TTCT - Xem chương trình “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” trên truyền hình hôm rồi có câu hỏi: “Bạn hãy cho biết tổ máy số 8 của thủy điện Hòa Bình hòa vào mạng lưới điện quốc gia vào ngày tháng năm nào?”.

Phóng to
Minh họa: Viip

Tất nhiên người viết nghe câu này cũng không tài nào trả lời được và cũng đoán mò là chắc chắn người chơi và em học sinh lớp 5 đó cũng không trả lời được. Nhưng thật ngạc nhiên, em học sinh trả lời đúng y đáp án.

Cũng bình thường nếu xem đây là một trò chơi có kịch bản được sắp đặt. Nhưng câu chuyện này gợi mở chủ đề nóng bỏng của xã hội hiện nay về cách thức chúng ta giáo dục trẻ em. Trả lời được câu hỏi này, em có thông minh không? Học thuộc lòng và sự thông minh khác nhau hoàn toàn.

Câu chuyện này làm tôi nhớ đến chuyện đi học ngày xưa. Học sinh cấp II khi đi thi thì phải học thuộc lòng “Trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân, dân và quân ta đã tiêu diệt được xxx tên lính mỹ, bắn rơi yyy máy bay và zzz xe tăng...”. Học sinh phải học thuộc lòng từng câu từng chữ trong sách giáo khoa thì mới có thể làm đúng và đạt điểm cao. Tuy nhiên học xong rồi quên hết và trả lại toàn bộ cho thầy cô.

Nếu bạn hỏi tôi rằng lịch sử chúng ta có đáng trân trọng không, câu trả lời dĩ nhiên là có. Lịch sử dân tộc nào cũng đáng được trân trọng. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có tình yêu nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc cũng nằm ở đó, chẳng thể mất đi. Có điều, tôn trọng môn lịch sử, hay yêu đất nước nơi mình sinh ra, không có nghĩa là bạn có khả năng ngồi học thuộc lòng từng câu chữ trong sách giáo khoa với chằng chịt con số.

Hệ lụy của một nền giáo dục học thuộc lòng là làm người học trở nên thụ động và thiếu rất nhiều kỹ năng. Sinh viên đại học hầu như khả năng viết cực yếu, hậu quả của việc học văn học thuộc lòng trong giai đoạn trung học phổ thông. Sinh viên chúng ta kém kỹ năng trình bày trước đám đông do nội lực và khả năng sử dụng ngôn ngữ kém (hệ quả của ít đọc sách).

Cách dạy học thuộc lòng cũng làm người học trở nên kém sáng tạo khi quen với việc bảo gì làm nấy mà không có chính kiến của mình. Học sinh và sinh viên có thói quen tuân thủ tuyệt đối ý kiến của thầy cô đưa ra mà quên cách tư duy và suy luận trong một vấn đề. Vì thế, sinh viên ít khi nêu chính kiến của mình trước các vấn đề.

Và cuối cùng là cách dạy học thuộc lòng cũng làm người học mất đi sự đam mê việc học tập. Nếu mất đi sự hứng thú thì mục tiêu duy nhất của việc học là chỉ để thi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận