “tóm tắt” nội dung cuộc gặp ông Lý tuần trước với ông Abe để cùng đánh giá tình hình thế giới, khu vực và đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc khi mà cả Ấn lẫn Nhật đều cùng là láng giềng của Trung Quốc và đang cùng có những quan hệ vừa hợp tác vừa đối kháng với “người khổng lồ” này, nhất là để xem với một tân thủ tướng mới nhậm chức từ giữa tháng 3, tương lai sẽ như thế nào.

Ấn - Trung ấm hay lạnh?

Việc Thủ tướng Lý gọi điện thoại ngay cho Thủ tướng Singh trong ngày đầu tiên nhậm chức rồi chọn Ấn làm điểm đến đầu tiên trong vòng công du ra mắt thế giới, sau đó mới đến Pakistan, cũng là một chọn lựa làm Thủ tướng Singh hài lòng, như ông phát biểu trong diễn văn kết thúc buổi tiếp ông Lý. Thật ra, trên cõi đời này đâu phải ai cũng ham chiến tranh hơn là ham hòa bình.

Ông nhắc ông Lý: “Ấn Độ và Trung Quốc là hai láng giềng có nền văn minh (lớn) và đã sống trong hòa bình qua mọi thời đại. Trong thời cận đại, chúng ta từng có những dị biệt (tức chiến tranh năm 1962 - PV), song trong hơn 25 năm qua, chúng ta đã xây dựng vững chắc một mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Nền tảng cho sự tăng trưởng không ngừng và sự phát triển quan hệ của chúng ta chính là hòa bình và yên ổn ở biên giới chúng ta. Trong khi tìm ra được một giải pháp sớm cho vấn đề ranh giới, Thủ tướng Lý và tôi đã nhất trí rằng điều đó (hòa bình và yên ổn) phải tiếp tục được bảo toàn” (1).

Chẳng qua do mới trước đó một tháng, tức một tháng sau khi ông Lý lên cầm quyền, căng thẳng đã nổ ra ở biên giới hai nước trong khu vực Ladakh phía tây dãy Himalaya, khi Ấn Độ cáo giác Trung Quốc đã dựng lều ở sâu 12 dặm trong lãnh thổ của Ấn, buộc Ấn phải đáp trả bằng cách điều động thêm quân tới khu vực. Phía Trung Quốc thì chối không hề xâm nhập (2). Thật ra, vụ đột nhập “cắm dùi” này là một bài bản quen thuộc của Trung Quốc áp dụng ở khắp nơi: thượng tầng thì ăn nói huê mỹ, hữu nghị, trong khi hạ tầng thì làm càn. Vụ “cắm dùi” mới mẻ này càng khiến ông Singh bực dọc khi xảy ra chỉ một tháng sau khi ông Lý nhậm chức như là một động tác “nắn gân” Chính phủ Ấn Độ.

Ông Singh đã thẳng thắn lôi chuyện này ra nói với ông Lý, và sau đó thuật lại trong diễn văn kết thúc cuộc gặp, trước mặt ông Lý, không chỉ kể sơ mà kể chi tiết, thậm chí rất chi tiết: “Tôi cũng đã nhắc lại với Thủ tướng Lý các mối quan ngại của Ấn Độ về tác động của những hoạt động của cư dân (Trung Quốc)... nơi các dòng sông hai bên cùng chung... Tôi hài lòng rằng chúng tôi đã nhất trí mở rộng hợp tác trên các dòng sông xuyên biên giới. Hợp tác với nhau như thế sẽ có ích cho việc hai bên hiểu biết hơn về những bức bách đối với hệ thống sinh thái cùng chung trên dãy Himalaya”.

Rồi ông kết luận về cuộc gặp: “Chúng tôi cũng đã điểm lại các bài học từ sự cố gần đây ở khu vực phía tây đó, sau khi các cơ chế hiện có đã chứng tỏ giá trị của chúng (như thế nào). Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đại diện đặc biệt của chúng tôi xem xét có thể thêm các biện pháp cần thiết nào nữa hay không, hầu có thể duy trì hòa bình và yên ổn dọc biên giới. Chúng tôi đã nhất trí rằng các đại diện đặc biệt ấy sẽ sớm gặp nhau để tiếp tục thảo luận, tìm kiếm một thỏa thuận khung sớm cho một giải pháp công bằng, hợp lý và hai bên cùng có thể chấp nhận được”.

Dành đến 302 chữ cho vấn đề “làm sao tiếp tục sống hòa bình và yên ổn” trong một bài diễn văn ngoại giao chỉ 695 chữ, ông Singh đã cho thấy Chính phủ Ấn Độ muốn gì nơi ban lãnh đạo mới Trung Quốc, đồng thời cho thấy cách người Ấn ăn nói và hành xử với người Trung Quốc. Tất nhiên, hai bên cũng bàn đến tăng cường thương mại, hợp tác kinh tế, cả lô hợp đồng đã được ký kết, song ông Singh cũng đã cho thấy rằng điều kiện để buôn bán song phương được bình đẳng là không thể không bình đẳng trong vấn đề tiên quyết là chủ quyền, không chỉ chủ quyền lãnh thổ như các vụ việc nêu trên mà chủ quyền ngoại giao khi ông Singh bác bỏ yêu cầu của ông Lý muốn Ấn Độ tuyên bố hậu thuẫn lập trường của Trung Quốc về biển Đông là chỉ đàm phán song phương giữa các nước trong cuộc.

Ấn - Nhật xa hay gần?

Nếu như Ấn Độ đang “kẹt” vụ người Trung Quốc dựng lều ở sâu 12 dặm trong lãnh thổ Ấn, thì Nhật từ hơn một năm qua cũng “kẹt” vụ Senkaku sau khi Chính phủ Nhật mua lại mấy hòn đảo này từ tay một gia đình người Nhật có bằng khoán từ mấy đời, tàu và máy bay Trung Quốc không ngớt ra vô thách thức. Chính điểm tương đồng đó đã dẫn đến việc ông Singh quyết định kéo dài chuyến thăm Nhật thành ba ngày thay vì chỉ hai ngày như đã định trước đó. Báo chí Ấn Độ đánh giá là để tỏ thái độ mạnh mẽ trước việc Trung Quốc lấn vô trong lãnh thổ tận 12 dặm từ hôm 15-4 mà vẫn chưa chịu rút ra (3).

Trong thực tế, giữa Ấn và Nhật từ lâu đã có cơ chế gặp thượng đỉnh hằng năm. Cuối năm ngoái lẽ ra đã họp, song do ông Abe mới lên cầm quyền nên dời đến bây giờ. Bản thân ông Abe, vốn từng giữ chức thủ tướng vào năm 2006, rất mặn mòi với việc tăng cường quan hệ Nhật - Ấn. Dạo đó, ông Abe từng dự báo rằng quan hệ Nhật - Ấn có khả năng qua mặt quan hệ Nhật - Mỹ và Nhật - Trung.

Mới đầu tháng 5, Phó thủ tướng Nhật Taro Aso sang thăm Ấn và trích lại lời ông Abe rằng một nước Nhật hùng mạnh chính là trong lợi ích tốt nhất cho Ấn Độ, ngược lại một Ấn Độ hùng mạnh cũng là trong lợi ích tốt nhất của Nhật Bản. Về phần mình, ông Aso đã phát biểu như sau: “Ấn Độ chung biên giới đất liền với Trung Quốc, còn Nhật Bản thì tiếp giáp trên biển với Trung Quốc. Trong lịch sử 1.500 năm qua, Nhật Bản chưa từng có quan hệ suôn sẻ với Trung Quốc” (4).

Trả lời một câu hỏi của báo chí Nhật về quan hệ Ấn - Nhật, Thủ tướng Singh cho biết: “Tôi nhận thấy cả ở Ấn lẫn ở Nhật đều cùng nhất trí rằng hai nước chúng ta phải có một mối quan hệ chiến lược và toàn diện. Chính vì thế, tôi nỗ lực sử dụng chuyến thăm này để tăng cường mối quan hệ đó, trong đó bao gồm nỗ lực tiến đến một hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân” (5).

Trả lời một câu hỏi khác của báo chí Nhật về các bước cần thiết đối với Ấn Độ và Nhật Bản cho việc tăng cường an ninh hàng hải trước mối đe dọa hàng hải từ Trung Quốc, ông Singh nhấn mạnh: “Ở chỗ nào có tranh chấp, các tranh chấp đó cần được giải quyết một cách hòa bình qua đàm phán. Điều đó là thiết yếu cho hòa bình và ổn định trong khu vực chúng ta. Hợp tác và phối hợp hàng hải giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã gia tăng. Hai bên năm ngoái đã phát khởi diễn tập hải quân chung, đã khởi sự một cuộc đối thoại mới về các vấn đề hàng hải, kể cả về các thách đố hàng hải. Các hoạt động này không nhằm chống bất cứ một nước thứ ba nào, mà là để phát triển lợi ích chung của hai bên”.

Trước mắt, Nhật đang thu xếp thủ tục pháp lý để bán cho Ấn Độ ít nhất là 15 thủy phi cơ US-2 do Nhật sản xuất, có tầm bay xa đến 4.700km và có thể hạ cánh xuống biển khi sóng cao đến 3m.

Có khi bà con xa không bằng láng giềng gần, nhưng lắm khi bà con xa lại tìm đến nhau.

____________

(1): Media Statement by Prime Minister during the State Visit of Chinese Premier H.E. Li Keqiang to India, May 20, 2013.
(2):
http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324767004578490312055092782.html
(3): http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2013-05-05/india/39041980_1_pm-shinzo-abe-pm-manmohan-singh-diaoyu
(4): http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/japan-never-had-smooth-ties-with-china-d/664060.html
(5): http://www.4-traders.com/news/Prime-Minister-s-Office-of-India-PM-s-interview-with-the-Japanese-Media--16908548/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận