Alex - Vòng quay của tội ác và sự thật

TRẦN PHƯỢNG LINH 27/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - Với Alex, văn chương đang đặt người đọc trước hàng loạt tra vấn về nhận thức!

Bìa sách Alex
Bìa sách Alex

1Ai có thể nói điều gì là thật, điều gì là không chứ, chỉ huy! Với chúng ta, điều cốt yếu không phải là sự thật mà là...”. Trong bối cảnh hậu hiện đại và toàn cầu hóa hôm nay, khi hàng loạt hệ giá trị đang trải qua sự thách thức, chuyển dịch và tái cấu trúc; khi những định mức về đạo đức như tội lỗi, cái ác, bạo lực... đã xuất hiện trong những hình thức mới và những dấu hiệu tinh vi hơn, phức tạp hơn; khi thế giới đầy rẫy bất trắc và đảo chiều, thì văn chương cũng đặt người đọc trong hàng loạt tra vấn về nhận thức.

Với dạng thức trinh thám đương đại, Alex đặt ra những câu hỏi xoáy vặn mang tính bản thể: đâu là sự thật hay tất cả chỉ là cái - diễn - giải; liệu tội ác và đạo đức có thể được nhìn dưới góc độ đa chiều? Hơn nữa, trong thế giới hiện nay, những dấu hiệu của tội ác, bạo lực và chấn thương phải chăng nên được xem xét bằng chiều sâu nhân bản thật sự, khi nó hiện diện đầy rối loạn và mơ hồ.

2 Alex là tên tác phẩm, đồng thời là tên thật của một trong hai nhân vật trung tâm. Nữ chính - Alex - xuất hiện mở đầu với những dấu hiệu thông thường: trẻ trung, hấp dẫn và tự ý thức được sự hấp dẫn của mình.

Cô bị cuốn vào một vụ bắt cóc - hành hạ với tính chất dã man và khổ hạnh đặc biệt. Từng ngày, cô phải đối mặt với nỗi bàng hoàng về sự tê liệt của ý thức sống, của cảm giác bị đày đọa tiến dần tới cái chết.

Song hành với điểm nhìn từ phía Alex, câu chuyện đồng thời diễn tiến dưới nhãn quan của Camille - một điều tra viên kinh nghiệm nhưng gặp những chấn thương tâm lý nhất định.

Những tưởng Alex là câu chuyện về một cuộc giải cứu nạn nhân bắt cóc, song, với cả Camille, cả đội điều tra lẫn độc giả, đó dường như chỉ là sự khởi đầu - khởi đầu của một cuộc hành trình đầy bàng hoàng và thách thức để đi tìm sự thật, bản chất của sự thật và cách ứng xử với sự thật - như một lựa chọn đầy đánh đố về nhân bản.

Đâu là nạn nhân, đâu là thủ phạm, đâu là người giải cứu, đâu là người được giải cứu và cuối cùng: làm sao để nhìn nhận và xem xét một tội ác thật sự?

Có thể nói Alex là câu chuyện mang nhiều điểm khác biệt với hình thức trinh thám cổ điển, vốn luôn đặt hạt nhân câu chuyện tại một vụ án và nhiệm vụ của người phá án lẫn người đọc là bóc tách dần từng gợi ý/dấu hiệu để phá giải bí mật và tìm ra hung thủ thật sự.

Hung thủ sẽ quy kết về một tội ác lớn nhất làm nên ý nghĩa và bản chất cho vụ án đó. Tuy nhiên, trong Alex, vì điểm nhìn được đặt đa chiều và song hành cả từ Camille lẫn Alex, từ người phá án lẫn nhân vật trung tâm của vụ án, nên sự kiện và tình tiết liên tục chuyển dịch trong tiến trình mở ra và hoài nghi, khẳng định và phủ định.

Pierre Lemaitre, chủ nhân giải Goncourt năm 2013, vốn là nhà văn quen thuộc với hàng loạt tác phẩm trinh thám. Trong đó, Alex là tiểu thuyết đầu tiên của ông thuộc thể loại này được chuyển ngữ sang tiếng Anh và lập tức tạo tiếng vang. Nó đánh dấu bước trỗi dậy của dòng tiểu thuyết trinh thám Pháp sau một thời gian chìm lấp dưới làn sóng các tác giả Anh - Mỹ.

3 Vì vậy, Alex là trinh thám nhưng đồng thời cũng là sự tự hoài nghi trinh thám khi tra vấn không ngừng những hệ quy chiếu về nhân tính và đạo đức của loài người.

Nó có thể là một câu chuyện gây chấn động về những tội ác kinh hoàng; nó cũng có thể là bi kịch về tình trạng lạm dụng tình dục và hành vi báo thù; nó cũng đồng thời chứa đựng những câu hỏi và sự thông cảm sâu xa cho những chấn thương tinh thần, cho tình trạng bạo lực mà con người chịu đựng.

Alex, ngoài ra, còn là câu chuyện về cách thức người ta đối xử với cơ thể mình và cơ thể kẻ khác, khi Camille lẫn Alex đều là những nạn nhân nhất định của tình trạng bạc đãi thân xác, và vĩnh viễn về sau này, chính họ phải gánh chịu những chấn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Họ hoán đổi cho nhau từ vai người gây án/người phá án đến vai nạn nhân. Điều này cho thấy tính lưỡng khả của sự thật trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn và đa chiều như hiện nay.

Trong hành trình đi tìm sự thật về vụ án, về tội ác lẫn về bản thân mình của cả Camille lẫn Alex, họ đồng thời cũng đã đối diện với những góc khuất tâm lý, đã để cho những chấn thương trong tâm thức mình lên tiếng và tìm cách hóa giải, tìm cách thoát khỏi nỗi ám ảnh về những tội ác mà mình là nạn nhân.

Rốt cuộc thì, dường như, với Pierre Lemaitre, Alex là một bi kịch của chấn thương hơn là một câu chuyện của tội ác, và rằng những chấn thương từ tội ác, từ bạo lực, từ sự vô cảm có thể hủy hoại con người ta, hủy hoại thế giới này đến mức độ trầm trọng và sâu xa như thế nào.■

(*): Alex, Pierre Lemaitre, xuất bản năm 2011, Cao Việt Dũng chuyển ngữ, Nhã Nam phát hành năm 2015.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận