Ấn Độ: Đỉnh cao và vực sâu trong cuộc chiến chống COVID-19

XUÂN MINH 06/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai được ví như một cơn “sóng thần” đang tàn phá khắp Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25-4 thừa nhận COVID-19 làm rung chuyển đất nước, thử thách sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng của mỗi người dân.

Bà Vidhya Devi, nằm thở oxy miễn phí bên ngoài đền thờ Gurudwara, thành phố Ghaziabad, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

 

Những “kỷ lục thế giới” buồn

Theo công bố của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 26-4, trong vòng 24 giờ trước đó, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này có thêm 352.991 ca dương tính mới với COVID-19, 2.812 người chết. Đây là ngày chết chóc nhất từng xảy ra ở quốc gia này, phá vỡ những con số trước đó không lâu. Hơn 17 triệu người dương tính với COVID-19 và tổng số 195.123 người chết từ đầu dịch đến nay.

Trang Indian Express cho biết nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 chết tại nhà, không có may mắn được nằm vào giường bệnh. Ở Kolkata, cụ Sandha Rani Pal, 68 tuổi, qua đời tại nhà mình lúc 20h ngày 22-4 sau 3 ngày khởi phát sốt. 

Gia đình cụ cho biết họ đã gọi đến số điện thoại hỗ trợ của chính quyền nhưng không có bất kỳ thông tin nào về giường bệnh còn trống. Sau khi cụ Pal chết, gia đình liên lạc với điều phối viên về COVID-19 ở địa phương và đưa thi thể cụ đi hỏa táng vào khoảng 12h30 ngày hôm sau.

Hình ảnh cho thấy nhiều người phải chăm sóc người thân ở hành lang bệnh viện, tệ hơn nữa là ngoài đường, trong khi chờ đợi có một chiếc giường trống. 

Bà Vidhya Devi, 70 tuổi, nhiễm virus nhưng thay vì được nhập viện, bà phải đến một đền thờ đạo Sikh để được hỗ trợ thở miễn phí. Ngồi trên ghế sau xe, bà được các tình nguyện viên đo nồng độ oxy trong máu và được cho thở oxy ngay trên xe. 

Theo Reuters, COVID-19 đã cho thấy một thảm họa nhân đạo ngay trên đường phố trong bối cảnh bệnh nhân chờ chết ngoài đường, các bệnh viện đều quá tải và cạn nguồn khí oxy.

Người dân sống ở các khu ổ chuột là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát hiện nay. Vấn đề vệ sinh và việc sinh sống trong môi trường đông đúc, chật chội được ngầm hiểu là nguyên nhân góp phần tạo ra sự lây lan và làm tình hình càng thêm trầm trọng.

Tương phản với người nghèo, giới nhà giàu ở Ấn Độ đang trong một cuộc đua khác: thuê những chuyến bay tư nhân, máy bay nguyên chiếc để tháo chạy sang Anh và các quốc gia khác trước khi các nước này đóng cửa biên giới với công dân Ấn Độ. 

Theo báo Times of India, mỗi chuyến bay có giá khoảng 74.000 bảng Anh, nhưng cầu nhiều mà cung thì ít. Người phát ngôn của Cơ quan hàng không dân sự Anh cho biết họ nhận được nhiều yêu cầu từ các hãng hàng không bên ngoài nước Anh để thực hiện các chuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ sang Anh trong tuần qua. 

Tuy nhiên, theo thỏa thuận song phương của hai quốc gia, mỗi tuần chỉ có 15 chuyến bay loại này được cấp phép. Vì vậy, rất nhiều yêu cầu đã bị từ chối. Ấn Độ đang nằm trong “danh sách đỏ” của Anh, điều này có nghĩa chỉ những người được phép cư trú mới có thể đến Anh nhưng cũng phải đảm bảo cách ly bắt buộc 10 ngày tại những khách sạn đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Người phụ nữ mất chồng do COVID-19 được người thân an ủi bên ngoài một bệnh viện ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ ngày 26-4.-Ảnh: REUTERS

 

Vì sao ca nhiễm tăng đột ngột?

Nhìn vào các con số thống kê, khó mà giải thích tại sao Ấn Độ lại thất thủ trước COVID-19 vì nước này từng có lịch sử chống dịch khá thành công. 

Phân tích trên tập san y khoa British Medical Journal cho biết số ca nhiễm mới hằng ngày ở Ấn Độ lập đỉnh rồi rơi từ mốc 97.000 ca/ngày (tháng 9-2020) xuống khoảng 10.000 ca/ngày (tháng 1-2021). Tình trạng này duy trì trong tháng 1 và 2-2021 nhưng đảo chiều đột ngột và mạnh vào tháng 3-2021.

Ngày 27-3 Ấn Độ có 62.632 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ 10-2020. Lúc này, Ấn Độ có 12 triệu ca nhiễm và 162.000 người tử vong do COVID-19. Từ tháng 10-2020 đến tháng 1-2021, số người chết giảm khiến người dân có cảm giác nguy hiểm đã hoàn toàn qua đi. 

Tâm lý tự tin thái quá còn được củng cố với những khẳng định của một số chuyên gia và nhà chính trị gia rằng Ấn Độ đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng - một kết luận quá vội vàng.

Trong vòng chưa đầy một tháng kể từ 27-3, dường như mỗi ngày trôi qua khiến quốc gia này chìm sâu hơn vào đêm trường COVID-19. Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các bang tập trung kiểm soát nghiêm ngặt về sức khỏe cộng đồng bao gồm tăng cường kiểm tra, truy vết và tiêm chủng.

Ấn Độ cũng nhận ra nguyên nhân gây nên làn sóng dịch bệnh thứ hai trong nước là tâm lý mệt mỏi do phải sống chung với đại dịch quá lâu. Người dân Ấn Độ gần như “buông súng”, mất cảnh giác và hành động như chưa hề có đại dịch trong nhiều thời điểm.

Nếu có một từ có thể diễn tả những gì có thể đã góp phần dẫn đến thảm họa tàn khốc hiện nay thì đó là từ laaparavaahee, trong tiếng Hindi có nghĩa là “bất cẩn”, thuộc trách nhiệm cá nhân lẫn xã hội. Ở phương diện cá nhân, nhiều người đã không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn. 

Ở phạm vi xã hội, đó là việc thiếu vắng các quy định và một số biện pháp để đảm bảo thực thi các quy định khác ở công sở và không gian công cộng. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và chính trị cũng góp phần trực tiếp vào sự bùng phát đại dịch, tạo ra các sự kiện siêu lây nhiễm.

 Các đảng phái chính trị đã bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc vận động bầu cử cấp bang khổng lồ - bao gồm cả một cuộc vận động của Thủ tướng Narendra Modi - ở Tây Bengal. Chính phủ đã bảo vệ quyết định tiếp tục bỏ phiếu, diễn ra theo từng giai đoạn, nhưng cơ quan bầu cử của Ấn Độ hiện đã cấm các cuộc vận động tranh cử. 

Các lễ hội tôn giáo như lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Hầu hết những người tụ tập trong các sự kiện và lễ hội không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội.

Một trong những nguyên nhân nữa là biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Làn sóng dịch thứ hai của Ấn Độ trùng với sự lan rộng của biến thể lần đầu được phát hiện ở Anh. Một báo cáo gần đây cho thấy 81% trong số 401 mẫu mới nhất do bang Punjab được gửi giải trình tự gen có sự hiện diện của biến thể Anh.

Ngoài ra, một biến thể đôi đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tìm hiểu cũng góp phần vào sự gia tăng của số ca nhiễm mới mỗi ngày. Các chuyên gia lo rằng có thể biến thể này đã dẫn đến tốc độ lây bệnh kinh hoàng ở nhiều bang và trên khắp cả nước.

Biến thể đôi, đặt tên B.1.617, chứa hai biến thể độc lập của virus corona là E484Q và L452R. Tại Mỹ, đột biến L452R (một trong hai đột biến con có mặt trong biến thể đôi B.1.617) đã được ghi nhận làm tăng khả năng lây virus khoảng 20% và làm giảm hiệu quả của kháng thể xuống hơn 50%.

Theo trang outbreak.info, giải trình tự gen cho thấy tỉ lệ phổ biến trung bình của biến thể đôi nói trên là 52% số mẫu (được giải mã vào tháng 4-2021) so với hầu như 0 ở thời điểm tháng 1-2021. 

Ông Anurag Agrawal - giám đốc Viện Nghiên cứu gen thuộc Hội đồng Khoa học và công nghiệp nhà nước, đơn vị tiến hành giải trình tự gen của virus - cho biết tại một số quận ở bang Maharashtra, một trong các tâm dịch ở Ấn Độ hiện nay, mức độ phổ biến của biến thể đôi là hơn 60%.

William A. Haseltine, cựu giáo sư tại ĐH Y Harvard, viết trên Forbes ngày 12-4: “Biến thể B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ có tất cả các dấu hiệu của một loại virus rất nguy hiểm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để xác định sự lây lan của nó và kiềm chế nó”.■

Hạ tầng y tế yếu kém

Ngành y tế ở Ấn Độ không được trang bị đầy đủ để đối phó với sự gia tăng chưa từng có tiền lệ về số ca mắc COVID-19 hiện nay. Đại dịch càng cho thấy việc thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng y tế đã khiến người dân mọi tầng lớp phải trả giá. 

Theo phân tích của tổ chức Fitch Solutions (tổ chức thực hiện các báo cáo sâu giúp các cơ quan, tổ chức có đầy đủ thông tin để ra quyết định), mặc dù đã trải qua nhiều lần cải cách về y tế, Ấn Độ vẫn chưa đủ khả năng để đối phó với làn sóng dịch tồi tệ như hiện nay.

Quốc gia này chỉ có 8,5 giường bệnh/10.000 dân và 8 bác sĩ/10.000 dân (khuyến cáo của WHO là 30 giường bệnh/10.000 dân và 10 bác sĩ/10.000 dân). Cơ sở vật chất, thiết bị y tế trong lĩnh vực y tế công thiếu thốn, kém hiệu quả càng khiến nó không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Hơn 80% dân số của Ấn Độ không có bảo hiểm y tế tốt và khoảng 68% không có khả năng hoặc chỉ được tiếp cận rất hạn chế với các loại thuốc thiết yếu. Mức chi tiêu công cho y tế thấp là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng dịch vụ y tế chất lượng kém, thiếu và yếu khiến Ấn Độ bị “thất thủ”.

Theo các số liệu cập nhật, Ấn Độ đã tiêm vắcxin cho hơn 140 triệu dân trong nỗ lực chặn đứng chuỗi lây truyền của virus.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận